Chuyện xảy ra trên một chuyến xe Greyhound. Xe đò Greyhound có vẽ con chó sói xoải cẳng phi nước đại bên hông là thứ nối liền các thành phố bên Mỹ và Canada. Nhiều người trong chúng ta chắc đã từng ngự trên những chuyến xe xuyên liên bang này. Tôi cũng đã từng xuôi ngược với Greyhound. Từ Montreal qua Washington D.C. thăm bạn bè dân thủ đô nước Mỹ như các ông Dzương Ngọc Hoán, Nguyễn Tường Đằng. Từ Vancouver qua Portland thăm ông Từ Công Phụng. Từ Seattle về Vancouver sau khi cưỡi du thuyền đi Alaska thăm mấy chú gấu tuyết. Nói như vậy để thấy tôi cũng có chút kinh nghiệm khi chen vai thích cánh cùng những người không có hoặc ngại lái xế riêng. Chỉ tiếc đó là những kinh nghiệm không muốn ghi lại trong ký ức. Xe đò Greyhound khá cũ. Có chuyến tôi phải rời chỗ nhiều lần mới tạm thời kiếm được một chỗ ngồi được. Ghế xe cũ kỹ , chiếc thì đệm tróc lở nhem nhuốc, chiếc thì lò xo xẹp lép làm ê ẩm cái bàn tọa, xe chạy cà giật như nước chạy của một bà già hom hem. Hành khách có nhiều người bốc mùi nhất là mùi của những chiếc tã của những ông bà hỏng van phía dưới. Có nhiều quái nhân bộc lộ khi ngủ hoặc khi tỏ bày tình cảm một cách quá riêng tư. Túm lại, đó không phải là nơi thích hợp để khai sinh những chuyện tình.
Sau những lần cưỡi xe Greyhound, tôi đã viết một truyện ngắn mang tên
“Trên Đường Thiên Lý”. Dĩ nhiên trong truyện có một quái nhân. “Tôi xếp
hàng sau đám trẻ nhộn nhịp. Bên cạnh tôi, sát tường, là một chiếc ghế dài cho
khách ngồi nghỉ chân. Trên ghế nằm thẳng cẳng một đấng mày râu, râu thì nhiều
nhưng tuổi chắc chẳng bao nhiêu, đầu kê lên ba lô, tay vắt ngang mắt, ngủ tự
nhiên như ở nhà. Cha nội này chắc chẳng bao giờ tới được New York, tôi nghĩ thầm.
Vậy mà tôi lầm lớn. Gửi được chiếc va ly nhỏ vào hầm đựng hành lý dưới xe, bước
lên cửa, đi dọc theo hai hàng ghế đầy nhóc người, cố kiếm một chỗ ngồi, tôi chẳng
có chọn lựa nào khác là rón rén ngồi xuống chiếc ghế trống duy nhất bên cạnh
người tôi đã tưởng là sẽ chẳng bao giờ lên xe. Đấng mày râu đã lại tiếp tục ngủ
chẳng thèm biết bên cạnh có tôi. Xe lắc lư. Chiếc đầu nhắm mắt cũng lắc lư như
đầu một con búp bê nhẽo nhẹt. Đường thiên lý có chi vất vả. Cứ nhắm mắt cũng tới.
Mà tới cấp kỳ. Xe vừa dừng ở trạm thứ nhất phía bên kia biên giới, một thị trấn
nhỏ loe ngoe ít mái nhà, bạn đồng hành của tôi đã dụi mắt, nắm chiếc túi xách
tay méo mó nằm dưới chân, đứng dậy đi xuống, quên cả chào tôi một câu cho đúng
phép lịch sự”.
Khi anh
chàng này xuống một trạm dừng, người mới lên xe ngồi cạnh nhân vật “tôi” là một
cô gái. Cô và “tôi” mỗi người chúi mũi vào một cuốn sách sau khi hi với
nhau kèm theo nụ cười. Hai pho tượng đọc sách tưởng là muôn đời sống trong hai
thế giới riêng rẽ đã người nọ biết người kia vì một quái nhân. “Mũi tôi
bỗng khụt khịt từ chối một mùi khó ngửi. Cô gái nhấc những ngón tay lên bịt mũi
trong một cử chỉ cố làm cho bớt sỗ sàng. Một bà già nhỏ thó nhưng vui tươi đang
đứng dựa vào ghế chờ tới lượt đi xuống. Cả tôi lẫn cô gái đều không hẹn mà cùng
ngẩng mặt lên nhìn bà già. Bà già vui vẻ nhìn lại cười xã giao. Không hiểu bà vốn
là người vui tính hay vì khoái chí trong bụng khi được đi ra ngoài đứng giữa
nhiều người như thế này mà tôi thấy bà cười với tất cả mọi người. Mặt bà thì
vui nhưng cái mùi toát ra từ người bà không được vui. Đó là mùi nước tiểu són
ra tã lót. Thường thì mùi gì được lưu cữu lâu vẫn hay đậm đà hơn. Dòng người
trên xe mỏng đi cuốn được bà già tiến lên phía trước. Mùi nồng nặc nhạt dần và
biến mất khi bà già đứng dưới đường còn cố ngoái cổ lên các vuông kính trên xe
cười thêm một chút nữa. Mũi tôi thở ra thoải mái. Tay cô gái rơi lại xuống
trang sách. Cô quay sang bắt gặp bộ mặt có chiếc mũi khụt khịt của tôi. Cô toác
miệng cuời không ra tiếng. Hàm răng trắng đều ló ra khỏi đôi môi mỏng bóng nhãy
màu mơ chín. Cô này có nụ cười đẹp. Tôi rung người cố chặn tiếng cười mà nếu
không ngăn lại thì dám át tiếng máy xe vẫn đang ì ầm rền vang lắm. Chúng tôi
quen nhau bằng tiếng cười đồng tình đó. Bảo rằng nhờ mùi khai của bà già thì có
vẻ nhảm nhí nhưng quả đúng là như vậy”.
Cô gái,
Audrey, là một cựu sinh viên về nhận một project với một ông
thầy cũ, “tôi” là một cựu sinh viên quay về trường cũ trong ngày họp lớp mong
được sống lại với những bạn bè, nhất là những bóng hồng, ngày xưa. Cả hai sẽ
cùng xuống New York. Khi đổi xe giữa đường, họ phân công nhau: Audrey xếp hàng
chờ, “tôi” đi mua nước cam. “Audrey đứng trong hàng người chờ lên xe, vẫy
tôi lại khi nhác thấy bóng tôi với hai chai nước trong tay, tỉnh bơ nắm chặt
tay tôi đứng chung. Đầu cô ghé sát vào tai tôi, mắt nháy nháy thầm thì. '' Đóng
kịch bồ bịch một chút cho mấy người xếp hàng phía sau khỏi lầu bầu cái chỗ
ngang xương của anh.'' Tôi đưa chai nước cam cho Audrey. '' Bao nhiêu vậy?''.
“Bồ bịch ai hỏi thế!''. '' Xin lỗi!''. '' Bồ bịch ai xin lỗi!''. '' Cám ơn vậy!''.
'' Bồ bịch ai cám ơn!''. Miệng Audrey ép sát thêm vào tai tôi, mấp máy thân mật,
ai trông vào cũng tưởng đang tình tứ lắm: '' Còn lâu ạ!''.
Hai người ỡm
ờ tung hứng chuyện nói bên này nhưng ý bên kia trong những lúc kề vai nhau. “Lấy
xong hành lý, Audrey chìa má cho tôi hôn chia tay. '' Tối nay anh rảnh không?'.
'' Cũng chưa định làm gì.''. '' Lang thang xuống Harlem không?''. '' Harlem hả?
Được quá đi chớ!''. '' Vậy tối nay nghe! Thử xem chân cẳng anh ra sao!''. Thế
là rồi cái lãng mạn muốn gậm nhấm lại những ngày sinh viên cũ. Đành cáo lỗi với
hình bóng các em Karine, Lucy, Maria, Anne, Jane, Sharon ... Cái số tôi nó vốn
lận đận như vậy!”
Ông bạn tôi
đọc truyện này, hỏi tôi về em Audrey nhân một buổi cà phê cà pháo. Khi tôi bảo
đó chỉ là chuyện hư cấu, làm chi có em Audrey bằng xương bằng thịt, ông phán:
“Mẹ kiếp! Mình bị mấy thằng văn sỡi nó lừa dễ dàng thật!”. Nhưng chuyện dưới
đây là chuyện thật 99% phần dầu! Đây là một chuyện tình do ký giả Francesca
Street của đài CNN thuật lại.
Chuyện xảy
ra vào ngày Giáng Sinh năm 1962. Cô Ruth Underwood, 18 tuổi, về nhà cha mẹ vui
hưởng lễ Giáng Sinh với gia đình. Sau đêm ăn nhậu, vui chơi với gia đình tại
Olympia, tiểu bang Washington, cô vội bắt chuyến xe đò Greyhound về nhà cô ở
Seattle, cùng tiểu bang. Thực tình cô chưa muốn rời xa gia đình trong ngày lễ
nhưng cô phải về làm việc vào ngày 26 tháng 12. Đây là công việc đầu tiên trong
đời nên không muốn mất việc vì chậm trễ. Cô nói với đài CNN: “Tôi chui vào xe
và ngồi tại chỗ trống đầu tiên tôi thấy, gần một thanh niên trẻ và khá điển
trai. Vì mệt mỏi nên vừa ngồi xuống là tôi ngủ ngay. Khi thức giấc tôi thấy đầu
mình dựa vào vai anh thanh niên”. Cô lúng túng, mắt vẫn còn ngái ngủ nhưng má
đã đỏ lên vì mắc cở. Cô vội lắp bắp xin lỗi, kéo lại váy áo và cố lấy lại dáng
vẻ thiếu nữ. Anh thanh niên cười, nói không có chi và bắt lấy dịp may tự giới
thiệu. Anh tên Andy Weller, 21 tuổi dân nhà binh. Anh lấy buýt từ nhà ở
Astoria, tiểu bang Oregon, về trại ở Fort Lewis, tiểu bang Washington. Sau này
anh kể lại với đài CNN: “Tôi đã chú ý tới cô gái ngay khi cô vừa bước lên xe.
Vì cô có mái tóc đỏ rất đẹp”. Khi cô gái ngủ ngả đầu trên vai anh, anh không biết
phản ứng ra sao nên để kệ, trong lòng vừa vui vừa hồi hộp. Anh không biết cô muốn
đi tới đâu nên sợ cô lỡ ga xuống. Khi xe đò Greyhound dừng ở ga
Nisqually Hill trên xa lộ số 5, không xa căn cứ Forth Lewis mấy. Anh chàng lính
trẻ nhớ lại: “Phải mất một thời gian dài tôi mới lấy hết can đảm, nói với giọng
run run: ‘Hi!’”
Khi Ruth thức
giấc, họ có nói chuyện với nhau. Cô Ruth nhắc lại: “Toàn những chuyện vớ vẩn
làm quen. Đại loại như, ‘Tên bạn là gì? Bạn khỏe không? Bạn đi đâu? Và chúng
tôi thấy có một điểm chung: cả hai đều trở lại nơi làm việc tiếp tục cày sau những
ngày nghỉ lễ”. Khi xe dừng ở trạm Fort Lewis, Andy xách chiếc ba lô dợm bước xuống,
anh quay qua Ruth hỏi: “Chúng ta trao đổi địa chỉ được không?”. Ruth đồng ý. Cô
kể lại: “Vậy là khi xe vừa dừng tại Fort Lewis, tôi đã cho anh địa chỉ. Bác tài
hơi khó chịu khi phải chờ tôi viết. Bác cho biết xe của bác phải chạy đúng theo
giờ quy định, không chậm trễ được. Vậy là hai người mới vừa hết xa lạ đã phải rời
nhau, chẳng biết có còn gặp lại không”.
Trong thư đầu
tiên Andy đã bóng gió hỏi Ruth có thể là “một người” của anh được không? Ruth hồi
âm cho biết cô đã hứa hôn với một người quen nhau từ hồi còn nhỏ. Cô cho anh biết
ý trung nhân của cô phục vụ trong Không Quân và hai người đã một năm chưa gặp
nhau. Cô đã phân vân khi cho Andy địa chỉ nhưng cuối cùng cô vẫn viết trên giấy.
“Tôi nghĩ chẳng có hại chi khi trao đổi thư từ với nhau”. Andy có vẻ thất vọng
khi là kẻ đến sau nhưng anh vẫn viết cho Ruth. “Tôi chẳng biết tôi đứng ở đâu”.
Vận may đứng ở phía anh khi anh chàng lính Không Quân bất thần hủy lới hứa hôn
với Ruth. Cô nàng khá bất ngờ nhưng không buồn nhiều. Cô tâm sự với cô bạn
chung phòng. Cô này có óc thực tế nên xúi Ruth: “Bồ không phải ngồi buồn bã
trong căn phòng chật chội này làm chi. Hãy tìm người khác. Cái anh chàng bồ gặp
trên xe buýt đâu? Viết thư báo tin cho chàng ta biết bồ không còn ràng buộc
chi. Nếu bồ không lấy giấy bút ra viết thư ngay, tớ sẽ tìm cho vài anh chàng
khác tới rủ bồ đi chơi mỗi đêm!”. Ruth không phải là týp người ưa la cà hàng
quán vào ban đêm nên vội viết thư cho Andy. Andy mừng rỡ trả lời ngay. Thư đi
tin lại, họ chờ thư của nhau mỗi ngày. Ruth cho biết: “Chúng tôi chia sẻ với
nhau những sở thích hàng ngày, những ước muốn về tương lai”.
Ít tuần
sau, Ruth viết thư cho Andy biết nàng muốn dọn về ở lại với cha mẹ. Andy chớp
ngay cơ hội muốn giúp Ruth dọn nhà. Anh kể lại: “Vậy là tôi tới, gõ cửa nhà và
Ruth vội mở cửa. Sau đó là…lịch sử!”. Hai người hết sức hợp ý nhau. Andy vội hỏi
ngày 22 tháng 8 này Ruth có bận chuyện gì không? Cô nàng ngạc nhiên trả lời:
“Sao mà biết được. Có chuyện chi không?”. Andy tỉnh queo trả lời: “Ờ! Anh nghĩ
chúng ta sẽ làm lễ cưới vào ngày đó”. Ruth cho là chuyện giỡn nên trả lời: “Đừng
tưởng bở!”. Khi hai người ngồi cạnh nhau trên xe đò Greyhound lần thứ hai, lần
này từ Seattle về Olympia, Ruth biết là cô sẽ không bao giờ xa Andy được nữa.
Andy dùng chiêu chi để khiến Ruth ngã đổ: anh hát. Không biết anh nỉ non những
chi nhưng đó là những tình ca lãng mạn. Anh có hát nhạc Ngô Thụy Miên không? Chắc
chắn là không nhưng tôi nghĩ tới tình ca Ngô Thụy Miên vì Olympia là chốn định
cư của nhạc sĩ này từ ngày ông qua Mỹ. Nếu Andy hứng chí ngâm thơ thì tôi lại
nghĩ tới thơ tình của Trần Mộng Tú vì Seattle là quê hương thứ hai của nhà thơ
nữ có những vần thơ mượt mà này.
Thư qua thư
lại dồn dập hàng tuần chở theo nỗi niềm của hai người yêu nhau. Cuối tuần, nếu
Andy mượn được xe của quân đội, hai người lại dung dăng dung dẻ bên nhau. Andy
nhớ lại: “Chúng tôi nắm tay nhau, vừa đi vừa chuyện trò rả rích”.
Ngày
4/7/1963, hai người cùng nhau hưởng những ngày nghỉ lễ Độc Lập, Ruth trao cho
Andy một bao thư dày cộm. Bên trong là tấm thiệp cưới. Andy hoảng hốt. Anh tưởng
Ruth thành hôn với anh bạn thời thơ ấu cũ. Anh nhớ lại: “Tôi vội vàng mở ra đọc.
Khi đó tôi rất hoang mang và thất vọng cho tới khi nhìn tên chú rể. Tên tôi!”.
Ruth cho biết vào một ngày trong tuần, ngồi nhớ Andy. Nhớ tới lời cầu hôn mà
Andy nhắc đi nhắc lại vài lần trước đó, cô ra nhà in nhờ in thiệp cưới. Khi đó
cô nàng chẳng có một kế hoạch chi cho đám cưới. Cô chỉ nhớ tới cái ngày 22
tháng 8 mà Andy định ra trước đây khi hai người gặp nhau lần thứ hai mà khi đó
cô tưởng là một trò đùa vui. Vậy là trò đùa thành sự thật. Họ quyết định tay
trong tay tiến lên cung thánh vào ngày 22/8/1963. Nhà thờ mà họ chọn
là thánh đường Ruth vẫn dự lễ từ ngày nhỏ. Ruth trở thành bà Ruth Weller!
Họ mời khoảng
một trăm khách nhưng số người tới tham dự lên tới hai trăm, gấp đôi. Vui nhưng
làm họ nhức đầu. Chiếc bánh cưới không thể tự nó phồng lên gấp đôi được. Đôi
tân hôn phải cho người ra tất cả các tiệm bánh trong vùng, vơ vét hết mọi thứ
bánh.
Đôi vợ chồng
trẻ thu xếp công việc để có thể sống bên nhau. Andy giải ngũ, về làm công chức
tại tiểu bang Washington. Ruth cũng cùng làm công chức tại đây. Họ sanh được ba
người con và dọn về Yakima, cũng trong tiểu bang Washington. Bên cạnh niềm vui
với con cái, họ cũng gặp những trường hợp bất như ý. Cô con gái lớn Joanne khi
sanh ra bị “hội chứng Maffuci”, một chứng bệnh hiếm về xương. Cô là khách hàng
thường xuyên của xe cấp cứu ngay từ khi sanh ra nhưng lớn lên trở thành một phụ
nữ xuất sắc, sanh hạ được một bé trai. Cô mới mất vài năm trước. Ruth nhắc lại
thời kỳ khó khăn này: “Đúng, chúng tôi đã trải qua một thời gian khó khăn.
Nhưng chúng tôi cũng có những ngày sống hạnh phúc. Đó là những gì chúng ta phải
gánh chịu và làm cho chúng ta gắn bó với nhau hơn. Hãy nhớ chính những sự việc
này làm cho chúng ta đi tới tốt hơn…Kể ra cũng hơi hiếm khi hai người không
quen biết chi nhau lại nối kết trên một chuyến xe Greyhound. Tôi cho là một
phép lạ khi chúng tôi vợ chồng với nhau lâu dài tới vậy”.
Tháng 8 năm
nay, Andy 83 tuổi và Ruth 80 tuổi, đã kỷ niệm 61 năm ngày cưới. Nhưng Giáng
Sinh cũng là một kỷ niệm đáng nhớ của hai người. Mỗi năm, vào dịp Giáng Sinh,
con cháu gồm 4 cháu và 10 chắt về tụ họp để nhắc nhở lại cuộc gặp gỡ của hai
người vào Giáng Sinh 62 năm trước. Năm 1962!
Chúng ta đang bước vào những ngày Giáng Sinh tưng bừng. Tôi kể lại chuyện tình này như một món quà Giáng Sinh cho tất cả chúng ta, món quà mà Andy và Ruth tin là do Thiên Chúa mang tới cho họ. Riêng tôi, từ nay tôi nhìn những chiếc xe đò Greyhound với cặp mắt khác, như là những chuyến xe hạnh phúc.
12/2024