01 June 2015

ĐỘI NÓN RA ĐI - Hồ Đình Nghiêm

Không cứ chỉ người mới biết đội nón. Đồ vật từng đội, muông thú gia cầm cũng lần lượt đội nón ra đi. Mấy bận tiếc nuối nhủ lòng thu cất nón lại, tiền nhà khó như gió vào nhà trống, rồi cả tơi lẫn nón biết chọn ngày lành lạnh lùng biến bay, như một định luật tất yếu.
Khi gặp hạn chạy trời không khỏi nắng, tai ương đón đầu bằng còng số 8, dẫn về đồn bao uẩn khúc phơi bày trong cuộc hỏi cung. Bố xoắn hai bàn tay thật thà khai báo, cán bộ bảo phải nghiêm túc trình bày mới mong tại ngoại thôi lao lung.

Kể từ ngoại bán trâu đi, con trôi phố thị thiên di phận nghèo, độc lập tự do đi vèo, bán luôn hạnh phúc kì kèo hơn thua. Không văn tự, bán trời cao, lòng như tư lự thấy sao bay mòng. Dẫu ăn hột gạo phượng hoàng, thân hôi như cú cũng xoàng nguồn cơn, diều hâu lượn sáng đến chiều, chim xao xác tổ người điều tra tông.


Nghe hỏi đây: Vì sao có được mỗi con chim lại đem đi bán? Thưa rằng tiếng là bán đi, nhưng chim khôn biết quành lại nhà. Cán bộ ho khan, nhấp hớp trà bặp điếu thuốc: Rồi lại tái diễn màn rêu rao? Cực chẳng đã chúng tôi bần cùng, nghèo đường binh chả toan tính ra mẹo kế gì, một liều ba bảy cũng liều, quặn lòng cán bộ hiểu điều ấy chăng? Thế vợ đâu, lo việc gì? Bả cũng lu bu cấp kỳ mình ên. Lao động phải nói trắng tên. Bán trôn nuôi miệng cũng nên nghề nàng. 

Ối giời ôi làng nước ơi, ấn tượng thay cho đôi vợ chồng này! Chứ hai đứa bây ăn thức gì mà sung thế? Năng nổ cày bừa xuống cấp đạo đức đồi truỵ lung tung. Dạ nhờ trời đôi khi cũng biết động não làm bữa cơm có thịt, mặt xanh nanh vàng có chó mới kêu. Nói cán bộ xí xoá cho, bọn tôi xơi toàn thứ trời ơi đất hỡi ma chê quỉ hờn có nơi loài động vật, quan niệm rằng ăn gì bổ nấy phương thuốc dân gian tiền nhân có khi cũng bày tầm bậy, cán bộ đừng cười tôi từng bị một bà đại gia mắng mỏ: Lớn có bây nhiêu mà bày đặc chào hàng, chim với cò đồ cù lơ xít xụi! Hót cho gắt những vành khuyên chào mào, đây chả cần chim cảnh, cúc cù cu sáo sậu hoặc chí ít bồ câu mới ra ràng chút xíu lông chút xíu cánh ngó gợi mời, quen ai thì môi giới được tài nói thánh nói tướng lặn đi tía cho con nhờ thiệt bực cả (cửa) mình!
Bố tớ nói tôi giờ thấy cây cung căng dây là hoảng, xin cam đoan hoàn lương rửa tay gát kiếm. Vả sức khoẻ e rằng có vấn đề, lý nào cán bộ để tôi chôn thây ngục tối? Bố được tha sau suốt tuần thề thốt, giã từ vũ khí thôi bán chim. Ông dính chấu con bệnh thời đại, tây tà gì đó gọi là Xi-đa. Bố rán sức cùng lực kiệt lết vô được nhà thương thí, canh cô mồ quả cỏ trên mộ cũng chẳng thèm lún phún mọc lơ thơ cho chút gì để ra hình thể một ụn đất có chủ ngủ bên trong.
Mẹ tớ thì nhập kho trại phục hồi nhân phẩm, nhan sắc rớt nhanh như xã hội gì đó đứt thắng sắp xuống hố. Đã qua bốn mùa lá đổ người cứ xớn xác đợi dịp lễ lớn hy vọng được ân xá. Tâm sinh lý cũng ly kỳ, chớ ra được chốn hồng trần rồi bày chuyện gì để sống? Thời hoàng kim đã qua năm chục bó đang lừng lững tới, ngựa quen đường cũ thì chỉ có nước đóng vai tú bà.
Tớ mưu sinh bằng việc mòn bao đôi dép lê la đi bán vé số bởi nghe lãnh đạo rù quến lời ong ve: Nghề ấy có thu nhập cao. Da tớ đen vì tứ thời bát tiết mãi đi tận tuyệt những con đường, người tớ rắn rỏi vì siêng lội hết ngõ trần gian. Gái gú bỉu môi chẳng thèm ngó xuống dù nửa con mắt, điên sao cặp mày, trước sau đời mày cũng tàn trong hẻm hẹp. Có ông đạp xe ôm thương tình bày kế sách: Mày nên qua Trung quốc, bán thận lận được lắm tiền. Con tao nó chơi kiểu đó mới thôi ngửa tay réo tiền thằng cha già dịch này. Haiz! Thấy quan tài mà không đổ lệ rõ là đại trượng phu.
Tớ ra trước mộ bố tớ nói mình ên đôi lời từ giã, cúng con chim cút chiên dòn co quắp mặn mòi với chén cơm lưng. Chim cút cũng tựa như chim đa đa bố ạ, nó phổng phao khi đủ lông đủ cánh, giờ vặt trụi co rúm mình mẩy chỏng chơ trên chén cơm ngó não nề mới gớm. Sống vì chim thì chết cũng nên bày chim tưởng niệm. Đất không lành chim đành vỗ cánh, bay đi xa rơi rớt lại lòng thành. Đợi nhang tàn tớ đón xe ngược Bắc, đưa đầu trần qua cửa khẩu giang hồ, người xưa nói lỡ cùi thì đây chả sợ hủi. Trời sanh voi sanh cỏ, bây giờ giả như hai bà Trưng có sống lại, ngày một ngày hai e lật đật bán voi đi. Xã hội bây giờ chỉ ưu việt rặt chuyện bán, ai tai to mặt lớn thì bán rừng bán cây bán đất bán biển, gia đình tớ bần cùng chỉ loay hoay bán chim bán trôn bán thận. Người học vị cao nói: Đù mẹ mày bán toàn những thứ trời cho riêng mày thì hãy cứ ngẫng mặt lên, vô can, lành mạnh, chẳng ảnh hưởng an nguy kẻ khác, còn những phường trộm cướp rắp tâm đi hôi của bá tánh thứ ấy mới nên gầm mặt xuống đất không dung trời không tha. Cầu mong mày thượng lộ bình an thoả chí tang bồng, bố mẹ mày đã như thế há lẽ vận đen mãi cứ ám vào mày. Tin tao đi, đen tối đeo bám miết thì ai mà chịu đời cho thấu.
Tớ đi, băng rừng lội suối trầy vi tróc vảy. Mây tụ rồi tan nhanh trên đầu. Im ắng rồi nắng loang loáng vây thân. Cheo leo mọc sát cửa khẩu có quán cà phê của bọn người buôn trầm. Bố mẹ ơi, chúng chơi nhạc vàng mới choáng chứ. Lời lẽ phát ra từ cái loa khiến cây cỏ phải xốn xang cúi rạp cành lá: “Chiều mưa biên giới anh đi về đâu…” Đi đâu? Sao lại hỏi kiểu ngớ ngẩn ấy? Bây giờ đã lỡ giạt trôi, chim kêu vượn hú đành thôi quên nhà. Mất thận không xót tim đui, trách ai mù mắt đen thui tầm nhìn.

Hồ Đình Nghiêm