Hôm qua,
ngày mồng 4 tháng 6, cây cầu có nhiều nhất những ổ khóa tình yêu trên thế giới,
tại Pháp “Pont des Arts” đã thay vai
cầu. Hơn bẩy trăm ngàn (700,000.-) ổ khóa móc vào vai cầu đã bị tháo xuống.
Khối kim loại khổng lồ đó, nghe đâu có sức nặng bằng 20 thớt voi đã được mang
đi hủy.
Có người hỏi:
- Thế họ
không mang mấy cái ổ khóa đó đi triển lãm à?
Câu hỏi
nghe cũng hay mà cũng lạ, tình yêu đó đã được người ta so sánh với sức nặng của
hai mươi con voi rồi, cần gì triển lãm nữa. Những cặp tình nhân, hay cùng nhau
tới đây vào lúc người ta nghĩ rằng mình đang yêu nhất hay vào tuẩn trăng mật
của đời mình.
Đến, để
làm một việc rất cảm động, của hai người đang yêu nhau, ngọt như mật và đẹp như
trăng. Cùng khóa tên nhau vào thành cầu, cùng đứng nhìn cái chìa khóa ném xuống
mặt sông Seine, cùng nghe một tiếng động hạnh phúc vọng lên từ đáy nước, cùng
tiếc cái vòng tròn giao động trên mặt hồ sao mà ngắn thế.
Chao ơi! Lúc đó cả hai cùng nghĩ là không có
điều gì trên đời, có thể bứt tung cái khóa tình yêu của họ ra được. Thế mà, đôi
khi chỉ vài tháng, hay một năm sau thôi, họ đã nhìn nhau như hai người lạ chạm
mặt trên con đường ngược chiều.
“Tình cũng quan san từ đáy mắt.”(Đinh Hùng)
Tôi cứ
nhớ mãi, câu chuyện cổ tích của những cái khóa tình yêu này. Một chuyện tình
buồn.
Ở một ngôi làng xa lắm, tận Serbia, trong thế
chiến thứ II, có một cô giáo trẻ, yêu một quân nhân, họ thề non hẹn biển sẽ mãi
mãi là của nhau, nơi họ nói lời hẹn ước ở trên một cây cầu, bắc ngang con sông
nhỏ của thành phố họ cư ngụ, rồi anh quân nhân đi vào chiến tranh tận Hy
Lạp, anh không tử trận, nhưng anh đem lòng yêu một cô gái tại nơi anh đóng
quân, cô giáo làng không chịu nổi nỗi đau của sự bội ước, trái tim cô xé ra
ngàn mảnh và đưa cô đến cái chết.
Cái chết
của chuyện tình buồn này, đã làm tất cả các cô gái khác trong thành phố, khi
yêu ai, họ mang tên mình và tên người yêu khắc lên một cái ổ khóa, đem tới
chiếc cầu nơi cặp tình nhân ngày trước thề nguyền, móc ổ khóa vào thành cầu,
khóa lại, rồi vứt chìa khóa xuống đáy con sông. (*)
Chắc họ
tin rằng, làm như thế, người yêu của họ sẽ không thể tìm ra cái chìa khóa để có
thể mở trái tim mình mang đi cho người thứ ba như anh quân nhân nọ.
Từ đó như
vết dầu loang, ở Âu châu, sau thế chiến, các phong trào khóa tình trên thành
cầu bắt đầu rầm rộ, hưởng ứng nhiều nhất, bắt đầu thập niên của những năm 2000.
Ở Rome trước tiên, 2006. Trên Thế giới đã có chín, mười quốc gia có những thành
cầu tình yêu, dòng sông thương nhớ. Pháp, Ý, Đức, Nga, Nam Hàn, Trung Quốc,
Nhật, Đài Loan và bây giờ, ngay cả ở Việt Nam.(*)
Thật ra
thì ở Việt Nam, từ đời cha ông mình, con người đã biết dùng ổ khóa, chìa khóa
vào việc hẹn thề, cho nên mới có ca dao:
Xưa kia nói nói thề thề
Bây giờ bẻ khóa trao chìa cho ai.
Hình : Một Phần của vai cầu Pont des Arts trên dòng sông Seine
Cây cầu
bắc qua sông Seine ở Pháp, có những ổ khóa tình yêu năm 2008, đến năm 2012 tình
yêu quá tải, đã bắt đầu làm cho cây cầu đuối sức.
Tôi hay
bâng khuâng, tự hỏi: Có phải người ta không đủ đức tin trong trái tim mình, nên
phải mượn lời thề, phải mượn khóa tình giữ hộ đời nhau. Với hàng ngàn cái chìa
khóa đã vứt xuống dòng sông, nước sông có thay màu hay thay mùi vị không nhỉ.
Ai cũng cho tình yêu có màu hồng của hoa và vị
ngọt của trái cây khi người ta ném chiếc chìa khóa xuống dòng sông. Nếu như sau
một thời gian ngắn hai người yêu nhau đó, hết yêu nhau, nước sông có đổi màu
đen và mặn như nước mắt hay không?
Cây cầu
và dòng sông, luôn luôn là địa điểm thơ mộng cho tình yêu. Người ta tới đó để
hưởng sự lãng mạn, trong suốt của thiên nhiên trao cho ái tình.
Cả dòng sông thương nhớ
Cả tay cầu vai nghiêng (Trần Dạ Từ)
Nhưng
cũng chính cây cầu dòng sông là nơi người ta gieo mình xuống để kết thúc một
chuyện tình nghiệt ngã. Những người còn yêu nhau, đã khóa tình trên cầu Pont des Arts liệu có hết thương nhau
khi ổ khóa của họ bị mang đi tiêu hủy?
Có ai đã
khóa tình trên vai cầu này mừng rỡ khi nghe vai cầu được tháo gỡ đi, hỏi người
yêu cũ.
- Bây giờ tôi buông được ra
chưa? hay
- Đã tới lúc mình mở khóa cho nhau
rồi đấy.
Những câu
hỏi như thế chắc đau lòng người nghe lắm!
Người ta
phần đông ca tụng văn hóa và ngôn ngữ Pháp, vì nó tượng trưng cho vẻ đẹp của ái
tình.
HÌNH- Cầu Pont des Arts thay vai cầu mới.
Người
Pháp rất nương nhẹ với tình yêu. Nên sau khi tháo đi những ổ khóa để cứu cây
cầu Pont des Arts, người ta thay vào
đó bằng những tấm kính trong, trên đó những họa sĩ thành phố đến vẽ những bức
hình không liên hệ gì đến tình yêu cả. Có nhẽ, e rằng buộc tình yêu vào, rồi
không may, một ngày nào đó lại bị phá bỏ đi như ngày hôm nay, sẽ làm tổn thương
lần nữa cho bao nhiêu trái tim còn mang nặng ái tình.
Anh ơi!
Những tấm kính mới trên vai cầu này, có cứu được mối tình của những người đã
quay lưng đi về hai phía đầu cầu hay không?
Tháng
6/8/2015
- Hình 1,
2 trên Net
(*)Chi
tiết thêm trên Net
TRẦN MỘNG TÚ