Tác phẩm (Ký Ức Sơ Sài) của nhà giáo Nguyễn Anh Khiêm, có ghi lại một câu nhận định của bạn bè tác giả về nơi sinh trưởng của ông: “Này, tao nói thật nghe, Quảng Nam mày mười thằng thì tao thấy hết chín đứa liều mạng rồi. Nói thế cũng không đúng hẳn, tao thấy thật ra là … chín thằng rưỡi!”
Tôi cũng quen biết đâu chừng vài chục ông/bà Quảng
Nam. Nhận xét của tôi về họ thì hơi khác: mười người chỉ cỡ tám kẻ
liều mạng mà thôi, hai còn lại thì cẩn trọng và dè dặt hơn (chút
xíu) nhưng cũng sẵn sàng bán mạng hay liều mình – khi cần.
Nguyễn Chí Thiệp (NCT) thuộc loại này.
Ở trang bìa sau của cuốn Trại Kiên Giam – do Sông Thu
xuất bản lần đầu, năm 1992 – tôi thấy in dòng chữ sau: NCT sinh năm 1944
tại Quảng Nam, tốt nghiệp Học Viện Quốc Gia Hành Chánh 1965 – 1969,
trường Bộ Binh Thủ Đức 1966, Chính Trị Kinh Doanh Đà Lạt 1970…
Tác giả – rõ ràng – không phải là kẻ liều lĩnh mà
là mẫu người của cửa Khổng sân Trình, với tâm niệm tu thân/tề
gia/bình thiên hạ. Tuy thế, thay vì theo đúng lời dậy của Khổng Tử (nguy
bang bất nhập loạn bang bất cư / không vào nước lâm nguy,
không ở nước loạn lạc) cho nó chắc ăn thì NCT lại hành xử khác
hẳn. Liều lĩnh hơn thấy rõ!
Dù là một công chức cao cấp của chính quyền miền
Nam nhưng ông không chịu di tản ra nước ngoài, và cũng nhất định không
chịu “đi trình diện học tập” (như bao kẻ khác) sau khi vùng đất này
thất thủ.
Đã thế, NCT còn tính “vào bưng” luôn nữa chớ – theo
như lời của chính ông, qua tác phẩm thượng dẫn: “Có người móc nối tôi
vào tổ chức Phục Quốc, nhưng tôi từ chối vì biết không thể hoạt động ở nội
thành – vào bưng để chiến đấu thì không có tổ chức nào có mật khu. Có lần tôi
lên Dốc Mơ, để được đưa vào mật khu, không thành …”
Chả trách, NCT bị bắt với tội danh (“tham gia tổ chức
phản cách mạng”) tuy không hoàn toàn chính xác nhưng cũng chả oan ức gì
cho lắm. Vào tù không lâu, ông đã gặp ngay giáo sư Đoàn Viết Hoạt –
một nhân vật cũng vô cùng liều lĩnh dù không hề dính dáng chi đến
Quảng Nam – và hai người lại “rù rì” tính chuyện tiếp tục … vá
Trời :
“Chúng tôi mong được đóng góp và chia sẻ với những anh em trẻ
bị bắt trong các tổ chức phục quốc. Giúp họ thêm một phần hiểu biết, cộng với
nhiệt tình của tuổi trẻ và lòng căm thù sâu sắc với Cộng sản, để trước hết là
những ngày tù không trở nên vô ích, không bị hủy hoại tinh thần trí óc bởi sự
nhàn rỗi…
Thứ nữa, để anh em hiểu biết rằng là tại sao mình chống Cộng
và mình chống Cộng để xây dựng cái gì cho đất nước – Lòng căm thù là một động lực
để có hành động chống Cộng, nhưng lòng căm thù chưa đủ, và lòng căm thù lại
càng không thích hợp cho sự xây dựng…
Về sau vì số các em càng đông, không thể ngồi nói chuyện được,
anh em đề nghị làm tài liệu viết… Chúng tôi bắt đầu phổ biến tài liệu viết, đặt
tên là tập ‘Rèn Luyện.
Thể thức phổ biến là lập các địa điểm hộp thư tại sân khấu hội
trường, anh em thân thiết tin cậy được chỉ những hộp thư đó, đọc xong để lại và
thống nhất cách khai nếu bị bắt, khai là lượm được tò mò đọc chơi không biết của
ai.
Những anh em có nhiệm vụ ‘lên khuôn’ cố gắng viết chữ in và
tránh nét chữ quen thuộc của mình để tránh điều tra phát hiện. Tài liệu ‘Rèn
Luyện’ được duy trì cho tới tháng 3-1979, đa số anh em chuyển trại vào khu nhà
xây mới chấm dứt.”
Qua tháng 9 cùng năm, khi chuyển đến Trại Trừng Giới A20
và gặp gỡ thêm nhiều bạn đồng điệu (liều mạng) khác thì NCT lại
tiếp tục làm báo nữa. Thế là tờ Hợp Đoàn được
hình thành giữa chốn lao tù :
“Trao đổi ý kiến với Trần Danh San và Vũ Văn Ánh, chúng tôi
đồng ý với nhau cần phổ biến rộng rãi hơn những hiểu biết ít ỏi về chế độ Cộng
sản, về những vấn đề trọng đại của thế giới, để cùng nhau có những cái nhìn xa
hơn và sẵn sàng chấp nhận một thời gian tù đày lâu dài, có một niềm tin là chế
độ Cộng sản sẽ sụp đổ…
Hợp Đoàn xem như là một thành công, anh em tiếp nhận đọc rất
thận trọng và nghiêm túc. Thực chất nội dung vẫn chưa hẳn là một tờ báo đáng
giá gì nhưng vì ở trong tù vừa khó khăn vừa nguy hiểm, mỗi lần Ánh hay Cường viết
và lên khuôn tờ báo, những anh em thân thiết đều phải canh chừng và tổ chức
đánh cờ chung quanh để tránh sự dòm ngó của ăng-ten, nên công một người thành
công của nhiều người. Anh em đọc (cũng) cố bảo vệ nó như người phát hành, vì nếu
đổ bể ra thì tất cả đều bị chịu thiệt hại.”
Tất nhiên là phải đổ bể thôi, và
sự thiệt hại (xem ra) hơi nhiều – theo như tường thuật
của người tù Nguyễn Thanh Khiết, trong cuốn Ký Ức Bỏ Quên :
Cũng vì tờ Hợp Đoàn mà 1983 có gần 60 mạng vào biệt giam
… Tháng 10-1986 Alpha, Nguyễn Chí Thiệp, Trần Danh San, Trần Bửu Ngọc, Ngô Văn
Ly, Nguyễn Tú Cường, cùng vài đấng máu mặt bị quăng lên xe đưa về trại T20
(Thành Gia Định).
Bọn chèo dứt khoát muốn đào tận gốc rễ tờ báo “Hợp Đoàn”.
Chính vì thế tại trại giam này, một số các anh được thả từ 1981-82 cũng bị hốt
lại, trong đó có mặt những hào kiệt từng làm điêu đứng bọn cai tù ở trại A20,
Phạm Đức Nhì, Trần Đức Long, Bùi Đạt Trung, Nguyễn Văn Hiếu, Phạm Chí Thành …
Đến nông nỗi này rồi, và đã qua hơn 10 năm bị giam
cầm nhưng NCT vẫn chưa biết sợ. Ông lại vẫn “liều mình” để cứu bạn :
“Cả đêm hôm đó và những ngày tiếp theo tôi suy nghĩ làm thế
nào để cắt vụ án cho gọn và nhẹ, càng ít người dính dáng càng tốt, tôi đã bị Hải
và Ly khai quá rõ, chừng đó đối với pháp chế của Việt Cộng cũng đủ buộc tội, dù
tôi không nhận.
Vậy tốt hơn là tôi theo đúng như lời Hải khai, tôi nhận là
chủ trương tờ báo… Tôi sẽ cắt phần đóng góp của anh Trần Danh San vì có thêm
anh San vào không có ích lợi – kể cả phần của Ánh cũng vậy, tôi sẽ khai giống
như Hải, Ánh chỉ là người cộng tác mà thôi. Thực ra, Ánh là người chủ chốt.”
May mắn là Viện Kiểm Sát Nhân Dân đổi ý vào phút
chót nên vụ báo Hợp Đoàn được cho chìm xuồng êm thắm. Dù có ngu tối
và tàn ác đến đâu chăng nữa, nhà đương cuộc Hà Nội – cuối cùng –
cũng phải nhận thức được rằng làm lớn chuyện báo chui (underground
press) trong một trại tù thì chả được cái giải gì sất cả, ngoài
việc khiến cho thiên hạ thấy rõ thêm tính chất bất khuất của những
kẻ thuộc bên thua cuộc.
Nhờ thế, sau hơn 13 năm tù (với nhiều năm biệt giam)
NCT được phóng thích vào hôm 13 tháng 2 năm 1988, khi đã ngoại tứ tuần.
Thế là coi như xong một kiếp người chăng?
Chưa “xong” đâu. Dễ gì mà một thằng cha liều mạng cỡ
NCT chịu “xong’ như vậy. Bạn học của ông, nhà thơ Luân
Hoán cảm thán: Mừng ông, lẽ đương nhiên/ nhất là khi
được biết/ ông vượt Trại Kiên Giam/ trở thành người cầm viết.
Tất cả những câu văn trong ngoặc kép (thượng dẫn)
đều được trích dẫn từ Trại Kiên Giam. NCT hoàn tất tác
phẩm này vào năm 1990, và được xuất bản (lần đầu) vào năm 1992. Thế
mà mãi đến ba mươi năm sau tôi mới hân hạnh được cầm đến cuốn sách,
và liên lạc được với tác giả. Thực là đáng tiếc, và đáng trách.
Tôi mong được ông thứ lỗi vì sự muộn màng và chậm trễ này.
Tưởng Năng Tiến