Blogger Người Buôn Gió trong buổi nói chuyện với phóng viên Hà Giang tại
tòa soạn nhật báo Người Việt. (Hình: Người Việt)
Hà Giang (NV): Chào blogger Người Buôn Gió, đọc văn thì người đọc
cũng có thể đoán ra con người của tác giả Người Buôn Gió, tuy nhiên nhiều người
vẫn muốn nghe chính tác giả nói về mình, anh có thể cho độc giả của Người Việt
biết blogger Người Buôn Gió là ai, và tại sao lại đi... buôn gió?
Blogger Người Buôn Gió : Thực sự, tôi chỉ như
bao thanh niên ở Việt Nam ở trong những khu phố mà người ta gọi là khu phố bụi
đời, nơi chứa nhiều thành phần giang hồ, xã hội đen. Cuộc sống của tôi cũng có
lúc sống bằng nghề đâm thuê chém mướn, đòi nợ thuê, cũng có lúc cờ bạc, thậm
chí là trộm cắp. Mọi người có thể hình dung là cuộc sống ấy nó khó hiểu nhưng
mà tôi sinh ra ở cái khu phố như thế và tất cả mọi người đều làm những việc như
thế thì tôi cũng làm theo, tôi không tiếp xúc được với xã hội bên ngoài, với xã
hội văn minh và lớp người trí thức, mà tôi chỉ biết sống ở trong đấy thôi, và
tôi trở thành một người cũng “xuất sắc” trong cái đám lưu manh ấy.
NV : Anh nói đến một khu phố bụi đời với những chàng trai
sống lăn lóc, vậy khu phố đó là ở đâu?
Blogger Người Buôn Gió : Nơi tôi sinh ra nó là
một cái ngõ nhỏ tên là Phát Lộc, ngoài Bắc, nó nằm ở chợ Ðồng Xuân-Bắc Qua, một
nơi chứa chấp nhiều giới giang hồ hảo hán, dân số khoảng vài nghìn người.
NV : Blogger Người Buôn Gió bao nhiêu tuổi rồi?
Blogger Người Buôn Gió : Vâng, tôi sinh năm
1972.
NV : Tới một lúc nào thì con người giang hồ lăn lóc bụi đời
đó quyết định thôi giang hồ và bắt đầu viết lách, và điều gì, biến cố gì đã
thôi thúc Người Buôn Gió phải cầm bút?
Blogger Người Buôn Gió : Khi tôi lấy vợ thì tôi
vẫn làm công việc cầm đồ, cá độ bóng đá, tiêu thụ của gian, nói chung thì những
cái việc ấy nó liên hệ với nhau. Sau đấy năm 2005 thì vợ tôi sinh con. Khi vợ
tôi chuyển dạ sinh thì tôi đưa vợ tôi vào bệnh viện. Khi vào bệnh viện, các bác
sĩ người ta bảo đưa tiền hối lộ thì người ta sẽ chăm sóc vợ con tôi. Lúc tôi
đưa tiền cho người ta thì tôi thấy đó là lẽ tất nhiên, cả một cái xã hội toàn
dùng tiền hối lộ, ở đâu cũng phải hối lộ thì hối lộ nó thành thói quen thôi.
Nhưng nó xảy ra trường hợp là vợ tôi khó đẻ, và khó đẻ thì phải chuyển qua phòng
mổ. Nhưng phòng đỡ đẻ thì người ta muốn lấy tiền hối lộ, nên họ giữ vợ tôi ở
đấy. Vì thế sau ba tiếng đồng hồ vỡ ối, con tôi chưa được sinh ra, họ đợi đến
hết giờ ca trực ấy, khi đổi qua ca trực khác thì mới chuyển, vì như thế thì ca
trực khác mới được tiền (hối lộ). Khi họ chuyển vợ con tôi qua phòng mổ thì con
tôi tím ngắt và tái mét. Họ nói con tôi bị bệnh tim. Nhưng nhiều người bảo nếu
bệnh tim thì khám thai phải biết rồi, hoặc gia đình có tiền sử bệnh tim, mà gia
đình tôi không ai có bệnh tim, còn con tôi trong quá trình khám thai thì không
có vấn đề gì. Ðây là cháu bé trong ba tiếng đồng hồ đó nó bị sặc nước ối, vì
nước ối vỡ ra rồi, nó uống vào.
Lúc ấy họ bảo, bây giờ muốn chữa thì phải tốn tiền, thế là tôi lại phải
đưa tiền cho họ, nói tóm lại hối lộ rất là nhiều, từ y tá đến bác sĩ, ai cũng
nói đến tiền. Họ hỏi thì tôi cứ đưa tiền ra, không thiết tha gì khác. Con tôi
cuối cùng khỏe mạnh được về nhà. Khi về nhà được khoảng hai tháng thì một hôm
tôi nhìn con tôi đang nằm, nó mủm mỉm, nó cười. Tôi nhìn, tôi mới nhớ lại
chuyện hôm nó sinh ra, tôi mới chợt nhận ra rằng tôi từng cầm dao tôi đi chém
người để tôi lấy tiền, thì tôi hình dung việc của tôi với việc ông bác sĩ ông
ấy cầm dao mổ, tôi bàng hoàng nhận ra là có khi họ cũng giống mình.
Khi tôi nhận ra một cái điều như thế, thì tôi tự hỏi tại sao xã hội nó
lại như thế. Tôi nhận tôi là một thằng lưu manh giang hồ, tôi đâm thuê chém
mướn, tôi kiếm tiền... mà hình ảnh của người bác sĩ ở trong tôi ấy, thì tôi vẫn
nghĩ những người ấy gọi là lương y như từ mẫu, không quản ngại điều gì để giúp
mình, mà bây giờ người ta cũng cầm dao người ta kiếm tiền, và người ta cũng có
thể bỏ mặc người khác chết để người ta kiếm tiền. Tôi thấy sự tàn nhẫn của họ
có khi còn xuất sắc hơn tôi.
Thật ra khi tôi đi đâm chém thì chỉ là dân giang hồ với nhau, chứ tôi
chẳng bao giờ đi tìm một người hiền lành nào tôi uy hiếp người ta để tôi kiếm
tiền, mà toàn là dân giang hồ mâu thuẫn vì chia chác các thứ hay là nợ nần
nhau. Bây giờ đến một người bác sĩ mà người ta cũng như thế thì tôi không hiểu
cái xã hội này bây giờ nó ra thế nào. Nghĩ thêm thì tôi thấy không riêng chỉ
bác sĩ, mà thầy giáo rồi công an cũng như thế, cả xã hội nó như thế.
Tôi nghĩ bây giờ mình sinh con mình ra rồi, và xã hội nó như thế này, để
cho con mình nó tồn tại, thì mình dạy cho con mình cái gì? Mình lại phải dạy
cho con mình biết cách hối lộ, biết cách luồn lọt, biết cách kiếm chác lưu manh
thì tôi thấy mình sinh ra một người con, nuôi cho lớn mà phải dạy nó những điều
ấy, thì nói thật lòng, thà không sinh nó ra.
Lúc đó tôi mới viết bài đầu tiên là bài ”Thư viết cho con trai.” Tôi
viết một chuyện châm biếm là trong xã hội như thế này, khi con lớn lên đi học
mẫu giáo, đi ra ngoài con phải cảnh giác là luôn cầm tiền trong người, bố sẽ
đặt tên con là Bùi Minh Huấn, tức là con có được lời giáo huấn sáng suốt.
Bài viết đó có nhiều người đọc và khen. Thật ra thì cũng chẳng phải là
người ta khen. Người thì khóc, người thì cười, tức là nó mang lại cho người đọc
nhiều cảm xúc. Tôi thấy là mình có thể có một cách cải cách cái xã hội này qua
ngòi bút của mình. Nghĩ thế, tôi bắt đầu chú ý viết.
NV : Buôn Gió có nghĩa là gì, và từ đâu lại có cái tên Người
Buôn Gió?
Blogger Người Buôn Gió : Lúc đầu, khi mới viết,
tôi chỉ lấy tên thật là Bùi Minh Hiếu thôi. Sau đó tôi nghĩ mình không phải là
muốn truyền bá tư tưởng, mà chỉ muốn nhân rộng suy nghĩ của một người cha, muốn
những điều tốt cho con mình, cho thế hệ sau, nhân rộng nó đi khắp nơi, thì tôi
chọn cái tên Người Buôn Gió, tức là tôi mong muốn cái tình cảm của một người
cha, trách nhiệm với người con, với xã hội, được nhân rộng, tôi chọn cái tên
ấy.
NV : Những nhận thức về xã hội chung quanh của blogger
Người Buôn Gió có phải đến lúc có con, lo cho con rồi mới có, hay là những điều
đã tiềm ẩn trong anh lâu rồi?
Blogger Người Buôn Gió : Nhận thức thì vẫn luôn
luôn có chứ, nhưng nó không khiến được mình thay đổi, vì như nhiều người Việt
Nam mình, khi họ nhìn những sự trái ngang đó, thì họ coi đó là một điều bình
thường và họ tìm một cách nào đó, hối lộ, luồn lách, móc ngoặc thế nào đó để mà
vượt qua. Thì tôi cũng là một người như thế. Nếu mà tôi không có cậu con trai
của tôi, thì tôi vẫn là một người như thế thôi. Nhưng khi đã có người con rồi
thì suy nghĩ của tôi lúc đó không phải là về tôi nữa mà là về thế hệ của con
tôi, và chính vì thế mà tôi viết. Nói tóm lại, đánh giá về xã hội như thế thì
nó có sẵn trong người rồi, nhưng mình không muốn làm cái gì để thay đổi nó,
mình chấp nhận nó là đương nhiên như thế. Nhưng khi mình đặt vấn đề con mình nó
cũng phải chấp nhận như thế là một chuyện đương nhiên thì đó là một điều đau
lòng, và tôi không muốn như thế, nên tôi phải viết.
NV : Việc viết lách trong xã hội Việt Nam đã mang đến cho
blogger Người Buôn Gió nhiều khó khăn trong cuộc sống, vậy người phối ngẫu của
anh có ý kiến gì không?
Blogger Người Buôn Gió : Ðầu tiên thì vợ tôi
phàn nàn rất nhiều. Gia đình bên vợ tôi, ông của vợ tôi là tướng trong quân đội
(Bắc Việt), gia đình bên vợ tôi cũng thuộc thành phần trí thức, ông bà đều là
lão thành cách mạng. Nhưng khi tôi bị bắt năm 2009 thì lúc đấy gia đình vợ tôi
mới biết chuyện. Họ tìm hiểu xem tại sao tôi bị bắt, họ đọc những bài của tôi, họ
nói “ôi mẹ cái thằng này nó viết hay đấy, nó viết đúng quá.” Lúc ấy thì vợ tôi
thất vọng, tưởng là mọi người biết anh ấy làm như thế thì khuyên anh ấy, chứ
bây giờ bên nội bên ngoại cùng khen như thế này, thì vợ tôi cũng vui vẻ.
NV : Sau khi những bài viết của blogger Người Buôn Gió được
gia đình bên vợ đọc, thành phần giao tiếp của anh có thay đổi không? Có tạo
được ảnh hưởng gì không?
Blogger Người Buôn Gió : Sau khi mọi người
trong họ hàng đọc thì họ thành độc giả của tôi. Họ thường xuyên đọc. Gọi cho
bạn bè. Thậm chí, tôi có ông chú với bà cô lúc nào cũng đi khoe “tôi là ông
chú, tôi là cô cái thằng Buôn Gió.”
NV : Con trai của blogger Người Buôn Gió bây giờ cũng chín
tuổi rồi, và anh đã viết cho con rất nhiều bức thư, thế cha con anh có bao giờ
ngồi và nói với nhau những câu chuyện tương tự như nội dung của những bức thư
đó không?
Blogger Người Buôn Gió : Cháu cũng đọc những
bài tôi viết. Có những lúc đi học về cháu chưa phải làm bài, cháu rất là khệnh
khạng, ngồi vào máy tính, xong cháu Google xem hôm nay Người Buôn Gió viết cái
gì, rồi cháu ngồi đọc. Chúng tôi không thảo luận về những thư tôi viết cho
cháu, chỉ có một cái truyện tôi viết về tuổi thơ của tôi, thì cháu có hỏi lúc
ấy bố bé, bố như thế nào thế nào, thì tôi kể cho cháu nghe. Tôi tâm sự với
cháu, chẳng hạn như bố thương bà nội thì bố nấu cơm, bố làm các việc giúp bà,
hay là thương ông nội thì tôi làm gì.
NV : Trở lại với cái cái chữ Buôn Gió, chắc hẳn hai chữ này
với anh phải có một ý nghĩa gì đó sâu sắc lắm?
Blogger Người Buôn Gió : Chúng ta người nào
cũng có một ước mơ, thí dụ ước mơ cải cách xã hội, ước mơ xã hội được dân chủ,
cái tên Buôn Gió nó thể hiện một giấc mơ, một ước mơ mà tôi đang trên đường
thực hiện. Tôi cũng chỉ mong lúc nào đất nước mình tràn ngập gió thì tôi không
phải đi buôn nữa, thì đó là một điều hạnh phúc.
NV : Cảm ơn blogger Người Buôn Gió đã dành thời gian cho
chúng tôi.