Y Vũ chưa bao giờ nhận mình là nhạc sĩ. Ông nói danh hiệu nhạc sĩ là do
những nhà sản xuất âm nhạc và khán giả thời đó gán cho ông. Trước sau Y Vũ chỉ
nhận mình là người chơi nhạc. Ông may mắn nổi tiếng nhờ vào một vài bài hát.
Nhưng âm nhạc chưa bao giờ mang lại cho ông niềm vui trọn vẹn, cuộc đời của Y
Vũ gắn liền với những nổi buồn trong âm nhạc lẫn ngoài cuộc sống. Có thể nói đó
là những nổi buồn để đời.
Nhạc sĩ Y Vũ tên thật là Trần Gia
Hội, sinh năm 1942 tại Hà Nội trong một gia đình không có truyền thống về âm
nhạc. Rất may mắn cho Y Vũ khi ông có người anh trai là nhạc sĩ nổi tiếng Y
Vân. Chính nhạc sĩ Y Vân đã gieo tình yêu âm nhạc cho Y Vũ khi tuổi ấu thơ
trong những ngày sống với gia đình ở Hà Nội. Nhạc sĩ Y Vân đã truyền tất cả
những ngón nghề âm nhạc cho người em trai. Năm 1954 gia đình Y Vũ di cư vào
Nam, ông trở thành một nhạc công lão luyện và chơi nhạc cho các quán bar vũ
trường ở Sài Gòn và Vũng Tàu. Ngoài chơi nhạc ông bắt đầu sáng tác những
tác phẩm đầu tay.
So với anh Y Vân, Y Vũ không có nhiều
bài hát nổi tiếng. Người yêu âm nhạc biết đến ông qua những bài hát như Kim,
Ngày cưới em, Chuyện loại hoa dang dỡ, Chuyện tình đầu, Tiếng hát về đêm… Mỗi
tác phẩm của Y Vũ đều mang đậm dấu ấn của kỷ niệm và nỗi niềm của riêng ông.
Nói đến Y Vũ người ta còn nhắc đến bài hát Tôi đưa em sang sông,
nhưng nhạc phẩm này cũng mang cho đến cho Y Vũ nhưng phiền muộn day dứt không
nguôi về quyền tác giả. Những nỗi buồn của ông có thể đúc kết thành những câu
chuyện dưới đây:
Nổi buồn mang tên “Kim”
Năm 1969 tên tuổi của Y Vũ bắt đầu
được chú ý trong giới âm nhạc miền Nam qua tác phẩm đình đám mang tên Kim được
ca sĩ Túy Phượng hát trên làn sóng điện của đài phát thanh Sài Gòn. Nguồn gốc
của bài hát Kim được nhạc sĩ Y Vũ kể lại rằng: Trong những
ngày chơi nhạc trong một vũ trường ở Vũng Tàu, Y Vũ yêu một người con gái tên
là Kim. Nàng là một vũ nữ nhưng mang trong mình bệnh tim rất nặng. Để lên dây
cốt tinh thần và động viên nàng, Y Vũ đã sáng tác bài hát Kim tặng
riêng cho người yêu. Bài hát với giai điệu sôi động mạnh mẽ. Bất ngờ sau khi
được ra đời Kim đã có sức lan tỏa rất rất mạnh. Ngoài nữ hoàng
nhạc twis Túy Phượng, còn rất nhiều ca sĩ sử dụng bài hát này trong các vũ
trường quán bar ở miền Nam.
Buồn thay cho Y Vũ, giai điệu sôi
động vui tươi yêu đời của bài hát Kim đã không thể cứu sống
được người mình yêu. Một năm sau đó Kim đã qua đời trong cơn bạo bệnh. Tác
phẩm Kim đã trở thành một kỷ niệm đau đáu trong lòng ông. Mỗi
khi bài hát vang lên ở đâu đó tim ông lại sắt se lại và cảm thương cho người
yêu bạc phước.
Bài hát Kim còn mang
đến cho ông nhưng nỗi buồn khác đó là sự nhầm lẫn về tên tác giả. Y Vũ cho
biết, có những chương trình đại nhạc hội rất lớn, MC giới thiệu bài hát này là
của nhạc sĩ Y Vân làm ông không vừa lòng. Nhạc sĩ Y Vũ rất mong những người
biên tập chương trình, và MC khi giới thiệu tác phẩm nên tránh những nhầm lẫn
như vậy. Bởi tác phẩm là đứa con tinh thần của của người sáng tác khi bị gọi
sang tên của người khác đó là điều tối kỵ. “May mắn cho tôi là người ta
nhầm bài hát này của anh ruột tôi là Y Vân chứ nhầm tên ai đó thì quả là rất
đáng buồn”, Y Vũ tâm sự.
Nỗi buồn “Tôi đưa em sang sông”
Bài hát Tôi đưa em sang sông với
giai điệu slow trữ tình nhẹ nhàng ngọt ngào man mác buồn của Y Vũ đã đi vào
lòng của nhiều thế hệ người nghe nhạc Việt Nam. Người đầu tiên trình bày ca
khúc này là ca sĩ Lệ Thu. Tuy được mệnh danh là người xấu trai nhất trong giới
nhạc sĩ, nhưng bù lại, âm nhạc của Y Vũ đã làm xiêu lòng biết bao nhiêu người
phụ nữ, tuổi trẻ của Y Vũ gắn liền với những cuộc tình ướt át. Nhiều người quý
cô đã yêu Y Vũ đến say đắm bất chấp cái vẻ bề ngoài hơi ngô ngố của ông, bởi
nhạc của Y Vũ dễ đi vào lòng người, nhất là nhưng cô gái có tâm hồn đa sầu đa
cảm. Y Vũ đã đáp lại tất cả những tình cảm ấy để rồi cuối cùng ông nhận lấy
những cuộc chia tay không hẹn trước. Trong tất cả những cuộc tình ấy, đa số
những người phụ nữ đều bỏ ông ra đi với nhiều lý do khác nhau. Có người hụt
hẫng giữa con người thật của Y Vũ và âm nhạc. Có người ra đi vì chê ông nghèo.
Có người đến với ông chỉ vì những rung động nhất thời rồi lại chia tay vì những
lực hấp dẫn khác, và có cả những cuộc chia tay mà đến tận hôm ông không bao giờ
lý giải nổi. Nhạc sĩ Y Vũ ngậm ngùi: “Có lẽ lời bài hát “Tôi đưa em
sang sông” đã vận vào cuộc đời tôi. Suốt đời tôi luôn làm kẻ đưa tiển người yêu
đi lấy chồng”.
Theo lời kể của Y Vũ: Tôi đưa em sang sông được Y Vũ
sáng tác trong một lần thất tình. Thuở ấy ông là một cậu học trò ở trường tư
thục Hàn Thuyên, và yêu một tiểu thư con nhà giàu học cùng lớp có tên là Thanh.
Mối tình đầu trong trắng thơ ngây với người con gái lớn hơn một tuổi đã đem đến
cho Y Vũ một khoảng thời gian đẹp nhất của thời trai trẻ. Kỷ niệm đáng nhớ của
ông là nhà nàng rất giàu và có một cây xăng tư nhân cứ mỗi chiều ông “canh me”
đến giờ nàng trực thế gia đình về ăn cơm chiều là ông lái xe máy đến ngã bảy Lý
Thái Tổ để được đổ xăng miễn phí. Theo lệ thường chiều nào ông cũng đến cây
xăng và hẹn hò nàng ở trường, nhưng đã hơn một tuần trôi qua Y Vũ không thấy nàng
đến lớp. Nỗi nhớ trong chất chồng trong lòng. Tan học ông đánh liều đến nhà
người yêu để tìm nàng. Đến nơi Y Vũ đau đớn biết chính ngày hôm đó là ngày nhà
nàng tổ chức ăn hỏi cho người yêu với một ông bác sĩ lớn tuổi thuộc hàng nhà
giàu có đại gia đại gia ở Sài Gòn.
Đau đớn và thất vọng, Y Vũ tìm đến
nhà một người quen tá túc. Lần đầu tiên trong đời chàng thanh niên Trần Gia Hội
biết đến rượu. Ông uống thật nhiều để hi vọng quên đi nỗi buồn. Y Vũ uống nhiều
đến mức gục xuống. Hai giờ sáng, men rượu trong người bắt đầu nhạt dần. Y Vũ
thức giấc. Nỗi buồn vẫn chưa nguôi. Nhà người bạn sát nghĩa địa.Trời khuya mưa
bay lất phất khung cảnh buồn đến thê lương. Y Vũ bất chợt liên tưởng đến câu
thơ : “Đưa người, ta không đưa qua sông/Sao có tiếng sóng ở trong
lòng” trong Tống biệt hành của Thâm Tâm. Hình ảnh
“Đưa người sang sông” đã gợi cho ông về cuộc đưa tiển không hẹn trước với người
yêu. Y Vũ cầm đàn và sáng tác liền một mạch đến sáng. Tôi đưa em sang
sông đã ra đời trong một nỗi buồn để đời như thế. Ba tháng sau Tôi
đưa em sang sông đã trở thành một “hiện tượng” trong làng âm miền Nam.
Bài hát đã được ca sĩ Lệ Thu chắp cánh trên làn sóng radio của Đài phát thanh
Sài Gòn và được hát rộng rãi trong các chương trình Đại nhạc hội.
Ngày người yêu chính thức lên xe hoa,
Y Vũ đến dự tiệc cưới một cách lặng lẽ giữa đám đông. Ít người đến hỏi han và
chia sẻ, bởi không ai biết ông từng là người yêu của cô Thanh trang đài. Rời
bàn tiệc với tâm trạng buồn tủi, Y Vũ có những ca từ đầu tiên:
Hôm nay ngày cưới em
mừng vui họ hàng đôi bên
vì đâu nàng mời tôi đến
tuy có đây cũng như không
chiếc áo tình chóng phai
một sớm một chiều đã thay
thì nhớ đừng vì có tôi
mà nàng giấu vui không cười
mừng vui họ hàng đôi bên
vì đâu nàng mời tôi đến
tuy có đây cũng như không
chiếc áo tình chóng phai
một sớm một chiều đã thay
thì nhớ đừng vì có tôi
mà nàng giấu vui không cười
Một tháng sau đó tác phẩm thứ hai là Ngày
cưới em cũng được ra đời để giải tỏa nỗi buồn của mối tình đầu tan vỡ
trong lòng Y Vũ.
Nhạc sĩ Y Vũ lấy làm không vui khi
lời bài hát gốc của ông bị nhà xuất bản thời đó cũng như các ca sĩ hát sai so
với nguyên bản. Cụ thể là đoạn ca từ : "Rồi thời gian lặng lẽ
trôi, đời tôi là cánh mây trôi bốn phương trời” được sửa là “ "Rồi
thời gian lặng lẽ trôi, đời tôi là chiến binh đi khắp phương trời". Y
Vũ kể ông chưa từng đi lính nên câu đó hoàn toàn không phù hợp với tâm trạng
của ông. Ngoài ra đoạn cuối của bài hát với ca từ: "Nàng đã thay
một lối về, thay cả bàn tay đón đưa" được sửa thành: "Nàng
đã thay một lối về, quên cả người tình trong gió mưa”. Đương thời Y Vũ đã
nhiều lần đến nhà xuất bản để đòi chỉnh sửa theo đúng nguyên bản nhưng bất
thành.
Khi được hỏi vì sao Tôi đưa em sang sông còn có thêm
tên của nhạc sĩ Nhật Ngân là đồng tác giả nhạc sĩ Y Vũ cho biết: “Nhạc
phẩm này do tôi hoàn toàn sáng tác hoàn toàn không liên quan đến Nhật Ngân. Anh
ruột của tôi là nhạc sĩ Y Vân dạy nhạc cho nhạc sĩ Anh Thy và Nhật Ngân. Tôi
đem bài hát này cho anh tôi nghe. Anh tôi bảo bài này nghe được đấy, thôi để
thêm tên Nhật Ngân vào cho nó có tiếng. Tôi nghe lời anh mà làm theo vậy
thôi".
Bìa
bài hát "Tôi đưa em sang sông' của Diên Hồng xuất bản mang tên chung Y Vũ
- Nhật Ngân
|
Tôi đưa em sang sông là dấu ấn của một cuộc
tình tan vỡ, là nỗi buồn vời vợi trong tim người nhạc sĩ đa tình nhưng chung
tình. Cuộc tranh cãi về quyền tác giả của Tôi đưa em sang sông cho
đến nay vẫn chưa có đoạn kết. Ở Việt Nam thì tác quyền bài hát này thuộc về Y
Vũ, nhưng ở hải ngoại thì tác quyền thuộc nhạc sĩ Nhật Ngân. Nhạc sĩ Y Vũ ngậm
ngùi: “Đó là nỗi buồn và trăn trở nhất trong cuộc đời làm nhạc của tôi.
Chuyện tác quyền chỉ là một phần nhưng đứa con tinh thần và kỷ niệm về mối tình
đầu tôi bị đặt nhầm sang tên người khác đó là một tổn thương không hề nhỏ”.
Nỗi buồn của một gã ve chai
Sau những tháng ngày sống trong ánh
hào quang lẫn bóng tối của cuộc đời. Sau những cuộc chia ly không hẹn trước Y
Vũ lại trở về với chính mình trong sự ghẻ lạnh của nhân tình thế thái. Thuở còn
nổi tiếng Y Vũ có bao nhiêu tiền đều gởi vào nhà băng, nhưng rồi chiến tranh
lạc ông bị mất trắng. Sau khi đất nước thống nhất. Y Vũ có lần từ bỏ âm nhạc và
làm đủ mọi thứ để mưu sinh. Ông từng làm công nhân cạo mủ cao su ở Bù Đăng, Bù
Đốp, Bình Phước. Cuộc sống của Y Vũ thời đó khó khăn, vất vả vì ông là lao động
chính để nuôi cả gia đình chưa ai biết làm việc. Rời Bình Phước ông về lại làm
phụ hồ cho một công trường ở Tân Quy Đông, TP. HCM. Hằng ngày Y Vũ phải chở
hàng chục bao xi măng trên xe kéo vào công trình.
Do công việc cơ bắp khá vất vả, Y Vũ
quyết định chuyển sang nghề buôn ve chai. Mỗi ngày ông phải đi bộ hàng chục km
săn lùng các loại phế liệu, gọng kính cũ để bán kiếm lời. Có hôm may mắn kiếm
được vài trăm ngàn, nhưng cũng có ngày ông trắng tay. Đôi khi trên bước đường
mưu sinh ông gặp một vài người quen cũ họ nhìn ông bằng đôi mắt ái ngại thương
cảm Y Vũ cũng có đôi chút chạnh lòng nhưng ông biết chấp nhận và vượt qua.
Mười năm làm gã mua bán ve chai, mười
năm đoạn tuyệt với âm nhạc để lo miếng cơm manh áo đã biến Y Vũ gần như trở
thành một con người khác. Có đôi khi Y Vũ tuyệt vọng không nghĩ rằng có
một ngày mình sẽ quay lại với âm nhạc. Dẫu thế Y Vũ vẫn sẵn lòng chấp nhận
không một chút đắn đo.
Sau năm 1990 kinh tế của gia đình Y
Vũ dần ổn định. Thời điểm đó đời sống âm nhạc của đất nước bắt đầu có những dấu
hiệu tích cực cho những người làm âm nhạc. Y Vũ bắt đầu có ý định quay âm nhạc.
Nhận lời mời của nhạc sĩ Vinh Sử ông bắt đầu sáng tác một số tác phẩm cho
chương trình Mưa bụi. Với số tiền thù lao kha khá, Y Vũ nghỉ
hẳn nghề ve chai và toàn tâm cho âm nhạc. Ông cũng được mời chơi nhạc cho một
số phòng trà ở Sài Gòn bằng ngón đánh piano rất điêu luyện.
Đoạn kết có hậu
Ở tuổi lục tuần, Y Vũ lại kết hôn với
một người phụ nữ gốc Bắc để bầu bạn trong lúc tuổi già. Hiện tại ông có một mái
ấm gia đình khá hạnh phục ở quận 12, TP.HCM. Công việc mỗi ngày của Y Vũ vẫn là
sáng tác âm nhạc. Nhiều bạn bè và người quen ở nước ngoài thường gởi những bài
thơ để nhờ ông phổ nhạc. Thù lao của mỗi bản nhạc có khi lên đến hàng trăm
đô-la cộng với tiền tác quyền đã đem đến cho ông cuộc sống khá nhẹ nhàng và
sung túc. Ngoài công việc sáng tác Y Vũ vẫn đi chơi nhạc cho các phòng trà. Ông
làm việc đó không phải vì tiền mà vì yêu thích. Tiếng đàn của ông hàng đêm lại
niềm say mê cho nhiều thính giả. Thi thoảng ông vẫn nhận đào tạo một vài
học trò tâm đắc và tham gia những event âm nhạc do mình đứng tên đỡ đầu cho
những người tổ chức
Căn nhà ấm áp ở ngoại ô,
cùng người bạn đời đã cho Y Vũ một chốn bình yên để đi về sau những năm tháng
thăng trầm nổi trôi giữa dòng đời xuôi ngược. Một lần nữa âm nhạc lại chảy tràn
trề trong tâm hồn của ông. Đối với Y Vũ những buồn vui được mất trong cuộc sống
lẫn âm nhạc đã trở thành quá khứ, và có lẽ những nỗi buồn để đời của ông đã
giúp Y Vũ kết tinh và tận hiến cho đời những tình khúc vượt thời gian.Tiểu Vũ