Hai người già,
hai mẹ con. Bà mẹ mù, sống gần thế kỷ, hay nhớ chuyện xưa. Ông con trai đầu đã
bạc, thích về ngồi thủ thỉ với mẹ.
-Đứa
mô đốt lửa, khói bay mù rứa bây?
-Khói chi đâu?
-Nghe mùi khét lẹt đó kìa.
-Khét đâu mà khét?
-Mi bị tịt mũi hả? Mẹ nghe mùi khói dăm bào.
-À, con hiểu rồi. Không phải dăm bào đâu. Khói mùn cưa đó.
-Đứa mô ngu thiệt. Phơi mùn cưa cho khô rồi mới đốt chớ.
-Mấy ngày nay mưa quá, chắc phơi không khô.
-Không khô thì chẻ củi nhỏ ra, đốt lửa mạnh lên cho hắn ngún. Khói um, nhức đầu
quá.
-Hừ hừ. Hút điếu Cẩm Lệ to đùng hơn cái bếp mùn cưa. Hít miết, không nghẹt thở
mới lạ.
-Mẹ đâu
có hút.
-Chớ ngậm
cái chi trên miệng, khói rứa?
-Cái ống
thổi lửa chớ chi.
-Rồi
đó! Nhớ chuyện cũ miết.
Ông biết vào bếp
từ nhỏ. Chẳng là ông muốn tự làm một vài món ăn mình thích, nhưng người khác
thì chịu, không ai ăn được. Vài chục năm trước, ông cũng từng biết thổi bếp củi
cho bùng cháy để nấu nồi cám heo, thời khốn khó.
Ông còn biết cách
đun bếp than, bếp lá khô, bếp trấu, bếp dầu. Sau này biết bật bếp ga, bếp điện,
cho đến bếp từ hiện đại.
Nhưng có một loại
bếp không nhiều người biết. Lớp trẻ bốn, năm mươi về sau này chắc không thể biết.
Bếp mùn cưa!
Khó có bếp nào có
thể khiến cho ông nhớ bằng bếp mùn cưa. Ngọn lửa riu riu. Vừa đủ ấm áp lẫn buồn
phiền.
Những năm tháng
sau ngày thống nhất đất nước, người dân sống trong nghèo khổ nhưng được cái
thanh bình. Không mấy nhà có điều kiện để dùng bếp dầu hỏa. Gian bếp nhà ông có
thêm vài loại bếp mới. Bếp mùn cưa, bếp củi, bếp than. Lò mùn cưa được sử dụng
thường xuyên hơn vì dễ mua và rẻ.
Trong không gian
chật chội, chàng trai loay hoay bên cái lò bằng những viên gạch xếp tròn, đắp
bên trong một lớp đất sét. Chai thủy tinh đặt giữa lò, nhồi bột cưa, nện chặt.
Càng chặt, bếp càng cháy lâu.
Những ngày nóng hừng
hực hay rét mướt, khói mùn cưa đặc quánh, hay tan nhanh bên ngoài bếp, có mùi
riêng, màu sắc riêng. Nhưng nó không khiến cho mọi người gần gũi nhau nhiều hơn
bằng bếp củi.
Chàng trai thất
nghiệp, bà mẹ chật vật kiếm sống hàng ngày nên bếp núc giao lại cho anh. Lưng
dài vai rộng nhưng anh vụng về, không nhồi được mùn cưa vào trong lò, phải nhờ
mẹ. Có hôm, ngồi một mình trong gian bếp, khói mù mịt, hai mắt chàng trai đỏ
hoe. Bà mẹ về, nhìn thằng con trai tội nghiệp, đến bên cạnh an ủi con:
-Mệt
lắm hả con? Sao lại khóc?
Anh cười xòa:
-Có
khóc đâu! Tại thổi hoài nãy giờ, mùn cưa không chịu cháy. Khói mù mịt, cay mắt
đó chớ.
-Thôi, để mẹ làm cho. Mùn cưa ướt, làm sao cháy được. Nấu cám heo, dùng bếp củi
cho nhanh.
**
Thật ấm áp khi mọi
người trong gia đình ngồi quanh bên bếp lửa hồng. Nhưng bây giờ khó tìm thấy
trong những phòng ăn lát gạch sạch sẽ, ngăn nắp. Bọn trẻ không mấy khi lăn xả
vào bếp. Chúng nó có cuộc sống hiện đại hơn, bận rộn hơn, có ô sin giúp việc hoặc
những bà mẹ lo cho bữa ăn hằng ngày. Bếp lửa trở nên xa lạ.
Bếp mùn cưa cháy
âm ỉ, ngọn lửa xanh vàng cháy từ sáng đến chiều hôm. Đốt cháy tuổi thanh xuân của
ông.
Mùn cưa cháy mãi
trong tâm hồn ông. Cháy qua ba thế hệ. Ngọn lửa ấm áp, lạnh lẽo, vui tươi, buồn
phiền.
Với ông, bếp mùn
cưa đã thực hiện xong nhiệm vụ lịch sử của mình gần nửa thế kỉ. Lặng lẽ trốn
vào quá khứ một thời khốn khổ.
Lạ, khi người ta
đủ đầy, sung sướng lại thèm cái khổ, cái cực, lo âu mà thú vị đó.