18 May 2015

Sự thật - Tuấn Khanh

https://nhacsituankhanh.files.wordpress.com/2015/05/1016918_660_450.jpg

Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel trình bày một sự thật về chuyện bà sẽ không tham dự lễ diễu binh tại Nga nhằm kỷ niệm 70 năm chiến thắng Phát-xít Đức. Lý do không phải là một vấn đề mặc cảm từ kẻ thua cuộc, mà nước Đức muốn bày tỏ thái độ không ủng hộ hình thái Phát-xít mới đang xuất phát từ nước Nga, qua sự kiện Ucraina và Crimea. Thế nhưng sau lễ kỷ niệm một ngày, ngày 10 tháng 5, bà Angela Merkel sẽ đến đặt vòng hoa tại Mộ Chiến sĩ Vô danh ở Nga.

Nước Đức cũng như nhiều quốc gia khác như Mỹ, Anh, Pháp, Ba Lan… đã từ chối không tham dự lễ diễu binh ở Nga, mặc dù chiến thắng Phát-xít Đức không riêng về nước Nga. Mỗi quốc gia đều kỷ niệm ngày lịch sử này bằng các cách khác nhau trong hòa bình và mơ ước đến tương lai, và không có diễu binh. Đối với họ, có thể dùng xe tăng và hình tượng chiến thắng, giải phóng… sẽ trở nên thô bỉ và kiêu ngạo khi nhắc về nỗi đau của đồng loại.
Lịch sử đã mở ra nhiều góc cạnh của sự thật, cho dù sự thật đó được rao giảng, bị cưỡng ép như thế nào đi nữa. Sự thật là lối đi mà số phận dân tộc nào may mắn mới qua suốt được trên con đường đó, để lớn khôn qua thời gian. Nếu không, dối trá sẽ làm mù lòa dân tộc và đẩy quốc gia vào tăm tối.
Sự thật, dẫu đến muộn, cũng giúp cho tôi và những người cùng thế hệ con người xã hội chủ nghĩa nhìn thấy nước Nga không quá vĩ đại như từng được nhồi nhét. Nước Nga có công lớn trong Đệ nhị Thế chiến, nhưng nước Nga cũng lạnh lùng thảm sát hàng chục ngàn sĩ quan Ba Lan ở Katyr. Nhà độc tài Stalin đã nuôi dưỡng đội quân của mình, trở thành một chế độ thực dân mới xã hội chủ nghĩa, bằng việc cho phép hãm hiếp, cướp bóc và áp đặt đời sống chính trị với nhiều quốc gia Châu Âu.
Nhờ sự thật, tôi cũng nhận ra rằng chung quanh mình vô số kẻ nói dối như một bản năng. Nói dối dù chỉ để làm tươi hồng thêm màu sắc giả tạo đã có. Ngày 9 tháng 5, kỷ niệm 70 chiến thắng Phát-xít Đức, trên trang của VOV có bài chính luận, khẳng định rằng chiến thắng của người Nga là “tiền đề vững chắc để làm nên một Điện Biên lừng lẫy 5 châu chấn động địa cầu, làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975 và đang tiến hành thắng lợi công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế thành công như ngày nay”. Nhiều năm trước, nếu không có sự thật, có thể tôi và các bạn đã tin những dòng chữ đanh thép và kêu vang này là trí tuệ, là sự thật.
Nước Nhật, một trong những quốc gia phe Trục bị lên án, cũng đã nhìn lại Đệ nhị Thế Chiến bằng sự thật lịch sử. Phát biểu nhân dịp này, hoàng thái tử Naruhito nói rằng xin đất nước và dân tộc Nhật bản hãy cùng nhau “nhìn lại quá khứ một cách khiêm tốn nhất”. Nhìn lại khiêm tốn, để thấy rõ công và tội hiển hiện trong lịch sử.
Nếu được nhìn đủ công – tội như vậy, mới hiểu vì sao với hơn 20 triệu người đã chết trong Đệ nhị Thế chiến nhưng chính quyền Liên Xô vẫn bị căm ghét ở Châu Âu, khi lạm dụng chiến thắng và cai trị. Cũng như chúng ta cũng phải tự hỏi vì sao người dân Campuchia vẫn có nhiều người căm ghét Việt Nam, dù đã giải phóng cho họ năm 1979.
Sự thật lịch sử cho thấy Liên Xô đã dùng xe tăng nghiền nát người đòi tự do ở Hungary vào 1956, thảm sát ở Tiệp Khắc vào năm 1968. Sự thật cho thấy Cuba và Triều Tiên không phải là thiên đường, các lãnh tụ cộng sản ở Đông Âu hay Châu Mỹ chỉ là những tên độc tài hoang tưởng. Những sự thật đơn giản ấy, nhiều năm sau khi tôi và thế hệ mình lớn lên, vật vã và chấp nhận nhiều rủi ro, mới có thể tìm thấy. Thế hệ tôi, và trước nữa, chỉ biết tin tuyệt đối “Đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thuỵ Sĩ, trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ”, như bài thơ giễu nhại của Việt Phương từ năm 1969.
Sự thật không ăn được, nhưng ý thức về sự thật giúp con người ngay khi ăn, cũng khác các loài động vật khác. Sự thật giúp con người bừng tỉnh khi biết rằng 16 tấn vàng của chế độ VNCH không bị tẩu tán đi, mà được chế độ mới góp chung với gần 25 tấn vàng đánh tư sản miền Nam đợt 1, để đưa sang nước Cộng sản anh em. Sự thật cho biết ông điệp viên Phạm Xuân Ẩn được cài vào chính quyền của ông Ngô Đình Diệm, nhưng sau năm 1975 bị đưa đi Trung Cộng để tẩy não vì nghi ngờ đã có cảm tình với cách kiểm soát đất nước của chế độ VNCH.
Sự thật không dùng để báo thù, mà chỉ dùng để nhận biết và yêu thương tương lai của chính mình, của nhân loại. Nền văn minh thật què quặt nếu thiếu đi sự thật.
Cũng như bà Angela Merkel đến đặt hoa ở Mộ Chiến sĩ Vô Danh, bất kỳ ai biết đến Đệ nhị Thế Chiến sẽ không thể không kính trọng những người lính – bất kỳ của quốc gia nào – đã hy sinh để giành lại tự do cho tổ quốc, thế giới. Và nếu có đứng giữa một nghĩa trang đồ sộ qua chiến tranh, chắc chắn bạn sẽ dậy lên một lòng trắc ẩn về những số phận đã bị lạm dụng để phục vụ cho mưu đồ của kẻ khác. Dĩ nhiên, khi bạn là một người đã có diễm phúc để hiểu biết về sự thật.
———————————–
Chú thích ảnh: Đài tưởng niệm Hồng quân Liên Xô ở Praha (Tiệp Khắc cũ) bị dân chúng sơn hồng và ghi lời xin lỗi về sự kiện đàn áp năm 1968.


Tuấn Khanh