50 năm như một giấc ngủ dài, thức dậy vẫn còn lãng đãng giữa
chiêm bao.
Từ những cái Tết đầu tiên còn độc thân, còn cha mẹ, anh em chưa mất người nào. Cả gia đình ngơ ngác đất lạ, quê người…nén nhang thắp lên cành hoa ngoài vườn cắt vào, cùng với bao nhiêu xúc động.
Đốm nhang cháy đỏ như quầng mắt
Khói có bay về tận cố hương
Vườn người tôi chiết cành xuân thắm
Nhớ quê vết cắt trượt xuống hồn. (tmt)
Như bao nhiêu người Việt lưu vong khác, chúng tôi làm lại cuộc
đời mình,
và bằng một cách nào đó, chúng tôi chấp nhận thích nghi với
đời sống như hoa cỏ thích nghi với khí hậu, như cây quít ở Giang Nam bên Tàu,
mang sang vùng khác vẫn ra hoa kết trái tuy vị ngọt đã khác đi, nhưng cây vẫn sống
và sinh hoa, kết quả hàng năm.
Thời gian đã một phần nào chữa lành những vết thương và giúp
những vết sẹo lên da non, mờ dần. Trong mấy chục năm làm người di tản, chúng
ta, chắc ai cũng hơn một lần thay đổi nhà cửa, thay thành phố hay sang hẳn một
tiểu bang khác, và mỗi một lần thay đổi là một lần hoang mang, một lần nén nỗi
ngậm ngùi, cho dù nhà có đẹp hơn, thành phố có thích nghi hơn. Bởi vì đi đâu
cũng thấy mình là “Người Di Tản”
Trong 50 năm, thế hệ hậu duệ của “Người Di Tản” đã làm nên
bao nhiêu kỳ tích. Cái xấu cũng có xẩy ra nhưng so với cái tốt thì quả thực hậu
duệ của Việt Nam Cộng Hòa xứng đáng cho những quốc gia cưu mang mình không thất
vọng.
Thời gian cứ thản nhiên trôi qua, Cha Mẹ chúng tôi và một
vài người thân đã nằm im nơi đất khách, thế hệ của chúng tôi đã nhiều bạn bè bỏ
đi biền biệt, họ chơi trò trốn tìm nhau dưới những đám cỏ xanh. Họ có tìm được
nhau không?
Những người chưa chơi trò “trốn tìm” còn lại…Sáng thức dậy
cùng mặt trời thấy mình hiện hữu, soi gương mắt đã rạn chân chim, tóc mỏng và
trắng như sương mù, sương muối, biết là mình đã ở đây lâu lắm rồi. Lòng hoài
hương nhớ về cố quận thì ai mà không có, nhưng họ vẫn sống với tất cả những gì
họ có để gây dựng cho một thế hệ tương lai tốt đẹp hơn trong khả năng của mỗi
người. Người Việt là một trong số những người Á Đông có sức chịu đựng bền bỉ,
thông minh và chăm chỉ.
Hậu duệ của những người lính Việt Nam Cộng Hòa đã có mặt ở mọi
nơi, từ quân đội, chính trị, văn học, tôn giáo. Họ cống hiến và được đánh giá
cao. Cái xấu đôi khi cũng có, nhưng so với cái tốt gặt hái được trên mọi lãnh vực,
từ các nơi trên thế giới, giúp cho những người Quốc Gia đã hy sinh nằm xuống
cũng được an ủi đôi phần.
Sau 50 năm nước Việt hoàn toàn về tay Cộng Sản, Cộng Sản vẫn
sợ bóng, sợ vía lá cờ VNCH. Chỉ cần lá cờ mà họ đã khinh miệt, chà đạp đó xuất
hiện dưới bất cứ hình thức nào, nhà cầm quyền Cộng Sản đã ầm ầm báo động và bắt
phạt những người vô tình đứng cạnh. Mặc dù sau 50 năm khi có thiên tai xẩy ra,
trong nước vẫn không quên kêu gọi người Việt hải ngoại đóng góp. “Tình đồng
bào” vẫn được ân cần nhắc tới.
50 năm, Nick Út, cựu nhiếp ảnh viên của AP rủ tôi về Hà Nội,
nơi hiện thời AP có chi nhánh văn phòng ở đó. Tôi đã từ chối và nói cho Nick Út
hiểu rằng, trong văn phòng đó không có một cựu phóng viên Mỹ nào của Saigon
ngày cũ làm việc cùng chúng tôi nữa. Họ phần đông đã qua đời vì tuổi tác, nếu
chúng tôi có về thì toàn gặp những nhân viên mới, cả Mỹ lẫn Việt, và những người
Việt nếu có trong văn phòng đó, chắc chắn không phải là người quốc gia, nên đâu
có thể gọi là re-union được, nó sẽ mang lại cho chúng tôi sự lạc lõng và …buồn.
Thời gian của tôi trôi về đâu
Năm mươi năm lòng vẫn còn đau
Tay vuốt tóc tay gày như tóc
Một nhánh hổ ngươi vạn nhánh sầu. (tmt)
Những tháng cuối năm, tôi hay mong ngóng những cuốn lịch mới.
Từ những cuốn lịch của nhà thờ, họ đạo ở thành phố tôi cư ngụ, có ghi những
ngày Lễ các Thánh, Lễ quan trọng như Phục Sinh, Giáng Sinh… để nhắc nhở mình sửa
soạn một tâm hồn nhẹ nhàng thanh sạch đến Thánh Đường dự lễ, tôi cũng tìm đến
những cuốn lịch ở các siêu thị Á Đông có ghi những ngày tháng âm lịch để tiện
theo dõi những mồng một, ngày rằm, của tháng âm lịch. Tôi cũng hay lang thang
vào tiệm sách để tìm mua lịch mới, loại lịch xé mỗi ngày một tờ là loại tôi
thích nhất, loại này hiếm, không phải dễ tìm. Tôi thích những tờ lịch mỗi ngày
này. Tôi có thể ghi xuống đó những công việc sắp tới và khi ngày đó đi qua, tờ
lịch được xếp sang một bên và tôi có thể xếp nỗi buồn vui của mình như xếp lại
một tờ lịch đã hoàn tất. Những tờ lịch xé ra tôi để ngay vào một cái hộp bên cạnh
đó. Thỉnh thoảng lại nhìn xem đã phung phí hết mấy phần thời gian trong đời sống
và cuối năm có thể đếm được bao nhiêu giọt nước mắt với bao nhiêu tiếng cười.
Việc mua lịch xé từng tờ này tôi yêu thích từ khi còn trẻ ở
quê nhà. Bây giờ nhớ lại thời gian đã xé “Những Tờ Lịch Cũ” và đã thả chúng bay
như bươm bướm từ văn phòng làm việc ở lầu bốn của Thương Xá Eden xuống dưới đường
vào những ngày cuối năm trong một thành phố thơ mộng của ngày xa xưa đó chỉ còn
là kỷ niệm…
Bây giờ ở quê người, tôi vẫn thích có cuốn lịch rơi từng tờ
mỗi ngày, nhưng không phải năm nào tôi cũng tìm được. Cuốn lịch xé mỗi ngày năm
nay của tôi là cuốn lịch có 365 tấm hình “Chim Trong Vườn Sau” đầy
màu sắc. Cuốn này tôi có được do nhân dịp chị bạn thân Trùng
Dương,ghé chơi vài ngày. Hai chị em lang thang trong một tiêm sách gần nhà, tôi
tìm thấy lịch xé từng tờ mỗi ngày, mừng quá, reo ầm lên, Chị thấy tôi vui quá,
vội vàng mua tặng.
Hình con chim đầu tiên trên cuốn lịch là con Northern
Cardinal và con cuối năm là Western Tanager. Cả hai con
chim này đều mầu sắc rực rỡ.
Trong năm mới sắp tới này, hơn 300 con chim đầy màu sắc của
vùng Tây Bắc nước Mỹ trên bàn viết, sẽ là niềm vui của tôi mỗi ngày. Mỗi lần mở
một ngày mới, sẽ có hình một con chim mới khác nhau hiện ra, tôi sẽ đọc Thơ cho
những con chim trong lịch nghe:
Ngày xưa anh đón em
Nơi gác chuông chùa nọ
Con chim nào qua đó
Còn để dấu chân im
Anh một mình gọi nhỏ
Chim ơi biết đâu tìm. (Phạm Thiên Thư)
Như những con chim để lại dấu chân trên gác chuông, chúng
tôi những người di tản đã để lại nhiều dấu tích tốt đẹp: đó là thành công của
con cháu người Việt gần như hầu hết trên mọi lãnh vực trên những quốc gia, những
thành phố họ định cư.
Chúng tôi dù ở tuổi nào, luôn có niềm tự hào của những con
chim bé nhỏ: Tự tin, xoải cánh trên bàu trời bát ngát.
Trần Mộng Tú