04 June 2015

CÁI CỐI XAY DƯỚI ĐỒNG BẰNG - Y Uyên

“Cha mầy vẫn chưa về sao?”
Má anh Kiều Con hỏi.
“Chưa má”.

Hà ngồi thẳng lưng thở một hơi dài. Tay Hà múc từng lon nước đổ đều lên lớp gạo trong lòng cối. Bà già lẩm bẩm điều gì không rõ. Tiếng cối đá xoay tròn rít rít quen tai. Bà đứng doãi chân ở cuối tay cối, hay tay bấu chặt cái then ngang, đẩy lên kéo xuống lầm lì. Hà loay hoay trên cái đầu kê sát cối, chốc chốc lại quay ra sau nhìn bà già. Hai mắt bà khép kín, khuôn mặt nom phẳng lặng.

“Để tôi xay, coi má muốn mệt rồi”.

“Ngồi đó còn trông bếp, còn ra vô lo chuyện này chuyện khác. Mới xay làm sao mệt”.
Má anh Kiều Con nếu đều đặn.
“Tôi muốn nói với má cho tôi đi thăm anh Hai một chuyến”.
“Chờ cha mày về hỏi ổng coi”.
Hà yên lặng gạt lớp gạo trồi viền quanh cối vào giữa. Bột nhão chảy đều quanh thớt cối dưới. Hai bàn tay Hà ẩm, trắng. Người Hà như cũng nặn bằng bột với trái tim dư máu nhiều lúc đè nặng ngực đột ngột. Chiếc cối đá xoay đều đều sao không nghiền được Hà thành nước. Tiếng rít rít như tiếng động trong nhà, của riêng hai má con. Anh Kiều Con nghĩ sao mà nói đá làm bạn được với người? “Chờ cha mày về…” Ông già quyền thiệt. Chuyện gì cũng cần tới ông. Hai mươi mấy năm ông vắng mặt ở nhà này, quyền hành của ông vẫn không giảm sút.
“Ổng có về, cũng nhờ má nói giúp”.
“Mày đi e thiếu người làm”.
“Mười một tháng Chín ta đi bầu mà cho đông…” Ngoài đường làng một chiếc xe thông tin cổ động bầu cử chạy dập dình. Cùng với tiếng hát trong máy phóng thanh có tiếng trống thì thùng, xe dừng ở chỗ lò gạch để một giọng nữ lên tiếng hô hào… Chiếc cối xoay đều, Hà lại nghĩ về người con gái bằng bột có trái tim dư máu đè nặng ngực đột ngột. Những lần Hà đứng doãi chân hăm hở xay bột, nhiều lúc xây xẩm mặt mũi Hà tưởng mình đang vồ vập khối đá trước mặt. Đá mà làm bạn được với người. Anh Kiều Con nghĩ sao mà nói đá là bạn với người? Anh cũng có lúc khó hiểu như ông già. Ông già quyền thiệt. Từ ngày ông về nhà tới giờ Hà vẫn chưa quen được ông. Sự có mặt của ông như chỉ giúp cho má anh Kiều Con mỗi cuối tháng khỏi phải lên trụ sở xã trình diện hoặc về mùa mưa khỏi đi canh cầu và có chuyện để lẩm bẩm trong miệng những lúc xay bột. Lòng tội nghiệp lúc mới nghe tin ông về không còn. Nói sao cho ông chịu nghe? Nói sao cho ông chịu thương người con trai ông chưa một lần gặp mặt? Lại mang thư của anh Kiều Con ra đọc như mọi lần? Anh Kiều Con hiền… [1]
… đại bác của anh, phải coi ông già như một người vắng hẳn tuổi thơ, vắng hẳn tuổi trưởng thành.
Bữa cơm dọn ra giữa những người uể oải. Ông già vừa ăn vừa gãi, máu nhỏ ròng trên cánh tay. Má anh Kiều Con hít hít đánh hơi, bỏ bát đũa quờ lấy tay chồng. Ông già nói thật mạnh: “Bỏ ra!”.
Má anh Kiều Con như không nghe, hai bàn tay vẫn chờn vờn trên mâm cơm toan nắm lại cánh tay ông già. Ông thu tay lại, nhấp nhỏm cố dằn cơn ngứa. Bà già la:
“Tay gì mà máu những máu vậy na?”
“Ngứa gãi hoài hoài thì máu ra có gì mà la như cháy nhà vậy”.
Giọng ông già bực bội. Bà già đưa tay lên ngửi, lẩm bẩm rồi cầm đũa bát lên ăn. Ông già bỏ ra ngoài giếng nước, vừa đi vừa gãi. Hà bảo bà già:
“Máu độc không hà. Hết gãi máu hết ra liền có chỉ mà má hãi”.
Hà gắng dàn xếp, mong thầm bà đừng làm ông bực mình thêm. Nội tối nay phải tạo nhịp gần ông, nói nhiều với ông, câu chuyện mới dễ đưa đẩy. Hà lau những vệt máu quanh chỗ ông già ngồi, đặt lại đôi đũa của ông ngay ngắn bên thành mâm. Ông già trở vào lầm lì nhai cơm. Những câu hỏi của vợ không được ông đáp. Được hai chén ông đứng dậy ra ngoài hiên ngồi trên chõng vấn thuốc lá, người có vẻ bồn chồn. Những mụn ngứa đã thành mề đay khó trị.
Mỗi lúc nhớ tới cơ thể chân tay lại không yên, muốn cắn chặt môi mà cho cào cấu. Câu chuyện tổ tiên dắt dao đeo gùi chống gậy vô núi kiếm trầm, kiếm kỳ nam lúc về hóa cọp như có điều gần gũi. Bóng cọp ngồi chầu suốt đêm bên kia khe nước gà gáy cào cấu da thịt vừa bò vừa dựng hai chân khom người chạy vô núi đâu chỉ là một nỗi khổ không di truyền. Sau những năm tháng không hoàn thành mình như mẫu người dự muốn, không trở về được hình dạng cũ nữa thì sao. Có còn cánh đồng nào thấp hơn đồng bằng này một bực? Bữa cơm đã xong. Bà già kiếm guốc rửa chân, mang bông trái lần theo những bực đá xuống ngôi chùa dưới cánh đồng sau nhà. Hà rửa bát đũa rồi ra hàng rào ngoài đuổi đàn chim sẻ sà xuống mổ những phên bánh tráng. Bầu trời dịu màu. Hà ngồi xuống bờ đá nhìn ra phía lò gạch hai tay vuốt ngực. Hơi thở lại đầy lại nặng. Hà thở từng hơi dài. Trăng chưa lên nhưng bầu trời sáng xanh. Hà lại muốn ưỡn người vùng vẫy, muốn bật miệng rên. Hàng tre lả ngọn bên kia lò gạch, phía sau mất hẳn nền núi thường màu đá xanh. Tảng đá có bài thơ của nhà vua Nam tiến không còn dấu tích.
Những con chim sẻ nhào xuống vội vã mổ những tấm bánh tráng phơi trên mặt phên dựng ngoài hàng rào. Nắng tắt, tiếng bánh khô tách dần khỏi mặt phên vẫn lắc rắc đều đều mọi chỗ. Hà vỗ mạnh tay xua đàn chim, mồm kêu “ui da, ui da”. Lò gạch vẫn còn khói trắng đùn lên cao. Một người thợ quần áo đen trèo thang lên miệng lò, khom lưng luẩn quẩn trong lớp khói. Một chiếc xe ngựa chạy muộn dừng lại trước một cái quán bên kia lò gạch. Một đứa bé gái đầu lắc lư cái mũ vải cong vành màu xanh đậm tò mò nhìn vào nhà Hà. Hà vỗ tay thành nhịp đều, “ui da, ui da”. Những con chim vẫn lấp ló trên mái tranh, phía ngoài bờ rào. Con ngựa tiểu trên mặt đường, nước bắn như bụi. Trong quán, có hai người lật đật bước ra chiếc xe dập dình, cái mũ xanh của con bé lắc lư rồi chiếc xe chạy. Hà xếp những tấm phên thành từng chồng ôm vào nhà. Tối nay nếu má anh Kiều Con về sớm, chắc phải thắp đèn xay hai chục ký gạo để có bánh kịp ngày kỵ của nhà họ Đặng. Hà đứng dậy, nhìn trời kêu bâng quơ:
“Lại có rồi đó”.
Ở trong nhà, ông già nằm chèo khoeo trên chõng, mặt nghiêng ra sân. Hà tần ngần trông theo trái sáng le lói đung đưa trên nền trời chưa tối phía thôn Lâm. Một cái dù trái sáng lúc này bán cả hai trăm đồng bạc. Đêm qua, cả nhà cùng thức vớt được một chiếc rơi xuống ngoài khe. Hà ôm từng xấp phên bánh vào nhà chốc chốc lại kêu “Lại có rồi đó”. Ngoài lò gạch khói loãng dần trên miệng lò. Những người làm ở đó đã về. Chiếc xe thông tin đã quay lại một lần nữa. Máy xe nổ tuôn khói mù mù. Giọng người con gái vội vã lập lại. “Dậy sớm thu xếp cửa nhà. Mười một tháng Chín thời ta đi bầu”. Tiếng trống khua rộng cùng chiếc xe rồ máy chạy. Ông già gọi Hà lấy một cái chậu nhôm đã móp để sẵn ngoài hiên để rạng sáng khua theo lệnh ấp. Hà nhìn ông già, ngập ngừng rồi lại quay vào nhà thắp đèn. “Nội tối nay phải nói cho xong”. Căn nhà rạng sáng theo ngọn đèn được vặn cao lần lần. Người con gái màu xanh ôm bó lúa trong tranh nghiêm mặt. Những bông lúa xác xơ. Hà ngắt một hạt cắn cho đỡ buồn miệng, bước ra sân.
“Tối nay có xay bột sửa soạn đi. Để tao xuống chùa hối má mày về”.
Ông già nhỏm dậy khỏi chõng, kéo ống quần xuống, quơ guốc vào nhà. Hà ngạc nhiên nhìn theo. Có bao giờ ông săn sóc ai đâu. Hà nói:
“Tối nay xay bột tráng bánh cho nhà họ Đặng”.
“Ờ, thì sửa soạn đi. Họ Đặng lo kỵ bao giờ cũng lớn”.
“Tráng hai chục ký bánh”.
“Ờ, sửa soạn đi. Sớm mai còn đi bầu cử… làm gấp mới kịp”.
Giọng ông già như giọng một người biết lo chuyện nhà. Hà quay vào ôn tồn:
“Có đèn bấm trên bàn thờ cha nhớ mang đi. Bực đá thứ tư có chỗ lở…”
“Từ ngày về nhà tới giờ mới gặp thầy dưới đó một lần. Bữa nay xuống thăm thầy một thể”.
Ông già thay quần áo, lại bàn rót nước uống, giọng kể lể:
“Thầy dưới đó hồi chưa tu hành nổi tiếng gan dạ không ai sánh kịp. Trước kia mấy thôn Lâm, thôn Ngọc Hoài đâu có thuộc xã mình. Nhờ thầy mà có đó. Hồi đó từ trên núi Ông có một xác người chết đã thúi rữa trôi về. Tới thôn Lâm thì dạt vô bờ. Người xã bên đó không ai dám lại gần. Xã bên này cũng hãi, có một mình thầy dám lội qua sông mang xác chết về chôn ở Gò Hồ. Quan huyện hồi đó là ông Ngô Cứ thấy vậy gọi thầy lên khen, rồi cho nhập vùng đất thôn Lâm, Ngọc Hoài về xã bên này để thưởng công cho cả xã. Sau này có nhiều vùng được thêm dất cũng vì biết thương kẻ xấu số. Vớt được xác chết ở đâu là đất mình ở đó.
“Truyện hồi đó giờ không nghe ai nói”.
“Ờ, thầy đã tu hành rồi, còn nhắc lại làm chi”.
Hà muốn nói thêm để giữ ông già lại nhưng ông đã lấy đèn bấm đi ra ngoài. Hà lại đầu nhà nằm xuống tấm võng hai đầu treo cao. Người Hà gần như dựng đứng. Thầy thuốc đã dạy treo võng cách đó nằm cho đỡ nặng ngực. Chân Hà đưa đẩy trên nền xi măng thấy mát. Phút nghỉ ngơi tạm bợ mang ít nhiều thảnh thơi. Câu chuyên vừa rồi nghe như cổ tích. Hà nhăn mặt vuốt ngực dưới người vì một cơn đau bất chợt, mồm kêu “ui da, ui da”. Cơn đau thoảng qua. Hà cười một mình. Tiếng “ui da” nghe như của Hà hồi nhỏ.
Lúc ông già, bà già về, trăng vẫn chưa lên. Hà đã bắt đầu xay bột. Bà già từ trong nhà ra mắt nhắm nghiền, tay cầm cây đèn ánh sáng chao chao. Bóng Hà xô lên xô xuống, lúc xa lúc gần cối đá, vồ vập. Ông già lẩn quẩn bên hai người, vẫn với vẻ săn sóc khó hiểu. Khi ông đã ôm mùng ra mắc ngoài chõng, Hà nghe tiếng ông trở mình luôn. Trăng hạ tuần lên chênh chếch phía ngoài lò gạch, hai người nghỉ tay. Hà lại gần chõng nhìn vào, thấy phía trong trống trơn. Ông vừa ở trong nói vọng ra dông dài chuyện bầu cử, giờ đã đâu mất. Hà thở dài, chợt nhớ ra. Ông sợ ngày mai bầu cử, đêm nay có những chuyện không hay xảy ra.
Chắc ông lại ngủ nhờ nhà một người quen nào hoặc chui vào một bụi rậm, chờ gà gáy lần về ngủ yên trong mùng như hồi trước kia.
Hà đóng cửa, nằm ngủ, thấy hơi thở lại nặng nhưng không dám xuống võng nằm sợ bà già lại mất công gọi lên giường. Về sáng Hà chợt thức giấc thấy lạnh. Ngoài nhà như có tiếng mưa rào rào, Hà loay hoay không ru được đầu óc ấm áp như lúc bắt đầu nằm để ngủ lại. Tiếng gió nghe thiệt dữ, như bão. Hà nhỏm dậy xuống giường. Qua khe cửa, ngoài sân trăng thiệt sáng. Hà ra hiên thấy ông già đã về. Chiếc mùng gió bạt vào tường. Ông già nằm co, bụng chặn mền, hai cánh tay có những đường máu đọng. Gió nam từ ngọn núi trước lò gạch ào ào thổi. Những thân dừa ngoài gò đất lá đập dồn dập như mưa. Sau nhà, ngoài khe nước, đâu đâu cũng dậy tiến động mưa xối nước đó.
“Sáng rồi còn gì”.
Tiếng ông già nói tỉnh táo. Sau lò gạch, mơ hồ những tiếng gà gáy tạt gió. Hà ngồi bệt xuống bực cửa, không ngờ giấc ngủ đã dài thế.
“Kêu má mày dậy vừa rồi”.
“Để ngủ thêm chút nữa. Tôi lo sửa soạn trước”.
Hà ra giếng sau nhà với cần kín nước, bưng gạo ra cối, tra lại cái cần xay. Tiếng trống mõ bắt đầu nổi lên từ trụ sở ấp vọng về. Trong chốc lát khắp nơi đều vang tiếng đập, gõ. Tiếng ông già gọi Hà vào hiên. Ông đang vấn một điếu thuốc.
“Hồi hôm định nói với má mày để tao đi thăm thằng Hai, một chuyến mà e má mày lại kêu tốn tiền”.
Hà đứng bên cái chậu nhôm đã móp. Giọng ông già như giọng nói chơi. Mặt trăng lên cao vàng đậm. Hà lại thấy ngực nặng, muốn ưỡn người vùng vẫy. Ông già nói chơi thiệt. Nhưng rồi ông sẽ đi. Ông nào biết anh Kiều Con ra sao mà nói nhớ. Ông muốn mượn cớ để đi mà thôi. Đối với ông, anh Kiều Con có khi chỉ là một người con trai như bất cứ người con trai nào khác.
“Sáng thật rồi còn gì”.
Ông không tìm đến người con trai đó đâu. Ông muốn mượn cớ. Ông muốn đi để kiếm một cánh đồng bằng nào khác đó thôi.
“Bả không kêu đâu. Bả nhớ anh Hai nhiều đến không ngủ”.
Ông nhìn Hà rồi bập bập từng hơi thuốc. Ông cứ đi đi, đi hoài tới bao giờ ông kiếm được một vùng đất thấp hơn những nơi ông đã đặt chân, ông đã hình dung từ trước tới giờ. Hà nhường ông mà không oán trách. Hà còn có những ngày chờ anh Kiều Con về.
“Để sáng tôi nói với má”.
Hà cúi xuống cầm cái chậu tôn ra gần khe nước. Trăng cuối mà sáng tỏ như ban ngày. Hà cúi xuống cầm một thanh tre gõ vào thành chậu. Giờ đây Hà mong anh Kiều Con về lắm. Những lúc về sáng anh vẫn ưa gọi Hà dậy nói chuyện về đứa con sau này. Hà mong anh về như không lẽ bắt chước giọng người con gái trong vắt của một đài phát thanh bí mật trên núi trên rừng, ngày đêm đơn chiếc gọi xuống đồng bằng, kêu giết thiệt nhiều? Hà không kêu được thế. Hà chỉ muốn anh mau về. Muốn anh đừng để chiếc cối đá ăn ở với Hà. Đừng để Hà hoài hoài treo võng dựng đứng, chặn ngực, mơ cõng một đứa con của đá cắm đầu chạy vào ngọn núi có vua Nam tiến đề thơ.

Y Uyên