Tây Sẹo
Là người Việt Nam yêu nước, nhắc tới trận chiến Hoàng Sa năm 1974 với kẻ thù
Trung cộng, ai cũng lấy làm hãnh diện và nghiêng mình trước anh linh của các
chiến sĩ hải quân QLVNCH vì sơn hà xã tắc đã anh dũng hy sinh. Đặc biệt trong
số 59 vị anh hùng Hoàng Sa có mặt hạ sĩ Lê Văn Tây, sinh quán tại Buôn Mê Thuột
và là cựu học sinh THBMT.
“Tây sẹo” là hỗn danh của cố hạ sĩ hải quân Lê Văn Tây. Gọi “Tây sẹo” vì
trên mặt anh có một vết sẹo in dậm từ gò má trái kéo dài xuống cằm. Vết sẹo làm
gương mặt Tây lai đẹp trai của anh trông “ngầu” hơn. Nhưng thật ra Lê Văn Tây
rất hiền lành và vui tính. Hồi học ở bậc Tiểu học rồi lên Trung học đệ nhất
cấp, Tây và tôi chơi với nhau rất thân. Cuối tuần thường rũ thêm năm ba thằng
bạn đi đá banh, bắn chim, câu cá hoặc tắm hồ, tắm suối. Rồi lớn lên mỗi đứa một
phương. Cho đến năm 1970, tôi trở về quê quán dưới hình thù một anh lính thời
chiến, gặp Đầm tôi hỏi thăm mới biết Tây đã là thủy thủ.
Tháng Giêng năm 1974, lúc đóng quân ở Vịnh Cam Ranh, tôi nghe tin tức trên đài
cũng như đọc báo thấy hình ảnh hạ sĩ hải quân Lê Văn Tây, một trong 59 chiến sĩ
Hải quân QLVNCH đã anh dũng hy sinh trong trận hải chiến chống Trung Cộng chiếm
Hoàng Sa ngày 19 tháng 1 năm 1974, làm tôi giựt mình. Thì ra là “thằng Tây sẹo!”.
Bạn bè cùng trường thời thơ ấu lớn lên trong chiến tranh đã lần lượt gục ngã
ngoài chiến trường; đứa sống sót trở về thì cụt què mẻ sức. 10 thằng tiêu hết
7. Bây giờ tới phiên Lê Văn Tây, tức “anh hùng Tây sẹo”, người lính trẻ
sôi nổi và lòng đầy nhiệt huyết như báo chí phong danh.
Chuyện mới đó thoắt một cái đã 34 năm ròng. “Thằng Tây sẹo”, như ngày xưa
tụi tôi thường gọi, nếu còn sống năm nay cũng đã ngoài 60.
Thằng Két
Ở phía sau nhà tôi nhìn ra là một cánh rừng thưa. Rừng trường kỹ. Thơ mộng
hơn thì gọi là rừng phong. Theo thống kê thăm dò của viện Đại Học Kinh Tế
Vancouver thì lá phong là biểu tượng hàng đầu của người dân Canada. Lá phong
xoè trên đồng tiền kẽm. Lá phong bay rực rỡ trên lá quốc kỳ. Lá phong hiện hữu
bất cứ chỗ nào trên xứ Lá Phong. Mùa Xuân phong vừa trẫy lá là chim sáo (robin)
bay về hót lảnh lót trên đầu ngọn bình minh. Mỗi sáng tinh sương nghe sáo hót
lòng tôi rộn rã một niềm vui lạ thường. Chỉ lóng tai nghe tiếng chim hót thôi,
kỷ niệm về loài chim lại rào rạc bay về.
Hồi nhỏ lũ học trò con nít chúng tôi chiều chiều sau khi tan học về, cơm
nước xong thường rủ nhau đi đá banh. Có lần vừa quẹo qua góc đường ra sân banh,
chúng tôi bắt gặp một chú két con lạc mẹ đang tập tững bay loẹt xoẹt trên mặt
đường như cố chạy trốn chúng tôi. Anh tôi và thằng bạn học tên Dững nhanh chân
rượt theo, cả hai cùng chụp được, người thộp cổ, kẻ nắm cặp giò. Tánh trẻ con
háo thắng, không ai chịu nhường ai. Cuối cùng, chúng tôi chọn ra một đứa đứng
ra làm trọng tài “oảnh tù tì” ai thắng thì được con két. Mặc dù trước đó tôi
nhanh nhẫu hù thằng bạn “mầy mà thắng thì tao gọi mầy là thằng két”, nó vẫn
thắng. Cầm con két trong tay thằng Dững hớn hở dong tuốt, chẳng còn thiết gì
tới chuyện đá banh, mặc kệ tôi xỉa xói sau lưng nó, gào to: “Thằng két! Thằng két!”.
Rồi thời gian qua mau. Anh em tôi và những thằng bạn lớn lên như những con
chim ra ràng bay vào đời mỗi đứa một phương. Thời buổi chiến tranh hầu như tất
cả đều đi vào lính. Ôm súng băng mình qua hòn tên mũi đạn, sống chết trở nên
thường tình, tôi chắc chẳng còn đứa nào nhớ gì những chuyện thời ấu thơ. Một
hôm từ đơn vị xa tôi được phép về thăm nhà. Lúc ra phố tình cờ gặp lại thằng
Dững ngày xưa, đã thoát xác, trở nên cao lớn, dầy dạng, phong trần. Ban đầu hai
thằng còn ngờ ngợ, chắc nó cũng như tôi, chuyện cũ thoắt hiện về trong tích tắc
rồi đồng loạt mừng rỡ la lên. Đang tay bắt mặt mừng chợt sau lưng tôi có tiếng
người con gái đằm thắm gọi: “Anh Két”. Tôi giựt mình, mắt tròn xoe, ngơ ngác
quay lại nhìn cô gái rồi nhìn thằng Dững mà mắc cười trong bụng. Từ ngày thằng
Dững được con két lông xanh nó biến biệt dạng. Nếu không tình cờ “ngộ cố tri”
thì tôi cũng không thể ngờ, từ bao giờ nó lại mang hỗn danh “thằng két” mà cái
tính nghịch ngợm trẻ con thuở thiếu thời thiệt tình tôi không có ý gán ghép cho
nó.
Cu Dao
Cu Dao là chữ viết trại từ tên của Q. Dao, là người mà thỉnh thoảng các anh
chị vẫn chat trên facebook.
Cu Dao hay Q. Dao tên thật Đào Quế, là bạn nối khố của tôi từ thuở còn… móc
cứt mũi. Hồi đó, tất cả các trò chơi trẻ con như bắn bi, búng thun, thảy lỗ,
đánh đáo, đánh trõng, tạt hình, tạt lon, u mọi, bịt mắt bắt dê, rồng rắn lên
mây cho tới đá dế, đá cầu, đá banh, tắm suối…, hai thằng tôi đều có mặt.
Rồi theo thờì gian như nước chảy qua cầu, lũ trẻ chúng tôi cũng lớn theo
dần. Nói là lớn cho oai chớ tôi thấy cu Dao đứng đâu cũng không chừa cái tật
móc cứt mũi búng ào ào trong không khí.
Học xong bậc tiểu học, chúng tôi lên trung học rồi vào đại học, cuối cùng là
đi vào đời. Cu Dao, thuở mơ làm văn sĩ, tốt nghiệp kỹ sư Nông Lâm Súc Sài Gòn
lên Đơn Dương nhận nhiệm sở; còn tôi trở thành anh chàng sĩ quan Quân Lực Việt
Nam Cộng Hòa mặt búng ra sữa có cặp giò thiên mã, thì đáo nhậm hết đơn vị này
tới đơn vị khác, trải dài suốt hai miền cao nguyên Djarai, Daklak xuống miền
đồng bằng duyên hải. Hàng ngày, cu Dao tà tà đến văn phòng sở tại làm việc, tôi
thì… run run lao mình trong mũi đạn hòn tên. Có lần được nghỉ phép, tôi lên Đơn
Dương chơi với cu Dao vài ngày hưởng lại cái lạnh miền cao. Nhớ có lần cu Dao
và tôi đang rảo bước trước sân nhà thì gặp hai ông già đáng tuổi bố đi ngược
lại, gặp cu Dao cả hai đều chậm bước, khúm núm cúi đầu nhỏ nhẹ: “chào ông Kỹ
Sư”. Tôi ngạc nhiên, thích thú thầm nghĩ hai ông nên chào… hai cái bông mai
vàng khè bu trên cổ áo của tôi mới đúng. Tôi làm bộ thốt ra lời diễu dở làm cu
Dao cười vang, xong hai thằng khoác vai nhau xuống phố ăn sáng.
Rồi mất nước, tôi đi tù cải tạo trong khi cu Dao vẫn được lưu nhiệm làm việc
trong nhà máy giấy ở Thủ Đức. Trong tù tôi tưởng sẽ chẳng có ngày ra, ai dè
cuối năm 1978 tôi sỏng tù về Sài Gòn sống như phường trôi sông lạc chợ, tình cờ
gặp lại cu Dao. Rồi tôi đi vượt biên. Ra nước ngoài khoảng ba bốn năm sau tôi
hết sức ngạc nhiên lại tái ngộ cố tri, không ai khác lại chính là cu Dao. Cả
hai thằng đều mừng rơn. Ở đời hiếm có chuyện hai người bạn thân nhau từ cái
ngày xửa ngày xưa tóc còn để chỏm cho đến lúc về già vẫn còn thường xuyên gặp
lại nhau.
Hôm qua vợ chồng cu Dao ghé nhà tôi chơi ngồi nhắc chuyện đời xưa mà cười
như nắc nẻ. Ở cái tuổi về chiều tôi trở nên trầm ngâm, ít nói, trong khi bạn
tôi, cu Dao vẫn hồn nhiên, vui vẻ, liến thoắng cười đùa, cái miệng cứ lốp ba
lốp bốp không kịp kéo da non, ngồi thì chẳng bao giờ chịu yên một chỗ. Bà xã
tôi nói những người như vậy tâm không ác.
Cu Dao hồi nhỏ có hỗn danh Quế ù, Quế đê, tánh tình vẫn như xưa, không thay
đổi, chỉ khác một điều tôi quan sát thấy là cu không còn… móc cứt mũi như xưa.
Phan Ni Tấn