14 January 2025

TÁC GIẢ TRỞ VỀ - Ngu Yên

Từ bên trong, hai du kích quân bước ra đường, một anh nâng súng lên tằm bắn, hướng về chiếc xe hơi đang tiến đến. Anh kia ra hiệu cho xe dừng lại.

Chiếc xe dừng ven lề, người lái hạ cửa kính.

 _”Bước ra. Đưa giấy tờ đây.”

_ “Út, mày trông nó có giống hình thằng xịa trong hồ sơ không?” _ “Bộ râu y hệt. Chắc nó.”

_ “Tên gì?” – “Trần Bá Dũng.” _ “Láo. Tên gì?” _ “Trần Bá Dũng.” _”Láo. Nghề gì?” _ “Nhà văn.” _ “Láo. Nhà văn không phải nghề.” _ “Tôi dịch sách và viết truyện.” _ “Láo thật. Mày tên là Robert Lương. Làm tình báo cho Mỹ Ngụy. Bọn tao đã có hồ sơ đầy đủ. Quì xuống.”

_ “Út, trói  lại. Xét giấy tờ.” _ “Em không biết đọc. Anh Tư đọc giùm.” _ “Tao chưa đến trường. Mày mang vào anh Tổng xem. Thằng kia, nhúc nhích, tao bắn bỏ.”

Út đi vào căn nhà tranh sau khu vườn rau khô đét. _ “Anh Tổng, bắt được thằng xịa Robert.” _ “Thật không? Đưa hình tao coi.” Tổng mở hồ sơ.

_”Nó có nhiều giấy tờ. Em không biết chữ. Anh đọc đi.” _ “Ai nói mày tao biết đọc? Địt mẹ. So hình thôi. Hàm râu giống như đúc. Thằng này mang kính cận, trông hơi già hơn.” _ “Em nghe nói bọn xịa hóa trang giỏi lắm.” _ “Giỏi? Địt mẹ. Gặp cú vọ tao cũng phải chết. Nhìn đây, ánh mắt này và ánh mắt trong hồ sơ giống nhau như một. Đầy lửa hận thù. Đúng. Chỉ có hận thù mới phản bội quê hương.”

 _ “Bây giờ mình làm sao?” _ “Mang nó ra bờ suối. Bắn. Bỏ xác xuống nước. Các việc khác tao báo cáo cấp trên.” _ “Vâng, anh Tổng.” 

Mấp mé trên mô đất bờ suối. Dũng quì mặt hướng về dòng nước. Sau lưng hai tên du kích nâng súng lên nhắm. _ “Út, mày nhắm vào đâu vậy?” _ “Em bắn súng lần đầu. Nhắm nó ở đỉnh đầu ruồi, phải không anh?” _ “Cứ hướng mũi súng vào nó là được rồi. Một, hai, ba, bắn.”

Vang. Hai phát súng nổ.

Thành phố ven quốc lộ cách đó năm cây số, trong khách sạn nhỏ, Hồng chờ người yêu đến hẹn. Đã muộn gần một ngày. Từ hồi hộp sung sướng chuyển sang lo lắng nghi ngờ, giờ đây, thất vọng hoàn toàn xâm chiếm với cảm giác rủ liệt.

Trước khi rời Sài Gòn, Dũng nhắn tin cho nàng, sau đó biệt tích. Không ai trả lời điện thoại. Hồng đã viết thư để lại cho Ali, giải thích sự ra đi. Vì mẹ, nàng lấy Ali, vì tình, nàng theo Dũng. Không thể quay trở về.

Ali cưỡi lên mông Hồng, cảm tưởng cưỡi ngựa.  À, Mohammed bin Salman giật cương, ngựa hồng hí lên. Giật ngược tóc, “مؤلم، مؤلم” (Ái da, đau.) Quất roi phóng tới. Chạy chồm chồm trên sa mạc. Hồng kinh sợ lối làm tình Trung Đông này, nhưng tiền, vàng, kim cương của Ả Rập đã giúp nàng quen dần. Đến một ngày, Hồng  hí theo دعونا نركض بسرعة (Chạy nhanh nhé.) Ali Al-Jabbar mê mẩn nàng không phải vì thân xác, vì Hồng không thể sánh với những thiếu nữ Ai Cập, những trái táo múa lúc lắc từ dưới trồi lên chận giữa cuốn cổ đàn ông. Còn Hồng, dù sao, dân miền biển cũng không thể hòa nhập với dân cồn cát.

Thú vui thân xác dần rút lui, nhường cho thú vị tinh thần. Hồng trở thành độc giả say mê. Thư viện Sài Gòn nơi nàng lui tới thường xuyên. Nơi chữ nghĩa thấm nhập thân xác, ở lứa tuổi xuýt xoa Sầu riêng chín mùi, tỏa theo hương là chất trí tuệ thanh sáng. Tôn nữ Hương Hồng trở thành trung tâm thư viện, trung tâm mắt đàn ông, quyến rũ siêu tưởng tượng. Hồng đã gặp Dũng, nhà văn, dịch giả, trong lần anh ra mắt sách ở đây. Một người khác ngược với Ali từ ngoài xã hội lên đến giường ngủ.

Dũng nói: _ “Em đọc nhiều đủ, có thể từ độc giả trở thành tác giả.”

Hồng trả lời: _ “Không, em chỉ muốn làm độc giả, đọc những tác phẩm hay của các tác giả như anh.”

_ “Chắc em đã nghe nói tác giả đã chết.”

_ “Roland Barthes, phải không?”

_ “Đúng, nhưng có thể ông ta lầm lẫn vì trong thời đại đó, người ta lo sợ sức thống trị của tác giả.”

_ “Anh là nhà văn thành công. Độc giả yêu mến sách anh viết. Hiện giờ, anh là thần tượng.”

_ “Các nhà văn học nổi tiếng nói, không phải anh, mà chính người đọc như em đã cho phép tác phẩm nâng anh lên thần tượng. Giờ này, nếu không nhờ độc giả, anh vẫn là nhà văn tầm thường vì tác phẩm không ai đánh giá cao, dù chưa chắc sự thật đã như vậy.”

_ “Em biết, anh công kích những người theo các học thuyết phê bình kiểu mới. Em không hiểu rõ họ. Em chỉ là người yêu đọc sách. Em cảm thấy, ngày càng phức tạp. Sách viết một, giải thích ý nghĩa thành mười, thành trăm, mệt mỏi quá.”

_ “Chiều nay anh đón em đi ăn tối.”

_ “Không được. Ali ở nhà đêm nay. Mai anh ta đi Cairo để ký hợp đồng mới. Mình có vài ngày, nhớ đón em.”

Hồng hôi nách từ trẻ. Khi làm vợ Ali, mùi hôi càng giết người. Nàng nghĩ vì ăn nhiều món Trung đông, nhiều mỡ cừu, mỡ lạc đà. Chất hôi tìm đến trú ẩn những nơi rậm rạp dù Hồng tắm rửa bằng thuốc đặc biệt, vẫn không trốn nó được. Dùng những loại nước hoa hảo hạng chỉ làm thêm khó ngửi, giống như tội phạm thứ dữ đang thao túng bằng đạo đức giả. Đành chịu. Lý thuyết hôi là hôi vớí người này nhưng thơm với người kia. Thực hành hôi là hít thở hôi, lâu ngày thành quen, thiếu hôi như đèn thiếu dầu. Tất cả thứ gì hiện diện đều có lý do. Hôi hiện diện nơi Hồng có định mệnh sâu sắc hơn chỉ mùi hôi.

Vài ngày qua, Hồng cố nán lại khách sạn chờ tin. Đêm trước, tủi thân tâm sự với mẹ. Qua điện thoại, tiếng mẹ la rầy, an ủi xa vắng như tiếng người lạ. Nhìn nắng chiều kéo xa dần chậu kiểng, hoa đỏ lá xanh, phất phơ ý tưởng, phải chăng có hoa đỏ máu chen vào lá đời xanh, toàn cảnh mới đẹp? Nắng đi, hoa lá chìm bóng đen. Tiếng gõ cửa cấp bách. Chưa kịp đến, bàn tay đập cửa vội vã. Mở cửa. Hồng ngớ cả người. 

Vật chất đen, loại vật chất có khả năng quyến rũ người sử dụng phát triển bản năng, nơi chứa đựng nhiều thú tính và phần cái tôi xấu xí. Hồng ngoi lên từ vật chất đen, giống tất cả những ai khác, luôn muốn trở về nơi sở thích và thú vui bất tận bất cần đời. Cửa mở ra, vật chất đen đứng đó. Hồng nhìn Ali, tê cứng, chờ một cơn bão cấp bảy ập tới.

Nhưng, không.

Chiếc giường vua khá lớn. Hai người quấn thành vệt dài da thịt, cử động, lăn lộn, bung ra, nhập lại. Sau khi hít thở hết chất hôi ở những nơi giữ hôi trên người Hồng, Ali tụt dần xuống chân, nơi bí mật của Hồng được che giấu tất cả đàn ông, ngoài trừ Ali. Hồng có ngón chân thứ sáu ở bàn chân trái. Từ nhỏ bị bạn chọc phá. Lớn lên một số con trai tránh né, một số tỏ vẻ không quan tâm, nhưng mắt họ nói lên ý nghĩ khác, thậm chí, có người e sợ, dù không thể bị lây. Mặc cảm ngón chân thứ sáu chỉ có Ali đã giúp nàng vượt lên. Mỗi lần sau khi làm tình, Ali đều thích thú hôn hít ngón chân thừa này. Mỗi lần như vậy Hồng đều cảm động. Ali thì thầm, vuốt ve bàn chân: _ “Cảm ơn mẹ em đã giúp anh tìm ra khách sạn. Anh có thể thiếu em nhưng anh không thể thiếu mùi của em. Hồng à, về với anh.” Nàng cảm xúc mũi lòng.

Trước khi tác giả chết, họ có tiểu sử và đời sống phơi bày trên sách vở báo chí. Người đọc yêu mến sách và đời tư tác giả. Tâm lý, tình dục, tình ái, những gì họ làm đều được công bố. Tác giả sống động, huy hoàng và cường điệu. Sinh ra nhiều thứ giả tạo, đó là lý do Barthes muốn giết họ: Cái Chết Của Tác Giả. 

Trước khi qua đời vì đầu óc ngu muội tạo hành động lầm lẫn, Dũng thuộc loại nhà văn mà Barthes muốn giết. Năm 1967, Barthes bắt đầu rao giảng một niềm tin mới, gạt bỏ tác giả ra khỏi tác phẩm. Giá trị của tác phẩm cần sự vắng mặt của tác giả. Niềm tin đó phát huy cuồng phong, sinh tạo những trào lưu làm chữ nghĩa mù mịt đi vào nơi tùy tiện diễn nghĩa. Đa số người đọc không còn thú vị đối với sách vở. Trí tuệ kém ánh sáng chữ, chìm dần vào  vật chất đen, mê muội rồi ngu muội. Chính sự ngu muội đã giết chết tác giả. Chính sự ngu muội đã giết chết nhà văn Trần Bá Dũng.

Dũng loạng choạng, hai phát súng nổ, rơi xuống dòng suối. Cảm giác một phần đầu vỡ ra như bị va vào đá, nước ngập mặt, máu đỏ một vùng. Trôi, trôi đi. Mê, chập chờn. Chạm một vật gì, Mê sảng, bản năng sinh tồn ôm chặt cứng. Trôi, vật vờ.  

Tôi thấy phiêu bồng giữa bóng tối lẫn sáng mờ. Không cảm thấy đau đớn. Chỉ thấy hình ảnh tiếp nối nhau hiện ra từng khúc đời, không theo thứ tự, khúc này chồng lên khúc kia. Lúc trẻ, lúc lớn. Lúc năm này, lúc tháng nọ. Không có âm thanh. Chỉ hình ảnh nhưng nghe được ý nghĩa. Lúc chìm vào tối đen, lúc ngoi ra vùng mờ. Có lúc mọi hình ảnh xáo trộn. Có lúc hình ảnh liên tục như đoạn phim ngắn. Tự nhiên, tôi biết mình sắp chết. Tôi tự nói, bình tĩnh, chết là hết, đừng sợ, xem thử ra sao. Tôi lại biết mình là nhà văn đang dự định phục tùng độc giả. Định chung sống với Hồng. Rồi tôi chìm vào bóng tối.

Trần Bá Dũng là nhà văn có lý tưởng văn học. Sống độc thân và tin rằng cô độc là điều kiện cần thiết để sáng tác những tác phẩm độc đáo trong thời đại mà tác phẩm rẻ bèo, mọc nhanh như nấm rơm, người đọc phê phán tùy nghi thuận tiện bằng vài nắm văn chương trong túi óc. Đọc không phải để phê bình. Đọc để thưởng thức điều hay ý đẹp, nếu không thể tha thứ thì quên đi điều dở, ý cạn, như vậy, chất hay đẹp mới thấm vào xương tâm, nở hoa nhận thức. Dũng nghĩ, từ ‘Cái Chết Của Tác Giả’ Barthes đã tạo ra một thứ tôn giáo văn học tôn thờ cái tôi tri thức một cách mù. Tác giả không thể vắng mặt trong tác phẩm, không thể để cho người khác tự do phê chuẩn. Sự tự do, đúng, độc giả và phê bình có quyền tự do, nhưng là tự do có giới hạn.

Ngoi ra vùng sáng mờ, tôi thấy mình đã lầm lẫn khi không hiện diện trong chữ nghĩa. Văn chương là đồng cảm, đồng sáng tác, không phải cho không, không phải bỏ thí. Tôi thấy được trong lờ mờ nào đó, có những bàn tay níu kéo mình ra khỏi nước. Cảm giác đau đớn lại bùng nổ trên đầu.(2020)

Gần một tháng sau, từ buôn mọi, Dũng xuống núi. Hai dân làng du kích chưa từng tập bắn, hai phát đạn đều không trúng. Dũng rơi xuống vì hoảng sợ. Vết thương trên đầu do va vào đá trong lòng suối không sâu lắm.

Những ngày dưỡng thương ở buôn A Mang, tôi rời xa vòng sống chong chóng rộn ràng. Lúc đó, tưởng là thật, khi nhập vào thiên nhiên, mới nhìn thấy nó giả. Một người có thể làm tất cả những gì mình muốn mà không bận rộn. Cây cối, chim chóc, thú vật trong rừng làm hết mọi việc phải làm trong một ngày, tự nhiên, thoải mái, vượt qua trở ngại, vấp phải khó khăn, tự nhiên, không bận rộn. Tự nhiên là phương thuốc chữa bệnh chong chóng. Bận rộn là cách nói giả tạo để che đậy cái muốn không cần thiết vẫn phải làm. Bận rộn là cách làm điệu cho giá trị sống, mà cái tôi tự cho mình quan trọng.

Phía sau buôn, triền núi xả dốc xuống thung lũng, một phiến đá nhô ra, tôi thường ngồi ở đó với bình minh, với hoàng hôn, với đêm khuya. Những suy nghĩ tự nhiên diễn theo tiếng chim rừng ca hót từ sớm đến tà, đủ giọng trong đục, đủ giai điệu buồn vui và ý tưởng hưởng ứng với nhạc chim như nhạc trưởng ngẫu hứng nhảy mê thần giữa dàn hợp tấu. 

Tôi sáng sủa ra những gì nhà văn phải làm.

Trả Hồng về vị trí độc giả. Kỳ vọng ôm ấp độc giả là thất vọng sẵn có. Bình thường hóa việc họ say sưa vật chất đen, thoả thuận họ hít thở bất kỳ mùi gì họ muốn. Thích hay không thích, ngưỡng mộ hay chê bai, đều cần thiết cho sự  giao tiếp sự sống của tác phẩm. Nhà phê bình là độc giả có khả năng hiểu sâu hoặc sai. Lúc trời chạng vạng, tiếng rừng biểu diễn khả năng gây sợ, tiếng gầm gừ, tiếng tru, tiếng rít, kinh nhất, tiếng cú kêu. Không có nhà nghiên cứu, phê bình, chỉ có độc giả và tác giả. Cõi văn như cõi rừng, chỉ xảy ra và cảm nhận xảy ra. Tuy nhiên, độc giả có khả năng đi quá xa, quá rộng, nếu không nhìn thấy hoặc được báo những điểm dừng. Nhiệm vụ của tác giả không chỉ sáng tạo, mà bằng cách nào đó phải tuyên bố giới hạn trong mỗi tác phẩm của mình. Tôi thường xuyên bừng theo rạng đông. Đêm làm tư duy âm u dù say đắm. Tia nắng đầu tiên trên rừng núi, nghĩa là, xuyên qua cây lá bóng đen, rọi sáng khả năng tỉnh táo. Tôi đứng dậy giản thông máu huyết, hít thở trong lành, hiểu ra không phải đêm và ngày bên ngoài mà đen và sáng bên trong.

Dũng rời núi lúc bình minh, đến đồng bằng lúc trưa, về đô thị lúc chiều sang đêm. Những thay đổi khác biệt do mắt bên ngoài nhìn thấy và mắt bên trong không đồng thuận. Dũng nhận ra ánh sáng, bóng tối đều thay đổi. Mọi người khác đi, thấy theo tia quang tuyến xuyên qua nhân vật, chỉ thấy xương. Nhân vật phải có xương sống xương sườn, nếu chỉ thịt da, trở thành  loài bò sát. Mọi thứ khác thường, Dũng cảm nhận mọi sự xảy ra cần có kết thúc ý nghĩa. Chuyện đời tuy có thật mà hư cấu trong trí tưởng tác giả. Cốt truyện hư cấu mà có thật trong tâm trí độc giả.  Sáng tác cần bản hợp tấu viết bởi nhạc sĩ tài ba, nhưng sáng tạo hay không, phải do nhạc trưởng chìm siêu nhiên: nhảy múa cấu thành cộng hưởng.

Lúc đó, tác giả trở về.             

Ngu Yên. 2024.

Truyện 2,690 chữ, 

[Câu truyện Tác Giả Trở Về có mục đích phục hồi vị thế của tác giả trong tác phẩm. Trên quan điểm, tác giả hiện diện như một giới hạn của văn bản, thay vì Cấu trúc luận, Hậu cấu trúc và Giải cấu trúc chỉ suy diễn từ văn bản theo ‘những biểu đạt’, để phát triển tư duy về những ‘được biểu đạt’ và giải mã vô số ‘biểu đạt tiếp diễn’. Một loại phân tích và phê phán không có điểm dừng, hầu như ra ngoài xa lắc ý muốn của tác giả và làm sai lệch giá trị của tác phẩm. Hầu hết những lời phê bình là bịa đặt, thể hiện ngôn ngữ dối, như Robert Scholes (1929-2016) đã nhận xét về khả năng ‘đạo đức giả’ trong văn học ngày nay.]

(Người đọc cũng nên tìm hiểu bài tiểu luận của Barthes để chia sẻ với tác giả cần phải sống sót trở về với người yêu, độc giả, tìm lại ‘tình yêu sự thật’ trong tác phẩm và đời sống.

Hồng, biểu tượng độc giả. Dũng, biểu tượng tác giả. Ali, biểu tượng vật chất đen, sở thích chung cho con người thế kỷ 20-21. Hai du kích, biểu tượng ngu dốt, xu hướng xa dần cái đẹp chữ nghĩa. Barthes, biểu tượng nhà phê bình.

Tôi nhấn mạnh về nghệ thuật phê bình vì cần thiết, nhưng tôi muốn nhấn mạnh hơn đến nghệ thuật sống. Sống là một tác phẩm ngôn ngữ, không có ngôn ngữ, sự sống mù trong bóng tối. Tác phẩm sống cần tác giả, độc giả và một nghệ thuật phân lý, phê bình với ‘tình yêu sự thật.’)

["Tình yêu sự thật" (The Love of Truth) là một tiểu luận của nhà phê bình văn học Robert Scholes, trong đó ông lập luận rằng "tình yêu sự thật" cơ bản là điều cần thiết cho việc thực hành phê bình văn học, mặc dù khái niệm về sự thật tuyệt đối có thể khó nắm bắt; ông gợi ý rằng việc theo đuổi sự hiểu biết và diễn giải chính xác, thay vì một sự thật duy nhất, dứt khoát, phải là mục tiêu chính của phân tích văn học.]

The Death of The Author: