Huỳnh Tạ sinh trưởng ở làng Phú Mỹ. Danh xưng nghe hay nhưng làng này chỉ là
rẻo đất hẹp, mọc lên giữa sông nước bao la. Dân làng đa phần không bám trụ vào
đất bởi quan niệm đất ấy chẳng màu mỡ gì, khai khẩn hoài cũng cạn kiệt trong
khi sóng nước chập chùng vây bủa kia, bản thân chúng không ngừng luân lưu hoán
chuyển. Nó dấu tận đáy lòng biết bao sinh vật trú thân, vét mãi một đời cũng
còn cái ăn.
Gia đình Tạ có một con đò, làm mái ấm gia cư, trôi nổi vật vờ trên sông. Tạ
là con đầu, trai trưởng. Dưới Tạ nheo nhóc bốn đứa em thơ. Tuy chưa lớn khôn,
trong đầu Tạ đã sớm gieo mầm nghi vấn: Cớ sao những kẻ khốn cùng chẳng đủ cơm
ăn áo mặc lại ưa vầy cuộc ong bướm, thích chuyện mây mưa để sinh đẻ cho cố xá?
Đẻ năm một, đẻ chuyên cần, không nao núng sợ hãi, rồi lại trơ mắt ốc ngó lên
cao xanh mà than thở cho số kiếp luôn gặp tình hình gay cấn. Tâm tính theo đó
mà bẳn gắt, lòng dạ vì thế mà nóng nảy; suốt cuộc đời chỉ mưu cầu ngày hai bữa
được ăn đầy chén cơm mà không phải cực lòng san sẻ cho một ai khác. Tạ có nhiều
điều buồn bực chẳng biết nhờ ai hoá giải cho rốt ráo. Uẩn khúc dồn nén sinh
lòng phẫn hận đấng sinh thành.
– Thời buổi nào cũng cần phải cắp sách đi học chữ, hãy thu xếp cho tui được
đến trường, như thế mai hậu mới cất đầu lên được với đời.
Tạ nói, sau khi móc được cái xương cá mắc giữa cần cổ. Cha của Tạ ném đôi đũa
tre xuống chiếu. Đó là phản ứng đầu tiên, ông sẽ khạc tiếp theo sau những chữ
cứt với đái. Ông nghèo xơ, kể cả vốn chữ, loanh quanh có bấy nhiêu từ, xài tới
xài lui.
– Mả cha mi. Đui hay sao? Phải chi em gái mi mau lớn biểu nó đi làm đĩ họa
may mới có tiền cho mi ăn học. Con đĩ mẹ mày. Nghèo mà ham!
Tạ ngó bầy em, đen đúa, gầy còm. Những con cá lòng tong ấy tương lai thế nào
cũng phải bán trôn nuôi miệng mất. Tạ bỏ buổi cơm, phóng mình xuống sông, bơi
mãi miết. Lúc gặp chuyện vui, khi đối mặt nỗi buồn, Tạ đều mượn con nước để sẻ
chia. Sông kia như người bạn thầm lặng giúp Tạ chóng tìm gặp những nguôi ngoai.
Tạ bơi tới doi đất xa tít tắp thì lên bờ. Đó là nơi cây cỏ mọc hoang, phồn thịnh
tựa cánh rừng nhỏ. Là chốn bọn trẻ con trong làng ưa tới tụ bầy họp mặt. Chúng
bày lắm trò duy môn bơi lội thì chẳng dám làm rành trước mặt Tạ. Chúng khinh Tạ
là kẻ nghèo hèn sống dưới lòng đò chật, tuy vậy bụng dạ đứa nào cũng có đôi
phần nể nang. Muà lụt năm ngoái một mình Tạ đã cứu sống hai đứa bé suýt nộp
mạng cho cơn lũ. Sau đó Tạ đã lặn vớt được xác của cặp vợ chồng già mà khi nước
rút đi con cháu kẻ bất hạnh đã mua lễ vật đến để tạ ơn. Công trạng ấy không
phải là nhỏ, nó giúp Tạ có thể chuyện trò với những đứa mà trước đây Tạ ngại
ngần khi phải đối mặt.
Trong đám trẻ ưa lập đảng phá phách kia có ba đứa tốt số được cắp sách đến
trường. Khi hết trò để nghịch, ba thằng học sinh ấy thường đem kiến thức thu
lượm được ở trường mang ra lên mặt làm trạng với bọn vô học.
– Có vị tướng kia đưa tay chỉ xuống sông mà thề trước mặt ba quân: Nếu ta
không thắng trận này thì quyết không về nhìn lại dòng sông, đoạn tuyệt với cố
hương!
Tạ nghe, đưa lời bình phẩm: Tướng ấy thật dại, lỡ xui xẻo đánh không hơn
địch thì biết tính làm sao? Đem gươm ra mà tự tử thì phí uổng một đời. Hay dấu
mặt cải trang an phận kiếp bèo giạt hoa trôi lưu lạc chốn quê người?
Đứa kể chuyện nhìn Tạ, mặt lộ khinh miệt chẳng thèm đôi co.
Lại có đứa ngứa miệng mang chuyện Phù-đổng Thiên-vương ra, lên giọng to. Tạ
dóng đôi tai rồi cười ngây ngô: Thật là hoang đường, soạn giả cải lương nào đã
bày đặt ra cái ông Thánh Gióng đó? Một đứa con nít đang khát sữa bỗng hoá thân
thành dũng sĩ cao lớn. Một kẻ tầm thường dân dã bỗng biến thành đứa siêu việt hơn
cả lãnh tụ? Xạo cũng có chừng có đỗi thôi! Trẻ lên ba chưa chắc đã tin. Sử sách
mà dối gạt thì ta không đi học chữ cũng là lẽ thường tình. Tạ này quyết chẳng
ân hận khi trời sinh làm đứa dốt nát.
Đứa học trò cuối cùng nhổ nước miếng, liếm môi ướt rồi cà kê dắt hình bóng
ông Trần Quốc Toản tới: Vì còn nhỏ tuổi nên ban tham mưu không cho dự cuộc họp
chuẩn bị hành quân, Trần Quốc Toản đứng ngoài giận quá, bóp nát trái cam đang
cầm trong tay hồi nào không hay.
Tạ hỏi: Rồi sao nữa?
Đứa kia nói: Hết. Thầy giáo chỉ kể ngang đó thôi. Chắc ý nói tuổi còn nhỏ mà
sức mạnh hơn người. Nhiều dũng khí thích làm chuyện lớn? Đã là thầy giáo thì
nhất định không mang những chuyện láo lếu ra kể đâu! Nói có sách mách có chứng.
Tạ nhìn quanh một lượt, nghĩ ngợi giây lâu, sau cùng buột miệng: Thường quá,
chuyện ấy mà cũng lưu lại hậu thế cho choáng chật sách vở. Nói xong cổ họng
rung lên tiếng ê a: “Trần Quốc Toản bóp nát trái cam, Huỳnh Tạ này bóp tan trái
ổi!”
Cả bọn cười ré lên khi nghe Tạ xuất khẩu thành thơ. Sau trận cười bữa nọ
chúng nó đặt thêm một chữ đi kèm theo tên: Tạ ổi. Tạ cũng vui trong bụng không
thèm cải chính. Tốt thôi, như thế khỏi trùng tên với ông Tạ lé làm Xã trưởng,
người mà anh em phiá bên kia hăm he có ngày sẽ cắt đầu tên “ác ôn” cho hồn lià
khỏi xác…….
– Chuyện về ông Tạ còn nhiều, tôi mất cả năm trời đi thu thập nguồn tin xa
gần. Chỉ ngại cô không đủ thì giờ để nghe.
– Tôi là đứa nghèo hèn ở mọi mặt nhưng là kẻ giàu sang ở trong việc tiêu phí
thời gian. Mà nào phải riêng tôi, dân chúng quanh đây xem chừng cũng thế cả. Ăn
không ngồi rồi, bó gối nhìn mây bay. Đời đáng chán hay không đáng chán?
– Tôi có thể trả lời ngay với cô, khẳng định liền tù tì: Đáng chán. Rất nản.
Cực kỳ não nề. Buồn lắm thê!
– Vì răng rứa?
– Tại vì những kẻ như Huỳnh Tạ thì bị triệt tiêu hết ráo. Đất này chỉ còn
rặt một phường ăn hại.
– Xem ra ông có cảm tình với Huỳnh Tạ?
Đôi mắt lé loang loáng. Lưỡng mục bất đồng ấy nhìn cô gái mà như thể vời
trông ra mặt sông, nước dật dờ chảy ngang bờ cỏ.
– Làng Phú Mỹ này tự cổ chí kim chẳng có ai được như ông Tạ cả. Nói có cảm
tình là sai, là thiếu sót. Phải bảo là dân làng này chịu mang ơn ông ấy mới
đúng. Thiên tai bão lụt, sửa sang dựng xây, mở mang thoáng đạt, mọi thứ đều có
tay của Tạ nhúng vô giúp đỡ. Mà câu chuyện tôi vừa kể tới ngang đâu rồi? Cái gì
cũng thế, phải có đầu có đuôi; phải đi từ hạ tầng cơ sở lên dần đến thượng tầng
kiến trúc. Ngang đoạn Huỳnh Tạ vượt biển qua Mỹ chưa? Đó, họ thuê Tạ dùng đò
chở người ra điểm hẹn gặp ghe lớn, sẵn dịp Tạ liều thân nhảy đại ăn có đi theo.
Tạ thề với dòng sông, nếu phương xa làm ăn phát đạt, có ngày Tạ về sẽ đền ơn
nước và đất. Sang Mỹ Tạ làm nghề đánh cá, đánh mệt thở. Phương pháp đơn sơ,
cách thức giản dị. Không máy dò tìm, chẳng nương nhờ kỹ thuật hiện đại. Đánh
tới độ bọn Mỹ phải nóng máu mặt. Không sàng lọc phân loại, chẳng tiêu chuẩn lớn
bé. Thượng vàng hạ cám cứ thế mà xơi ráo. Và đời Tạ phất, tiền vô nhiều như một
mẻ lưới khẳm đầy cá. Tạ về thăm quê hương bốn năm bận. Lần đầu, điện theo chân
Tạ thắp sáng tận xóm làng hẻo lánh này. Lần hai, khai thông đường xá, lót nhựa
đen mun tất cả những lối đi. Lần ba, quyên góp tiền ở đâu đó mang về với đồ án
bản vẽ dựng xây cây cầu thông thương bắt thẳng ra quốc lộ. Có phải cô vào đây
cũng là do đi trên cây cầu đó không? Ba năm trước, phương tiện duy nhất là
những chuyến đò đưa người từ làng ra huyện, tới thành phố… Nói bỏ lỗi cô người
địa phương nào mà muốn nghe chuyện Huỳnh Tạ, anh hùng vô danh chốn này?
– Khai ra thì ích gì chứ? Dạo ấy tôi là một đứa bé cơm không có ăn áo không
có mặc. Quá khứ nào tuồng cũng đều ẩn chứa nỗi buồn. Và hiện tại? Trời ạ! Niềm
vui là cái nỗi gì mà xa vời trừu tượng đến thế? Ông được giáp mặt Huỳnh Tạ là
xem như có phần vui sướng. Còn tôi, tôi trôi nổi xa gia đình từ tấm bé, nên
người tôi ngóng trông thường luôn khuất bóng. Khi tranh thủ tìm ra được cơ hội
thì muộn mẹ nó rồi. Tôi luôn là đứa chậm chân!
– Chậm chân cũng có cái hay của nó, chớ nên than vãn.
– Chậm chân đồng nghĩa với lạc hậu. Đã là lạc hậu thì cái hay nó nằm ở chỗ
mô?
– Thời bây giờ họ tranh sống bằng cách đạp lên đầu lên cổ lẫn nhau. Khi cướp
được thứ gì, họ hãnh diện với đời là nhờ nhanh chân, nhờ thủ đoạn, nhờ lòn cúi.
Vậy thì làm đứa chậm lụt mà lòng ngay thẳng, biết phân biệt được trắng đen,
trước sau như một, thì cái hay nó nằm ở ngay chỗ nớ. Tâm địa ấy thơm và thuần
khiết như một đoá sen.
Người con gái nhìn lên bàn thờ, ở trên ấy lạnh lẽo mọi thứ, bóng tối có
nhiều nên trông âm u. Sáng nhờ nhợ một đốm trắng cố vươn khỏi vũng tối: Một đoá
hoa sen. Người con gái mặt lộ vẻ buồn:
– Tại sao lại có thứ hương mùi thanh cao như vậy trong khi bản thân nó suốt
đời bị cắm dưới bùn tanh?
– Tại vì răng thì tôi đây cũng chịu đầu hàng không cắt nghĩa được. Tôi xem
sen như là một tấm gương, nhìn sen để rèn học một thái độ sống. Nói cô đừng
sanh lòng nghi hoặc, Huỳnh Tạ có cho tôi năm trăm đô la nhưng tôi cúi đầu khước
từ. Người cùng làng với nhau thôi, chẳng liên hệ máu mủ, tôi lấy tư cách chi để
nhận số tiền to tát ấy?
– Không nhận một xu đui nào?
– Nói cho ngay thì sau cùng tôi cũng xoè tay nhận xin một trăm đô. Lý do để
tôi an lòng thu nhận số tiền đó đầu đuôi là như thế này: Tạ nhận ra tôi, Tạ lay
vai tôi: “Phải ông là Tạ lé ngày xưa làm Xã trưởng đó không? Tôi cứ ngỡ ông bị
họ tùng xẻo từ lâu rồi. Một người kinh qua bao dâu bể để sống sót tới giờ này
thì đích thị kẻ ấy phải phi thường. Ông mà không lấy một trăm này thì xem
thường thằng Tạ ổi mất rồi”. Tạ nhét tiền trong túi áo tôi. Cô ơi, làng này chỉ
đẻ ra được có hai Tạ thôi. Tạ này mà không sinh lòng quý mến Tạ kia thì e để
chúng bạn cười. Thật đáng hổ ngươi!
– Một trăm nằm yên trong túi, vậy thì lỗ tai ông có nhận được điều nhắn nhủ
gì không?
– Không. Huỳnh Tạ chẳng phải hạng người đem tiền ra để mua chuộc một ai. Và
nói cô hay, Tạ lé này cũng không hề là phường giá áo túi cơm, đui mắt vì tiền.
– Ông có biết tôi là ai không?
– Là phóng viên báo Phụ nữ hay cô là Công an thành phố được điều về đây công
tác? Dù cô là ai, Tạ lé này cũng không ngán.
– Ông Tạ ơi, tôi là Huỳnh thị Mực đây. Tôi còn giữ được tấm giấy “Bản khai
thế vì khai sanh” phiá dưới có triện son lem nhem với chữ ký gà bới của ông
ngày nào huy hoàng làm Xã trưởng.
– Tôi ký cả triệu tờ giấy, tiêu hao cả ngàn cây viết Bic, làm sao giờ này
tôi có thể nhớ ai là Cá, ai là Tôm, ai là Cua, ai là Mực?
– Nhà tôi có năm anh em. Tôi là út mà Tạ là anh đầu.
– Trời đất! Cớ gì cô không nói sớm ra? Cô trôi giạt phương nào mà Huỳnh Tạ
cho người đi khắp ba miền kiếm tìm vẫn cứ bặt vô âm tín?
– Tôi ở sâu trong vùng kinh tế mới tiếp cận với Trường sơn thì có là tài
thánh Tạ cũng chịu bó tay thôi. Số tôi là kiếp trâu ngựa, phải mà gặp được Tạ
như ông từng gặp? Trời ơi, một trăm đô Mỹ, nghe sao hoang đường quá chừng
chừng. Làm răng để tiêu cho hết?
– Tạ chết rồi, cô hay tin chưa?
– Có, tôi đọc trên báo Tuổi trẻ Chủ nhật. Một tờ báo nhàu nát. Một chúa nhật
nào đó đã xa xôi. Tôi đón nhận tin ấy trễ gần cả nửa năm. Tôi đã nói với ông
rồi, tôi luôn là đứa lạc hậu.
Hai người, một già một trẻ bỗng cùng đứng một dáng vẻ. Cúi đầu, thổn thức.
Và nỗi buồn như thoáng xô động, một cánh hoa sen rơi rụng xuống bàn thờ thui
chột hương đèn.
– Anh tôi đã chết, nghe quái đản như số tiền vĩ đại mà anh từng có, từng làm
chủ.
– Một cái chết không mấy sáng sủa. Mờ ám, nhiều nghi vấn. Lu câm. Một xác
chết vô thừa nhận, vất lăn vất lóc trong chốn thành đô.
– Báo đưa tin Việt kiều Huỳnh Tạ về chơi đĩ rồi dính bệnh Xi-đa, rồi chích
choác sao đó lại gặp thuốc giả. Rồi đông cứng mạch máu, rồi xuất huyết sọ não,
rồi y tế nhà nước bó tay đành ngó khúc ruột ngàn dặm nằm thẳng cẳng chẳng có ai
vuốt mắt, bặt tiếng than van.
– Bọn tôi mang ơn Huỳnh Tạ có công gầy dựng tu sửa xóm làng nên đóng tiền
nhờ nghệ nhân ngoài phố tạc một bức tượng thạch cao mang về dựng ở bến đò, ngày
một ngày hai liền bị họ giật đổ phá sập. Viết đơn đề nghị lên trên xin phép cây
cầu Tạ bỏ tiền ra xây được mang tên “Cầu Huỳnh Tạ” nhưng bị họ mắng nhiếc như
tát nước: Quê hương đất nước ta trong hai cuộc kháng chiến thần thánh có cả
triệu cả tỉ tên tuổi anh hùng dân tộc, xài mười năm cũng không hết thì hà cớ gì
lại đem tên một thằng Huỳnh Tạ vô danh tiểu tốt kia ra? Đừng nuôi mầm phản
động! Vậy đó, cho dù cô là phóng viên báo Phụ nữ, báo Lao động lao điếc có về
điều tra muốn viết phóng sự thì tôi cũng một lòng thành tâm khai báo chuyện
thật. Ngày xưa, Huỳnh Tạ từng ngờ vực sử sách. Tạ là người ghét giả dối, xa
lánh kẻ đặt điều. Tôi nói lên sự thật là cốt để Tạ chết mà được nhắm mắt đó
thôi, chẳng ăn cái giải gì hết. Một đoá hoa sen, cô hiểu không?
– Tôi mượn bàn thờ nhà ông để thắp cho anh Tạ cây hương, chuyện ấy có được
chăng?
– Dĩ nhiên. Tôi rất hoan nghênh. Mình không phải là đứa duy tâm, nhưng cúi
đầu tỏ lòng thành kính với người khuất mặt là điều nên làm. Lễ độ, kính trên
nhường dưới, ăn quả nhớ kẻ trồng cây, bài học làm người ấy bọn trẻ thời nay đã
khuấy quên. Thật mất dạy!
Người con gái mở túi xách ra. Cô đã chuẩn bị mọi thứ, đủ để làm ấm cái bàn
thờ.
Người đàn ông cầm chổi lông gà quét sạch bụi bám, thay hai chén nước lạnh
rồi lui nhà sau ẳm vào lòng cái đầu Huỳnh Tạ đi lên. Nó giống như một trái banh
kỳ dị. Nó tựa một trái bầu trái bí quái gỡ. Ông đặt nó chính chắm giữa bàn thờ,
quay khối thạch cao ấy cho đúng với vị trí cần có: Tai mắt mũi họng hướng ra
đằng trước, nhìn xuống những kẻ sống còn đang loay hoay với lòng thành.
Huỳnh thị Mực chảy nước mắt:
– Anh Tạ! Ai nặn ra mặt mũi anh ngó kỳ cục rứa? Đã vậy còn bị gãy tai, mẻ
cằm, trán chợt vẹt, má lỗ hê lỗ hổng như củ khoai bị chuột gặm.
– Kệ, tượng trưng thôi, cho có thôi. Hình bóng Tạ thì nằm sâu trong lòng
mình rồi. Đó là nhờ tôi lanh tay đem thu cất, không thì giờ này chẳng được lành
lặn như thế đâu.
Hai cây đèn cầy màu đỏ ốm yếu đứng chiếu ánh sáng run run lên khối thạch cao
trắng không trắng vàng không vàng. Một chai bia Huế. Một diã nhựa đựng bốn trái
ổi. Huỳnh thị Mực đốt ba cây nhang, lùi lại, chắp tay trước trán, nhang cháy
trên đầu, khói vướng viú trong đám tóc rối bung, xơ xác bụi đường.
– Anh Tạ ơi, em là Mực đây. Khi về làng cũ, ngồi trên xe đò em thử làm toán
trừ với phép cọng, rồi em đặt giả thiết: Nếu anh còn sống, anh đang có mặt
trong làng, em sẽ gặp lại anh sau mười bảy năm cách biệt. Mười bảy năm. Nó ngắn
như một giấc mơ. Nhưng anh đã chết, vĩnh viễn chẳng còn một giấc mộng nào nữa,
cho riêng em, cho riêng anh. Em không có tiền để cúng anh ngó cho xôm trò, em
mua đại bốn trái ổi nếp ở bến xe. Con nhỏ cắp rổ đi bán ngó tội nghiệp. “Ổi ni
ngọt lắm chị ơi. Em mà nói láo cho xe cán. Không phải chín dú mô, em mới hái
trong vườn đó, ngó tươi rói”. Bốn trái ổi. Toàn bộ gia tài của con bé. Thảm
thương quá phải không anh Tạ, Tạ ổi? Em mò về đây là lần chót, nhìn đường xưa
lối cũ lần cuối rồi gạt lệ ra đi. Lời em khấn nguyện này mong anh nghe được.
Ngày mai em theo người ta xuôi Nam. Người ta mua vé tàu Thống nhất cho em, đãi
đằng ăn uống mọi thứ. Đời nay ngó vậy chứ cũng còn có kẻ đàng hoàng. Họ dắt em
vô Sài gòn rồi họ bàng giao em vào tay người khác. Tổ chức này dắt em đi khám
sức khỏe và sau cùng em sẽ làm vợ cho một ông người Đài loan khuất mặt nào đó.
Em bắt chước anh, chúng ta tha phương cầu thực. Điều em muốn nhắn xin anh giờ
này là nếu anh linh thiêng xin phù hộ cho em gặp được một thằng ngoại quốc ngó
tử tế, đừng đui què mẻ sứt, đừng mang đầu óc địa chủ phong kiến thực dân cọng
sản, như thế thì em có thể an tâm sống hết đời mình. Anh Tạ ơi, tự thiếu thời
cho đến lớn khôn em chưa từng xin anh chút chi cả, hôm nay đòi hỏi ở anh có ngần
ấy thôi. Em nhắc lại, một ông chồng Đài loan chớ có đui què mẻ sức bệnh tật và
ông ấy còn chút tình người. Chỉ rứa thôi. Vui được ngày mô hay ngày nấy. Em sẽ
“ra đi không mang ba-lô, quần áo cứ thế cắp nách”.
Huỳnh thị Mực lạy, vái, xá, thở dài, rồi cắm nhang vô bát gạo đặt trước thủ
cấp Tạ. Ông Tạ lé ngó khối thạch cao nhưng kỳ thực đang dõi trông cô gái.
– Cô đi xa chắc không biết ngày về? Ừ, không về lại có cái hay của nó. Thôi,
nói năng chi cũng bằng thừa, tôi còn cất giữ được tờ hai chục đô la xin mang ra
biếu cô gọi là thay mặt Huỳnh Tạ có chút quà tiễn biệt. Cô đừng ngại, tiền này
là tiền của anh cô cho tôi lúc trước, giờ về tay cô là phép tuần hoàn thuận lẽ.
Lá rụng về cội, châu về hiệp phố, thuyết ấy mình không nên thắc mắc hoài nghi.
Ông Tạ lé đi lại gần bàn thờ, vén tấm khăn trải lên, dưới chân đèn bằng đồng
đè cứng tờ bạc màu xanh in con số 20. Giấy bạc phẳng phiu, thơm tho chưa từng
có. Sách nhà Phật kể, ngay cả động vật vô tri nương thân gần chốn thờ phượng,
sớm tối nghe kinh cũng khai nhãn hoán đổi được ít nhiều. Vậy thì tờ giấy ấy có
thơm mùi lạ thường cũng là lẽ thường tình. Huỳnh thị Mực lại chảy nước mắt,
hàng chữ “In God we trust” lung linh như ảo mộng.
Người đàn ông già yếu làm Xã trưởng ngày nào đưa tiễn cô gái một đoạn ngắn.
– Nhớ giữ gìn sức khỏe một mình một bóng nơi xứ lạ quê người.
Ông nói. Cô gái quay lưng dấu hàng lệ rơi. Cô bước lên cầu. Cầu đúc xi-măng
vững chãi mà trông điệu bộ cô như đang đi trên cầu tre lắc lẻo. Cô bước khập
khiểng, cô đi liêu xiêu, tựa người yếu đuối sợ ngộp bởi đứng ở độ cao. Dáng gầy
tưởng bay lên nếu có gió thổi. Dưới chân cô, dòng sông muôn đời vẫn thế, vẫn
bất biến lao xao trôi thân ra biển rộng. Nhưng chiều nay, chiều nay sao nó thầm
lặng đến khó hiểu. Nó trầm mặc hứng bóng Huỳnh thị Mực rụt rè bước ngang. Chiếc
áo màu tím của Mực bôi nét nhòa trong một con ngươi của Tạ lé. Một vệt đen tựa
cái dấu chấm than. Mờ ảo, biến mất.
Tạ lé nhìn hoàng hôn vây kín bốn bề màu chạng vạng:
– Dân số trong xã trước thì nhiều mà bây chừ xem chừng quá ít ỏi!
Hồ Đình Nghiêm