25 January 2025

VỀ HUẾ QUA THƠ VĂN CỦA THẾ HỆ KẾ THỪA - Trần Kiêm Đoàn

(Bài viết của GS TS, nhà văn Trần Kiêm Đoàn) 

Trên nẻo đường Nam Bắc Việt Nam, những bước chân lãng tử của giới văn nghệ sĩ dừng lại đậm nét nhất với cả Hà Nội, Huế, Sài Gòn với nguồn cảm hứng sáng tác phong phú, nhưng nếu xét về số lượng tác phẩm và tầm ảnh hưởng thì có thể ghi nhận rằng: 

Hà Nội đứng đầu với số lượng tác phẩm phong phú và đa dạng.

Sài Gòn tươi mới với những tác phẩm đầy màu sắc năng động.

Huế lắng đọng với những tác phẩm mang chiều sâu trữ tình và trĩu nặng tâm hồn.

Người sinh ra và lớn lên ở Huế cũng như khách thăm Huế đều có cùng cảm nhận tương tự về tầm nhỏ nhắn, cảnh quang núi sông thơ mộng, điệu sống êm đềm trầm mặc của xứ nầy; nhưng khác nhau là tâm lý đòi đoạn (Emotional Fragmentation in Psychology) mà chỉ có những người Huế rặt chân quê mới trải nghiệm “nắng cháy da cháy thịt, mưa héo úa tâm hồn” của vùng đất quê huơng độc ngự cảm quan từ thời thơ ấu. Nguồn tâm lý nầy là khởi điểm của dòng cảm nhận: “Huế là quê hương đi để mà nhớ; chứ không phải ở để mà thương”! 

Một người Huế nào đó đã đi khắp “ba đồng bảy đội” (tầm xa trái ngược với “ba đồng bảy đọi”) mới thấu cảm hết câu hỏi: “vì răng mà lạ rứa? (xin trả lời “tại rứa chớ mần răng”) như một loại công án về ngôn ngữ đặc chất đất lề quê thói rất Huế! 

Có dịp đến những vùng đất cổ tích từ đấu trường La Mã ở Ý, Kim Tự Tháp ở Ai Cập đến bến sông Tiền Đường ở Trung Hoa nơi còn đượm dấu chân luân lạc nàng Kiều của Tố Như… thì chỉ càng thêm nhớ Huế. Mãi cho đến khi đối diện với Bức Tường Than Khóc (Wailing Wall) của Do Thái ở Jerusalem vào tháng Ba năm ngoái, nhìn dòng người khóc lóc tiếc thương, nguyện cầu chí thiết dưới chân bức thành được cho là huyền nhiệm đã gần hai nghìn năm, tôi mới hiểu Huế để cảm nhận trực tiếp nguồn tâm cảm vì sao Huế đi để mà nhớ chứ không phải ở để mà thương vẫn còn mịt mờ giữa cảm xúc mông lung và lý giải rạch ròi.  Huế từng là Ô Châu Lạc Địa của Ma Hời vong quốc. Huế là dòng trung chuyển của hào khí dân tộc mở mang bờ cõi của tổ quốc tiến về Nam. Huế là kinh đô vương quốc đầu tiên trong lịch sử dân tộc thống nhất giang sơn từ Bắc vô Nam. Huế là cái bể cạn nhỏ bé chứa những ước mơ đại hải sông hồ. Nhưng hiện thực, Huế vẫn còn vất vả gieo neo đồng hành với bước chân thời đại. Hệ luận thuận tình mà nghịch lý “đi dễ nhớ, ở khó thương” mang dấu ấn Tâm Huế nầy thật không ngờ vẫn còn là dòng chảy luân lưu xuyên thế hệ. 

Thật ngạc nhiên và cảm động khi từ bên này bờ đại dương vừa được đọc một tác phẩm của thế hệ đàn em: Huế, Quê Hương Đi Để Mà Nhớ; tác giả là Bùi Hoàng Linh, đang ở độ tuổi tiền trung niên, tam tứ thập, lại là một người chuyên ngành khoa học kỹ thuật (Kiến trúc sư). Thật thú vị khi đọc Bùi Hoàng Linh cảm nhận về ý nghĩa Nhà và Quê Hương: 

“Huế bình thản ngày tạ từ mà đau đáu ngày đoàn viên. Huế để người ta đi xa ngái mà day

dứt thương nhớ cố quận khôn nguôi. Với tôi Sài Gòn là nhà mà Huế là quê hương!” 

Quê hương không chỉ là nơi lai lịch của mình thuộc về mà còn là nơi ẩn dấu cảm xúc miên mật từ trái tim

như nhà thơ M. Darwish nói lên từ cảm xúc chân phương rằng, “mái nhà là nơi để sống nhưng quê hương là nơi nương náu của tâm hồn cho dẫu nghìn trùng xa cách (A home is a place where you live, but a homeland is where your heart belongs, even when you're far away." 

Có chăng thiên nhiên là thành quách rêu phong của một nguồn tình cảm Huế đã nảy mầm và trấn ngự mà Bùi Hoàng Linh đã thể hiện trong tác phẩm, rằng:

“Những cơn mưa dầm như một món đặc sản đã làm cho tình cảm Huế ít phát triển hướng

ngoại mà thường hướng về chiều sâu của nội tâm, âm thầm mà chung thủy. Thế nên,

người ở lại thì vẫn năm tháng đợi chờ gót lữ hành của kẻ ‘khăn gói đi xa’. Người viễn xứ

thì luôn có một ‘góc Huế’ trong mớ hành trang của ký ức để luôn canh cánh trở về mỗi

khi thấy nhớ.” 

Và, Huế đây rồi. Huế mang ngữ cảnh của Bức Tường Than Khóc Jerusalem qua cảm nhận của chàng tuổi trẻ văn nhân xứ Huế 

“Trên những dấu vết của đền đài dường như nghe được cả trăm năm với lời cỏ cây xa xưa

vọng lại ...Và mỗi lần về Huế tôi cứ có cảm giác như được chạm tay vào từng dấu rêu,

được đặt chân vào quá khứ. Cứ ngỡ như là một cuộc hành hương về lại với những ký ức

ngậm ngùi bởi Huế mang riêng mình một nét đẹp mà buồn, rất buồn. Cái buồn của Huế

không rõ ranh giới, không mang hơi hướng của lý tính vì thế mà nó lãng đãng như một

nửa câu thơ ...chỉ một nửa thôi, nửa còn lại chờ người cố xứ mang về xứ thâm trầm của

mưa, của nắng, của bỏng rát gió Lào mùa hạ.” 

Quả nhiên không phải là sự tình cờ chợt bắt gặp Huế qua nắng hàng cau hay nàng áo tím qua cầu… mà bằng nguồn cảm xúc gieo mầm, đâm chồi và nở hoa trong tư tưởng nghệ thuật của Bùi Hoàng Linh khi tác phẩm đầu tay về Huế là một thi phẩm… đậm tình với Huế có nhan đề là Lời Thương Gửi Huế.

Cách viết của Bùi Hoàng Linh giàu cảm xúc và tinh tế: Văn phong giàu chất thơ, thấm đẫm tình yêu đối với Huế, nhưng không quá lụy về quá khứ mà luôn mang một sự trăn trở và hoài niệm sâu sắc. Đặc biệt là nét Huế thật hồn nhiên mà cũng rất nồng đượm, thâm cung: 

“Cái mặt hiền khô của người Huế cũng như dòng sông không gợn sóng mà đáy sâu chỉ giữ lại cho riêng mình những gì riêng nhất...Tình Huế có cái chi đó thâm trầm, khiêm cung, lặng lẽ, chìm khuất. Để khi xa rồi, tưởng sẽ quên dần theo thời gian mà có đâu ngờ nỗi nhớ theo tháng theo năm đã hóa thành trầm tích, lắng đọng lại cái tình lắm khi như cái roi tre của tình cảm vừa đủ ngậm ngùi rưng rức, để rồi có người giữa phố thị không có ngõ sau vẫn luôn ngoái về quê mẹ.” 

Huế đang chuyển mình cùng chung với tầm cao, hướng xa và độ nhanh của thời đại. Mong dáng xưa, hồn cũ của Huế sẽ không biến tướng với thời gian. Trong cuộc thế xuôi dòng không ngừng nghỉ thế hệ văn nghệ trẻ như Bùi Hoàng Linh sẽ không bị mất hút vì đi quá xa về phía trước; nhưng cũng không trơ vơ ngồi lại bên cầu. Cực đoan trong nghệ thuật sáng tạo văn học nghệ thuật thường không có chỗ đứng của dòng văn học nghệ thuật Huế. 

Chúc mừng, cảm khái và khen tặng tác phẩm viết về Huế của Bùi Hoàng Linh.      

California ngày 18-1-2025

Trần Kiêm Đoàn