27 June 2015

CHUYỆN VỀ MỘT CÔ GÁI - Trần Đặng

Tôi vẫn thường lân la đến các trụ sở Tòa án cấp huyện, cấp tỉnh, chỉ để xem lịch xét xử trong tuần, trong tháng. Mục đích của tôi là tìm một vài để tài để viết cho một tờ báo tỉnh lẻ. Một lần, tôi trông thấy một thanh niên. Nhìn sơ qua là biết anh đã bị viêm màng não từ thuở nhỏ. Cặp mắt anh vô hồn, miệng mấp máy những câu vô nghĩa và tay chân cứ động đậy vô thức. Anh ngồi trên chiếc xe lăn, do một người đàn bà có đôi mắt ti hí đẩy đi. Hỏi người thư ký phiên tòa mới biết. Anh là người Đài Loan, đến Tòa để tham dự phiên xét xử vụ ly hôn giữa anh và vợ, một cô gái Việt Nam.

Tôi thắc mắc:
– Luật pháp Việt Nam đâu cho phép người tâm thần kết hôn. Hơn nữa, đây là một vụ hôn nhân có yếu tố nước ngoài, phải do Chủ tịch UBND tỉnh ký giấy kết hôn mới hợp pháp. Vậy mà tại sao…
Bà thư ký phiên tòa lườm tôi một cái sắc lẻm để ngắt ngang câu hỏi, rồi buông ra một câu nói rất lạnh lùng.
– Chuyện đó là do cấp trên quyết, ông là nhà báo nên giữ mồm giữ miệng.
Tôi chợt nhớ tới câu nói của ông Thường vụ Tỉnh ủy, phụ trách Ban Tuyên Giáo: “Không phải sự thật nào cũng viết báo”. Nên tôi biết phải làm gì để không làm cho “bầu trời chính trị ở Việt Nam không trở nên xám xịt”. Nhưng tôi vẫn tò mò vì sao họ phải ly hôn, nên bước vào phòng xử án để dự khán.
Cô vợ tên là Mai (tôi đã đổi tên thật của cô ta, để tôn trọng vong hồn của một người đã khuất). Số phận Mai giống như nàng Kiều của thời đại năm 2000. Nhà nghèo, Mai phải đi lấy một người chồng nước ngoài, để cho gia đình được đổi đời. Cho dù biết rất rõ, người chồng tương lai đang sống như một người điên dại và hoàn toàn bất lực về sinh lý. Vai trò của Mai ở xứ người không khác gì một bảo mẫu chăm sóc người bệnh tâm thần.
Tôi nhìn Mai đang đứng gần người chồng cứ lắc lư cái đầu, hai bàn tay cà kheo của anh ta hết giơ tên trời, rồi lại chỉ xuống đất. Hai con ngươi trong đôi mắt vô thần mắt hết lác (lé) ra ngoài, sau đó chụm vào gần nhau một cách tài tình đến mức người bình thường không thể nào bắt chước được. Trong khi đó, Mai – một cô gái có thân hình nhỏ nhắn, một gương mặt trái xoan, nước da bánh mật. Đó là vẻ đẹp “hương đồng gió nội” của các cô gái vùng sông nước Miền Tây Nam bộ.
Hồi nhỏ, tôi vẫn thường hay nghe mẹ tôi hát ru cho em tôi ngủ:
Ầu ơ… má ơi đừng gả con xa.
Chim kêu vượn hú biết nhà má đâu?!

Còn đối với cụ Nguyễn Du trong câu chuyện Đoạn Trường Tân Thanh, ngay từ những câu dạo đầu cũng phải thốt lên.
Lạ gì bỉ sắc tư phong
Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen.

Nét đẹp của Mai không qua nổi cặp mắt tinh đời của cha chồng. Ông biết rằng đứa con tật nguyền của mình không thể nào thực hiện chức năng của người chồng. Vì thế, ông lén lút vào phòng con dâu để không hoài của. Còn Mai phải âm thầm chịu đựng để cứu cái gia đình túng thiếu ở quê nhà xa tít.
Một hôm, người mẹ chồng của Mai bất ngờ vào phòng con trai và tận mắt chứng kiến cái cảnh cha chồng nàng dâu trên giường trong tư thế không một mảnh vải che thân. Bà đã nổi điên.

Phiên tòa xử vụ ly hôn lần đó là theo kế hoạch của bà mẹ chồng. Một là để cắt đứt mối quan hệ loạn luân của cha chồng nàng dâu, hai là đuổi cổ con đĩ về Việt Nam mà không phải phân chia tài sản.
* * *
Như thường lệ, tôi vẫn lân la đến các trụ sở Tòa án để săn tin. Được biết tại xã X, một xã giáp biên với Canpuchia sắp đưa ra xét xử một vụ án “Lây truyền HIV cho người khác” theo Điều 117 của Bộ Luật hình sự.
Đến nơi, tôi tá hỏa vì người đứng trước vành móng ngựa lại là Mai.
Sau khi ly dị chồng, cô không dám về nhà vì sợ tai tiếng. Cô đành phải lên vùng biên giới để hành nghề bán bia ôm, kiêm luôn nghề bán dâm. Người mua dâm thường là những người bên kia biên giới. Nghề này đôi khi cũng túng thiếu, nên thỉnh thoảng Mai về tỉnh, vào bệnh viện để bán máu.
Một ngày kia, sau khi xét nghiệm máu, người ta đã thông báo cho Mai biết: Cô đã bị nhiễm HIV. Chán đời, cô sử dụng cái vốn trời cho của mình một cách hợt, buông thả: Một chầu nhậu cũng cho, một bát phở cũng cho, thậm chí cho không chỉ vì ông ấy có chức có quyền ở địa phương.
Tại phiên tòa, trong phần thẩm vấn, vị Hội thẩm nhân dân đặt ra một câu hỏi hết sức ngu ngốc:
– Tại sao bị cáo biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn có tình lây nhiễm cho người khác, trong đó có cả đảng viên, cán bộ xã ấp?
Thế là Mai bị tuyên án 5 năm tù. Có lẽ cô cũng không buồn vì án này vẫn còn nhẹ so với án tử đang treo lơ lửng trên đầu cô bởi triệu chứng căn bệnh SIDA ngày càng rõ dần.
* * *
Mấy năm sau.
Tôi về Bạc Liêu và được mấy anh bạn đồng nghiệp thết đãi ở Nhà hàng công tử Bạc Liêu.
Một đám ma buồn ngang qua. Mấy ông bạn nhanh nhảu, chứng tỏ thạo tin.
– Chết vì SIDA đó! Hồi trước gia đình, giòng họ bà này giàu lắm, địa chủ mà! Cháu ba đời của công tử Bạc Liêu. Sau giải phóng, ông già của bà này là trung úy lính Sài Gòn, phải đi học tập cải tạo, rồi chết trong rừng. Mấy chục mẫu ruộng bị nhà nước tịch thu trong đợt cải tạo nông nghiệp ở Miền Nam. Thành ra, đang giàu trở thành nghèo rớt mùng tơi. Nghe lời thiên hạ! Bả lấy một thằng khùng ở Đài Loan để có ba ngàn đô cứu cái gia cảnh đang lâm vô cảnh bần cùng.
Tôi chợt bán tín, bán nghi lao ra xem cái cảnh đưa đám ma. Di ảnh người chết rõ ràng là Mai.
Tôi lặng người một lát. Sau đó tôi quay vô đám nhậu và uống nhiều đến mức mấy thằng bạn đồng nghiệp phải bái sư.

* * *

Tổng Biên tập mời tôi lên phòng ông và trả lại bản thảo. Mắt ông đo đỏ, ươn ướt:
– Bài này không đăng được, anh hiểu rồi đó!
Tôi vác bản thảo về nhà để lên bàn, rồi thắp một nén hương. Đợi cho nhang tàn, tôi đốt bản thảo và lầm thầm mấy câu:
– Mai ơi! Đây chỉ là một chút lòng thành với em. Ở suối vàng, mong em thảnh thơi. Mai mốt có đầu thai, em nên chọn những gia đình có công với cách mạng để mà sinh ra. Còn anh, chỉ làm bổn phận của một người cầm bút.
Một thời gian sau, tôi trả Thẻ nhà báo, trả thẻ hội viên Hội nhà báo để cho lòng được thanh thản./-

TRẦN ĐẶNG