Má tôi mất ở quê nhà. Đường quá xa xôi, công việc bù đầu, tôi tính không về
chịu tang nhưng bị Hữu mắng: Mày làm con kiểu gì kì vậy? Tại sao tao lại có thứ
bạn cà chớn như vậy! Hắn vọc laptop một hồi, xong nói cho tôi biết hãng hàng
không, lộ trình chuyến bay và số tiền phải trả cho cái vé khứ hồi. Liệu mà sắp
xếp ra đi cho phải đạo. Hắn nói. Nhanh lẹ và sốt sắng tới độ ngờ vực.
Mười giờ, tôi đi đón Hiền. Giờ ấy cô thôi việc ở quán ăn “Hương Xưa” luôn
đông khách. Chẳng ưa thích công việc thu ngân hoặc chạy bàn nhưng Hiền chưa có
ý định đổi việc. Cô cho hay cô ngại một đổi thay, đã thành nếp mất rồi, hơn nữa
lợi tức thu nhập cũng chả có gì phải kêu ca. Đó là nơi chốn mà Hiền biểu tôi
hứa với cô là đừng vác mặt tới, nếu muốn chung đũa cùng nhau cô sẽ dắt tôi đến
một hàng quán khác, vắng tẻ, tình tứ, thức ăn đậm đà hơn.
Tôi đợi ở góc đường, trước một sạp bán báo đã đóng cửa. Tôi đọc không bỏ sót
những tờ giấy xanh đỏ dán trên một tấm gỗ. Bán TV còn mới với giá rẻ. Chó thất
lạc, ai tìm thấy hứa hậu tạ 100 đô. Vì phải thay đổi nơi cư trú đột ngột,
nhượng lại căn apt ở địa điểm thuận lợi với giá thuê rẻ, gọi điện thoại số… Đọc
tới mẩu tin cần người giữ trẻ thì Hiền xuất hiện. Ngọn đèn trên đầu như thắp
sáng thêm sự ngạc nhiên của Hiền. Ngạc nhiên làm dìm mất một nụ cười xét thấy
nên mọc trên môi. Tôi thông báo tin buồn mới nhận được từ bên nhà chuyển sang.
Câm lặng một đỗi, gió thổi và Hiền chẳng màng vén lại những sợi tóc rối. Hiền
nắm lấy tay tôi, cô dắt tôi băng qua hai góc đường rồi dừng chân ở quán cà phê
có bày nhiều bàn ghế lấn lòng đường. Mùi cà phê quyện trong không gian làm giết
đi hương nồng chôn kín đáo ở người Hiền.
Mười giờ đêm, có lắm kẻ không ngại mất ngủ. Hiền mua hai cốc cà phê đậm đặc
và chúng tôi thường mất ngủ hoàn toàn chẳng do chất xúc tác của cà phê. Đôi khi
uống nó vào canh khuya để vỗ về giấc mộng là đằng khác. Phố rậm rật với dãy đèn
màu, lá cây xao xác run thân. Đêm rất đỗi huyền hoặc đang lấy đi dần những âm
thanh, nuốt từ tốn. Má tôi không uống cà phê, bà chỉ ghiền nước trà. Má tôi
luôn ngủ đầy giấc, chẳng ác mộng. Và giờ này bà đã nhẹ nhàng nhắm nghiền đôi
mắt đi vào giấc ngủ sâu. Tôi như con đường về khuya đang bị lấy dần đi những
chộn rộn. Má tôi mất phương nọ nhưng phương này đã bày rõ sự hao hụt dồn về
trong thinh lặng. Phố sẽ yên giấc khi đám lá cây thì thào giữa màn đêm, những
giọt nước ứa muộn như sương khuya sẽ làm mặt nhựa đường đen thẩm.
Hiền siết tay tôi như thế một san sẻ và cô hoàn toàn đồng ý việc tôi nên đi
về chịu tang, xúi giục là đằng khác. Anh Hữu nói thế là đúng quá chứ gì nữa.
Hiền phát biểu, nhát gừng. Như vậy là chúng ta không nhìn thấy nhau trong vòng
một tháng. Tôi nói thêm. Đêm nay tôi tới ngủ trọ nhà Hiền, có được không?
Không. Hiền trả lời. Đang gánh đại tang, nên kiêng cử. Tôi ngó vào mắt Hiền,
chẳng thấy gì, xa vắng, u tối. Sự ghẻ lạnh như vừa ghé qua, trú ẩn bên trong.
Có lẽ tôi đòi hỏi nhiều thứ ở Hiền, nhưng trong tình yêu bạn cần đón nhận những
sẻ chia. Đây không phải là một cơ hội sao?
Tôi đưa Hiền về tận cửa, Hiền chẳng đổi ý, cô nói trong khi cúi mặt vào cái
xách tay, lôi ra chùm chìa khoá: Hiền vào tắm rồi lên giường sớm, chẳng hiểu
sao hôm nay cơ thể nghe rã rời. Tôi cắm chân vào lòng đường cô quạnh, hình dung
ra một phi trình hun hút dài lâu, ngồi cứng thân trong lòng ghế hẹp và cuối
đường đã chực sẵn những hao hụt mà người ta tóm gọn tình huống ấy trong bốn chữ
“tang gia bối rối”. Tôi ngó dáng đi của Hiền lùi sâu vào hành lang vàng đục ánh
đèn thắp, như đường hầm nuốt trôi, và đó là con lộ một chiều. Má tôi sẽ hạ
huyệt, đất sẽ lấp đầy và cuối cùng là một mộ bia được dựng đứng bên trên.
Một tháng. Ba mươi ngày người ta sẽ thanh toán được những gì gọi là hệ
trọng? Một tháng, khi mất đi, người giã từ cõi thế đã để lại cho thân bằng
quyến thuộc ở dương gian một khoảng trống khó kiếm cách lấp đầy. Một tháng, tôi
chẳng biết làm gì trong căn nhà vắng lặng tiếng nói cười. Tôi loay hoay với
những hoài cổ, mệt mề với những kỷ niệm hoen ố trầy trụa. Một người bạn học cũ
đến phân ưu, nhìn nhận ra tôi và đã có nhã ý chở tôi đi nhìn bao thay đổi của
cảnh quang, của một sang trang tuỳ tiện. Thành phố làm mặt lạ với tôi. Khi nghe
tôi than van, hắn đã cười vào sự khờ dại của tôi, rồi triết lý, tựu trung đó là
cốt lõi của cuộc sống. Nếu không bạc ác thì còn gì là cuộc đời! Sẵn, hắn nói
cho tôi nghe về gia cảnh, hiện hắn sống với một con chó. Vợ bỏ đã ba năm. Để
nguôi ngoai hắn tốn công sức rước về một chú chó. Vì sao chó? Vì hắn xem báo,
đọc phải những thứ tin làm chảy nước mắt, nhằm ca ngợi lòng thành có một không
hai mà chỉ có chó mới đủ sức chuyển tải, mang tới cho người nuôi nó niềm thương
yêu sắc son. Tôi nói, sao ông có được thứ ý tưởng kỳ quái như một kẻ có lắm
kinh nghiệm về tình người. Hắn bảo, có lẽ mình chẳng có lắm tiền của, bầu bạn
với chó , mọi thứ trở nên giản dị và khoẻ trí rất mực. Trước ngày tôi lên
đường, hắn ghé lại nhà rồi đòi mang tôi đi nhậu một trận cho lại thần hồn. Ông
về lại bên kia thì xem như vĩnh biệt chứ tạm biệt con mẹ gì? Ông chớ nói âm
dương chẳng cách biệt đôi đàng nhé. Hắn cười nhăn nhở. Tôi nhớ Hiền để lập lại
câu nói của cô ấy: Đang có đại tang phải biết kiêng cử sắc dục rượu chè cờ bạc
các thứ. Hắn gãi đầu, ông lạc hậu quá, thưa với má là cho con say để nỗi buồn
chìm xuồng. Uống cạn những ly chứa đầy nước mắt quê hương lần cuối trong đời.
Thấy tôi chẳng mặn mòi, mặt đực ra, điệu bộ cà rịch cà tang làm hắn oải. Thế
thì thôi, rượu bất khả ép. Cà phê thì sao?
Hắn đèo tôi đi trong thành phố đã lạc mất dấu tích những người bạn cũ. Hắn
loan tin, ba phần hai đều trốn chạy sang nước ngoài, số còn lại sống rải rác
trên chiều dài quê hương giàu mạnh, hai đứa chết bệnh, bốn đứa chết vì tai nạn
giao thông, con Hoa Lài hoa khôi dạo nọ thì đã mặc áo nâu sòng đi tu ở ngôi
chùa khuất lấp, đoạn lìa mọi nguồn cơn. Em xuống tóc buông bỏ để khiến cả tiểu
đội đàn ông con trai hận đời đen bạc hỉ nộ ái ố chửi thề như bọng. Hết, còn lại
ông bên đó tôi bên đây, vô duyên đối diện bất tương phùng. Hắn “ăn nói linh
tinh” một lát thì xe tấp vào quán cà phê.
Rất hiện đại, nội thất trình bày đẹp mắt chẳng khác gì xứ Tây phương cực
lạc. Người Việt đa phần bị nhuốm bệnh màu mè và rườm rà, chốn đây khác, bỏ được
sự diêm dúa cầu kỳ ưa chơi cha thiên hạ. Đơn giản tới mức mà nghệ thuật sắp đặt
cho phép, muốn có được thứ không gian ấy kẻ trình bày phải mang một nhãn quang
về mỹ thuật thật tinh tế. Nhưng cà phê chẳng ngon. Miệng mồm tôi lỡ bị cà phê
Pháp, Ý làm hỏng rồi. Ở quê nhà, lê lết mỏi mòn trên từng cây số tôi chưa nhấp
phải giọt cà phê nào đúng gu. Người ta có chữ để chửi vào mặt tôi: Chảnh! Thì
đành vậy. Dĩ hoà vi quý. Mặc dù thất vọng, tôi chẳng thể phát ngôn: Cà phê
nhái! Ngâm tẩm, pha phách nhiều hương liệu quá. Muốn nước trong, anh chớ mạnh
tay khuấy bùn lên chứ. Nồi nào úp vung nấy. Anh sáng tạo vượt quá mức quy định
thì công trình ấy sẽ hỏng. Tỉ như phở, nó sánh duyên và đẹp đôi với thịt bò.
Một hôm anh phát huy ra Phở đồ biển, phở hải sản… cũng là một cách chơi cha
thiên hạ! Anh bá đạo dẫm chân lên quy luật giang hồ mất rồi. Có đúng không? Ưa
làm cách mạng thì cũng chừng mực nào đấy thôi! Máu cách mạng tràn trề thì chết cha
thiên hạ mất. Có chó mới vào quán anh.
Chúng tôi ngồi ở cái bàn kê hai ghế, trên vách máng bức tranh sơn dầu với đề
tài thiếu nữ quen thuộc, có mặt trong hầu hết sáng tác của các hoạ sĩ Việt. Thủ
pháp tầm thường, nửa cổ điển nửa hậu hiện đại. Thấy tôi ngắm tranh, đứa bạn
nói, tay hoạ sĩ này cũng tượng trưng cho trường phái “kính nhi viễn chi”. Là
sao? Tôi thắc mắc, mình chỉ nghe qua trường phái ấn tượng, dã thú, siêu thực…
Ông ta chơi thân với hai người bạn thiết, như y phục như thủ túc, bỗng một hôm
trái gió trở trời, chả hiểu nguồn cơn nào xúi giục, ông viết báo đặt điều vu
khống bạn mình. Tình huống ông dựng nên đã có lắm kẻ ngoại cuộc chứng minh rằng
nó hoàn toàn sai sự thật. Họ đặt câu hỏi: Thực ra thì ông mang thứ dã tâm gì?
Để nỡ lòng bán đứng bạn bè. Đó, cho tôi đi vòng lại cái thắc mắc của ông: Tại
sao lại đi nuôi chó? Ông đã xem phim của Hollywood thực hiên về “nhân vật”
Hachiko chưa? Một chú khuyển mà người Nhật đã đúc tượng đặt để ở công viên
Shibuya. Tôi ngó đứa bạn còn sót duy nhất của tôi. Có khi hắn nóng nảy như
Trương Phi, có khi hắn thiền tính y như đệ tử của Bồ Đề Đạt Ma. Hắn là một Việt
Nam thu nhỏ để khi tiếp cận, chỉ duy một chữ để mô tả: Bất khả tư nghì.
Tôi có viết e-mail cho Hiền. Và ngay cả Hữu, hai người bạn hiền chẳng có ai
hồi âm. Tôi có ghi ngày giờ chuyến bay sẽ mang tôi về kề cận họ. Họ biết điều
ấy và câm lặng đôi khi là cách họ muốn dành cho tôi một sự ngạc nhiên. Tôi có
mua quà đặc thù quê Việt cho cả hai và xem chừng họ không mặn mà gì với thứ nhu
yếu phẩm nọ. Chẳng cầm lòng, tôi lựa giờ mà quán ăn “Hương Xưa” đông thực khách
nhất để vào kéo ghế. Tôi xâm phạm hiệp ước mà Hiền đề ra, nhưng nghĩ cho cạn,
thì đó nào phải lỗi tại tôi. Gọi món ăn chẳng tính toan, tôi xuống giọng hỏi cô
tiếp viên có Hiền đó không? Dạ, chị ấy nghỉ làm đã hai tuần nay rồi. Đau ốm hay
vì một nguyên cớ khác? Hình như lấy chồng thì phải. Anh ấy thường đến ăn đây,
nghe chị Hiền gọi tên Hữu.
Tôi đổ tương ớt nhiều vào tô bún thịt nướng. Tôi bị đau bụng từ khi về cố
hương, nghe người ta nói do thực phẩm không an toàn, thiếu vệ sinh, nhiễm vi
khuẩn bậy bạ gì đó. Nói chung tôi mất sức rất nhiều sau chuyến đi vất vả. Chim
bay về lại đất lành, buộc chim phải bồi dưỡng, ăn giả bữa, ăn tứ tung bát giác
cho lại sức.
Liệu tôi có đỏ da thắm thịt trở lại? Hiền Hữu ơi, lòng dạ nào hai người đã
mang ra chơi tôi như thế. Giết người không gươm đao! Tôi muốn uống rượu nhưng
tìm không ra bằng hữu. Tôi thức sáng đêm cho phù hợp với giờ cố quận để ỉ ôi
với thằng bạn cũ âm dương cách biệt đôi đàng. Hắn nói, suy ra ông cũng có uy,
chúng ngán sợ ông nên chẳng dám công khai. Tôi hả, con vợ nói thẳng vào mặt:
Chán ốm, anh đếch đóng tròn vai một thằng chồng. Tôi ôm đồ đoàn ra đi đây, từ
nay đừng nhìn mặt nhau nữa. Vợ chồng mà sao ăn nói linh tinh đến thế được? Phút
đó, ông biết tôi mơ ước điều gì không? Phải mà nó đi êm re, nó viết thư tạ từ
đặt trên bàn có dằn cục đá để khỏi gió thổi bay. Mặt mũi nào trân tráo đứng ngó
nhau lần cuối? Trời, phải mà có tôi ở gần ông. Hai đứa chở nhau đi nhậu một
trận thật tới bến. Đù mẹ, cho tôi chửi thề một tiếng. Con chó của tôi bị bọn
khuyển tặc bắt làm thịt mất rồi. Chó má thật!
Nản quá, tôi đành phải cắt sóng, thôi nghe chuyện buồn. Không biết làm gì,
tôi mở sáng tất cả những ngọn đèn, ngồi cong lưng lục soạn từng ngăn tủ cố tìm
cho ra một tấm ảnh chụp chân dung má tôi. Sẽ lộng kiếng, sẽ đặt trang trọng ở
chỗ nào đó mà thờ phượng. Cái muốn tìm thì mãi trốn ở đâu, cái không muốn thấy
lại nằm chình ình ra đó. Ảnh hoa khôi Hoa Lài thời trung học, phía sau là nét
chữ mềm mại rất đỗi học trò: Tặng anh để làm “kỷ nghệ”. Thương.
Ngày mai trời sáng tôi sẽ đi tiệm chuyên môn chỉnh hình nâng cấp để bức ảnh
Hoa Lài khi lộng kiếng trông thật hoành tráng. Tôi quên hỏi thằng bạn sư nữ Hoa
Lài pháp danh gọi là gì? Tôi treo hình bóng một ni cô lên để vọng tưởng thì liệu
bên ấy con đường tu tập của Hoa Lài có bị ảnh hưởng không?
Bạn tôi bầu bạn với chó thì chó cũng đường đột nhảy lên bàn nhậu. Đớn đau
quá! Tôi thành tâm xin sư cô Hoa Lài năng tụng kinh gõ mõ trì chú cho tôi tai
qua nạn khỏi kiếp này. Kiếp có người yêu ngoại tình, người bạn phản bội. Na mu
A mi da butsu!
Hồ Đình Nghiêm