Đàn bà và tôi
Trong buổi tiệc tiễn tôi về hưu, vaktsjef
Marianne lấy nhạc bài ‘The drum boy’ chế ra một bài hát tặng tôi, cho cả
Migrapolis hát. Marianne trêu một nhược điểm của tôi – thích đàn bà.
Tôi tạm đổ cho ông Trời sanh tôi như vậy –
hồi nhỏ đi học tôi thích học cô giáo hơn thày giáo. Lớn lên đi làm tôi gặp may
mắn với xếp nữ hơn xếp nam. Đi picnic mà không có đàn bà, tôi không đi. Ca sĩ
Việt Nam cưng nhất của tôi là Mai Hương và Hà Thanh, ca sĩ Na-uy cưng nhất là
Sissel. Tôi không thích nghe nam ca sĩ, dù là Elvis hay Elton. Có phải trời
sinh không? (Ngay trong buổi lễ tiễn tôi về vườn, nếu không có các nữ đồng
nghiệp, đã không cảm động như thế, với áo thung in hình tôi ‘Jeg har møtt
Tam’, và cái võng v.v. đều là do sáng kiến nữ đồng nghiệp.)
Lấy vợ tôi cũng lấy đàn bà, đúng như tục ngữ
Việt Nam ‘Lấy vợ đàn bà, làm nhà hướng nam’. Nhưng vợ tôi không vui về
cái tật của tôi. Nhiều lần nàng nói: “Anh gặp đàn bà như lân gặp pháo”. Các bạn
Na-uy từng xem múa lân, có thể thích thú vì nó lạ. Nhưng phải xem múa lân từ
khi lên ba, có lẽ mới cảm được hết cái rộn ràng, cái kích thích tột cùng của
nó. Đặc biệt là trong tiếng pháo ngày Tết. Nghe tiếng pháo, tiếng trống, lòng
mình đã rộn ràng, lại thấy con lân bắt đầu rùng mình, lắc đầu, quẫy đuôi, chồm
lên, gục xuống... thì mình không chịu nổi. Con lân cũng thế, nó không tự kềm
chế được nữa, nó bắt buộc phải múa, phải vui vẻ, phải hí hửng, phải híp mắt
lại... vì tiếng pháo. Từ đó người ta diễn tả những cuộc gặp gỡ giữa hai người –
nếu tâm đầu ý hợp thì nói ‘như cá gặp nước’; nếu hí hửng vui vẻ thì nói‘như
lân gặp pháo’.
Mỗi ngày tôi có vợ bên cạnh. Vợ tôi cũng là đàn bà.
Khoan dung
Sáng nay chúng tôi hẹn nhau sẽ đi siêu thị Lidl để từ giã nó. (Siêu thị
của Đức có rau quả rẻ, bánh mì và bánh sừng bò giống của Pháp, hợp khẩu vị
chúng tôi, nhưng buộc lòng đóng cửa vì nói chung hàng hóa không hợp khẩu vị
người Na-uy). Vợ chồng thay đồ ngồi chờ thằng con trai. Nó mê man trong một trò
chơi điện tử.
Trong khi chờ đợi, tôi đọc mấy tin lặt vặt trên mạng. Tin một người đàn
bà ngồi 2 năm trong cầu tiêu, da dính vào bàn cầu. Cảnh sát và nhân viên y tế
tới giúp, bà nói “Để tôi ở đây, tôi không muốn ra ngoài”. Tôi nghĩ đến thằng
con – nó cũng bị những trò chơi điện tử cột chặt trên giường.
“Có đi không, Dao? Ba má đi này!” vợ tôi nói. Nhiều lần.
“Dạ đi,” mỗi lần nó đều trả lời, nhưng không nhúc nhích. Vẫn nằm ẹo
xương xống trên giường mê man chơi. Đĩa ăn sáng mẹ nó bưng tận giường, còn
nguyên.
Nếu là mươi năm trước tôi đã nổi giận, hay ít nhất hờn dỗi. Nhưng bây
giờ tôi bình tĩnh đọc điện báo. Tin người Việt tại Mỹ: Cụ bà Nguyễn Thị Năm,
thân mẫu người thầy khả kính Nguyễn Văn Bông, hôm nay đầy 100 tuổi. Bà đang
sống trong một nhà dưỡng lão của Phật giáo tại Fountain Valley, California. Được
hỏi bí quyết sống lâu, bà trả lời: “... Chỉ ăn những gì hợp với cơ thể. Tinh
thần thoải mái, khoan dung, không hờn giận.” Bà thêm “Ai tui cũng
thương. Vậy thôi, chứ tôi đâu biết làm sao sống thọ!”
Tình cờ thông điệp quan trọng này đến với tôi đúng lúc? Hay ‘Sở Lưu
thông tối cao’ đã dựng sẵn những dấu hiệu cần thiết trên mỗi đoạn đường của mọi
người? Tôi không biết. Như vào lúc này tôi nhận được dấu hiệu kiên nhẫn (dù
trước đây tôi học kiên nhẫn với con cái và khoan dung với người khác, từ vợ
tôi.)
“Dao! Nếu con không đi, ba má đi nghe?” nàng nói.
“Ba má đi đi!”
Vợ chồng tôi ra xe, cố ý khua động.
“Ba má chờ! Con đi với!” có tiếng hô to.
Gia đình khác có những niềm vui như con cái thành đạt, hiếu thảo, cháu
chắt xinh đẹp khôn ngoan, có những buổi lễ sinh nhật, hấp hôn linh đình...
Chúng tôi tự hài lòng với những niềm vui nhỏ bé, kiểu được nghe “Con đi với.”
Hôm nay tôi không bỏ mất niềm vui này.
Biết ơn, tiếp...
Chỉ biết ơn Thượng Đế, đủ không?
Một người bạn thiếu thời của tôi đang ở Đức,
có đứa cháu ngoại bị bệnh nặng, phải thay gan. Anh viết email cho bạn bè khoe
cuộc thay gan thành công, và trong suốt bài mô tả gay cấn như một cuốn phim
reality, anh xoáy vào trọng tâm ‘phép lạ’ – Chúa, Đức Mẹ và Nữ Thánh Thérèse de
Lisieux đã chữa lành cháu bé. Anh có tả sự kiện mà không một lời biết ơn người
hàng xóm tử tế đã chở cháu bé tới nhà thương, người cho gan, các y tá và bác sĩ
tận tâm. Mọi sự tốt đẹp là “do lòng thương yêu của Chúa, và kết quả của lời
cầu nguyện tha thiết của gia đình chúng tôi và của các bạn,” bạn tôi kết
luận và xin bạn bè cùng gia đình anh cảm tạ Chúa, Đức Mẹ và Thánh Thérèse.
Tôi mừng cho bạn tôi có đức tin mạnh mẽ khả
dĩ chuyển núi dời non.
Nhưng còn lời khác của Chúa “Việc gì các
ngươi làm cho một người nhỏ bé là làm cho Ta” thì sao? Đa số người ngoan đạo
đều thực hành lời này vì họ biết cho kẻ đói ăn là cho Chúa ăn, cho người trần
truồng áo mặc là cho Chúa mặc... Nhờ đó họ sẽ có phần thưởng lớn hơn. Nhưng
hiếm có người biết rằng cám ơn ân nhân trần gian là cám ơn Chúa.
Mười người cùi được chữa lành, chỉ có một
người trở lại cám ơn. Tại sao? Tôi đoán chưa chắc vì họ vô ơn, nhưng vì họ nghĩ
chỉ cần cám ơn Thượng Đế là đủ, không cần cám ơn ông lang Giêsu quê Nazaret.
Mỗi ngày Thượng Đế đều làm phép lạ. Nhưng
không làm trực tiếp. Phần lớn Ngài làm phép lạ qua bàn tay các bác sĩ, y tá,
nhân viên cứu hỏa, một con chó tinh khôn, cái xương sườn cụt...
Hôm qua, anh đầu bếp người Thụy-điển Tobias
Andersen tình cờ đi qua một căn nhà cháy ở Våleranga. Anh liều mạng lên cứu
được một bà mẹ và ba đứa con nhỏ. Thử tưởng tượng, hôm nay, gia đình nạn nhân,
Sở Cứu Hỏa Oslo và Tòa Đại sứ Thụy-điển làm lễ tại nhà thờ chính tòa để cám ơn
Chúa... Mà quên luôn Tobias...
Niềm vui hôm nay của tôi là Tobias không bị
quên.
Tâm Thanh