Sau khi cho bột giặt, nước thơm và quần áo vào máy xong, tôi cất mọi thứ vào căn hầm chứa đồ cũ. Vừa dợm chân bước, tôi chợt nghe văng vẳng một giai điệu quen len qua khung cửa mở. Tôi sững người giây lát.
“When I was young, I’d listen to the radio. Waitin’ for
my favorite songs. When they played, I’d sing along. It made me smile…” (1)
Tôi khựng chân, bật đèn. Những giai điệu và tiếng hát thời
thanh xuân réo rắt bên tai. Khe khẽ. Gợi nhớ. Ánh đèn điện năng thấp soi vàng
úa gian hầm chật. Mùi ẩm mốc hăng hắc từ những thùng cạc-tông trống, những
khung tranh, chậu sành, thảm trải sàn nhà, tủ quần áo hai cánh, … Và hai hàng kệ
gỗ dựng sát tường, đầy ắp sách báo cũ.
Tôi sực nhớ. Trong ngăn tủ quần áo, ngoài mớ chăn gối và đồ
đạc phế thải, bọc trong hai túi ni-lông lớn là những đĩa nhạc 45 vòng được tôi
đem từ quê nhà sang đây. Suốt nhiều thập niên, chúng vẫn nằm đó, lặng lẽ bên
nhau trong giấc ngủ âm thanh. Chúng lẽo đẽo theo tôi như những người bạn thời
hoa niên, bầu bạn và chia sẻ cùng tôi những buồn vui đời lưu xứ.
Sáng hôm ấy, không hiểu vì cớ gì, tôi mở tủ, xách hai túi
ni-lông, đem lên nhà.
***
Khi lên trung học, tôi chọn tiếng Anh làm sinh ngữ chính.
Từ năm đệ thất, tôi học thêm Anh ngữ tại Hội Việt Mỹ, đường Mạc Đĩnh Chi, vào mỗi
thứ tư trong tuần, từ 2 tới 3 giờ trưa. English For Today. Quyển 1 bìa vàng. Ba
khóa học một quyển. Mỗi khóa khoảng chừng hai hay ba mươi học viên. Đa số là học
sinh. Lên khóa hai, cùng học với tôi có hai chị em nữ sinh Trưng Vương, Minh Bảo
và Trại Hoa. Minh Bảo có mái tóc à la garçon. Trại Hoa để tóc dài chấm vai. Hai
cô đi học thường mặc áo dài trắng, ngực áo đính phù hiệu trường. Đôi khi Minh Bảo
mặc đầm. Trại Hoa nhỏ nhắn, mảnh khảnh, luôn luôn mặc áo dài trắng, ngực phẳng
lì như vừa được ủi xong. Còn tôi, tóc phủ gáy, ăn diện theo thời trang với quần
dài, áo sơ-mi màu sáng, tay dài xoắn ngang cùi chỏ, chân mang dép da. Sách cầm
tay. Viết nguyên tử móc túi áo. Đầu mỗi buổi học, đều được điểm danh. Những họ
tên, những khuôn mặt thời đi học gắn bó theo nhau qua những chặng đường mưa nắng.
Minh Bảo và Trại Hoa vào lớp theo cửa trước Hội Việt Mỹ nằm
trên đường Mạc Đĩnh Chi. Còn tôi đi học bằng xe gắn máy, tới lớp qua cửa sau,
chỗ gửi xe trên đường Phùng Khắc Khoan. Chỉ một lần duy nhất, tôi chạm mặt hai
cô ở cầu thang. Tôi lúng búng lời chào. Minh Bảo ngấc mặt nhìn tôi, cặp môi thiếu
nữ chực ăn chực nói cong lên, không thốt ra tiếng. Vậy thôi.
Năm tháng hoa niên cứ vậy trôi qua… trôi qua… Hết mùa nắng,
tới mùa mưa, luân phiên theo những nghiệt ngã, oan khiên của đất nước trong thời
chiến. Qua những khóa Anh ngữ học thêm ấy, tôi kết bạn với Quỳnh, học sinh tư
thục Hưng Đạo, và Giao học ở Petrus Ký. Chúng tôi cùng Minh Bảo, Trại Hoa đồng
hành bên nhau hết quyển bìa vàng, trọn quyển bìa xanh dương. Sang khóa học với
quyển bìa xanh lá cây, một trưa nọ, chỉ thấy Trại Hoa tới lớp một mình. Suốt buổi
học, cô cứ thút thít, giọt dài giọt vắn. Không ngưng.
***
Tôi ngồi xuống sàn nhà, mở túi ni-lông, hà hơi lay thức những
linh hồn thanh âm đã từ lâu tắt tiếng bằng cách lấy khăn ướt, thận trọng lướt
nhẹ lên mặt bìa giấy đựng đĩa nhạc. Ảnh chụp chân dung những ca sĩ, ban nhạc và
tựa đề những ca khúc top hit một thời đập vào mắt tôi. Chương
trình nhạc ngoại quốc mỗi trưa thứ năm trên đài phát thanh quân đội và nhạc ngoại
quốc yêu cầu với xướng ngôn viên Mỹ Linh. Những chương trình nhạc Top 100 trên
đài phát thanh quân đội Hoa Kỳ từ 2 tới 4 giờ chiều mỗi ngày. Những gói đĩa nhạc
45 vòng của anh tôi từ Pháp gởi về, mỗi lần mở ra, còn phảng phất hơi lạnh và
hương giấy mới.
Tôi sắp xếp chồng đĩa nhạc theo mẫu tự abc. Tới khi muốn
nghe lại một bài hát yêu thích thuở trước, tôi lắp dĩa nhạc vào máy. Lúc đó mới
hay, chiếc máy quay đĩa thôi hoạt động từ khi nào không rõ. Đã từ lâu lắm, vài
chục năm có lẽ, tôi không đụng tới giàn máy quay dĩa. Chồng đĩa nhạc 33 vòng
vài trăm cái kề vai ngủ yên trên kệ trong phòng khách. Còn mớ dĩa 45 vòng, tôi
lãnh đạm cho vô túi ni-lông, giam kín chúng trong căn hầm tăm tối, bụi bám ẩm mốc,
chứa vật dụng phế thải.
***
Sau đó mới hay, Minh Bảo đã qua đời vì một tai nạn giao
thông. Cái chết non trẻ của Minh Bảo nhắc tôi nhớ một cái chết khác của một cô
bạn văn chương trong vườn thơ văn Búp-Bê trong nhật báo Sống, búp-bê Kim
Loan.
Cho tới bây giờ, tôi vẫn còn ghi nhớ số điện thoại nhà
tôi thuở ấy: 41621. Qua đường dây điện thoại, tôi và Kim Loan đôi khi trò chuyện
bâng quơ hằng giờ. Tới khi má tôi lên tiếng rầy rà, mới ngưng.
Một tối nọ, chuông điện thoại reo vang. Tôi nhấc máy. Giọng
một người lạ. Ông tự giới thiệu là anh của Kim Loan, gọi để báo cho tôi hay một
tin buồn. Em gái ông đã tử nạn giao thông vài hôm trước. Suốt đêm đó, tôi bần
thần trăn trở. Vừa chợp khép mắt, giọng nói, tiếng cười của Kim Loan lại vọng
vang trong tâm tưởng. Cảnh tượng tai nạn giao thông dẫn đến cái chết cho Kim
Loan, theo lời người bạn kể lại, ám ảnh tôi không nguôi.
Từ khi đó, tôi vướng phải hội chứng tự kỷ ám thị về hậu
quả khôn lường cho những người con gái không may quen phải tôi.
Vài năm sau, Quỳnh và Giao cũng như Trại Hoa thôi học ở Hội
Việt Mỹ. Tôi nhẫn nại học tiếp tới khóa 17. English For Today bìa xám, nội dung
toàn là thơ văn tiếng Anh. Chỉ một khóa nữa thôi là tôi hoàn tất 18 khóa học,
nhưng tôi đành đoạn ngưng, vì thấy không cần thiết nữa.
Đoạn đường khoa bảng của tôi tại Sài Gòn kết thúc từ
đó.
***
Sau biến cố 1975, Quỳnh vượt biên, định cư tại Úc. Giao cùng
đứa em trai cũng vượt biên, giạt vào Nam Dương. Tôi với Giao, cũng như với Ngọc
Nhạn, em gái của Giao, vẫn liên lạc thư từ với nhau thường xuyên.
Cho tới một hôm, sau khi được định cư tại Hoa Kỳ, Giao biên
thư báo tin, anh đã lập gia đình và cả nhà anh còn ở Việt Nam đang tìm cách vượt
biên. Từ dạo đó, những bức thư tôi viết gửi Giao, không được hồi âm.
Tôi như ngọn hải đăng câm lặng, vẫn đêm đêm nhẫn nại quét luồng
ánh sáng ra biển lớn, chờ một tín hiệu từ những chuyến hải hành vượt đại dương.
Đêm trong tôi rực rỡ ngọn đèn hải đăng, bật sáng hội chứng tự kỷ ám thị trong
tôi ngày xưa ấy. Mỗi đêm… Mỗi đêm…
Tôi tưởng mình đã bỏ cuộc. Ngờ đâu, lần nọ, tôi lại ngỏ ý nhờ
một người bạn giúp tôi truy tìm tông tích Giao. Như một phép lạ, tôi liên lạc
được với Giao, và chúng tôi nhắn tin nhau qua mạng xã hội Facebook.
Giao hiện giờ là giám đốc một bệnh viện nhi đồng tại một tiểu
bang ít người Việt ở Hoa Kỳ. Tôi hỏi thăm Ngọc Nhạn. Giao cho biết, Ngọc Nhạn
cùng cả nhà anh đã vượt biển thành công và được anh bảo lãnh sang Hoa Kỳ. Nhạn
đã lập gia đình, đã qua đời sau một cơn bạo bệnh. Giao cũng thành thật cho biết,
tiếng Việt của anh bây giờ rất kém vì hiếm khi sử dụng.
Sau đôi lần liên lạc nhau qua Facebook, tôi nhận ra Giao đã
trở thành một người khác. Anh không còn là Giao những ngày xưa trong lớp học ở
Hội Việt Mỹ. Của những tối quẩn quanh phố phường Sài Gòn. Của đôi lần vào ngồi
trong Ritz, chờ ca sĩ Lệ Thu bước ra sân khấu, cất giọng “Ngậm Ngùi” của
Phạm Duy. Của những trưa nắng nhiệt đới, hương mồ hôi lưng bạn hắt ngọt đằm sống
mũi tôi. Của đêm nao góc đường Tự Do và Lê Thánh Tôn, tôi dừng chân trú mưa dưới
mái hiên La Pagode, xòe diêm đốt điếu thuốc đầu đời, cõi lòng ngầy ngật nhớ…
Để rồi, cuối cùng, tôi dứt khoát bấm nút “hủy” một người tên
Giao Do trong tin mạng Facebook. Tâm trạng tôi trong khoảng khắc đó dửng dưng
như vừa tháo gỡ một nỗi phiền muộn day dứt lâu nay.
*****
Đêm nay, một ngày đầu thu. Ngoài trời mịt mùng bóng tối.
Không gian tịch mịch như ngừng thở. Tôi bật ngọn đèn con đặt trên mặt tủ cạnh
ghế dài. Ánh sáng vàng mù. Tôi lắp một dĩa CD vào máy, bấm nút. Những khuôn mặt,
những giọng nói, những mùi hương phố phường nơi quê nhà thời thanh xuân sóng
sánh hiện về. Đêm rực rỡ trong tôi những giọt âm thanh.
“Hier encore, j`avais vingt ans. Je carresais le temps et jouais de la vie. Comme
on joue de l`amour. Et je vivais la nuit. Sans compter sur mes jours qui
fuyaient dans le temps…” (2)
Ngô Nguyên
Dũng