Năm 34 Công nguyên, vua Quang Vũ nhà Hán sai Tô Định sang
làm thái thú quận Giao Chỉ. Tô Định là người bạo ngược, chính trị tàn ác, người
Giao Chỉ đã có lòng oán giận lắm.
Lê Chân người làng An Biên, huyện Đông Triều. Làng An Biên nằm kề sông Kinh Thầy, sông Đạm Thủy, lưng tựa vào núi Vàn.
Bến nước sông Đạm Thủy là nơi trai gái trong làng đi kín nước,
hẹn hò. Mùa xuân, những chum nước mang từ sông về sóng sánh hoa đào, con gái
làng An Biên rắc hoa đào dọc lối đi trong vườn.
Hoa đào trước sân nhà, hoa đào cheo leo sườn núi, gió đông
lay lắc, hoa đào rụng, cánh hoa trải kín vườn, không thấy mặt cỏ xanh bên dưới.
Lê Chân đưa một vốc hoa đào trên tay thả xuống chậu nước.
– Chưa đến ngày tết, hoa đào đã tràn khắp mặt đất. Trời chuyển
ấm mau, không biết có giữ nổi hoa trên cành.
Đêm trăng.
Lê Chân múa kiếm trong vườn. Bóng áo trắng lướt dưới tán
đào, hoa rụng như mưa. Kiếm vun vút, loang loáng. Trên cao đốc xuống, xiên
ngang lốc gió, nghiêng người, uốn thân, rạp thấp, kiếm sáng bao tứ phía. Gió cuốn,
lá non bay nát, một đường lỡ tay, lưỡi kiếm bập vào thân đào lưu niên, thân cây
rung bần bật, hoa rơi tơi tả. Máu tứa trên cánh tay trần.
Tiếng cha.
Kiếm nhanh như gió nhưng không động cành, mũi dao nhọn sắc
nhưng lặng như nước trong hồ. Kẻ dùng kiếm nhưng không vị kiếm.
Bóng người con gái phi lướt trong vườn, mũi kiếm bay lướt,
xoay tròn, nghiêng ngả, xoáy ốc không chạm một cánh hoa đào. Vệt máu tươi thít
chặt bằng một dải lụa trắng.
Kiếm bay lên, đốc xuống, quay vòng múa tít. Kiếm bao thân
mình, áo người con gái phất phơ tung dạt theo lướt kiếm. Độc kiếm vô hình, bài
kiếm thầy Chiêu Độ làng Ngũ Tế truyền dạy.
Kiếm giấu trong vườn đào.
Hoa đào là máu.
Làng An Biên chìm trong ánh trăng mờ, vài hôm nữa mới đến hội
mùa xuân, những mái nhà tối sẫm xếp lớp ven đồi. Bờ sông vắng lặng thin thít.
Không một tiếng chim kêu thất thanh trong đêm, gió hun hút táp gốc rạ hơi nồng.
Thầy đồ Lê Đạo quỳ trước bàn thờ, giọng khản đặc.
– Chỉ dăm hôm nữa là tết, cầu cho hoa giữ nguyên trên cành,
đêm trừ tịch không thấy hoa đào nở, e rằng có chuyện chẳng lành, tiết xuân cũng
chẳng còn nữa.
Hoa trong vườn run rẩy.
Lê Chân mang cành đào ngoài vườn vào, hoa đào run mờ dưới
ánh trăng. Búp hồng e hé chờ ngày khai mãn.
– Hoa đào ngày tết không thể thiếu được, sau này người có mất
mát, trời lẽ thất thường hãy cố giữ lấy cành đào dịp xuân tiết.
Lê Chân cung kính cúi đầu.
Dưới bến Kinh Thầy, một con thuyền xoay ngang, cây sào cắm
trần xuống đáy. Chàng trai lưng trần, tay cầm dải lụa chàm. Mặt sông phẳng lặng,
củi khô chạm ván thuyền, triền hoa lau, cỏ muội dạt dạt hai bờ sông. Giờ này
không ai ra bến sông kín nước nữa, người đã hẹn nhưng chưa thấy. Dải lụa chàm
mua ngoài chợ Cột…
Ánh trăng mờ soi đọng trên bát nước tròng trành đặt giữa sạp
thuyền. Ánh trăng lặng cả thuyền. Mắt ta nhìn trong đó, chưa thấy mắt người.
Chàng trai chít dải lụa trên tóc, quay mặt về làng An Biên, dò cây sào xuống
đáy sông. Tiếng hát mang gió táp bờ sông.
Ta đợi người trên miền sông thẳm
Mặt sông vàng ta chạm tới đáy đen
Nước bể tràn cành khô hoang mục
Thuyền rời nguồn ván vỡ thành bưng
Mây đương mải trôi vào ánh bạc
Mặt đất bằng sông chẳng lặng về đêm
Cá chép vọt trên mũi thuyền vô vọng
Trăng tràn thuyền sào cắm rùng chân
Trong vườn bóng kiếm vẫn loang loáng, nhễ nhại.
Không có người con gái nào ra bến sông như đã hẹn.
Chàng trai cầm sào đâm nát dòng sông.
Gió bấc thổi mạnh. Rét buốt.
Hoa đào không giữ được đến ngày cuối. Người con gái xinh đẹp
nức tiếng làng An Biên đã đến tai thái thú quận Giao Chỉ.
Tô Định cao bốn thước rưỡi, râu quặp
Mắt đỏ ngầu, tiếng như ngựa thiến.
Đoàn binh đi đón tì thiếp, vó ngựa tung bụi đất đỏ, hoa đào
giẫm đạp, giầy nát dưới chân.
Ông đồ mắt trợn trừng trừng.
Vó ngựa tung hoành, máu đỏ nhuộm sắc đào, thẫm hơn vừng đông
sắp tắt.
Ông đồ ném bầu rượu xuống giữa nhà.
Từng thân đào chém đứt, đổ gục.
Người con gái tài sắc dưới chân núi Vàn cự tuyệt không làm
tì thiếp thái thú quận Giao Chỉ. Máu phun đỏ nhà.
Tiếng cha mẹ kêu than đến xé lòng, đôi mắt cha mở trừng
trừng, đôi mắt không bao giờ nhắm được nữa. Hoa đào xéo nát. Kiếm rút. Bàn tay
người con gái nắm chặt lưỡi kiếm, kiếm tuốt một đường giữa lòng bàn tay. Mím
môi. Tiếng cha. Kiếm nhanh như gió nhưng không động cành, mũi dao nhọn sắc
nhưng lặng như nước trong hồ.
Lê Chân chạy ra bến Kinh Thầy. Dòng sông u uất lạnh buốt như
sông Dịch Thủy. Người quay đầu nhìn lại.
Những mái nhà tối sẫm xếp lớp ven đồi, bờ sông vắng lặng
thin thít. Tiếng chim kêu thất thanh trong đêm.
Bến Kinh Thầy.
Con thuyền xoay ngang, cây sào cắm trần xuống đáy, chàng
trai tung dải lụa chàm: buộc cho tóc khỏi rối khi múa kiếm.
– Cho tôi đi khỏi nơi này.
– Đi đâu?
– Cứ dọc theo sông, thấy đâu dừng lại được thì dừng.
Chàng trai gồng mình, tay trần khua mái chèo, không một kẻ
nào có thể theo kịp. Mắt người con gái lạnh như nước ở đáy sông. Hoa đào tan
tác, kiếm sắc vẫn chưa dùng.
Thuyền qua một vùng lau lách, kín lặng.
– Đây là chỗ dừng thuyền.
***
Năm 40, Tô Định sát hại Thi Sách, chồng của Trưng Trắc.
Hai chị em Trưng Trắc, Trưng Nhị nổi binh ở Hát Môn. Nghĩa quân khắp nơi nhất tề
ứng nghĩa.
Vùng đất mới lau lách Lê Chân đặt tên theo quê cũ An Biên.
Sông Tam Bạc, sông Cấm cũng giống sông Đạm Thủy, sông Kinh
Thầy.
Con trai con gái làng An Biên, An Dương luyện tập võ binh,
đánh thủy trận, cày cấy, đánh cá.
Nữ tướng vùng An Biên.
Nghĩa sĩ hợp quân về vùng cửa sông. Ba anh em họ Trương ở
Thiểm Khê, ba anh em họ Tạ ở Trình Xuyên, Đào Lang ở Cương Nha, Nguyễn Minh ở
Tiên Đôi, Đào Quang ở Cự Đôi, Phạm Đầm ở Tam Đa, Lê Ngà tài sắc làm phó tướng.
Tiếng quân hô như sấm, gươm tua tủa dưới trăng.
Chàng trai lái đò trên bến Kinh Thầy thành đô tướng, huấn
luyện thủy quân.
Những đêm trăng sáng. Nước loang loáng, kiếm loang loáng.
Gió hun hút ngày giáp tết.
Đôi mắt dõi xa.
– Nữ tướng nhớ về vùng đất cũ?
– Cha mẹ của ta, hoa đào.
– Đêm dưới bến Kinh Thầy người không tới, đáy sông đâm nát bấy.
– Khoan nhắc đến chuyện đó. Kiếm vẫn chưa dùng, bàn tay ta
còn nguyên vết tuốt sắc.
Đô tướng xô mình xuống sông, múa kiếm dưới nước.
– Ta sẽ là con cá kình cho nữ tướng, máu phun hồng ngày khai
kiếm.
– Cha bảo rằng kẻ dùng kiếm nhưng không vị kiếm. Hãy ngụp lặn
tới tận đáy đen của dòng sông để biết nước sông lạnh thế nào.
Giữa vùng lau lách.
Quân luyện trên đầm nước, thủy quân tứ bề táp tới, gươm giáo
tua tủa, nữ tướng múa bài độc kiếm vô hình. Kiếm loang loáng như gió, mặt người
lặng như không. Núi phía xa là vùng An Biên xanh thẫm, ta đã giấu kiếm trong vườn
đào.
Hát Môn nổi sóng.
Lê Chân đưa quân về xứ Đoài tụ nghĩa dưới lá cờ Trưng Thị.
Quân đua chiến, kiếm sắc tuốt, thành trì giặc rơi rụng.
Nghĩa dân các quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố nhất tề vùng dậy.
Chiến trận.
Nữ binh làm tướng.
Những chuyện chưa từng thấy bao giờ.
Thôn nữ mảnh mai thành nữ sĩ quyết tử. Lê Chân từ vùng An
Biên, Bát Nàn từ Tiên La, Thiều Hoa từ Tổng Khai, Xuân Nương từ Hương Nha,
Thánh Thiên từ Bích Uyển hợp sức cùng nghĩa sĩ bốn phương dưới lá cờ Trưng Thị
quyết chiến.
Trận chiến không dứt, đô tướng thủy quân trỏ gươm lên trời
than thở.
– Binh lửa xông pha có sợ làm tổn danh sắc.
Người con gái thít dải lụa chàm trên tóc, đăm đăm nhìn về
đông.
– Cha mẹ ta rơi đầu vì giặc, vườn đào nhà ta bị xéo nát,
danh sắc vội chưa nghĩ đến.
Tì tướng đưa gươm lên ngang mày.
– Thân nhục này cũng không nghĩ đến, xin tuốt một đường ghi
nhớ.
Gươm tuốt một đường trong bàn tay. Mặt người không biến sắc.
Ngày khải hoàn có gươm sắc tế trời.
Trận chiến tơi bời
Người Giao Chỉ, người Cửu Chân, người Nhật Nam, người Hợp Phố
chân bấm chặt xuống đất cho khỏi trơn ngã, tay đan vào nhau cho khỏi đứt quãng.
Liềm, cuốc, dao thành khí giới, bao nhiêu kiếp ngày u tối, vùng dậy khắp nơi.
Quân xông pha không nao núng. Thủy quân bộ quân hợp đánh, chị
em Trưng Thị oai phong ngồi bành voi đốc chiến.
– Đàn bà xứ Giao Chỉ không chỉ là tì thiếp.
Lê Chân mím môi, ngồi trên mình ngựa, bụi đỏ, máu quân thù
dính mặt người, dải lụa chàm quấn trên đầu, kiếm vun vút, lặng thinh.
Kiếm nhanh như gió nhưng không động cành, mũi dao nhọn sắc
nhưng lặng như nước trong hồ.
Nữ tướng bặm gần nát môi, kiếm chém tới. Đô tướng hộ chiến,
mắt tràn căm giận, bờ vai trúng tên giặc, máu tràn vai áo. Lê Chân vung kiếm cắt
một đường tay áo quấn thương cho tì tướng.
Nghĩa dân đồng loạt ứng chiến, kẻ giặc không đủ sức chống chọi.
Máu quân thù chảy tràn khắp nơi, dòng sông ta vượt qua giống hệt sông Kinh Thầy,
sông Đạm Thủy. Đâu là bến nước xếp đá xanh một lượt làm nơi rửa chân, kín nước
cho thôn nữ. Ta tha hồ rắc hoa đào.
Giặc nguy khốn, đường nào thoát chạy.
Quân vây khắp nơi.
Mặt người lam khói, mắt thiêu sáng.
Đàn bà làm soái tướng.
Năm 40. Ngày mười lăm tháng tám, 65 thành trì đã quét sạch
lũ cai trị. Thái thú Tô Định vứt ấn tín, cạo râu, giả làm dân thường trốn về
Nam Hải.
Chiến thắng gầm đất trời. Đất Giao Chỉ có vương nữ đầu tiên,
trăm họ suy tôn Trưng Trắc là vua, đóng đô ở đất Mê Linh.
Nữ tướng vùng An Biên được tấn phong là Thánh Chân công
chúa, trọng trách Chưởng quản binh quyền, thống lĩnh binh lực, kiêm trấn thủ
cùng biển Đông Bắc.
Dân khắp xứ tưng bừng ngày xuân tiết.
Thay lại trang phục cho đúng với phong tục dân Giao Chỉ.
Tóc dài.
Răng đen.
Bánh chưng.
Bánh dày.
Hoa đào rét sớm không ra kịp nhưng nhớ lời cha dù không được
cũng chọn lấy cành lộc đào làm vị tết.
Thân đào quật nát ở An Biên chờ ngày dựng lại, nở hoa.
Vùng đất mới An Biên ngã ba sông Tam Bạc, sông Cấm dân quây
quần no ấm.
Nữ tướng lo phòng bị trấn ải vùng Hải Tần, dạy dân võ nghệ,
cày cấy.
Nghe trống thúc dưới cờ, đô tướng mắt long lanh.
– Bến sông Kinh Thầy bữa trước người còn nhớ hẹn cũ, nay đất
đã về ta.
Người cầm dải lụa chàm, gọi đưa đến một cành lộc đào tươi biếc.
– Chuyện ngày trước còn ghi khắc, dải lụa chàm còn đây nhưng
giặc vừa tan, cần phòng bị thêm nữa. Khi nào yên ổn muôn phần mới tính chuyện
khác được. Cành lộc đào xin làm ghi nhớ.
Đánh vật. Đua thuyền. Múa kiếm. Bắn cung. Làm tướng phải khắc
ghi, phương bắc còn chưa từ tâm huyệt.
Nhưng tiết xuân đã đến, ta cứ hát bài ca hưởng thái bình vui
vầy.
Hoa đào nở trên những lối đi
Chim không hát đâu phải chim sơn tước
Bến quây quần cá xếp dưới khoang
Mưa phun rắc cô đào bưng rượu
Mặt xuân hồng kiếm giắt sau lưng
***
Năm 42, vua Hán sai Mã Viện làm Phục Ba tướng quân, Lưu
Long làm phó tướng, Lâu thuyền là Đoàn Chí sang đánh Trưng Vương.
Quân Mã Viện vây đánh khắp nơi, những chiến binh Giao Chỉ mới
quen cầm giáo không đủ sức giao chiến với quân thù.
Trưng Vương đưa quân về vùng Lãng Bạc tử chiến.
Cánh quân Lê Chân tiến về Lạt Sơn. Nhất quyết không để chịu
bắt. Ta sẽ kháng cự đến cùng.
Quân mã chạy túa, những binh sĩ, anh em, họ hàng của ta, hãy
luồn rừng thoát vây trở về đất cũ, chờ thời mới.
Tì tướng mặt lưu vết khói, máu khô đọng trên vai, chìa tay
ra, vết kiếm tuốt nổi trên bàn tay.
– Ngươi hãy trở về quê cũ, trời định rồi, sức ta không thắng
được.
– Hôm đợi dưới bến Kinh Thầy lòng ta đã quyết. Người không đến
ta đâm nát dòng sông. Ta quyết cùng người tử chiến nơi đây.
Vòng vây hẹp dần.
Tiếng thét. Kẻ ngồi trên lưng ngựa, nét thanh tú kia chính
là nữ chủ tướng, bắt sống lấy.
Quân xông ra bảo vệ nữ chúa. Gươm múa tơi bời, độc kiếm vô
hình. Đầu giặc rụng tơi bời.
Tên bắn tua tủa. Người lao ra như mưa. Trong đám tên mưa hỗn
loạn. Người tì tướng vững chãi như thành đồng lao ra tử chiến, vai trần xăm những
hình quái sông, thuồng luồng. Tì tướng xuất thân người lái đò trên sông Kinh Thầy.
Quân giặc bu vào chỗ ấy, gươm vung loang loáng, người chặt
trên xả dưới, kiếm vung túi bụi, đám giặc xông vào, dội ra. Bóng lưng trần tả
xông hữu đột, mở đường máu, không cho giặc chạm tới chủ tướng.
Vòng vây co cụm, giáo giặc đan lại một vòng, tất thảy mũi nhọn
chĩa vào. Tiếng gươm lạnh buốt, tổ kiến lửa bu vào con mồi, bung ra, vỡ ra, mở
rầm rĩ, náo loạn.
– Xin chủ nhân đừng để giặc chạm đến, tôi quyết chết vì người.
Tiếng kêu xé họng nhỏ dần, máu phun khắp nơi, giáo giặc chõ
lại như xiên vào tổ ong. Tiếng thét cuối cùng trước khi vĩnh biệt. Ta không bao
giờ nhìn thấy nàng nữa rồi, chưa nhận được một lời âu yếm từ người con gái làng
An Biên. Mũi giáo lạnh buốt thấu gan ruột.
Lê Chân rạp trên mình ngựa thoát khỏi vòng vây, khắc cuối
cùng thấy ánh mắt âu yếm của chàng lái đò trên sông Kinh Thầy. Người thúc ngựa,
không nhìn về phía sau nữa.
Ngựa phi như bay, nhằm thẳng đỉnh Giáp Dâu hướng tới. Giống
như núi Vàn quê ta. Ta sẽ tiến đến đó, quyết không để cho giặc chạm vào thân thể.
Người đã lên được đỉnh Giáp Dâu, tầm mắt mở ra bốn phía, non
cao đẹp, hoa đào núi nở sớm, đâu là nơi cha mẹ ta an nghỉ, bản quán ta. Tiết
xuân về hoa rắc hồng mặt cỏ, ta múa gươm trong vườn, nhất quyết không động đến
từng cánh hoa đào. Thiếu thời của ta, gió thông thốc. Cha mẹ ta táng ở lưng đồi,
bao tướng sĩ đã vì non sông ngã xuống. Trưng Vương giữ khí tiết trẫm mình ở
dòng Hát Giang, chàng lái đò đã quên mình giải vây cho ta. Xin vái ba lạy tạ tội
mẹ cha, tiễn thương tướng sĩ.
Từ đỉnh Giáp Dâu, Lê Chân thúc ngựa phi xuống như gió, nàng
không nhìn cây cỏ chắn đường. Trước mắt nàng là sông Đạm Thủy hiền hòa, sông
Kinh Thầy uốn lượn. Rừng cây phía dưới là đồi hoa đào bát ngát, lá quăn rụng gần
hết, độc màu hồng tươi rói.
Màu hồng của hoa đào vườn nhà ta. Xuân ấm sớm, hoa có giữ được
trên cành. Mái nhà đằng xa là bản quán nhà ta, có ai còn nghĩ đến, bao đêm
trăng ta vui thú dưới vườn đào.
Ngựa phi xuống, quỵ dần. Nước mắt ngựa chiến nhỏ xuống, chân
gãy nát, ngựa không rướn thêm được nữa, trước mặt nàng một khoảng nhạt nhòa.
Nhân ảnh dưới kia là mẹ cha đang đón ta, vườn đào.
Nàng lao xuống thân ngựa, không gì cản được nữa, không sợ
hãi, luyến tiếc, không thành thân thì thành nhân. Tất cả bao quanh một sắc hồng
thắm, ta trở về với hoa đào, ta buông xuống đây.
Người tuốt kiếm phi lên trời.
Kiếm nhanh như gió nhưng không động cành, mũi dao nhọn sắc
nhưng lặng như nước trong hồ. Kẻ dùng kiếm nhưng không vị kiếm.
Ta dùng kiếm vị bản quán ta, cha mẹ ta, hoa đào.
Nàng thả mình, nhẹ dần. Không có gì hết, ta sẽ tan vào cỏ
cây, hoa lá, ta về với đất mẹ yên bình. Người có mất mát, trời lẽ thất thường
hãy cố giữ lấy cành đào ngày xuân tiết.
Lê Chân tuẫn tiết trên đỉnh Giáp Dâu.
Những thân đào giập nát vùng đồi An Biên cũng nảy lộc nhú
búp màu hồng.
Dân làng An Biên xây đền thờ trên núi Vàn, tôn nữ tướng làm
thành hoàng làng. Đền một năm có ba ngày hội. Mồng tám tháng hai vào ngày sinh,
mười lăm tháng tám giỗ trận, hai lăm tháng chạp nữ tướng tuẫn tiết trên đỉnh
Giáp Dâu.
Trời buông rét, chỉ vài hôm nữa là tết, hoa đào chờ ngày mãn
khai hồng rộ khắp nơi. Bóng một thiếu nữ đi nhặt hoa trong vườn đào niên dưới
chân núi Vàn.