Hồi chiều, đi ngang qua nhà lớn định bụng bán mấy con dế cho chú Tơ chơi.
Tình cờ thấy O Huê đang ngồi phục dưới đất, mặt mũi ràn rụa nước mắt, nói với
Ôn:
– Ôn thương tình bỏ qua cho cháu. Hắn nhỏ dại có biết chi mô. Để tui về phạt
hắn, cho hắn chừa.
Rồi hai tay O quơ quào quanh mặt, làm như có kiến đậu ruồi bu chi hung dữ
lắm. O rền rĩ, giọng nghe mà não nuột:
– Thiệt là ốt dột quá chừng. Tui mà có ngờ chuyện là rứa đâu Ôn!
O trợn mắt, nghiến răng đay nghiến:
– Cái thằng ni. Tao giết mi chưa đáng..
Tôi giật nẫy cả người, ngồi thụp xuống, mắt láo liêng. Tưởng là O bắt gặp tôi
đang rình lén. Nhưng không, giọng O vẫn chì chiết:
– Hắn trốn mô không biết. Tui tìm hắn cả trưa ni. Thiệt là tui khổ vì hắn đó
Ôn ơi!
Thì ra O đang chì chiết thằng bạn em cô cậu của tôi, thằng Chắc đó! Mà
chuyện chi đến nỗi phải lên gặp Ôn? Gặp Ôn là chuyện lớn rồi! Chuyến ni thì có
mà chết chắc. Tò mò quá, tôi thè thẹ nhón chân nhìn qua khe cửa. Thấy thương O
quá, trong dáng ngồi ủ rũ, tả tơi. O đang thút thít, mặt mũi chèm nhem. Ôn tôi
thì đang ngồi dáng trầm ngâm, mặt Ôn đỏ rần như trái mần-quân, mấy ngón tay cứ
xoắn xít quanh nhau trong vẻ dáng bứt rức. Phút yên lặng trải dài làm tôi cũng
muốn nghẹt thở. Cuối cùng, Ôn “Xì” lên một tiếng đầy vẻ bực dọc, rồi nói với O
tôi:
– Thôi được, Mự về đi. Chuyện ni không nói với ai nhưng Mự phải gặp riêng
con Túy, nói với hắn, để hắn bỏ qua.
O tôi đứng dậy, khẽ khàng lấy vạt áo lau nhanh qua mặt rồi vái Ôn, mở cửa
bước ra. Tôi chạy vội qua góc nhà rồi quẹo xuống cửa bếp, dông tuốt ra sân. Núp
sau gốc Vả, tôi thấy dáng O rất là tội nghiệp. O băng qua khoảnh sân rộng rợp
bóng dừa và lả tả rơi mấy bông hoa Sứ trắng nõn. Buồn thiệt là buồn. Đúng là
người buồn, cảnh có vui đâu!
Trong số các O, các Dì, tôi thương nhất là O. O hiền hậu dịu dàng và đẹp.
Dáng O thanh tao đài các, ăn nói thiệt là rót mật vô lòng. Rứa mà hồng nhan đa
truân. Nghe đâu hồi gặp Dượng, O còn nhỏ lắm. Ôn Mệ tôi không ưng Dượng chỉ vì
Dượng đờn giỏi hát hay, đi tới mô cũng có bạn bè đàn đúm. Nói năng thì buông thả,
không giữ gìn, ý tứ.. O tôi thương Dượng giữa bốn bề thọ địch. Phía địch thì
thì không có ai hết, chỉ có mình Dượng trơ trọi tới lui coi như là lảnh đủ mọi
điều cay đắng tủi nhục. Về phía ” phe ta” thì vô tình có, hữu ý có, chia nhau
hai nhóm mà tự kình chống nhau dai dẳng. Ôn tôi thì chủ trương bài Dượng quyết
liệt, không hề nương tay. Mệ tôi, lúc ban đầu, là tay phò trợ đắc lực cho Ôn,
sau không biết làm sao lại…ly khai lập bè phái mới ủng hộ O quá chừng. Nghe đâu
xuất phát từ bữa qua nhà Mệ Xướng chơi, tình cờ gặp và nghe Dượng đang thủ diễn
một màn độc tấu đờn Nhị. Tiếng đờn lả lướt của Dượng đã làm cho Mệ tôi thay đổi
lập trường là vậy. Dưới trướng của Mệ tôi có nhiều tay trợ thủ đắc lực phải kể
tới là O Dung, O Thiệt và cả Ba tôi nữa. Mấy O tê thì không biết thế nào. Riêng
Ba tôi, ông khoái Dượng không hẳn là vì tiếng đàn réo rắc lòng người mà chính
là vì Dượng…biết uống rượu. Không phải kiểu uống rượu đầy vẻ hào khí như mấy
tay anh hùng hảo hớn ngày xưa. Cứ dốc bình lên mà nốc, rượu chảy tràn lan ra
ngoài, phí phạm quá trời! Rồi nói năng như kêu đò rổn rảng nghe mà chướng tai.
Ba tôi uống rượu thiệt là cầu kỳ. Chung rượu chi mà nhỏ như hột mít, mỗi lần
chiết rượu ngó chưa đủ ngụm.Vậy mà cứ nhấp hoài, tưởng là rượu Thạch Sanh, uống
hoài không thấy cạn. Mỗi lần ngồi uống thì thiệt là lâu. Bạn rượu đứng lên chia
tay, ai cũng khật khừ lảo đảo. Tôi nghĩ, mấy Ôn chỉ bị mỏi gân mỏi cốt vì ngồi
lâu, chớ có say sưa chi mấy ngụm-hột-mít! Vậy mà Dượng tôi chịu đựng giỏi. Ba
tôi khen Dượng hoài. Không biết khen ở điểm nào cho đáng, nhưng có khen là O
tôi vui. Sau này, nghe Mạ tôi nói:” Ba mi chỉ có Dượng là kỳ phùng địch thủ” .
Tôi lại khám phá thêm một điều lý thú. Té ra rượu Ba tôi uống là loại rượu được
chưng cất riêng. Một chung hạt mít đó cũng đủ sật sừ. Thảo nào, mấy Ôn sau buổi
tiệc tàn cứ khật khà khật khưỡng. Mới biết là có mỏi mệt chi đâu, say rượu đó!
Rứa mà Dượng có hề. Sau bữa tiệc còn ôm đàn mà lả lướt ngũ cung gọi là để hầu
anh. Ba tôi ưng bụng lắm.
O với Dượng ăn ở với nhau không cưới hỏi rườm rà, âm thầm và lặng đắng trong
miệng tiếng thị phi. Nhưng tôi biết chắc một điều là hai người rất hạnh phúc.
Sau đó, O bị từ bỏ ra khỏi lề thói và khuôn phép của gia đình buộc lòng phải
bôn ba ly xứ, chẳng biết đi về hướng nào! Tôi còn trụ lại ở cái làng hẻo lánh
xa cách Cố Đô này một khoảng thời gian ngắn rồi cũng theo gia đình tha hương.
Ba tôi vô nhậm chức ở cái vùng đất rẻo cao xa lạ và khác biệt quá! Thì ra,
hầu hết họ hàng nhà tôi đều vào đây lập nghiệp, khai phá đất đai tạo dựng cuộc
sống mới. Đó là theo chân Ôn Chú tôi.
Ôn Chú tôi là em thứ hai của Ôn Nội tôi, chịu không nổi cảnh nghèo nàn của
làng quê đất cũ nên mới dấn thân đi tìm vùng đất mới. Bây giờ cơ ngơi Ôn rộng
lớn, của cải dư thừa. Bà con làng cũ nghe tin Ôn hoạnh phát cũng bỏ làng quê
xưa vào tụ hội rất đông. Ai Ôn cũng giúp đỡ và chỉ dẫn tận tình trong cung cách
làm ăn ở vùng đất mới. Ôn trở thành Cả, của họ làng tôi. Chuyện nhỏ, chuyện to
cũng phải tìm tới Ôn giải quyết. Vợ chồng cãi cọ nhau cũng tìm tới Ôn phân
giải. Con cái hư cũng đưa tới Ôn, nhờ Ôn răn dạy. Ôn có nói ” Không” hay nói ”
Có” thì cứ ngậm đắng mà vui, cho Ôn vui. Bởi vì Ôn là vai vế lớn nhất ở đây,
lại giàu tiền lắm của. Quan trọng hơn hết là chỗ dựa lớn lao cho những người
nghèo trong họ. Nhà Ôn ngày nào cũng có người tới lui khóc cười, thôi thì đủ
chuyện. Hồi đó, đứa mô mà bị đưa tới gặp Ôn là són trong quần. Người lớn như
mấy O, mấy Dì, mấy Bác, mấy Chú mà cũng mặt mày lơ láo thất thần, huống nữa tụi
nhỏ tôi. Nề nếp bao đời không rủ bỏ được. Có trên dưới, có trước sau. Nghiễm
nhiên, Ôn trở thành Trưởng Tộc, coi sóc việc Họ hàng năm, trong vùng đất mới
này. Con cháu quây tụ đông đảo, trở nên một họ lớn.
Ôn có ba người con. Chú Sánh lấy vợ miền Nam, đâu miệt Bình Dương thì phải.
Thím cứ nhõng nhẽo suốt ngày, chắc là tại vì thấy mình đẹp. Chú chiều chuộng
nưng niu mà ốm cả người. Được cái là tính tình Thím vui vẻ, hay nói chuyện.
Tiếng nói như chim líu lo, hay tuyệt. Có điều không có ai nghe cho ra! Chú Tơ
là trai mới lớn, coi bộ con cưng. Suốt ngày cứ ham chơi đá dế, ăn nói chẳng nể
nang ai. Bụng thì cứ thẳng đuột ai nói sao tin vậy, bị tụi tôi dụ khị hoài. Rồi
đến O Túy. O ni mới thiệt là thon thả dịu dàng, đẹp quá đỗi. Ôn Mụ tôi có đẹp
chi cho lắm rứa mà sinh O ra sao mà sắc nước hương trời. Đúng là có câu ” Cha
Mẹ hiền sinh con thảo, Cha Mẹ cú đẻ con Tiên” . O suốt ngày ở nhà, không thấy
đi đâu. Mệ tôi cưng O mờ cả mắt…
Cũng nhờ Ôn mà tôi gặp được thằng bạn em cô cậu. Thì ra O Dượng cũng vô đây
lập nghiệp. Sau hai năm vất vả, cần cù gia đình bắt đầu ổn định thì Dượng mất.
Tội cho O tôi quá! Cũng tiếc thương cho Dượng quá chừng. Đúng là tài hoa bạc
mệnh, hồng nhan đa truân. Ba tôi lúc mới biết tin, Ông buồn rũ rượi. Trái đất
quả thật có tròn nhưng so lệch huyền vi tạo hóa, cái này giải không ra. Đêm đó,
Ông ngồi trầm ngâm uống rượu một mình rồi gục trên bàn tới sáng. Lần đầu tiên
tôi thấy Ba tôi buồn như rứa.
Chuyện rồi cũng phôi pha theo thời gian. Cuộc sống vẫn cứ đùn lên những gò
đống cam go mới,nên chi cũng nguôi khuây phần nào. O tôi ở vậy nuôi con, đứa
con một, cũng là đứa con chất ngất kỷ niệm của đời O. Lần đầu tiên tôi gặp
thằng em cô cậu của tôi ở gốc Vả sau nhà Ôn. Thấy hắn đang nhai Vả với muối
tiêu ngon quá, tôi mon men tới làm quen. Hắn ngó tôi thiệt lâu rồi bất thần hất
nắm muối tiêu vô mặt tôi. Nửa trái Vả hắn đang ăn, hắn lấy hết sức mình liệng
tôi nhưng không trúng. Tôi nghe một tiếng “choãng” lớn phía sau, rồi tiếng Mệ
Tất la chói lói:
– Mụ-cô-tam-đợi, đứa mô liệng bễ hết chén đọi tau rồi!
Trước khi dợm cẳng chạy, hắn nói với tôi:
– Cho mi lảnh đủ. Thêm một thằng nịnh hót nữa. Mi giỏi thì vô mà mét Ôn đi..
Rồi hắn lủi mất. Lần đó, tình ngay lý gian, tôi bị Ôn bắt phạt quỳ gối nửa
ngày, về nhà bị Ba tôi đét ba roi quắn đít. Lúc đó tôi không biết hắn là con
nhà ai nhưng biết chắc là hắn cũng có anh em bà con gì đó, với tôi. Thiệt tình
tôi không giận, không buồn gì hắn.
Lần thứ hai khi tôi đem bánh Xèo nhà làm tới cho O, tôi lại gặp hắn. Hắn
đang ngồi chồm hỗm trên cành ổi lớn trước nhà. Hai ống quần đùi rộng thùng, tôi
liếc thấy trái-ớt-hiểm của hắn nằm ỉu xìu mà phát tội. Thấy tôi, hắn nhe răng
cười:
– Ăn ổi không? Lần ni không có muối tiêu nghe. Hì…hì…
Tự nhiên tôi phát giận. Tôi giả làm mặt lạnh lùng, đi ngang qua còn nói vói:
– Không có muối tiêu thì có muối ớt. Trái-ớt-hiểm đó, giã với muối bộ không
được răng? Xì, cái đồ dơ dáng…
Khi tới thềm nhà, đưa tay định mở cửa, tôi nghe tiếng hắn la bải hoãi:
– Ê, ê thằng tê. Mi nói xỏ tau. Mi…
Rồi tôi nghe một cái “Huỵch” . Quay lại, thấy hắn nằm chỏng quèo, hai cẳng
chân gầy nhom đưa lên trời. Cả hai ống quần rộng trật xuống, trái-ớt-hiểm, lại
chỏng đầu lên, ngó mà tội nghiệp. Vừa lúc đó, tôi nghe tiếng O chói lói sau
vườn:
– Trời ơi là Trời, cái thằng ni, mi lại phá chi đây…
Hắn vội vàng lồm cồm đứng dậy, chạy mất tiêu.
Bẵng đi một thời gian lâu, tôi lại gặp hắn. Lần ni chính tay O dắt hắn tới
cho nên tôi biết đích thị hắn là thằng em cô cậu của tôi. Hèn chi phảng phất
hình ảnh Dượng trong đó. Cha, thấy cu cậu ăn mặc chỉnh tề. Cũng cái quần đùi
kinh niên, nhưng ống được bóp nhỏ lại, lòi cả đường chỉ vụng. Bữa ni thấy hắn hiền
lạ. Hắn đứng vòng tay khúm núm bên cạnh O, chờ Ba tôi ra gặp, không biết có
chuyện chi đây! Với thằng ni thì chuyện chi mà nó từ. Ôn mà hắn còn giỡn mặt
huống chi Cậu.
Khi tôi bưng nước ra mời O, O nói:
– Để đó cho O, con..
Rồi O quay qua phía hắn, nạt khẽ:
– Răng mi không chào anh Cu đi..
Sẵn hắn đang vòng tay, hắn gật đầu lí nhí. Nhưng tôi làm sao mà không nghe
tiếng hắn đang cười khùng khục trong miệng, dù rất cố nén. Đôi mắt hắn liếc tôi
rất lẹ, ranh mảnh:
– Dạ, em chào anh Cu.
Cái tiếng cuối hắn kéo dài ra, cố ý rõ ràng. Tôi ậm ự trong miệng, hơi
ngượng vì O làm chi mà trịnh trọng quá.Vừa lúc đó, nghe tiếng Ba tôi tằng hắng,
tôi vội chào O rồi bước ra nhà sau.
Té ra là O qua gởi gấm hắn cho…tôi!
Từ lúc đó, hai đứa bắt đầu thân nhau. Không biết hắn khoái tôi ở điểm nào,
nhưng riêng tôi thì rất cám cảnh cuộc đời mồ côi của hắn. Tính tình hắn tuy là
rắn mắc nhưng thẳng thắn và rất sòng phẳng. Nhìn kỹ, đẹp trai lại có nhiều tài
vặt. Tôi phục nhất là hắn leo cây dừa sao mà lanh, gọn như khỉ. Mụ Quỳ cứ vài ngày
lại cho người đi tìm hắn, để hắn hái lá dừa cho Mụ. Nghề của Mụ là làm bánh
quanh năm bỏ mối cho Chùa, cho Chợ. Đặc biệt, Mụ có làm loại bánh ” Phu Thê” ,
bánh làm bằng bột lọc trộn lẫn những cọng dừa xắt sợi. Lại phải gói bằng lá
dừa, bẻ góc cạnh vuông vắn như một cái hộp nhỏ, rất xinh. Đó cũng là loại bánh
chạy hàng nhứt lại cần phải có lá dừa đúng dịp. Nhà Ôn tôi thì sẵn có một hàng
dừa trước sân nên chi cứ một tuần hay hơn, Mụ lại cho người gọi hắn tới. Thiệt
là ác đức, bắt thằng bé xíu mà leo cây dừa cao nghệu. Ngó hắn như thằn lằn ôm
cột đình, rứa mà hắn leo thiệt lẹ không cần dây chỏi. Hắn tỉa tàu dừa ngọt xớt.
Cột dây đưa buồng dừa xuống, gọn gàng. Mỗi lần hắn tới, Mụ lúc mô cũng sẵn sàng
một mâm bánh trái gọi là trả công. Nhưng hắn thiệt lạ, nhiều khi vừa xuống đất
đã thấy mất tiêu.
Hắn thường nói với tôi: “Tau làm chi tau thích nếu tau không thích tau không
làm. Ham chi ba cái bánh, lỡ rớt xuống, mười mâm cũng không hứng nổi!”. Hắn nói
văn vẻ, triết lý mà thiệt đúng. Tôi đâm ra không ưng Mụ Quỳ, nhưng có ai cắt cớ
hỏi tôi có ưng ăn bánh Mụ làm không? Tôi sẽ trả lời là ưng, rất ưng. Nhưng hắn
thì lúc nào cũng dứt khoát. Hắn hơn tôi, là ở chỗ đó.
Còn nhiều cái hơn nữa mà khi gần hắn tôi mới biết. Té ra, dù hắn có nghịch
ngợm tới cỡ nào chăng nữa thì cũng không ai làm khó dễ. Hắn được hầu hết mấy
Mụ, mấy O, mấy Dì, mấy Thím thương, ngoài miệng thì la lối chưởi rủa om sòm
nhưng trong bụng có phải vậy đâu! Như câu chuyện mà tôi tình cờ nghe được ở nhà
Ôn. O tôi thì bù lu bù loa kêu trời trách đất, còn hắn thì trốn biệt đi đâu mấy
ngày. Té ra, hắn xuống nhà O Cháu, nói láo với O là ” Mạ con sai con xuống phụ
việc cho O mấy ngày!” . O tưởng thiệt, mừng rơn ,thầm cám ơn cô em thơm thảo,
tốt lòng. Nghề chính của O là nấu rượu lậu bỏ mối. Nay gặp hắn đi bỏ giùm thì
thiệt là yên bụng, khỏi phải lo.
Chưa hết, Mụ Quỳ còn cho người đi tìm hắn ráo riết để hắn hái lá dừa.
Chú Tơ thì cứ nằng nặc đòi Mụ tôi đi mời hắn tới đá dế cho chú vui. Chú nói,
chỉ có hắn quay dế bằng sợi tóc, dế mới hăng độ, đá coi mới sướng.
Mụ Tất thì đang dài cổ mong hắn tới để đọc truyện “Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa”
cho Ôn Tất nghe. Mắt Ôn bị mờ, mà có sáng thì cũng có biết chữ đâu mà đọc! Ôn
bị bệnh phong nằm một chỗ nhưng Ôn muốn đi gặp cho bằng được Khổng Minh Gia
Cát, gặp Tào Tháo, Tôn Quyền, Lưu Bị để bàn chuyện thiên-hạ-đại-sự. Ôn phải nhờ
hắn, vì chỉ có hắn mới có cái giọng đọc làm cho ôn khi thì giật nẩy người theo
tiếng thét của Trương Phi trên cầu Trường Bản, khi thì lả người muốn xỉu theo
đuôi con mắt của Điêu Thuyền hí Lã Bố tại Phụng Nghi Đình nhà họ Đổng. Ôn
thường nói: “Hắn đọc tau nghe thiệt sướng, nhưng mà sao hắn hay đi đái quá.
Đang nghe sướng lại đứt ngang làm mất sướng. Cái thằng ni, còn nhỏ mà thận yếu
hung đó hè!”. Ôn đâu có biết Ôn nằm nghe thì sướng chỉ tội thằng nhỏ cứ rướn cổ
đọc hoài. Hắn phải giả bộ cho có cớ mà thư giản đó, thưa Ôn
Còn nữa, thím Thâu cũng đang cho người hối hả đi tìm hắn để thả heo vô
chuồng. Thím khen hắn mát tay, thả con heo mô vô cũng ăn tạp, mau lớn lại không
có bệnh hoạn chi hết. Heo hắn thả tuy là có quậy phá hư hại chuồng chút đỉnh,
nhưng cái đó là chuyện nhỏ. Chuyện thím cần là chuyện heo phàm ăn, chóng lớn.
Ra lứa heo bán thì không kêu, không ới chớ mà vô lứa heo là phải có hắn Thím
mới yên tâm. Thì ra, trong cuộc sống hằng ngày, hắn thật sự cần thiết cho mọi
người…
Mấy ngày rồi, O Huê đứng ngồi không yên. O không biết hắn ở đâu, nhưng tôi
biết. Chỉ cần đứng ở ngã ba gần tiệm thuốc bắc Vạn Sanh Đường là nắm đầu được
cu cậu ngay. Hình ảnh O khi rời nhà Ôn cứ ám ảnh tôi hoài, chẳng biết hắn làm chi
mà sinh chuyện lớn. Thấy mà thương O quá, O bỏ buổi chợ không thiết tha ăn uống
chi…Ngày hôm sau O lại chỉnh tề khăn áo tới nhà Ôn. Tôi đoán chừng O đi gặp O
Túy. Chờ gần cả buổi O mới về, mặt mày bớt sầu thảm. O nói với tôi: “Con không
biết hắn ở mô thiệt răng? Bộ hắn không nói chi với con à!” . Giọng O lúc mô
cũng dịu ngọt, nhưng lần ni pha lẫn chút gì đó, rất phiền trách xa xôi làm tôi
phát nhột. Chiều đó, tôi quyết định chờ hắn ở ngã ba đường, nhưng không thấy.
Ghé qua nhà O Cháu, cửa đóng im ỉm. Tôi lại chạy qua nhà O, thấy O đang ngồi
sàng gạo, tỉnh táo và nhàn hạ trước hiên nhà. Thấy tôi, O không vồn vã hỏi thăm
về hắn. Tôi đoán được phần nào nhưng cũng giả hỏi O:
– Thằng Chắc chưa về răng, O?
O yên lặng một đỗi lâu rồi hỏi lại tôi:
– Rứa chơ con thấy thằng Chắc làm răng?
Câu hỏi của O bất ngờ quá, làm cho tôi bối rối. Tôi ngồi xuống cạnh O, phụ
lượm mấy hột lúa, yên lặng thừ người. Nhìn thấy những đường gân xanh trên bàn
tay gầy guộc của O mà muốn khóc. Bàn tay xưa ngọc ngà thon thả là rứa, mà bây chừ
răng mà sầu úa như ri? Cũng tại mi hết, cái thằng trời-đánh-thánh-đâm,
cô-hồn-các-đảng. Tự nhiên, trong một phút giây bất chợt, tôi đâm giận sôi gan
cái thằng bạn em cô cậu của tôi. Hắn đã làm nhiều chuyện tày trời để khổ O, hết
chuyện này tới chuyện khác…
Mới tháng trước đây thôi, ai đời hắn dám to gan bợ nguyên cả con gà luộc của
Mụ Tất bày cúng Trời, cúng Đất ngoài sân. Hắn chỉ chờ cho Mụ quay lưng vô pha
trà để cho mấy đấng Bề Trên khuất mặt tráng miệng là hắn quơ gọn con gà chạy
tuốt. Bữa đó, thiệt tình mà nói, tôi cũng có dự phần, nửa ăn nửa bỏ. Hắn còn
nói với tôi:” Thì em cũng phải chờ cho mấy Ôn mấy Mệ thời xong, em mới xin chớ
bộ. Đây cũng như mình dọn chỗ trống cho mấy Ôn mấy Mệ thời nước. Không tội lệ
chi mô, ăn đi anh Cu”. Nghe hắn nói cũng có lý! Mấy người lớn thường nói của đã
cúng xong ăn có phần lạt lẽo lắm. Lạt mô thì không biết chớ mà răng thịt con gà
ni ăn thơm, ngọt quá chừng chừng.
Mấy ngày hôm sau, hắn tự nguyện tới nhà mụ Tất đọc truyện cho Ôn Tất nghe.
Ôn mừng như bắt được của, Mụ còn mừng hơn. Mụ sốt sắng dọn đầy mâm thức ăn lên
cho hai Ôn cháu lấy sức. Cháu lấy sức mà đọc. Ôn lấy sức mà nghe. Đọc truyện
như rứa là hai ngày, hết hai tập “Phong Thần” , hắn xin phép trở về. Ôn “Ừ” mà
không ra hơi! Cũng tại vì Ôn thôi, ai biểu Ôn ham nghe đọc truyện, bỏ cả ăn. Té
ra, đồ ăn thức uống Mụ dọn lên hắn một mình hưởng hết! Mụ cứ tưởng Ôn vui nên
chi ăn được, dọn thêm, dọn thêm! Khi hắn về rồi, Ôn nằm liệt mấy ngày, phải đổ
nước Sâm. Thiệt, trong đời tôi chưa từng thấy ai ham nghe đọc truyện như Ôn!
Vắng hắn mấy ngày cũng buồn, khi gặp lại, hắn nói: “Rứa là em đã trả nợ con
gà cho Mụ rồi đó nghe. Còn Ôn, tại vì Ôn không chịu ăn, em phải ráng mà ăn chớ.
Bỏ uổng” . Vậy là sòng phẳng, theo ý hắn, để nhẹ lòng mà đi làm những chuyện
tày trời khác.
Như Dượng Lô đó! Dượng dạo ni trắng trẻo, hồng hào, đẹp trai cũng là nhờ
hắn. Trước kia Dượng đâu có được vậy. Người thì gầy nhom, đi đứng thì lúc nào
cũng in như người say sóng. Mắt lờ đờ như thiếu ngủ ba-đời-tám-kiếp. Tại vì
Dượng là tay nghiện rượu có tầm cỡ như người đời thường nói “những người uống
rượu là con Ngọc Hoàng”. Con Ngọc Hoàng chi mà ăn nói ba-sàm-ba-đế riết rồi đi
tới đâu con cháu cũng bu theo nói năng giỡn hớt không còn nề nếp chi cả! O Dung
buồn điếng ruột cứ lên Ôn Cả khóc hoài. Bao nhiêu lần Ôn cho đòi Dượng lên gặp.
Ôn làm hung làm dữ lắm. Mỗi lần như vậy trở về, Dượng đi đứng nghiêm chỉnh đâu
được vài ngày, lại…say sóng tiếp. Rượu thì cứ tu trả bữa, nói năng chẳng bằng
đứa con nít. Thiệt là hổ ngươi.
Bữa đó, xui mà cũng hên cho Dượng gặp được thằng bạn em cô cậu của tôi,
thằng Chắc đó! Hắn thấy Dượng trên đường đi về nhà. Say lắm rồi mà cũng hay,
còn nhớ đường về. Nhưng mà khổ nỗi, đi tới hai bước thì giật lùi ba. Mặt thì đỏ
lừ. Mắt nhíu mở không ra. Áo cởi cầm tay, lâu lâu Dượng phất lên không vài cái,
miệng ú ớ gì chẳng ai nghe rõ. Chắc là đang tưởng tượng một cảnh chia tay não
nuột nào đó! Hắn đi theo Dượng một đoạn khá dài. Tới đám cỏ gần nhà, Dượng đứng
lại đưa tay lên không quơ quào loạn xạ. Lại thêm một cảnh chia tay đứt ruột nào
nữa đây! Sau đó, Dượng lủi vô đám cỏ, nằm chổng mông. Tức thì, hắn vọt thẳng
ra, bỏ một nhúm lông mắt mèo trên mình Dượng, rồi chạy thẳng…Ai mà nghe nói tới
trái mắt mèo thì chắc phải sợ. Hình dạng nó như con sâu róm, lông nhỏ li ti mắt
thường khó thấy. Đụng vô người thì ngứa không thể nào chịu nổi. Dượng là dân
uống rượu, là con Ngọc Hoàng đó, mà Dượng cũng không chịu thấu. Đem được Dượng
về nhà, O Dung khóc la tru tréo:
– Đó, nốc cho nhiều vô. Ôn ơi là Ôn ơi! Ra thân thể ni thì chỉ có báo vợ báo
con. Trời ơi là Trời, răng mà tui khổ như ri…như ri…
Mặc cho O la khóc, nhảy đựng nhảy đột, Dượng cứ việc gãi. Gãi đã đời! Mình
mẩy Dượng đỏ rần, dọc ngang những vết cào xước da bật máu. Rứa là cấp tốc đưa
Dượng ra tiệm thuốc bắc Vạn Sanh Đường. Ông thầy Tàu mù bắt mạch nói là sưng
gan. O lại tru tréo thêm một thôi một hồi nữa. Kê toa cho thuốc, rồi về. Vừa
đi, vừa gãi. Tới nhà, O lui cui sắc thuốc. Dượng nằm trên nhà lại gãi tiếp, gãi
hung bạo tàn canh! Nói thì nghe hung dữ rứa chớ O thương Dượng lắm, lâu lâu chạy
lên hỏi:
– Mình, có răng không mình? Bây chừ thấy đã ngứa chưa?
Dượng nhăn mặt nhăn mày gãi loạn…
Sau lần đó, Dượng mang một chứng bệnh tưởng rất lạ kỳ. Uống chút rượu vô lại
bắt đầu thấy ngứa. Uống ít, ngứa ít. Uống nhiều, thấy ngứa toàn thân. Dượng sợ
quá, quyết tâm bỏ rượu. Giờ đây thì mập mạnh, đỏ au. O Dung rất mừng. Từ đó,
tiệm thuốc bắc Vạn Sanh Đường có thêm một thân chủ trung thành số một.
Chuyện đã tới đó đâu! Từ ngày Dượng bỏ rượu, đẹp trai quá chừng, O lại bắt
đầu ghen hung bạo. O giữ Dượng riết trong nhà. Dượng trở thành một thứ cây cảnh
cho O chăm chút, nưng niu. Dượng đi đâu lâu chút là O hối con đi kiếm. Riết rồi
bạn bè cũng lánh vì không nỡ để O buồn. Dượng trở thành một cái thây ma, được
cái là to con lớn xác, mập mạnh đỏ hồng. Suốt ngày cứ đi lên đi xuống đến nỗi
mắt đỏ ngầu, môi thì lúc nào cũng bặm lại, nhẩn nhục, âm thầm. Lật khật, lù
khù. Tướng đi còn say sóng hơn là lúc…còn uống rượu!
Chuyện đó, sau này hắn nói cho tôi nghe. Hắn cười, có vẻ thích thú. Còn tôi,
thì tôi không cười nổi. Tôi lo, rồi hắn sẽ làm gì nữa đây, với cái tính nghịch
ngợm của hắn!
Mà thiệt, có hết đâu! Hắn còn bày mưu, sử kế cho O Quỳnh phỉnh Mụ Quỳ uống
thuốc ngủ để lén đi tới chỗ hẹn hò với chú Hồng Đức (chà, tên nghe đẹp quá
chừng). Báo hại Mụ ngủ hoài không thèm làm bánh. Nhà Chùa réo. Chợ réo. Bạn
hàng réo. Tưởng là Mụ “đi” luôn, lúc đó. O Quỳnh khóc sưng cả mắt. O giận lắm,
bữa gặp tôi, O nói nhắn: “Tưởng Hồng Đức chi mô, thất đức thì có. Hắn tên là
Hoàng Đực nói trại ra đó nờ. May mà Mạ tao có sức, không thì…” .Tại vì O biết
tôi thân với hắn. Cái trò ni là do chú Hồng Đức hay Hoàng Đực chi đó bày vẽ ra
cho hắn chớ con nít biết chi ba chuyện tình ái lăng nhăng mà bày mưu với lại
tính kế.
Rồi nữa. Ai đời hắn dám rủ chú Tơ đi tập bơi. Chú lớn nhưng mà tính còn trẻ
nít. Nghe hắn nói bắt chuồn-chuồn cho cắn lỗ rún thì người nhẹ hều, bơi được
liền không cần phải tập, chú ưng bụng lắm. Bữa đó, hắn bắt đâu được con chuồn
chuồn, tới rủ Chú đi bơi. Chú thè thẹ trốn Ôn, Mụ đi liền. Hắn bắt Chú nằm
ngữa, phơi cái bụng trắng lốp, rồi dí con chuồn-chuồn vô rún cho cắn. Cắn đâu
được mấy lần, Chú vừa đau vừa nhột la oai oái, nhưng trong bụng mừng. Hắn nói
chỉ cắn một lần là đã biết bơi rồi, huống chi đây cắn tới mấy lần chắc bơi giỏi
hung. Lần đó, may mà có chú Luân đi lưới cá vớt kịp không thì chú Tơ cũng đi
đầu thai sớm. Đưa Chú về nhà, Chú nằm thẳng cẳng. Còn hắn, hắn trốn mất tiêu.
Ôn, Mụ giận sôi cả người. O Huê thì xỉu lên xỉu xuống ở nhà Ôn. Bà con thì tới
lui nườm nượp vấn an, thăm hỏi. Ai cũng lắc đầu, le lưỡi. Cái thằng, dám mà
vuốt râu Ôn, râu hùm đó! Đâu mấy ngày sau, chú Tơ đi lại bình thường. Chú khoe
với mấy đứa em bà con của tôi là Chú gặp được Long Vương. Râu Ông dài, mắt Ông
đỏ, mặt Ông xanh lè. Xạo quá!
Sau lần đó, O tôi bệnh nặng, Mạ tôi phải tới chăm sóc cho O suốt cả tuần.
Hắn thì lên gặp Ôn Cả. Ôn bắt hắn nằm xuống định ra roi thì chú Tơ lăn vô nằm
vạ đòi xin tha cho hắn. Ôn thương con nên cũng phải đành thương cháu, tha hắn
về.
Về để chi! Để hắn lại đi làm những chuyện tày trời khác không kể làm chi cho
xiết. Bởi rứa cho nên làm sao trả lời câu hỏi của O, về hắn? Nói thiệt lòng thì
không nỡ mà im lặng thì cứ áy náy hoài. O chừng như cũng hiểu ý, cú nhẹ đầu
tôi:
– Hai đứa mi có còn chi lạ. O hỏi rứa thôi, chớ O biết hết rồi.
Tôi cười gượng gạo, nói với O:
– O biết rồi, răng O còn hỏi mần chi? Con với hắn là anh em mà…
Tự nhiên O cầm tay tôi, giọng O buồn, thiệt buồn:
– Còn hơn là anh em nữa! Thiệt là giống Ba con với Dượng ngày trước…
Những giọt nước mắt O rớt trên bàn tay tôi, nóng hổi. Tôi ngỡ ngàng, hoảng
hốt:
– Thưa O, con có làm chi…
O xiết nhẹ bàn tay tôi, lắc đầu:
– Không, không chi cả. O vui mà khóc đó. Thôi con về đi, đừng để Mạ con
trông. Thằng Chắc chừ đang trẩy lá dừa cho Mụ Quỳ, ngoài nớ.
O buông bàn tay tôi, đứng dậy đi mau ra phía sau nhà. Tôi thoáng nhìn những
đường gân xanh trên bàn tay gầy guộc của O. Bàn tay gầy guộc mà tôi chưa bao
giờ cảm thấy xót xa
O đứng bên cạnh Ba tôi, trước mặt là người đàn ông lạ. Tôi chưa từng gặp ông
bao giờ nhưng nhìn mặt thấy quen quen. Ông ta ăn mặc sang trọng và vẻ dáng có
cốt cách của người giàu có. Cặp kính gọng vàng với hàng ria mép tỉa xén gọn
gàng, cách biệt hẳn với nét thô sơ đơn điệu cuả người thường. Chính vì điểm đó
mà tôi cứ hồi hộp theo dõi. Ba tôi mời ông uống trà, rồi nói:
– Thưa anh, tui có nghe em tui nói là anh muốn đem thằng Chắc về bên Nội.
Anh vô đây không ngại đường xá nhiêu khê thì sẵn nói cho luôn. Đem hắn đi là ý
ra răng, anh nói cho tỏ tường…
Ông khách lạ tằng hắng lấy giọng, đỡ lời:
– Thưa anh, chắc anh cũng biết. Tui là anh của thằng Niên, tức thị O Huê đây
dù chi cũng là người trong nhà. Nói gần nói xa, chẳng qua nói thiệt. Em tui vắn
số, bỏ lại vợ con nơi đất khách quê người. Là phận anh nên chi tui cũng có phần
mô trách nhiệm. Tui vô đây tuy là đường xá xa xôi nhưng không hề quản ngại, đón
mẹ con Thím hắn về để lo cho đầy cho đủ. Lời nói thiệt xin anh hiểu cho. Một
ngày cũng là tình nghĩa, huống chi…
Nói tới đây, ông mủi lòng, sụt sịt. Ba tôi phải vội trấn an:
– Chuyện chi cứ thong thả nói. Dượng hắn là em rể tui huống chi anh em cũng
đã một thời gắn bó, tui thương Dượng cũng như em tui rứa. Chẳng qua Trời không
cho Dượng sống đai trăm tuổi để bảo bọc vợ con. Là phần số thôi! Còn chuyện em
tui thì anh cứ nói cho tỏ tường…
Lời động viên của Ba tôi làm ông khách lạ thêm hăng hái:
– Dạ, anh cho phép thì tiện đây tui cũng thưa luôn. Tui cũng đã bàn qua với
Thím hắn rồi, là đem hai mẹ con về bên Nội. Đói, no chi cũng là ruột rà máu mủ
nhưng mà Thím hắn đang phân vân không nghĩ ra được. Thím chờ ý anh. Dù chi
anh cũng là người trên trước. Rứa ý anh răng, cho tôi xin…
Ba tôi cười có vẻ hài lòng, ngó qua O Huê:
– Rứa em nghĩ răng? Sẵn đây nói luôn để còn tính chuyện.
O Huê, mặt mày sầu thãm, thưa:
– Dạ thưa hai anh, em cũng nghĩ hung rồi. Chim có Tổ, nước có Nguồn. Đưa
thằng Chắc về bên Nội là em ưng, nhưng còn em, thưa hai anh, em…em…
Tới đây thì O ngấp ngứ, bối rối thấy rõ. Ba tôi phải trấn an:
– Không việc chi phải ngại. Phần em ra răng cứ nói. Anh đây nì, rồi anh
chồng em đó, có chi mà ngại hè! Cứ nói ra để mà tính luôn cho trót.
O nghĩ ngợi một đỗi lâu rồi dứt khoát:
– Dạ, thưa hai anh, ý em là để thằng Chắc về bên Nội. Còn em, em ở lại đây.
Em…em…
Tức thì, ông khách bỗng cười lên sảng khoái. Ông không còn giữ gìn ý tứ, vỗ
tay vào đùi, lớn giọng:
– Thôi, tui biết rồi! Về bên kia thì xa lạ ngượng ngùng. Ở lại đây thì còn
đầy kỷ niệm mà nhớ mà thương. Phải không đó, thím Niên?
O tôi ngượng ngùng cúi đầu xuống, mặt đỏ hồng, buông một tiếng “Dạ” ngọt
ngào. Ba tôi sửng người một thoáng, rồi ông cười buông thỏng một câu: “Thì ra
là rứa!” .
Tôi chỉ kịp nghe chừng đó rồi chạy vụt ra vườn sau. Buồn. Một nỗi buồn
choáng ngợp cả hồn tôi. Rứa là tôi phải xa rồi, thằng Chắc, thằng bạn em cô cậu
của tôi. Rồi tôi bật khóc ngon lành, thoải mái….
Chuyện chi đến rồi phải đến. Buổi chia ly sao mà buồn, mà ray rứt! Thằng
Chắc bữa ni gọn gàng, tươm tất. Chiếc quần đùi kinh niên không còn nữa mà bây
chừ là quần tây, áo chemise trắng nuốt. Đầu chải láng mướt, đẹp trai quá trời.
Ngó hắn bữa ni đâu có phải là thằng Chắc của ngày nào. Hắn đã là người của quê
xa, không phải gần gụi như hôm qua hôm kia mà cứ gọi là thằng Chắc, thằng Chắc
của họ làng mình!..
Trong khi chờ chuyến xe xuôi về vùng duyên hải, hắn cầm tay tôi giọt vắn
giọt dài:
– Em đi nghe anh Cu. Biết khi mô mà gặp lại..
Thì đúng là đường trường xa ngái, biết chừng mô mới gặp lại nhau. Tôi cầm
tay hắn, bóp thiệt chặc, thiệt chặc như muốn chuyền cả nỗi nhớ niềm thương qua
đó:
– Em đi đi nghe. Chừng mô Ba Mạ anh về giỗ Họ dắt anh theo, lúc nớ anh em
mình gặp được nhau.
Hắn gật đầu, nước mắt chảy dài. Tự nhiên, tôi nhớ tới một điều đã từ lâu tôi
cứ hoài ray rức. Tôi vuột miệng hỏi hắn:
– À, anh quên hỏi em. Nói cho anh biết, em làm răng mà O Túy…
Chưa để cho tôi nói hết lời, hắn “suỵt” một tiếng khẽ, rồi ghé tai tôi:
– Có chi mô, anh. O đẹp như Tiên. Bữa đó, O tắm, em tò mò ngó vô. Thiệt đẹp.
Em ngó hoài, ngó mải. O nghiêng bên ni, ngã bên kia. O cười. O nhăn. O bĩu môi.
O trợn mắt. Em cứ ngó hoài mê mải. Tới lúc Mụ Tất bắt gặp, nắm đầu em, em vùng
ra được bỏ chạy mất tiêu. Lúc đó O Túy biết chuyện, nhảy đựng nhảy đột, tru
tréo om sòm Mụ phải dỗ dành hoài O mới chịu nín…
Buổi chia tay đang buồn não nuột mà khi tôi nghe hắn nói tôi phát giận.
Mù-cha-tam-đợi, cái thằng…
Thương hải tang điền. Gia đình tôi trụ lại ở vùng rẻo cao đó một thời gian
rồi cũng phải chia xa. Ba tôi nhậm chức ở một vùng cao, cao hơn nữa. Vậy là bỏ
lại họ tộc mà đi. Tôi cũng bỏ lại sau lưng những tháng, năm đầy ắp kỷ niệm.
Ngày gia đình tôi lên đường, Ôn tổ chức một buổi tiệc thiệt lớn, bà con trong
họ tới đông đủ. Ôn nói:
– Việc nước thì to, việc nhà thì nhỏ, Ôn Đốc đi mô rồi cũng nhớ lại làng
quê. Mấy cháu cũng đừng có phân vân. Họ nhà mình mấy đời quan viên làng nước.
Miễn răng việc nước cố lo, việc nhà chớ bỏ…
Ôn nói dài, quá dài tôi nghe không tỏ. Lòng cứ bâng khuâng nhìn ra khoảnh
sân rợp hàng dừa mà nhớ, thiệt là nhớ, thằng em cô cậu của tôi. Mi đi. Tao đi.
Ở lại còn trơ trọi một nhúm đời quanh quẩn. Cũng Bác, Chú, O, Dì đó mà sao
không có cách chi vui!
Vẫn là khu bến xe nhỏ bé này ngày đó hắn thì về xuôi bây giờ tôi lên ngược.
Dòng đời đã rẽ nhánh chia hai. Tôi nhìn O Huê mà không cầm lòng, bật khóc muồi
mẩn. Ở nơi O, có một khoảng đời thơ ấu của tôi, có hình ảnh của hắn – thằng em
mà cũng là thằng bạn – đã từng cùng tôi chia ngọt xẻ bùi…O phải cầm tay tôi,
rồi ôm tôi vào lòng dỗ dành mãi. Xe lăn bánh, tôi còn thấy O vẫy tay…vẫy
tay…Buồn nghiến ruột.
Đó là lần cuối cùng tôi gặp và xa O!
Dòng đời cứ nghiệt ngã trôi đi. Nỗi nhớ thương cũng nguôi dần theo triền dốc
mới. Năm, tháng dần qua, tuổi đời thêm lớn, nên chi những kỷ niệm nơi quê xưa
chốn cũ chỉ là lúc nhắc nhớ ngậm ngùi. Tôi thật lòng quên đi một khoảng thời gian
dài, quá dài,về những hình ảnh xưa mà trong đó có cả thằng Chắc, thằng bạn em
cô cậu của tôi. Cuộc đời cứ tàn nhẫn đem ngày tháng trôi đi mà tôi thì cứ vô
tình bỏ sót lại quá nhiều kỷ niệm. Ba Mạ tôi nay đã không còn nữa. Tôi thì theo
bước Cha làm một ông giáo trẻ ở miền rẻo cao hẻo lánh, an phận với tháng ngày.
Cũng không giấu lòng, thỉnh thoảng thơ văn chất ngất. Mượn hứng từ những tháng
ngày xưa mà viết dăm ba bài gởi báo, cho đời có chút gì ý nghĩa, không chịu để
tâm hồn trống trải vô duyên. Cho tới một ngày bỗng nhiên tôi nhận được một lá
thư. Thư không dài lắm nhưng đủ để cho tôi thao thức mấy đêm dài, nghĩ hoài mà
không hết những tháng, năm xưa. Đó là thư của hắn, thằng Chắc, thằng bạn em cô
cậu của tôi:
“Anh
Tình cờ em có đọc một truyện ngắn viết về một vài kỷ niệm sao mà giống
của anh em mình, hồi đó. Qua Tòa soạn Báo em được biết địa chỉ của tác giả. Em
ngờ rằng đó là anh. Còn em là thằng Chắc đây! Anh viết truyện, chắc anh phải
nhớ. Nếu thiệt phải là anh thì dịp gần gũi nhất là sau Tết ni, mồng Mười tháng
Giêng đó, giỗ Họ làng mình anh cố sắp xếp ra để anh em mình gặp mặt. Lâu lắm
rồi anh, có bao nhiêu điều để nói khi tụi mình gặp lại. Còn nếu không phải là
anh thì cũng xin cho biết được nguyên do nào có được câu chuyện về cuộc đời thơ
ấu của tôi. Xin vui lòng gởi về địa chỉ ghi ngoài bao thư.
Kính thư.
Em: Phạm Huy Anh (thằng Chắc)
T.B: Nhưng mà em cứ tin là anh đó. Nếu quả thật là anh, anh cố gắng về.
Em rất mong…”
Lá thư chỉ có vậy thôi mà bắt tôi thao thức bao đêm. Đâu phải là chuyện đi
hay ở mà cái chính là những hình ảnh xưa cuồn cuộn sóng trào trong lòng tôi. Để
vơi bớt những xúc cảm dồn nén bao năm về hoài niệm xưa cũ, tôi thường tâm sự
với Nhà tôi hằng đêm chuyện thằng Chắc, thằng bạn em cô cậu của tôi, ngày nào.
Nhà tôi nghe mà đâm ghiền chuyện làm tôi nhớ thiết tha tới Ôn Tất ngày nào.
Cuối cùng, nàng tuyên bố:
– Cậu nớ rứa mà hay. Anh nên đi một chuyến, anh em gặp nhau cho bớt nặng
lòng.
Vậy là tôi đi. Đúng, cho bớt nặng lòng.
Làng xưa đã đổi thay nhiều. Người xưa nay cũng đã kẻ mất người còn. Thế hệ
Cha, Chú đã đi xa biền biệt. O Huê của tôi, cuối cùng O cũng về nằm yên ngủ nơi
đây,trên mảnh đất họ làng. Rồi Ôn Mụ Tất, Mụ Quỳ, O Dung…tất cả đã trở về
nơi-chôn-nhau-cắt-rún mà thở hắt một hơi thở cuối đời cho yên lòng mát dạ. Ôn
Cả và Mụ tôi thì nằm lại ở mảnh đất rẻo cao ngày xưa. Ôn Mụ muốn nằm đó để nhìn
ngó giang sơn của mình, để chứng kiến cảnh tre tàn măng mọc.
Về lại quê xưa, tôi chỉ còn có Dượng Lô, người-của-trăm-năm-cũ! Dượng bây
chừ mắt mờ tay yếu, ngồi yên một chỗ để nghe vọng cái sắc,không của cuộc đời.
Buổi gặp nhau ở sân nhà Thờ Họ, Dượng cầm chắc tay tôi không muốn rời:
– Té ra đây là con anh Đốc. In như là thằng Trọng hồi nớ, phải hè?
Tôi dạ. Dượng gật gật đầu, miệng cười mà nước mắt nhỏ dài. Tôi để yên bàn
tay tôi trong tay Dượng. Bàn tay nhăn nheo gầy ốm làm tôi chợt nhớ in như đâu
đó, còn có một bàn tay nữa! Đúng rồi. Bàn tay của O Huê tôi! Tự nhiên tôi xúc
động, nắm chặt thêm tay Dượng, mắt kính bỗng mờ. Giọng Dượng nghe như văng vẳng
từ nơi nào, xa xôi lắm:
– Mấy cháu về Dượng vui. Ngó qua ngó lại mà cũng mấy chục năm rồi hỉ! Thiệt
là chim có tổ người có tông, ở mô êm ấm cho bằng nơi quê Cha đất Tổ. Cháu biết
không? Nhà Họ làng mình mà khôn có anh Chắc giúp tay thì có mô mà được như ri.
Hồi nớ là sập hết rồi, chiến tranh thiệt là vô hậu. May mà con cháu hắn còn
tưởng tới làng họ, Ông Bà mới có được ngày ni. E con chưa gặp anh Chắc đó hỉ.
Làm quan to lắm. Năm mô cũng rứa, bận việc nhà binh mà cũng về thắp nhang cúng
Họ rồi đi.
Dượng nhấp nháy mắt, nghiêng đầu qua bên lắng nghe một đỗi, rồi trở giọng
vui:
– Rứa, mới nhắc đã tới rồi tề. Nghe tiếng xe là biết…
Dượng buông tay, vin vai tôi đứng dậy. Có tiếng xe ngoài cổng lớn. Tôi nhìn
ra, thấy chiếc xe Jeep nhà binh đậu lại. Đám con nít túa ra reo mừng. Trên xe
một người đàn ông bước xuống, nhanh nhẹn gọn gàng. Dáng người to, cao, bệ vệ.
Anh ta nhìn quanh, bỏ cặp kính đen xuống, dắt vào túi áo trên rồi rẽ đám con
nít đang tíu tít bu quanh người đàn bà đang bối rối chưa kịp xuống xe, hối hả
bước vô nhà lớn. Tự nhiên, tôi cảm thấy hồi hộp và xúc động. Vừa đặt chân vào
gian lớn đã nghe tiếng, có vẻ nôn nóng:
– In như là có anh Trọng về?
Tôi cố nén xúc động, bình tĩnh đáp:
– Đúng. Anh đây, cậu Chắc…
Hắn khựng lại, quay mặt về phía tôi, đôi mắt sáng lên nét mừng vui không
giấu. Hai đứa tôi cùng bước tới, cùng đưa tay nắm bắt. Hắn nhìn tôi. Tôi nhìn
hắn. Rồi cả hai ôm nhau, ghì siết. Tôi nghe cả tiếng đập rộn ràng của trái tim
– nhịp đập của mấy mươi năm dồn nén lại. Khi niềm xúc động đã chìm lắng, hắn
buông tôi ra quay người lại nắm tay người đàn bà tự nãy giờ im lặng cúi đầu
đứng sau lưng hắn:
– Đây là Nhà em
Tôi gật đầu: “Chào Mợ”
Người đàn bà cũng khẽ gật đầu, vẻ dáng dịu dàng đài các rất là Huế:
– Dạ, em chào anh. Nhà em cứ nhắc tới anh hoài, chừ mới gặp.
Tôi nghe tiếng hắn cười sảng khoái, quay qua Dượng Lô đang mải đứng ngóng
chuyện:
– Thưa Dượng mạnh giỏi. Tụi con rứa là lâu lắm rồi mới được gặp lại..
Dượng cười, không dấu nỗi mừng vui ;
– Thì rứa, gặp lại người mô hay người nấy. Thời buổi loạn lạc ni, dễ chi
anh!
Vừa lúc đó, chiêng trống bắt đầu khua động để vào buổi lễ chính. Ai nấy đều
tự về riêng chỗ của mình. Không khí trở nên nghiêm trang, bảng lảng khói hương
trầm nghi ngút. Giọng Ôn Nghiêm xướng đọc tên tuổi từng người khuất mặt trong
tông chi họ hàng nghe mà não nuột. Mấy O, Dì, Chú, Dượng trời cho còn sót lại,
sụt sịt. Đám con nít lấm la lấm lét ngồi yên trên một hàng chiếu trải dài,
không dám nhúc nhích.
Tự nhiên, sao tôi nhớ tới ngày xưa quá!
Trong đám trẻ nít ngày xưa đó, cũng có tôi với thằng Chắc, nhưng hắn có lúc
nào ngồi cho yên! Lợi dụng phút trang nghiêm, hắn bắt đầu lén véo đứa ni một
cái, ngắt đứa kia một cái làm cho cả bọn cứ nhìn nhau ngờ vực mà đố có dám la
lên. Còn hắn thì cứ cúi mặt, che miệng cười hoài…
Giờ thì hắn ngồi đó, chững chạc không hề giống hình ảnh mà tôi tưởng tượng
khi chưa gặp. Bất chợt, hắn nhìn về phía tôi. Hai đứa nhìn nhau một thoáng rồi
cùng nở một nụ cười đồng điệu.
Bữa đó, bà con ở lại chè chén thù tạc. Tôi thì xin phép Ôn Nghiêm, Dượng Lô
theo vợ chồng hắn về, khoảng xế chiều. Đường xá gập ghềnh ổ voi ổ gà đầy dẫy.
Xe phải chạy khoảng gần ba tiếng rưởi mới tới nhà, một khu biệt thự rộng lớn có
lính gác trong, ngoài.
Đêm đó, hai anh em ngồi tâm sự. Một đêm thức trắng để bù lại mấy mươi năm xa
cách. Hắn kể lại ngọn ngành cuộc đời hắn, một cuộc đời ba chìm bảy nổi. Hắn như
cây cỏ dại tự vươn mình lên mà sống.. Hóa ra, có chi là thơm thảo tình người!
Ông khách lạ năm xưa tìm tới nói là đưa hắn về quê Nội để lo cho đủ cho đầy
đó.! Ba tôi thì ưng bụng, O tôi thì mát lòng chớ có biết đâu là đẩy đứa con rứt
ruột của mình sớm lăn lộn ngoài sương gió cuộc đời! Chuyện là như ri…
Ông bà ăn ở với nhau không có mụn con nào. Chồng thì siêng năng bài vở, có
khi mô chểnh mảng chuyện nớ đâu! Rứa mà có hề. Mấy năm trời cứ vồ qua chụp lại,
mặn nồng ân ái thì có mà răng hoài không thấy thằng cu, con gái chi chun ra cho
vui nhà vui cửa. Lúc đó, vợ chồng mới nhớ tới chú Niên. Ừ, thì chú lang bạt kỳ
hồ hồi nớ nhưng mà nghe đâu có đứa con trai ở miền rẻo cao mô đó. Tại sao không
kiếm hắn về cho vui nhà vui cửa. Rứa là thuận vợ thuận chồng. Đem được thằng
Chắc về ông bà cũng cưng chiều đến độ. Thằng Chắc càng ngày càng béo tròn béo
trục, sợ nắng, sợ mưa. Hắn quên cả rồi, cái quần đùi thâm căn cố đế của vùng
rẻo cao xưa. Quên hàng dừa bóng mát mà hắn thường leo trèo như khỉ. Quên những
dòng nước mắt chan hòa nỗi khổ của O tôi khi hắn bày ra vô số những tro nghịch
ngợm. Chắc chắn là hắn cũng quên luôn anh Cu của một thuở đầu trần chân đất,
gội nắng dầm mưa vui sống với nhau những ngày cùng khổ…
Đâu được chừng ba năm đủ thời gian cho hắn tập thói đỏng đảnh của kẻ sang
giàu thì Bác gái hắn cũng bắt đầu thèm chua. Đi ngang về tắt đâu thì không biết
nhưng Bác gái có triệu chứng sắp làm Mẹ. Bác hết thèm chua tới thèm ngọt. Hết
ngọt rồi tới lúc cứ thèm nhâm nhi ba hột gạo sống. Mình mẫy bắt đầu nở nang,
đầy đặn. Mặt đỏ hồng. Cổ có ngấn. Rồi năm đó một thằng Cu ra đời. Chuyện bắt
đầu là vậy. Có mới thì nới cũ, huống chi ba cái của cũ mèm, tiếng là huyết
thống nhưng mà có rứt ruột xót đau chi! Hắn bắt đầu tuột dốc thê thảm, trở thành
kẻ tôi tớ trong nhà. Chuyện chi cũng một tay hắn, tối mặt tối mũi suốt ngày,
lại còn thêm lời đay nghiến nặng nhẹ. Lòng người sao mà lạ, thay đổi thiệt mau.
Ông Trời khi nắng chuyển qua mưa còn có dông có gió báo chừng, chớ lòng người
thì vô hồi vô đỗi…
Hắn ở đợ không công hai năm, chịu không thấu. Chờ đợi hoài O Huê chẳng thấy
về thăm con. Thì ra Bác hắn có viết thư cho O nói tốt đủ điều về cuộc sống của
hắn. O mừng mà yên bụng với lại hồi đó chuyện đi lại nhiêu khê vất vả còn thêm
tốn kém…Cuối cùng hắn quyết định bỏ ra đi nhưng hắn không về nơi chốn cũ mà lần
vô tới Sàigòn – khoảng đất trời mà hồi nớ ai cũng từng mơ ước. Trong đầu óc hắn
lúc bấy giờ, hắn muốn vươn lên thoát cảnh đời tăm tối, làm nên một-cái-gì-đó,
lớn lao hơn. Tự nhiên tôi nghĩ tới Dượng tôi. Trong hắn còn đậm đặc dòng máu
giang hồ phiêu bạt của Dượng.
Cuộc phong trần của hắn có quá nhiều sóng gió dập vùi. Hắn tự bương chải
kiếm sống bằng đủ thứ nghề trong vùng đất hoàn toàn xa lạ. Để có được như ngày
hôm nay hắn đã chịu trăm cay ngàn đắng. Kể ra, thì quá dài cho một quảng đường
đời trôi nổi phong ba, nhưng ngắn gọn một điều là tôi biết rất rõ thằng Chắc,
thằng bạn em cô cậu của tôi, hắn có một cá tính rất mạnh. Hắn có thể đạt những
gì hắn mơ ước, điều đó cũng không có gì lạ… Mừng một điều là O tôi còn nhìn
thấy đứa con của mình thành đạt trong cuộc đời. Mẹ con còn sống bên nhau một
thời gian trước khi O về với Dượng. Dù tôi đã không còn có dịp gặp lại O kể từ
lúc chia tay ở bến xe miền rẻo cao ngày ấy nhưng tôi hình dung được khuôn mặt O
lúc nào cũng rạng rỡ niềm vui. Ý nghĩ đó làm tôi vui lây và hãnh diện khi nhìn
qua phía hắn. Hắn chững chạc bề thế trong vẻ dáng một người tự tin, hết sức tự
tin, vào cuộc sống. Cái thằng Chắc nghịch ngợm, rắn mắc ngày xưa đã chìm sâu và
chết đuối trong ánh mắt nhìn nghiêm nghị của hắn bây giờ.
Hai anh em tâm sự gần đến sáng mà không thấy mệt, vẫn còn háo hức nôn nả.
Còn quá nhiều chuyện để nói cùng nhau, nhiều khuôn mặt gợi nhắc những kỷ niệm
ngày xưa. Và, trong trí nhớ của hai đứa rõ ràng còn cả một khoảng mát bóng dừa
sân nhà Ôn Cả. Rồi O Túy, Chú Tơ, Mụ Quỳ, Ôn Mụ Tất… Thậm chí còn nhắc nhớ
chuyện con chuồn-chuồn cắn rún, những con dế đá đem bán cho Chú Tơ để lấy tiền
mua kẹo kéo…Mỗi lần nhắc lại một chuyện gì bất chợt nhớ ra, hai đứa lại bật
cười thoải mái. Chuyện nào cũng có hắn làm vai chính cả.
Cuối cùng, hắn đứng dậy, bùi ngùi nói với tôi:
– Anh Trọng, giờ em phải đi. Sẵn dịp về, anh ở lâu đi thăm bà con cho thỏa.
Em đã dặn trước rồi, anh muốn đi đâu có người đưa đi, đừng ngại. Giờ em phải
vào chuẩn bị…
Vậy là chúng tôi chia tay giữa trời mây nắng gió của chính nơi
chôn-nhao-cắt-rún. Cái bắt tay chắc nịch và nụ cười pha chút bùi ngùi:
– Đáng ra phải ở với anh mấy ngày cho thỏa nhưng chuyện nhà binh mà, không
thể hoãn được. Tình hình càng ngày càng xấu…
Hắn khẽ thở dài, ánh mắt thoáng vẻ buồn:
– Chắc là không có dịp nhưng thỉnh thoảng em sẽ liên lạc với anh. Đừng để
mất nhau nữa..
Rồi hắn quay người đi mau về phía chiếc xe Jeep đang chờ sẵn. Dáng vẻ hiên
ngang trong bộ đồ trận. Chiếc xe chạy thẳng ra cổng, hắn quay người lại, đưa
tay vẫy. Tôi đứng lặng trong sân, cảm giác như vừa mất mát một cái gì đó rất
gần gụi, rất thân quen…
Chắc ơi! Đó là lần cuối cùng trong đời, anh gặp em!
Vậy mà đã mấy chục năm qua rồi, thời gian vùi dập những dấu vết thăng trầm!
Sao tôi vẫn mãi nhớ một vẻ dáng thân quen của ngày xưa ấy!
Tôi vẫn nhớ đến em, người-bạn-em-cô-cậu, nhớ đến thằng Chắc, người của họ
làng mình….
Trần Huy Sao