07 February 2025

NƠI ẤY XUÂN VỀ - Thảo Lan

Một cái Tết nữa lại về. Trong cái không khí lạnh giá của mùa Đông Virginia có một người tha hương ngồi hồi tưởng lại những cái Tết xa xưa.

Những ngày Tết xa xưa đó đối với tôi thường được đánh dấu bằng cột mốc từ ngày đưa ông Táo về trời. Thông thường đó cũng là ngày họp mặt tất niên của học sinh. Đối với tôi khi ấy không còn gì thú vị hơn một ngày họp mặt vui chơi thỏa thích cùng bạn bè để sau đó không phải lo nghĩ gì đến sách vở, trường lớp trong suốt hai tuần lễ liền.

Những ngày tiếp sau đó anh chị em chúng tôi bắt đầu chia nhau công việc dọn dẹp trang trí nhà cửa phụ ba mẹ để đón Tết. Một việc làm hàng năm không thể thiếu mà đôi khi khiến chúng tôi cảm thấy ái ngại đó là đánh bóng các bộ lư đồng. Ái ngại vì ngoài việc phải ngồi lê la hằng mấy tiếng đồng hồ mà còn do những góc cạnh của các bộ lư đồng hay chân nến có thể làm trầy xước các ngón tay một cách dễ dàng. Tuy vậy do các anh chị em chúng tôi ngồi làm cùng nhau nên công việc cũng có phần hào hứng và hoàn tất thật nhanh chóng. Thêm vào đó nhìn những thành quả rõ rệt là những chiếc lư đồng, chân nến sáng bóng thì ai nấy đều mãn nguyện với công sức mình bỏ ra. Tiếp đến là lau chùi cửa kính cho bóng và tháo các màn cửa cũ ra để thay bằng bộ màn cửa mới. Vào những ngày này chúng tôi còn có một công việc đặc biệt khác nữa là chọn bình và dọn dẹp nơi để chưng các cành đào cũng như các củ thủy tiên. Ba tôi vẫn thường được các hãng hàng không biếu những cành đào của Hong Kong hoặc của Nhật mà dạo ấy hiếm thấy bán ở Sài Gòn. Những cành đào đó đều được ba tôi thui gốc trước khi cắm vào bình để thúc cho hoa nở rộ thật đẹp vào những ngày đầu năm. Trừ việc lắp màn cửa mới thường được để dành đến ngày 30 Tết, những công việc chuẩn bị này đều được hoàn tất trong những ngày từ 24 đến 27 tháng Chạp để dành thời gian cho công việc bận rộn nhất của chúng tôi là nấu nồi bánh chưng thật to vào đêm 28. Ba mẹ chúng tôi thường hoàn tất việc gói bánh vào lúc chạng vạng tối của ngày 28. Bếp được đặt trước cửa hoặc sân sau. Anh chị em chúng tôi phải thay phiên nhau canh nồi bánh hễ nước cạn thì phải châm thêm và củi cũng phải được tiếp liên tục để lửa cháy đều xung quanh. Chúng tôi thường chuẩn bị trước các món ăn lặt vặt để nhâm nhi qua đêm. Đó có thể là một nồi chè, vài gói mì ăn liền, một ít đậu phộng rang, vài củ khoai vùi trong bếp lửa hay các món bánh mứt ngày Tết. Các băng nhạc và số báo Xuân cũng được chuẩn bị sẵn sàng để giúp anh chị em chúng tôi giết thời giờ.

Có lẽ trong gia đình tôi ngày 29 tết là ngày mệt mỏi nhất vì đó chính là ngày chúng tôi phải thu dọn nồi bánh chưng cho sạch sẽ gọn gàng trước khi có thể làm một giấc ngủ bù cho đêm canh bánh hôm trước. Trong khoảng thời gian chúng tôi gần đi xuất cảnh, khi công việc dọn dẹp nồi bánh chưng đã được hoàn tất và người canh bánh cũng được ngủ bù một giấc cho lại sức, cả đại gia đình chúng tôi thường cùng nhau đi dạo chợ hoa Nguyễn Huệ. Cũng vẫn khung cảnh đó, cũng ngần ấy thứ hoa nhưng sao không bao giờ chúng tôi cảm thấy nhàm chán. Cao điểm của sự bận rộn chính là vào lúc năm cùng tháng tận. Mọi người đều tấp nập hối hả dường như ai ai cũng sợ không đủ thời giờ để hoàn tất mọi công việc. Gặp những năm Tết không có ngày 30, có lẽ không riêng gì chúng tôi ai ai cũng cảm thấy như bị thiếu hụt thời gian. Với tôi bữa cơm sum họp gia đình tối 30 Tết chính là bữa cơm quan trọng nhất trong năm. Đây cũng là dịp để chúng tôi thử tài gia chánh của mẹ và các chị. Các món ăn mà mẹ tôi thường chỉ làm vào dịp Tết như kim chi, giò thủ, bánh chưng, dưa hành, v.v… hiện diện trên mâm cơm ngày Tết cùng với các cao lương mỹ vị khác như lạp xuởng, canh măng khô, thịt kho trứng. Xin phép được nói thêm về món kim chi mà tôi vừa đề cập là món mẹ tôi thường chỉ làm vào dịp Tết. Kim chi Đại Hàn thì có lẽ ai cũng biết tới nhưng món kim chi đặc biệt mà mẹ tôi làm này cầu kỳ và đẹp mắt hơn nhiều. Các lá cải được cuốn với nhân bên trong như các cuộn chả giò. Đến khi ăn, các cuốn này sẽ được cắt thành từng khoanh đẹp mắt. Để bày lên bàn thờ cúng cũng đẹp mà để dùng mời cơm khách cũng thanh lịch.

Rồi thì giờ phút thiêng liêng nhất của một năm cũng đến. Sau khi cúng giao thừa xong ba mẹ tôi xuất hành đi lễ chùa đầu năm. Trước năm 1975, ngôi chùa ba mẹ chúng tôi luôn viếng vào đêm Giao Thừa là Việt Nam Quốc Tự trên đường Trần Quốc Toản gần nhà. Anh chị em chúng tôi thường chuẩn bị sẵn một băng nhạc Xuân với lời chúc Tết mở đầu để bật lên đúng vào lúc ba mẹ tôi đi lễ chùa quay trở về bước vào nhà để xông đất. Đây là lúc mà bọn nhỏ chúng tôi thích nhất do được lì xì những đồng tiền mừng tuổi mới tinh. Bước sang sáng mùng một cả Sài Gòn như được khoác lên một tấm áo mới khác hẳn 24 tiếng trước đó. Đường xá trở nên vắng vẻ hơn ngày thường và nhất là nếu so sánh với những ngày giáp Tết. Trong gia đình chúng tôi nhịp sống nói chung cũng như chậm lại để cùng với mọi người tận hưởng hết hương vị ngày Xuân. Chúng ta có câu "mùng một Tết cha, mùng hai Tết mẹ, mùng ba Tết thầy". Do ba tôi là con trai trưởng nên mùng một Tết chúng tôi thường ở nhà để đón tiếp họ hàng ghé lễ ông bà tổ tiên. Sang đến mùng hai, mùng ba chúng tôi mới đi cùng ba mẹ chúc Tết họ hàng và cũng để kiếm thêm tiền lì xì.

Khi mùng ba qua đi, mâm cúng tiễn ông bà với món bún thang truyền thống của người miền Bắc được dọn xuống thì đối với chúng tôi Tết vẫn chưa thật sự hết. Hàng năm bác tôi từ Bà Rịa về Sài Gòn ăn Tết với chúng tôi vào ngày mùng ba nên ngày Tết của chúng tôi như lại được kéo dài thêm. Dạo đó chúng tôi vẫn còn được nghỉ học đến hết mùng bảy. Bánh chưng, mứt Tết cùng các món cao lương mỹ vị khác vẫn còn. Ngoài việc được ăn ngon, mặc quần áo mới, nghỉ học, thú vui ngày Tết thuở nhỏ của tôi còn có các sòng bài tam cúc, bài cào, xì dách. Anh chị em chúng tôi, cùng với người bác và thỉnh thoảng có sự tham gia của một vài bạn hàng xóm, luôn luôn có đủ tay để bày ra bất cứ trò chơi nào tại nhà. Để rồi đến khi mùng bảy trôi qua, chúng tôi phải quay lại với trường lớp sách vở trong sự tiếc nuối và đôi khi phải nói là chán chường.

Những năm cuối thập niên 70, Tết trong gia đình tôi không còn được sung túc như trước, nếu không muốn nói là khó khăn eo hẹp. Tuy nhiên không khí đầm ấm của ngày Tết vẫn tồn tại mỗi năm cho đến khi chúng tôi đi xuất cảnh. Tôi còn nhớ năm 1976 chúng tôi cùng người dân Sài Gòn ăn một cái Tết thầm lặng. Giao thừa năm đó ba tôi lấy ra một bánh pháo Hong Kong còn sót lại từ thời Tết Mậu Thân để đốt lên xua tan mọi xui xẻo của năm cũ và đón mừng năm mới. Tiếng pháo đó vang lên một cách lạc lõng giữa đêm khuya vì năm đó không có mấy nhà nơi tôi ở thức khuya đón giao thừa như những năm trước. Kể từ đó cho đến khi chúng tôi rời quê hương, tiếng pháo là một trong những đặc điểm không thể thiếu đối với tôi những khi xuân về. Bởi chúng tôi sống giữa lòng chung cư Nguyễn Thiện Thuật nên mật độ dân cư đông đúc. Hàng năm bắt đầu từ 11 giờ của đêm trừ tịch (có lẽ do một số người vẫn giữ lệ cúng giao thừa theo giờ Sài Gòn cũ) tiếng pháo bắt đầu nổi lên liên hồi cho đến tận hơn một giờ sáng mới giảm dần trước khi dứt hẳn. Cái thú vui của chúng tôi vào giờ phút giao thừa dạo đó là lên sân thượng nhìn cảnh vật xung quanh và xem thiên hạ đốt pháo mừng Xuân. Câu thành ngữ tối như đêm 30 không thể nào thích hợp vào lúc này vì mọi nhà đèn đuốc sáng choang. Khói pháo vương phủ khắp nơi như khoác lên vạn vật một màn sương mờ ảo.

Cái Tết Nguyên Đán đầu tiên xa quê hương của tôi là Tết Canh Ngọ năm 1990 tại trại tị nạn Bataan ở Philippines. Khi nghe đâu đó tiếng nhạc Xuân vọng ra từ máy cassette của một gia đình nào đó ở trại “Mẹ ơi hoa cúc hoa mai nở rồi …”, tôi đã phải cố gắng kìm nén để không phải chảy nước mắt cho lần đầu đón Tết xa gia đình nơi xứ người. Nhưng rồi tôi cũng phải quen dần với những cái Tết im tiếng pháo, xa quê hương. Tết Tân Mùi năm 1991 là cái Tết đầu tiên tôi đón trong cái không khí giá lạnh của mùa Đông Virginia. Đó cũng là năm đầu tôi phải vật lộn với sách vở ở giảng đường đại học bên cạnh công việc làm sau giờ học nên cũng không có thì giờ để nghĩ nhiều đến Tết. Bù lại tôi được thưởng thức các món ăn truyền thống ngày Tết do mẹ tôi làm, những món mà Tết năm trước khi còn ở trại tị nạn tôi đã từng rất thèm khi nhớ đến. Dĩ nhiên có một món không thể thiếu là nồi bánh chưng to khổng lồ nấu trên bếp ga. Căn apartment nhỏ, kín như bưng chứa hơi nước sôi thoát ra từ nồi bánh đến mức bão hòa không thể nào chịu đựng thêm. Từ trần nhà hơi nước đọng lại và bắt đầu nhỏ tong tong xuống đồ đạc bên dưới. Cuối cùng, mặc cho nhiệt độ bên ngoài chỉ chừng trên dưới 32°F (0 độ C), chúng tôi đã phải mở to hai cánh cửa sổ ra để giải toả bớt hơi nước trong nhà.

Những năm đầu khi tôi mới đặt chân đến đây, cộng đồng người Việt còn chịu khó mượn hội trường của các trường học ở địa phương để tổ chức hội chợ Tết. Nơi ấy người Việt tha hương có thể nhìn thấy lại hình ảnh quê nhà qua các gian hàng bán thức ăn Việt Nam, các chương trình văn nghệ, xổ số, trò chơi với những câu đố về lịch sử giúp cho các em nhỏ hiểu biết về lịch sử Việt Nam. Việc làm này đã giúp những đồng hương tị nạn có thể nguôi ngoai nỗi nhớ Tết quê nhà. Rồi không biết từ lúc nào các chương trình Tết nơi tôi ở chỉ còn xuất hiện theo nghi thức tôn giáo trong các ngôi chùa và nhà thờ quanh vùng. Không còn những hội chợ Tết cho đồng hương gặp mặt nhau như xưa. Giờ đây nếu muốn có không khí ngày Tết ở Mỹ thì có lẽ chúng tôi phải làm một chuyến du hành qua quận Cam, thủ phủ của người Việt tị nạn. Ở nơi này có lẽ không khí Tết chỉ còn được gìn giữ trong mỗi gia đình. Chúng tôi vẫn cố gắng bày ra các món ăn trước để cúng ông bà tổ tiên, sau để con cháu cùng thưởng thức. Chúng tôi cũng lau chùi bàn thờ sạch sẽ tươm tất, mặc dù không có bộ lư đồng để đánh bóng như khi còn ở Việt Nam. Gia đình chúng tôi cũng lên chùa lễ Phật đầu năm và dĩ nhiên không quên phong tục lì xì để các cháu hình dung ra được không khí ngày Tết của ba mẹ chúng ngày xưa ra sao. Có năm tôi còn chịu khó đặt mâm cúng giao thừa ngoài trời trong cái lạnh cắt da của mùa Đông ở đây. Tuy vậy ở vùng hẻo lánh ít người Việt này, nếu gặp năm Tết vào cuối tuần thì còn xôm tụ một chút, chứ bình thường thì người lớn đi làm trẻ con đi học có lẽ các con tôi không thể nào hình dung được Tết có gì đặc biệt mà sao ba mẹ chúng cứ hay nhắc đến một cách hào hứng như thế. Nhất là khi các con đã khôn lớn để đi học, đi làm xa nhà thì việc cố gắng nhắc nhở về truyền thống Tết cho các cháu lại càng khó khăn hơn. Khó nhưng vẫn phải ráng làm, có điều chắc chắn các cháu phải thắc mắc cũng vẫn ngần ấy nội dung mà sao ba mẹ cứ lập đi lập lại hàng năm không chán. Các cháu đâu biết rằng ba mẹ lại làm công việc mà ông bà các cháu ngày xưa đã làm để cố gìn giữ lại một ít truyền thống của ngày Tết ở nơi đất khách quê người.

Người khách tha hương lại tiếp tục thả hồn hồi tưởng về một nơi chốn xa xăm. Nơi ấy đang có mùa Xuân nhẹ nhàng trở gót quay về.

Thảo Lan

Xuân Ất Tỵ - 2025