Gió thổi mạnh từ sau lưng nên tóc Như
An cứ bay ngược về phía trước. Như An liên tục đưa hai tay hất lại phía
sau. Vĩnh bất chợt giữ tay Như An lại, nói nhỏ: “Cổ Như An trắng hồng còn chưn tóc thì đen mượt, rất đẹp. Coi chừng bị... mê đó”. Trong đầu Như
An bỗng có ngay ý nghĩ “không biết đã bao nhiêu lần Vĩnh nói những câu tương tự?” Chỉ mới nghĩ thế thôi, đã có chút ân hận nên Như An tiếp: “Sao
Vĩnh chưa chịu lập gia đình?” Vĩnh yên lặng một quãng dài:
“Tại chưa có dịp” “Lỡ
bao nhiêu dịp rồi?” “Đã bảo chưa thì lấy đâu mà lỡ?” “là Vĩnh vẫn còn đi
tìm dịp?” “Không, cũng chẳng đi tìm” “lười?”
“cũng không hẳn” “lười, chẳng đi tìm thì làm sao có dịp?”
Vĩnh
nhìn Như An trêu ghẹo:
“thì... biết đâu đây là dịp?”. Như An yên lặng, giấu cảm xúc thật nhanh: “Vĩnh sợ bị
trói chưn? Thích lang bạt kỳ hồ?” Vĩnh ngạc nhiên, tròn mắt: “Ở đâu mà Như An biết mấy
chữ cổ từ đầu thế kỷ trước đó?” Như An cười: “ông Nội kể chuyện về thương
lái thuở còn ghe bầu xuôi ngược. Đọc sách báo viết về lịch sử Đàng Trong
thì rõ. Gốc tích người miền Nam
cũng từ tội phạm của các triều đại phong kiến phía Bắc chạy vô trốn nên mới gọi
là Đàng Trong mà”. Vĩnh nháy mắt, cười: “cứ như bà cụ í” Như An hứ:
“bộ dùng chữ cổ là trở thành bà cụ chắc?” rồi tiếp: “mà là bà cụ rùi chứ còn chi nữa?” Bất ngờ, Vĩnh kéo Như An đứng lại, nhìn vào mắt: “Nói
tầm bậy”. Ba tiếng “nói tầm bậy” như
một cái lệnh. Nó ngang như cua, cộc lốc và khô khan, thế mà không hiểu
sao Như An lại thích. Chắc tại phản ứng nhanh không có chuẩn bị nên nó
thể hiện thẳng thừng và trung thật nhất. Vĩnh tiếp: “Vĩnh không phải là
loại người thích lang bạt kỳ hồ. Có ai dại gì suốt đời chỉ làm kẻ qua đường?” Như An cứng: “Thế tại sao cứ
làng nhàng? Tội nghiệp, chỉ có Má Vĩnh là dài cổ vì Vĩnh thôi!”.
Vĩnh trầm ngâm: “Đừng nhắc đến Má, lôi Má vô đây Vĩnh thấy mình có lỗi.
Với Má, thì Vĩnh lấy bất cứ ai Má cũng mừng. Má chỉ đợi có bi nhiêu
thôi!” Vĩnh hỏi lại: “Thế tại sao Như An ít đến nhà Vĩnh chơi mà mời thì cứ lấy cớ bận?” “Sợ Má Vĩnh hiểu lầm?” “lầm gì?” Như An hơi quỷnh: “lầm là... lầm... là ham ăn uống...
chớ là gì” Vĩnh ép: “đừng ba xạo, lầm gì?”. Quỷnh quá, bí quá nên
nói đại... “là lấy điểm” Vừa nói xong, biết bị hớ rồi, mặt Như An lúc đó
chắc đỏ lắm, không biết có thoát khỏi đôi mắt tinh tế của Vĩnh không?
“Nếu lấy điểm thì phải là Vĩnh mới đúng! Như An có chịu cho Vĩnh lấy điểm
với Như An, với Má nữa không?” Một cảm giác đột ngột như muốn òa vỡ nhưng Như An lấy lại bình tĩnh, bảnh
chọe: “Tán... tỉnh nghe cũng tàm tạm... được” Vĩnh đốp chát ngay: “có ai
dại gì đi tán thứ hách xì xằng! Gái ngầu mình ngầu lại!” rồi Vĩnh cười khoái chí. Như An cố làm mặt nghiêm nhưng
không được, phải cười toe với Vĩnh: “Tán có nghề như vậy khác chi thương lái tìm mua sản phẩm tốt với giá rẻ í” “Bậy nà, sản phẩm hiếm quý chớ rẻ sao
được?”
Buổi sáng đưa Bell đến nhà giữ trẻ. Con bé tuy đã quen nhưng cũng nũng nịu mommy mommy. Ẵm
Bell, hôn con, rồi trao cho cô giáo Beth đang dang tay chờ, con bé ghì lại, chưa chịu buông,
quay qua bá cổ hôn Như An chùn chụt, nước bọt ướt cả má. Như An dặn: “be
nice, con”. Con bé lau nước mắt, hôn lên bàn tay mũm mĩm mình, mặt bí xị vẫy vẫy: “bye bye mommy”.
Nổ máy xe Như An như vẫn còn thấy cổ tay trắng nõn của con có một hột nút ruồi tròn trĩnh với mấy
ngón bé bỏng đang huơ huơ, rồi nhớ đến Huân. Lúc mới yêu, một lần Huân
mân mê bàn tay Như An, giả bộ như
tình cờ nhớ ra được hai câu thơ ưng ý của Bùi Giáng, nên đọc to: “Cổ tay
em tròn như đẫn mía.
Để anh về thèm ngọt suốt trăm năm”... Huân ơi! Ứa nước mắt khi nghĩ
đến tương lai của con trong một ngày mới.
Gần ba năm trước Như An nhận được tin vào lúc chiều gần tối. Một
sĩ quan quân đội đến gõ cửa thật bất ngờ. Cái bất ngờ đầu tiên là ông
không mặc đồng phục kaki rằn ri có nhiều túi với giày lính trận như mấy lần Huân về phép. Tâm trạng hồi hộp của
người vợ trẻ có chồng tham dự ngoài chiến trường ở một phương trời xa tít tắp,
chiến sự đang nổ ra dữ dội ở đó mà hàng ngày chỉ có thể biết được tin tức, hình ảnh trên TV, bây giờ đã đến tận nhà. Khi vừa nhìn thấy sắc
phục chỉnh tề của vị sĩ quan là Như An biết ngay đã có chuyện chẳng lành! Ông có vẻ hơi cúi đầu, nói thật nhỏ: “Thành thật xin lỗi bà...
tôi phải đến để trực tiếp báo tin...” Như An ngã quỵ và ông chỉ còn kịp vói chụp cánh tay Như An kéo lại. Em Như An nhào ra ôm chị.
Như An ngất đi và sau đó không còn biết gì nữa.
Gần hai tuần sau, tang lễ Huân được tổ chức tại Nghĩa trang Quốc gia
Arlington. Sau lễ nghi trang trọng, một vị sĩ quan hai tay nâng lá cờ Hoa
Kỳ vốn được phủ trên quan tài, đã được gấp vuông vức theo nghi lễ, đến quỳ một
gối xuống cỏ trước ghế Như An ngồi, trịnh trọng trao cho Như An. Như An
cố nén tiếng nấc “Huân ơi, em hãnh diện vì máu anh đã đổ cho lá cờ của một đất
nước mà người Việt tị nạn
mình đang mang ơn. Anh căm ghét độc tài và muốn bảo vệ tự do nên
gia nhập quân đội. Còn em, em sẽ chu toàn bổn phận với con cho dù ngày
tháng trước mắt chưa
biết sẽ ra sao”. Bell lúc đó chưa đầy hai tuổi, đang ngồi trên đùi bà Nội
ở ghế bên cạnh, thấy mommy chảy nước mắt nên chòi qua phía Như An, đưa tay sờ
sờ lên má, rồi vỗ vỗ lên lá cờ như muốn nói “mommy mommy nín đi... cái
nầy đẹp mà!” Mấy tấm ảnh ghi lại giây phút đó thật nao lòng. Nó tương phản giữa
thơ ngây trước trái tim đang tan nát của một người mẹ trẻ. Nó là mầm sống
trước tội ác chiến tranh. Nó không là một gam màu của bức tranh đời sống
tốt lành. Nó, vâng, nó đơn giản như trắng với đen. Như An cất cuốn
album thật kỹ và không mấy khi đủ can đảm mở ra xem lại. Đó một cái gì quá thiêng liêng mà cay đắng phũ phàng nên không dám đụng đến.
Như An tự nhủ phải đợi khi con gái bước chân vào đại học, bắt đầu sống tự lập ở
campus mới cho con xem và giải thích. Hy vọng con bé sẽ tự hào về
người cha, cố gắng học và biết
giữ mình trong hoàn cảnh không có Như
An bên cạnh.
Tại sở làm, mỗi năm cứ đến lễ Memorial mọi người đều dành cho Như An chút chia sẻ riêng. Như An có thể nghỉ
sớm và về trễ một ngày để chuẩn bị hành trình đi Washington DC dự lễ tưởng niệm
và viếng mộ. Những lần đi như thế đều có Bell, Má Huân hay em Như An.
Lần nào, sau khi viếng mộ, Như An cũng đến
Bức Tường Đen, nơi ghi danh đầy đủ những quân nhân Hoa Kỳ đã hy sinh tại chiến trường Việt
Nam. Cũng tìm tên một số người lính Việt Nam Cộng Hòa có khắc trên đó. Hình như
từ sâu thẳm đã có một sự liên hệ vô hình bắt buộc Như An phải đến đó. Đứng trầm ngâm tưởng niệm ở
đó. Như An tin rằng Huân cùng đồng đội, những người đã hy sinh mạng sống cho mục đích cao quý nhất, dù đang ở một nơi chốn
cao xa cũng rủ nhau về đó để gặp mặt người thân trong ngày Tưởng niệm. Tin như thế nên Như An trang điểm
đẹp hơn ngày thường, như một cuộc hẹn hò với Huân ngày xưa. Điều nầy đã giúp Như An tự an ủi rất nhiều.
Hôm nay ra sở sớm hơn thường lệ,
Như An lái xe đến đậu dưới bóng mát một cây lớn ngoài bãi xe nhà giữ trẻ chờ đến giờ đón con. Như An có thể vào đón con
ra sớm nhưng không muốn tạo một thói quen mong ngóng của con nên Như An hạ hết kiếng cửa xe xuống để thoáng gió, rồi
thả hồn theo dòng nhạc nhẹ, nhìn lơ đãng lên bầu trời xanh ngắt có từng cụm
mây trắng đang trôi lững lờ. Một cảm giác lẻ loi chợt đến, nó len lỏi
theo từng hơi thở, từng nhịp đập của trái tim. Rồi lan man nghĩ về thân
phận nhỏ bé của kiếp người giữa mênh mông đất trời và dòng thời gian thì cứ
trôi đi trôi đi... tự dưng Như An muốn có người để san sẻ. Phần nào đó là
cái trống vắng tự nhiên của tháng Năm mà ngày thứ Hai của tuần lễ cuối tháng là
lễ Tưởng niệm, rất đặc biệt đối
với những người có thân nhân đã hy sinh trên các chiến trường nên nỗi nhớ dềnh lên. Như An bấm phone gọi
Vĩnh. Vĩnh rất tinh ý, gợi mở nhiều đề tài mà Như An ưa thích. Được một phụ nữ trẻ đẹp mà
Vĩnh từng theo đuổi tâm sự thì hẳn là người nghe đã có một chỗ đứng đặc biệt trong trái
tim nàng. Vĩnh thấy vui khi nghe giọng trầm ấm của Như An, ghi nhận từng lời chia sẻ nên cho dù rất muốn
bày tỏ tình cảm riêng cũng cố kiềm giữ lại. Cuối cùng Vĩnh được biết là hơn hai tuần nữa Như An và con gái sẽ đi Washington
DC. Vĩnh gợi ý nhẹ nhàng: “có cho Vĩnh đi ké với
Như An không?” Rồi tìm cách lấy thêm điểm: “không nên để con gái bị mỏi
chưn và một mình Như An thì vất vả lắm” Bình thường Vĩnh rất
nhạy bén ngôn từ nhưng câu nói hôm nay có cái gì đó khá lúng túng,
hơi quê mùa. Nhưng chính cái
quê mùa lúng túng lại nói lên sự lo lắng thật lòng. Như An nghe ấm cả lòng: “thì con bé
ngồi xe đẩy mà”. Cứ nghĩ là Như An chưa hiểu ý mình nên Vĩnh có vẻ bực bội: “muốn phụ ẵm con gái cho... mà cũng không
được, híc, hổng phải...” “hổng phải gì?” Như An ngắt ngang... “... hổng phải đòi ẵm ai khác đâu... mà.. từ chối khéo”! “Liệu đủ sức không
đó?” Như An như thách thức nhưng thật ra chỉ cố ý che giấu cảm xúc, rồi
yên lặng. Hậm hực, Vĩnh tiếp: “Như
An biết là Vĩnh yêu con gái và con gái cũng yêu Vĩnh nữa... nên lo cho con bé
chứ có ai thèm đụng đến cô đâu?” Nghe chữ “cô” lạ hoắc với vẻ bực dọc,
Như An bị xúc động khá mạnh nhưng như không hề hay biết, có điều giọng Như An
thì không thể che giấu được chút thầm kín đó. Như An ngập ngừng:
“Như An cúp máy nghen, bye nghen”. Vĩnh rối rít: “Không. Không
được. Đợi Vĩnh ở đó. Vĩnh sẽ đến ngay trong khoảng 10, 15 phút
thôi”. Như An không trả lời, vói lấy khăn giấy thấm nước mắt. Giọt
nước mắt mà chính Như An không thể
hiểu.
Vĩnh lái xe nghĩ “mình gợi ý cùng đi Washington DC nhưng Như An chỉ nói
đến việc Bell đã có xe đẩy là đã chấp nhận đề nghị trong yên lặng!” Anh
như đang bay bổng. Vừa đậu
xe bên cạnh đã thấy Vĩnh mặt tươi rói, mở cửa xe, ưỡn ngực bước nhanh ra, Như An
nói ngay: “thì Như An chỉ nói là
Bell có xe đẩy chứ có nói gì đến Vĩnh đâu mà Vĩnh không vui,
hứ?” “thì ra Như An vẫn tiếp
tục suy nghĩ mấy câu nói của mình vừa rồi. Rõ ràng là đã chấp
nhận đề nghị hoặc có ý định đó từ trước” nghĩ thế nên Vĩnh vui ra mặt.
Vĩnh nói: “hehe... thế là huề nghen. Ai bảo dám chọc tui!” Như An phân vân: “Không biết bà Nội Bell năm nay có
đi cùng hay không?” “Như An ngại?” rồi Vĩnh tiếp: “Bác gái cùng đi thăm mộ con
là đúng rồi, có sao đâu? Bà cụ cũng đã lụm cụm lắm nên có Vĩnh hộ tống
hổng chừng còn yên tâm hơn đó chớ.
Và Vĩnh cũng muốn viếng mộ Huân. Từ một cõi cao xa nào đó chắc
Huân sẽ vui khi chứng kiến mọi chuyện đang xảy ra” “bộ Vĩnh không sợ Như An bị
khó xử chắc, hic, chỉ biết nghĩ cho riêng mình thôi” “hehe tự mình xác nhận đó
nghen! Tại trong đầu đang nghĩ cái gì đó... nên mới bị khó xử chớ?
Chứ coi Vĩnh là... nanny, là người giúp việc thì có lo chi bị khó xử hìhì... đúng không?” Bị bắt tại trận, Như An
chống chế: “đúng là chỉ biết lo riêng cho phần mình thôi mà còn chưa chịu... lại đi giành phần thắng, hic!” rồi liếc
mắt Vĩnh. Cái liếc mắt lá răm hạnh phúc mà Vĩnh chờ đợi. “Ừa hén...
chỉ tại Như An thôi. Cứ lo nghĩ toàn chuyện đâu đâu... còn coi Vĩnh là nanny... huumm, huumm” Như An cười thành tiếng: “nghe hấp dẫn và có lí
lắm. Chính Vĩnh nói và phải giữ lời đó nghen”. Điểm mặt Vĩnh, rồi
đưa ngón tay chỉ vào mình, lườm: “bà chủ à nghen, léng phéng thì mất job” Vĩnh trề môi, giễu, nắm chặt tay Như An như cứ sợ bị tuột mất. Thả bộ vào đón
Bell Vĩnh diễn thêm... kịch: “Ờ ờ... chuyện... tầm ruồng chớ có mắc mớ chi đến
tui đâu... hè?”
Vĩnh ngồi xấp bằng trên thảm cỏ, đặt Bell ngồi lên trên, vai trái tựa hờ
vào bia mộ Huân vì Bell cứ rướn người cố vói
lấy mấy đóa hoa hồng trong 2 bó hoa của Như An và Vĩnh vừa đặt xuống.
Thấy một hình ảnh khá đặc biệt Như An đưa máy chụp liên tiếp
mấy tấm: “Huân ơi, mong anh
hiểu và yên tâm. Anh thấy con gái đang được cưng chìu rồi phải không?”
Quay về khách sạn Như An bấm máy lại
cho Vĩnh xem mấy tấm ảnh vừa mới chụp và nói: “Như An sẽ gửi ảnh nầy cho bà Nội
của Bell, chắc bà sẽ yên tâm” Vĩnh tiếp: “Vĩnh cũng sẽ đưa cho Má xem nữa.
Những lúc đến nhà Vĩnh Như An thấy đó, Má cứ quấn quít bên Bell và chăm sóc con
bé từng li từng tí như chăm sóc cháu mình. Lúc Như An về rồi lại còn khen 'con nhỏ
đúng là gái một con. Vừa đẹp vừa nết na, đảm đang cứ như cái thời của Má
còn trẻ ở quê mình. Thời buổi nầy mà tìm được một đứa như nó là khó
lắm'. Hìhì Như An biết tỏng
rồi mà cứ giả bộ.”
Qua một ngày dài thấm mệt, tắm xong và vừa đặt lưng xuống giường Bell đi
vào giấc ngủ thật nhanh. Như An trong bộ đồ
ngủ màu xanh điểm hoa trắng, tóc cột đuôi gà, đẹp dịu dàng nhưng kín đáo, cúi
xuống sửa gối và đắp mền cho con. Vĩnh ngây ngất đứng bên cạnh, nhìn, khều khều chỉ qua giường mình. Như An rón rén...
rồi chìm đắm trong những nụ hôn. “Huumm, tán đến gãy lưỡi bây giờ mới nhận được một nụ hôn... đầu
đời!” Đưa tay bịt miệng Vĩnh, Như An tinh ranh: “suỵt, con bé rất tỉnh
ngủ”. Vĩnh thì thầm: “Mai về Vĩnh phải đến cám ơn
cô thư ký văn phòng bà Bác sĩ đã lấy hẹn cho bà Nội của Bell rất đúng ngày nên
bây giờ mình mới có được tự do!” Chợt nghĩ thêm điều gì đó Vĩnh tinh
nghịch: “ồ... hay là” đợi lâu không nghe Vĩnh nói tiếp, Như An hỏi: “hay là...
gì?” “... là Như An đã hối lộ cho cô ấy trước?” Đấm
vào ngực Vĩnh: “hêhê nói tầm bậy tầm bạ! Như An hư đến vậy mà tại sao có
người cứ đeo theo... tán tỉnh riết hè? Huumm, nhưng đừng có quên thân
phận mình đang là nanny à nghen! Xớ rớ thì liệu hồn... với bà.
Nanny phải biết vâng lời sai bảo” Nói xong Như An dụi đầu vào gò ngực nở của Vĩnh
với mùi đàn ông mà Như An đã thiếu vắng từ lâu lắm. Vĩnh giả giọng say, nhừa nhựa: “ừa, ừa...
thì.. thì bà chủ đang... đang muốn nanny mần gì?” “đố biết?”.
(Fort Lauderdale, June 5th, 2015)
Hồ Phú Bông