Phải chi khách đến thăm vườn hồng hơn trăm giống quý đủ màu sắc của ông Chu hằng ngày là khách mua hoa thì chắc thu nhập của gia đình ông đỡ hơn. Ông nghèo, nhưng cái máu nghệ sĩ của ông lại mạnh mẽ hơn chuyện tiền bạc, lại gặp bà vợ hết mực chiều chồng, nên cứ nghe đâu có giống hồng lạ là bằng mọi cách phải có cho bằng được. Năm ba ký gạo đắp đổi hằng ngày đã khó, mà có những giống người ta đổi cả tấn lúa ông cũng lắc đầu.
Thật ra thì ông cũng có chút thu nhập từ những bạn đồng điệu,
thỉnh thoảng họ cũng mua vài ba, năm bảy cành giống ông chiết sẵn vừa ra đủ rễ,
hoặc lâu lắm cũng có vài người khách ngoài tỉnh họ mua với số nhiều, lại còn đặt
cọc trước cho ông chiết sẵn vài chục giống mà họ chưa có, nhưng những con số đó
không thấm tháp gì với con số ông bà đã bỏ ra, tuy vậy, cứ có khách đến thăm, dạo
tới dạo lui, hoặc ngồi nhâm nhi nước trà nơi cái bàn đá ngoài vườn là ông thấy
vui, dù đa phần khách đến để chiêm ngưỡng, nhận xét phê bình này nọ nhiều hơn
khách mua.
Một người khách nữ bước vô nhà, định gật đầu chào nhưng ông
kịp nhận ra, rất nhanh, ông dẫn chị ra vườn hoa, không kịp mừng, họ vừa loanh
quanh vườn, vửa vội vã khơi thông dòng nước bị bị nghẽn mạch lâu ngày, sau câu
hỏi nhỏ, của ông Chu, vể hồi nào.
-Biết anh vẫn khỏe là em vui rồi, em không muốn hỏi anh sống
thế nào, vì ít nhiều em cũng đã biết về anh. Ngày đó anh không lên tàu kịp, và
em mất anh, bao năm nay, mình nào nói với nhau được gì.
Ngừng một chút, chị thở dài, nói nhanh như sợ không còn được
nói:
-Nghe anh có gia đình không biết làm sao viết thư gửi quà
cho anh, em về đây cũng chính là muốn gặp anh một lần, Em ở khách sạn, anh có
muốn gặp em không?
Ông cúi đầu, không nhìn thẳng chị như có gì đó không ổn:
-Thường thì anh tự nhốt mình quen rồi, Từ ở tù về, anh tự
cách biệt với xã hội bên ngoài, anh không bạn bè, quán xá gì. Đi đâu ra khỏi cửa
thì lúc nào bà xã cũng ngồi sau cái ba-ga xe đạp. Anh mà đi một mình được là bất
thường lắm.
Chị thở dài nhè nhẹ:
-Sao anh hành hạ mình chi vậy, ai cũng phải sống mà.
Ông cũng thở dài, cái thở dài như được có cái bóng mát đặt
xuống một gánh nặng mà như lâu lắm ông chưa được có ai để ông gửi gắm:
-Em không biết chúng nó khủng bố gia đình anh và anh thế nào
đâu.
-Điều đó thì từ khi còn ở đây em đã biết rồi, em nghĩ có khi
lâu rồi chúng có cởi mở hơn…
-Cũng nới phần nào, nhưng cũng tùy đối tượng, anh không nằm
trong số được thở. Nó chưa giết anh đã là may lắm.
Họ tiếp tục dợm bước qua từng chậu hồng, cứ như những lần
ông chuyện vãn, giải thích với khách. Họ cứ lặng lẽ những câu chuyện riêng tư,
không quên ngó chừng từ trong nhà người vợ có bất chợt bước ra không, dù ông biết
chắc vợ ông đang bận chăm chút đứa con mới sinh hơn tháng.
-Chị có có nghe tên em không?
-Em muốn có hay không?
-Em muốn cả thế giới biết là…chúng ta…
Không khí giữa họ trở nên vui vẻ, ông nhìn chị cưới:
-Để em sống một mình?
-?
-Thì anh chết chứ sao.
-Thử đi, không chết đâu. Mình có làm gì nên tội đâu. Vậy chứ
anh sẽ nói em là gì?
-Khách mua kiểng.
-Em nói!
-Anh thách em.
…
-Em có mua cho anh vài bộ bô quần áo mặc Tết. Em đem về một
thùng quà để dưới khách sạn…
Không để chị dứt lời, ông vội vã từ chối:
-Không dám nhận đâu.
-Tại sao?
-Anh biết nói sao?
-Thì… nói bạn nào đó cho.
-Bạn nào trong cuộc đời anh mà bả không biết.
-Ưm…anh cất ít tiền tiêu… Mua giùm em những gì anh cần
-Không, anh không thể.
-Chúng ta không có nhiều thời gian mà, em năn nỉ anh. Đừng
làm em buồn.
-Thôi, anh hiểu em là đủ rồi.
-Làm ơn. Đủ là sao?
Ông giải thích:
-Là… không có em, lâu nay anh cũng lây lất sống được mà. Anh
với em vậy cũng đủ để nhớ nhau, đủ đẹp rồi. Như những bông hồng kia, đã có lúc
hàm tiếu, rồi mãn khai, rồi cũng đã phải úa tàn. Không phải bao năm qua là đã
tàn lụi rồi sao?
Chị lại thờ dài, cố gắng lắm để không bật ra tiếng khóc,
nhưng không kịp cố gắng để ngăn hai dòng nước mắt ứa vội:
-Em hiểu rồi. Anh có được người vợ tốt, thương yêu lo lắng
cho anh là em mừng rồi, nhất là tù tội về chỉ còn là phó thường dân, cá nằm
trên thớt. Hay… em có thể mời anh chị dùng với em một bữa trưa nhé?
-Thôi em, bà xã bận bịu với cháu nhỏ lắm, mấy bữa nay con bé
bị bệnh, lại nãy giờ bả cũng đang lo cơm trưa, anh không mời em ở lại dùng cơm
đã là một thiều sót rồi.
-Gì cũng không, em tức anh quá. Chị thật đảm đang, cho em
cám ơn chị, anh tin em thật lòng không?
Chị ngừng nói vì bất chợt thấy ông nhìn thẳng mặt chị, như
xác định câu nói của chị có vẻ gì mỉa mai không, ông yên tâm khi thấy chị nói
thật, ông cười:
-Ở đâu ra như bài học thuộc lòng vậy?
-Thật mà, nghe anh nói em hiểu là chị yêu anh lắm. Anh cho
em tính thế này, anh nhờ ba gác chở xuống khách sạn ba bốn chục chậu hồng đủ thứ
cho em, em gửi tiền trước cho anh ở đây. Em năn nỉ anh, gần tết rồi, em biết ai
cũng khó khăn, và em cũng khó khăn lắm mới về gặp được anh đây, chưa chắc gì
còn lần sau, coi như một chút kỷ niệm để nhớ ngày xưa.
Bị dồn vào thế chẳng đặng đừng, thấy chị hợp lý hóa chuyện
tiền bạc ông có phần xiêu lòng, ông im lặng như đồng ý, tuy nhiên vẫn muốn làm
khó chị:
-Nhưng mà anh không muốn những giống quý của anh lưu lạc vô
tay nhũng người không biết chơi.
Thấy ông không còn thẳng thừng từ chối, chị vui ra mặt, trả
lời thật nhanh:
-Em có chơi đâu, em không cần giống má gì hết, Anh cứ cho em
ba cái thông thường là được.
Chị thòng thêm:
-Anh yên tâm, em làm ra nhiều tiền lắm.
Ông thắc mắc:
-Rồi em làm gì với cái đống hổ lốn ấy?
Chị đùa:
-Đập cho bõ tức.
Đặng Kim Côn