Năm ngoái
năm kia gì, anh bạn thân rủ đi Bình Thanh ăn đám giỗ. Đến xã rồi còn vô nữa,
tới một vùng ngó như chiến khu hồi trước. Nhà có đám là căn chòi lá dựng bên mé
con rạch chắc xưa là con kinh hay cái tắc nhỏ, nay bị lấn chiếm teo tóp lại.
Hỏi, gia chủ nói nơi này trước đây rộng lắm, giờ giải toả chia lô nền, làm nhà
máy này nọ nên chỉ còn một mẩu leo teo rậm rịt như đám lá tối trời đây. Lúc
thời bao cấp dải đất này là một cái xóm nghèo quy tụ dân tứ xứ đi kinh tế mới
sứt đầu mẻ trán mới lộn trở về, kêu xóm Ngậm tăm. Chủ đất là mấy người địa
phương cho mỗi hộ mướn một hai vạt nhỏ che chắn làm chỗ ở tạm. Hoặc kẻ có tiền
làm hẳn một dãy nhà rồi ngăn ra từng phòng cho thuê với giá mắc hơn, đôi ba
chục ngàn.
Cái tên
“xóm Ngậm tăm” gợi một sự hiếu kỳ nên trong bữa rượu tôi cứ hỏi tới hoài. Rút
cuộc có một thanh niên đứng lên nói chú muốn biết về “sự tích” xóm này, thì
phải gặp bác Năm đây. Ổng là thổ địa đó.
Có lẽ
thấy tôi xăng xái thiết tha quá, nên người được giới thiệu là “bác Năm” mơi
tiếp chuyện tôi . Ổng kể:
… Tui tên
Năm tiền chỗ. Sở dĩ có cái tên đó là vì hồi “trào trước” tui làm nghề xé vé thu
tiền chỗ ngồi ở chợ xã. Ông bà già tui là chủ một phần đất mà sau này người ta
kêu xóm Ngậm tăm. Cái xóm này hình thành đâu khoảng năm bảy chín tám mươi, khi
có phong trào đi xây dựng vùng kinh tế mới. Đi rồi chắc sống không nổi nên bà
con đáo lại nhưng nhà cửa đất đai không còn đâm ra họ phải chui lủi kiếm nơi
tạm trú qua ngày. Ban đầu ít người, ít gia đình nhưng rồi lần lần họ kéo nhau
kết tụ ngày càng đông, thành nguyên cái xóm cỡ gần trăm hộ. Mà hễ đông lên rồi,
là sanh phức tạp. Tui kể anh nghe ít chuyện để anh hình dung cuộc sống hồi ấy ở
xóm Ngậm tăm cùng vài khuôn mặt đặc biệt trong số những “lưu dân” luôn nghèo
khó và cơ cực này. Và, tại sao rồi cái xóm đó mất đi, để đến bây giờ cái tên nó
chỉ còn trong ký ức những người lớn tuổi!..
***
Không phải Ngậm tăm là im thin thít, không nói chi cả, mà nó là một hình ảnh cụ
thể của một cái nghĩa đen đích thực là, miệng ngậm một cây tăm.
Hằng
ngày, thường cứ vào quãng bốn năm giờ chiều đến sẫm tối thì gần như cả xóm nhà
nào cũng có ít nhất một người- mà thường là gia chủ- ra đứng hay ngồi nơi cửa
chính, miệng ngậm cây tăm. Có người lâu lâu cầm cây tăm xỉa xỉa, quẹt qua quẹt
lại đôi ba lần miệng chép chép như vừa nhai một mẩu đồ ăn còn sót lại được đẩy
ra từ kẽ răng, hoặc như có vẻ cố dùng lưỡi đùa hột cơm còn lẩn phía lợi trên.
Tất cả những “dấu hiệu” đó là để muốn chứng tỏ cho mọi người thấy rằng mình mới
vừa ăn cơm. Và như thế thì cũng có ý muốn nói rằng: “cả nhà chúng tôi mới ăn
cơm xong”!
Tại sao
họ lại phải có hành vi cùng những động tác như thế? Xin thưa, chẳng qua là do
ai cũng đói. Nhà nào cũng đói và cà xóm đều đói! Ở kinh tế mới về nhà cửa không
có, vốn liếng cũng không nên tất cả hầu như chỉ làm có mỗi một nghề là đi nhặt
rác. Nhưng sự thật chứ không ngoa chút nào, ở vào cái thời bao cấp ấy đến cả
rác cũng không có mà mót. Chẳng ai thải bỏ thứ gì cả nếu đã chưa ăn, chưa dùng,
chưa xài đến tận cùng một vật. Thế nên đói đối với người dân xóm Ngậm tăm là sự
thường !
Đói,
nhưng sĩ diện. Đói nhưng giấu không cho người khác biết là mình đói. Bởi vậy họ
mới “ngậm tăm” để ra cái vẻ rằng ta vừa mới ăn, gia đình ta là ngon, gạo nhà ta
đầy nồi!..Chỉ đến mãi sau này, khi tất cả đều biết tỏng tòng tong rằng cả xóm
đều đói, cả lũ đều giả dối dựng chuyện lừa nhau thì đã… quá muộn. Cái tên xóm
Ngậm tăm đã được đặt, đã bị trói vào mà không sao gỡ ra nổi!
Không còn
nhớ ai, gia đình nào là người đầu tiên đến trú ngụ nơi đất địa này, song có
những cái tên đáng kể là bà Sáu mồ côi, thầy giáo Thái, Tám Sện, Bảy cà lăm… và
sau lâu nữa là gia đình lão Sơn Phong Thổ, rồi con nhỏ Phi Vân… Bà Sáu mồ côi
có lẽ là lâu nhứt và nổi tiếng nhứt vì bả sống có một mình và lại có tiền mua
đất làm phòng cho thuê. Bà Sáu hiền lành, tánh hay thương người, làm việc nhơn
đức nên ai cũng quý mến. Trái lại, ở xóm Ngậm tăm vợ chồng lão Sơn Phong Thổ
cùng đám con cái bị dân chúng coi là đầu tàu của sự mất an ninh trật tự xóm
làng.
Cứ mỗi
lần tụi tui đi làm về mà thấy ở đầu ngõ lu xu bu, người ta đứng coi đông nghẹt
là y như rằng cha con thằng Sơn diễn trò.
Không
biết do đâu mà nẩy ra cái từ diễn trò? Nhưng đúng sự thật là như thế. Cái gia
đình này không tuần nào không quậy, hầu như cứ cách ngày là có một trận. Không
cha con đánh nhau thì vợ chồng chửi lộn. Rồi nếu trong nhà bữa nào không xảy ra
gấu ó thì chúng quay ra cà khịa lối xóm. Đến nỗi thằng Tám Việt, công an khu
vực còn phải than có cái “gánh” này trong ô tui, thiệt mệt hết biết!
Ngày đám
nhà lão Sơn- gọi theo tên đứa con trai lớn của y- mới dọn về đây, ngay lập tức
đã gây một ấn tượng đậm đà trong con mắt dân ấp.
Lão Sơn
người thấp bé gầy gò, da tái mét như của kẻ nằm lâu ngày trong bóng tối. Đôi
mắt lão lúc nào cũng lim dim kiểu nửa thức nửa ngủ, song nhìn trộm nhanh lắm.
Tổ trưởng Trứ nói thằng cha này gian.
Mụ Vân
tóc vàng vợ lão Sơn thua chồng gần một giáp, trạc trên dưới bốn mươi. Mụ to
béo, tóc nhuộm hay sao mà vàng như râu ngô, da dẻ đen kìn kịt như nước kinh
thúi. Mụ Vân ít nói, cả ngày không động môi nhưng hễ mở mồm là chửi. Hết chửi
chồng chửi con, đến chửi hàng xóm và cả chó mèo… Có người bảo mụ vốn dân tộc
Thổ, Mán gì đấy ở tận Cao Bằng, Bắc Kạn về sau lấy lão Sơn rồi cả hai đưa nhau
vào kinh tế mới ở Lâm Đồng. Sau bao nhiêu năm chả kinh tế kinh teo gì, chỉ phá
rừng giết thú và giờ không biết thế nào mà vợ chồng mụ cùng bảy đứa con năm
trai hai gái trông như kẻ cướp cả, lại mò mẫm đến ngụ cư ở cái xóm Ngậm tăm
này.
Sau khi
quét tước, dọn ổ xong thì không thấy mặt vợ chồng lão Sơn cùng lũ con đâu cả.
Suốt ngày cửa đóng im ỉm và cũng không nghe tiếng nói tiếng động gì. Cả bọn cứ
như lũ chuột chui nhủi trong hang. Nhưng chỉ đến trưa ngày hôm sau thôi, thì cả
xóm bỗng ầm ĩ lên như có giặc. Lão Sơn bung cửa từ trong nhà chạy ra rồi vung
tay múa chân, chỉ chỏ hét toáng lên thằng ăn mày, thằng du côn kia mày có giỏi
thì ra đây. Ông mà song phi một cái thì mày chết toi con ạ! Cái thằng mà lão
gọi ăn mày ấy là thằng Sơn, con trai lớn của lão. Nó lừng lững bước ra nói ông
ngon thì “chơi” tôi đi. Ông sức vóc bao nhiêu mà đòi “pạc-co” với tôi.
Thằng này
cái mặt nom dễ sợ, trông như “đao phủ nhà thờ Đức Bà”. Tay chân, ngực bụng nó
xăm hình rồng hình cọp giơ móng nhe nanh y chang biểu tượng của dân anh chị thứ
thiệt. Lão Sơn thụt lùi lại giả bộ đứng tấn, hai cẳng tay cẳng chân ốm nhách,
loèo khoèo múa may coi bộ dạng như bọ ngựa bắt ruồi.
Hai cha
con đứa cửa nhà đứa ngoài ngõ chửi bới nhau om sòm. Một chập mụ Vân tóc vàng
xộc ra vào hùa với thằng con chỉ mặt chồng rủa là đồ mắc dịch, đồ làm biếng và
đủ lời lẽ xấu xa linh tinh khác.
Cái xóm
Ngậm tăm hồi nào tới giờ tuy nghèo mạt nhưng yên ổn, nay tự dưng mọc ra cái đám
kì khôi này khiến ai nấy đều bất bình song không dám can thiệp, chỉ khoá cửa
ngồi trong nhà mà nghe chúng chửi bới, vạch tội nhau. Để rồi cuối cùng mọi người
cũng hiểu ra nội vụ là lão Sơn thó tiền của con. Thằng này làm cái chi đó kiếm
được ít tiền đem giấu trên máng xối, nhưng không ngờ bị lão Sơn theo dõi phát
hiện, cuỗm mất .
Trận
“kịch đấu” đã không xảy ra như ai nấy tưởng tượng. Hò hét chán rồi thằng con
trở vô nhà, còn lão Sơn quay qua phân bua với thày giáo Thái đang lấp ló ở cửa
dòm ra: Chú thấy không, thời buổi đạo đức suy đồi, con chửi cha, vợ chửi chồng…
Rồi bỗng lão chuyển qua… thơ Tú Xương: Ngẫm lại, Tú Xương đã vạch cái tội tày
đình này từ cả trăm năm nay rồi : “Nhà kia lỗi đạo con khinh bố, mụ nọ chanh
chua vợ chửi chồng”. Đấy!
Tự nhiên
thấy lão Sơn xổ thơ, giáo Thái cảm giác như cái quán tính của một ông thầy dạy
văn được khơi dậy, anh ta gục gặc đầu và mỉm cười như đồng tình với lão Sơn. Thế
là lão bước xộc đến bắt tay, bá vai níu cổ giáo Thái cứ như hai người bạn thâm
giao lâu ngày mới gặp.
Lão Sơn
vừa kể lể với Thái, vừa than thở là cái số mình lận đận. Năm ấy năm nọ lão tốt
nghiệp Sư Phạm Hà Nội xong thì tình nguyện lên vùng cao Tây Bắc dạy học, và
chính ở cái xứ Lai Châu lam chướng đó mà lão đã lấy vợ, một cô gái Mèo xinh đẹp
tên Vân mà giờ trong câu chuyện lão luôn mồm kêu là “con nặc nô”.
Kế tiếp,
sau khi có đứa con thứ hai lão lại tình nguyện lên đường đi B- vào Nam chiến
đấu. Giờ lão là cựu chiến binh, song không được hưởng bất cứ chế độ gì vì mọi
thứ giấy tờ liên quan đều… mất sạch!
Ban đầu
mới tiếp xúc, giáo Thái thấy cũng nể vì, đồng thời thương cảm hoàn cảnh lão Sơn
là kẻ có ăn học mà chỉ do nghèo khó con cái không được đến trường nên hư đốn
cả. Nhưng dần dần Thái phát hiện “trình độ cao đẳng sư phạm khoa văn” của lão
Sơn chỉ quanh quẩn trong thơ Tố Hữu- mà lão thuộc rất nhiều, cứ mở mồm là đọc
vanh vách. Do vậy câu chuyện giữa Thái và lão ta cứ tới lui ở hai “mảng đề tài”
là đọc thơ Tố Hữu rồi khen hay một cách đơn giản, thô thiển-và “cựu chiến binh
mất giấy tờ”. Chưa kể, hầu như bao giờ đoạn cuối của cuộc thăm viếng cũng là
màn hỏi mượn tiền của lão Sơn : Thế này nhé, chú cho anh mượn mấy chục. Chỉ độ
dăm hôm là anh trả ngay. Nhưng tính ra sau đúng một năm lão Sơn về cư ngụ ở xóm
Ngậm tăm này, với mươi lần hỏi tiền giáo Thái song chưa lần nào lão thực hiện
đúng cái lời hứa “dăm hôm…” ấy cả. Riết rồi Thái rất sợ phải chạm mặt lão Sơn.
Gặp lão vừa tẻ nhạt vừa toi tiền. Và cho đến một ngày Tám Vịêt công an rỉ tai
giáo Thái rằng lý lịch đám nhà lão Sơn đã được xác minh rồi. Lão ở quê chả làm
lụng gì, chỉ bê tha rượu chè và hay ăn cắp vặt, đã mấy lần bị công an Phong Thổ
đưa đi trại. Đến bộ đội, hồi ấy cả miền Bắc là một hậu phương về nhân lực, vật
lực cho Miền Nam đánh Mỹ, thanh niên một trăm người thì hết chín mươi chín
người rưỡi tòng quân nhưng lão Sơn lại không hề được cái vinh dự đó vì hai lẽ:
lão là kẻ có tiền án, tiền sự bất hảo và sức khoẻ kém quá, cứ ho hen cò cử đến
chỉ còn cái xác ve thì làm sao mà “vượt Trường Sơn” cho nổi.
Sau năm
1975, tại quê nhà lão Sơn nảy ra phong trào đi kinh tế mới theo kiểu “di dân tự
do” , thế là lão đánh liều đem vợ con theo chân những người đồng hương nghèo
đói vào Lâm Đồng.
Ở vùng
đất mới khẩn hoang, gia đình lão Sơn cũng chẳng làm lụng gì, chỉ vơ bèo vạt tép
những thứ có sẵn hoặc trộm cắp nên bị cả làng kinh tế mới tẩy chay. Từ ngày lưu
lạc về cái xóm Ngậm tăm này, chưa thấy vợ chồng lão Sơn cùng lũ con “ra đòn”
gì. Phải chăng do xóm nghèo quá chả ai có tài sản chi đáng để chôm chĩa nên
chúng đi kiếm ăn nơi khác, hay do đã thấm được bài học bị những người cùng quê
xua đuổi trước đây mà chúng thực hiện cái phương châm đánh đĩ mười phương cũng
phải chừa một phương để lấy chồng.
Nghe cái
“sơ yếu lý lịch” lão Sơn, giáo Thái sợ quá, anh tìm cách né dần không giao tiếp
với lão. Phần lão, chắc cũng đoán không thể tiếp tục “nổ” với một giáo viên thứ
thiệt nên lão cũng chấp nhận thái độ phớt lờ đó của Thái.
Lão Sơn
về xóm đâu được năm sáu tháng thì tới con Phi Vân. Nó làm nghề “phụ bán quán”
chi đó ở thị trấn An Lạc, mướn căn phòng- ngăn cho thuê- của bà Sáu mồ côi tám
chục ngàn một tháng, chủ yếu để ban đêm về ngủ, còn ban ngày hiếm khi thấy mặt
nó.
Sáu mồ
côi nói con Vân mới mười bảy tuổi, quê ở Đức Hoà, Long An; nhà nó nghèo quá nên
con nhỏ phải bỏ lên Sài Gòn làm mướn.
Hồi mới
dọn đồ tới nó hỏi Sáu mồ côi má ơi sao cái tên xóm mình kì quá. Ai đặt vậy? Bà
Sáu cười chúm chím nói đặt từ hồi khai canh khai cơ gì, tao đâu biết. Mà thây
kệ, ngậm cái gì cũng được con, miễn ngày nào cũng “móc” được năm bảy đồng đủ ăn
là sung sướng rồi. Thắc mắc chi cho mệt.
Phi Vân
vừa nghe nói “móc” nó giựt mình, tưởng đâu người dân xóm này hành nghề móc túi!
Chừng vài bữa sau thì nó hiểu, đây là công việc móc bọc ni lông.
Móc là
bươi móc, tìm kiếm mấy cái rác bằng bọc ni lông rồi đem về giặt phơi sạch sẽ
bán cho các cơ sở tái chế đồ mủ. Cứ sáng sớm cả xóm thức dậy “hành quân” đi
khắp nơi hang cùng ngõ hẻm trong thành phố, có khi tối mịt mới về.
Biết cái
nghề của xóm là vậy, thì con Vân càng thắc mắc dữ. Nó nghĩ tại sao không kêu
“xóm móc bọc” mà lại là “xóm Ngậm tăm”?
Con nhỏ
kể cũng khác người, bằng cái tánh ưa tìm hiểu đó nếu được cho đi học chắc nó
mau tiến bộ lắm. Phi Vân để tâm nghe ngóng, theo dõi nhằm truy tầm gốc tích cái
tên xóm ngộ nghĩnh lạ lùng này.
Nói phải
truy tầm bởi sau mười mấy năm kẻ đến người đi xoành xoạch nên giờ cũng ít ai
biết rành về hai chữ Ngậm tăm. Điểm mặt dân cố cựu cũng chỉ còn mấy người như
Sáu mồ côi, giáo Thái, Tám Sện, Tư Hồng, Gái số đề…
Nhưng cái
công sức của Phi Vân cuối cùng rồi cũng được đền đáp. Một bữa giáo Thái kêu nó,
biểu cháu muốn nghe chuyện xóm Ngậm tăm không chú kể cho nghe. Con nhỏ mừng quá
gật đầu, rồi từ đó nó mới thôi thắc mắc về cái tên xóm không giống ai mà tương
lai cuộc đời nó có duyên nợ lâu dài.
Giáo Thái
quê Bình Định, khoảng sau Tết Mậu thân 1968 y vô Sài Gòn học bậc trung học đệ
nhị cấp. Sau giải phóng Thái tốt nghiệp đại học rồi đi dạy, nhưng do thời buổi
ấy khó khăn quá và đồng lương giáo viên lại thấp nên y ta bỏ nghề gõ đầu trẻ
chuyển qua chạy xe Honda ôm. Mà cũng không hiểu sao người có học hành bằng cấp
như vậy lại không tìm công việc gì khác ngon lành hơn mà cứ chạy xe ôm hoài.
Đôi khi có người hỏi song giáo Thái chỉ tủm tỉm cười, nói tui làm nghề này tới
mãn kiếp luôn. Thiệt lạ! Riêng bà Sáu mồ côi thì chọc quê ông giáo chạy xe ôm
miết chữ nghĩa rơi rớt hết, còn đâu mà dạy. Ai nấy cười rân.
Năm 1990
và những năm kế tiếp sau đó thời cuộc đổi thay, xã hội kêu là cởi mở xoá bỏ bao
cấp nên sự làm ăn dễ dãi, đời sống cư dân xóm Ngậm tăm cũng bắt đầu thay đổi.
Ai lượm bọc cứ lượm, nhưng đã có nhiều người xoay chuyển sang nghề khác.
Ngay trong xã Bình Thanh cũng có nhà máy, xí nghiệp mọc lên thu hút nhiều công
nhân. Đám con lão Sơn không biết có nghề nghiệp chi hay được dạy nghề mà thấy
cũng đi công nhân, mặc đồ đồng phục coi ra dáng thầy thợ chứ không hung dữ, ba
trợn như lúc thất nghiệp ở nhà tối ngày quần xà lỏn, áo phạch ngực phô trưng ba
cái hình xăm trổ coi thấy ớn.
Tuy
nhiên, trong lúc người này người kia đua nhau làm ăn tìm cách đổi đời thì lão
Sơn Phong Thổ vẫn chứng nào tật nấy y xì như một cục đá bên đường. Lão vẫn
thỉnh thoảng kiếm chuyện gây gổ vợ con, chòm xóm. Thời gian này Tám Việt thuyên
chuyển chỗ khác, công an Tâm về thay làm khu vực đã đưa lão Sơn ra dân kiểm
điểm mấy lần nhưng lão cứ vậy. Đến nỗi thằng Sơn còn phải nói tháng nào lãnh
lương tui cũng cho ổng tiền xài, mà ổng còn không chịu yên.
Thằng Sơn
giờ hăm bốn hăm lăm tuổi, có công ăn việc làm ổn định nên bảnh lắm, lại cư xử
biết điều. Mấy bà trong xóm nói tiền bạc làm thay đổi con người. Càng không
tiền, càng túng quẫn thì càng mau sanh thất chí và đi làm những chuyện tầm bậy.
Làm công
nhân đâu được hai ba năm thì thằng Sơn lấy con Phi Vân. Cái tin này khi loan ra
gây chấn động xóm Ngậm tăm. Tụi nó « cặp » nhau hồi nào cà, mà bây giờ đám
cưới? Người ta đặt dấu hỏi. Riêng chỉ bà Sáu mồ côi là vui vẻ nói chuyện hai
đứa yêu thương nhau tui biết. Con Phi Vân nó kể tui hết. Thằng Sơn nó lớn, tánh
tình thay đổi biết lo cho gia đình. Hồi má con Vân lên thăm, hỏi chuyện tụi nó
tui nói tui đảm bảo. Con Phi Vân là con nuôi tui mà. Đám này tui lo hết!
Thiệt ra
nói “đám cưới” chứ đâu có gì lớn lao, chỉ bày hai ba bàn như cỗ cúng chiêu đãi
các bậc đàn anh trong xóm. Xong tiệc là thằng Sơn ôm mùng mền chăn gối, đồ đạc
riêng tư của nó qua nhà con Vân tức cái phòng mà con nhỏ thuê trọ của bà Sáu,
có điều đã từ lâu Sáu mồ côi không lấy tiền của nó nữa. Bả biểu mày là con tao
rồi, lâu lâu tao còn cho tiền mày xài chớ sao lại thu tiền nhà…
***
Vừa lai rai ăn nhậu vừa rỉ rả kể chuyện xóm Ngậm tăm kéo dài hai ba tiếng đồng
hồ. Tới chừng sắp xỉn, Năm tiền chỗ mới buông một câu xề: Bây giờ tui kết thúc
nghen. Đã xảy ra vụ gì mà cái xóm đó tan mùng rách lưới, rồi người ta bỏ đi hết
? Chú cạn ly đi, rồi tui nói tiếp chú nghe…
…Trúng
ngay đêm Nô-en năm chín tám, tụi tui nhớ rõ bởi nhà thờ xứ Bình Thanh có làm
cái hang đá to đùng, lớn cỡ gấp đôi cái phòng trọ của bà Sáu mồ côi. Con Phi
Vân bồng đứa con trai đầu lòng của nó đi coi, còn bốc “ông Chúa Giê-su” lên hửi
hửi rồi về nói tui bác Năm ơi sao cái tượng Chúa đó thơm quá, hay là người ta
có xức dầu thơm? Vậy mà khuya đó xảy ra một vụ án tày trời, từ nhỏ mới thấy!
Bình
Thanh vốn là xứ đạo, nên mùa Giáng sinh cả giáo xứ tưng bừng sôi nổi lắm. Bà
con mừng lễ mà. Còn xóm Ngậm tăm thì xô bồ hỗn tạp, thứ gì cũng có: người khắp
các tỉnh thành, tôn giáo đạo đời lớn nhỏ có đủ hết. Nhưng cũng kiểu như thành
“truyền thống” rồi, bất kể Lương, Giáo hễ cứ đến lễ Giáng sinh là ai cũng vui
chơi, nhất là bọn thanh niên và người khá giả. Đi chơi thâu đêm suốt sáng, ăn
nhậu nhảy nhót… Cả cái xóm Ngậm tăm cũng không ngoài lệ đó, bỗng dưng ai cũng
cảm thấy mình là một con chiên của Chúa, hoà vào niềm vui chung của đêm Chúa ra
đời.
Lão Sơn
có lẽ cũng vậy. Tuy chẳng nghĩ ngợi sâu xa gì nhưng cứ thấy thiên hạ vui, là
lão vui. Lão uống rượu từ trưa với cái hội “những thằng già bốc phét” riêng của
lão. Và đến tối mịt thì lão say nghiêng ngả.
Sơn Phong
Thổ loạng choạng đi quanh xóm. Lão vừa đi vừa chửi, vừa nói những điều chẳng
đâu vào đâu nhưng không ai thèm chấp. Họ quá rành cái sự quậy quạng của lão.
Đi hết
đầu trên xóm dưới không biết bao nhiêu vòng, cuối cùng vào lúc mười giờ hơn lão
mò đến nhà thằng Sơn định vòi tiền nhưng nó đi trực không có nhà. Thế là lão
truy buộc con dâu, bắt nó phải đưa tiền cho lão mua rượu uống tiếp. Phi Vân
biết thừa lão cha chồng chả mua bán gì, vì nếu có nhậu lão cũng uống “chùa”.
Chỉ bằng vào mấy chục bài thơ thuộc lòng cùng tài nói dóc mà lão không khi nào
phải bỏ tiền góp nhậu. Tiền, nếu có là lão đem đánh đề. Thằng Sơn đã dặn con
Vân không cho tiền, đồng thời nó cũng nói thẳng với lão tiền tui để nuôi vợ con
chớ có đâu mà cho ông cờ bạc.
Xin tiền
không được, lão Sơn bỏ đi. Con Vân tưởng vậy là êm nên trở vô tính dọn mùng
chiếu ngủ. Ai dè một chập sau Sơn Phong Thổ quay lại đứng trước cửa phòng trọ,
tay cầm cây đuốc lửa cháy phừng phừng. Phía sau lão một bầy con nít vỗ tay reo
hò, chắc chúng tưởng đang có trò chơi Nô-en chi đó!
Lão Sơn
la lớn tao đốt nhà chúng mày. Tao thiêu sống vợ con mày! Thế rồi lão giơ cây
đuốc châm vô mái lá. Không chỉ căn phòng của vợ chồng Phi Vân, mà lão còn châm
hết thảy các phòng khác, cả một dãy dài bảy tám cái.
Đêm Giáng
sinh đàn ông con trai đi chơi đi nhậu hết nên trong xóm còn toàn phụ nữ, trẻ em.
Lửa cháy mà không có ai chữa. Từ dãy phòng nhà bà Sáu mồ côi lửa táp qua các
nhà khác, bùng lên đỏ một góc trời. Cái địa thế xóm Ngậm tăm là ở thành cụm,
chính giữa có một con đường nhỏ làm lối đi và toàn bộ đều là nhà lá vách cây,
nên khi gặp lửa là cháy sạch, cháy rụi chỉ trong chốc lát…
Năm tiền
chỗ nói tiếp: Vụ cháy có người chết nữa, đàn bà và trẻ em. Nhưng tui không kể.
Nhắc chi thêm buồn. Lão Sơn sau đó bị bắt đi tù, nghe nói toà xử lão hăm mấy
năm. Tội đó đáng tử hình, nhưng có lẽ do lão già và phạm tội trong tình trạng
say rượu mất trí, nên người ta xử nhẹ?
Cuộc hoả
hoạn năm đó chỉ để trơ lại mấy cái nền nhà. Còn mấy chục hộ dân với mấy trăm
con người ta biến đâu mất sạch. Kể từ vụ cháy, không thấy ai trở lại. Phải
chăng trước tai hoạ kinh hoàng đó, tất cả không muốn câu chuyện đau thương ở
xóm Ngậm tăm cứ vương vấn lợn cợn mãi trong đầu mình. Họ muốn chạy trốn cái sự
xui rủi ấy để đi tìm một tương lai sáng sủa hơn trong cuộc đời luôn tràn ngập
những khó khăn, bất trắc của họ!
Mọi người
đi hết. Và từ đó tới nay tui không gặp lại họ. Không gặp một ai cả. Bà Sáu,
giáo Thái, vợ chồng Phi Vân… giờ ở đâu? Năm tiền chỗ hỏi trong tiếng nấc nghẹn.
Ổng nhắc chú uống thêm đi, tui già quá rồi, uống ít. Cái xóm Ngậm tăm đó coi
vậy mà đáng nhớ vô cùng. Tui là dân xứ này, bởi vậy tui không đi đâu cả. Nhưng
có điều, làm chi thì làm, cứ đến đêm Nô-en nghe tiếng chuông nhà thờ vang vọng,
là tui lại nhớ bà con dân xóm Ngậm tăm. Và nhớ lại cái đêm giáng sinh đau buồn
năm ấy!...
Kinh Bắc