Biệt thự có lối kiến trúc chẳng giống ai, nên tự thân nó hiển lộ điều bất
thường. Giới bình dân có từ để gọi đích danh: Hàng độc. Theo nghĩa thường, độc
là độc nhất vô nhị, nhưng biệt thự kia dường như sở hữu thêm cái độc ác. Độc
vật hay độc địa cũng rứa cả.
Quần chúng đồn thổi, từ ngôi biệt thự ấy đêm khuya thanh vắng luôn phát ra
nhiều âm thanh lạ, có khi nghe như bước chân quân hành rậm rật, có khi nghe
tiếng rao giảng của một kẻ có tài hùng biện, có khi liên tu bất tận là những
tiếng oán than, rên siết kèm gửi bao sụt sùi nước mắt.
Dĩ nhiên biệt thự kín cổng cao tường kia chẳng có người ở. Ai mà ở được với
ngần ấy thứ âm khí kia? Quần chúng lại mau miệng: Nhà có ma. Căn nhà ma chê quỉ
hờn nọ được một tập đoàn Trung quốc mua lại, công ty họ tính toan đầu tư vào
việc kinh doanh gì thì chả ai hiểu, chỉ rộ lên thông tin là họ tuyển người gan
dạ vào đó ngủ qua đêm để làm một cuộc thanh tẩy: Êm hay không êm. Có quỉ sứ
hiện hình hay chỉ là tin đồn nhảm.
Quán cà phê của ông Bất mọc cuối đường. Chủ nhân chẳng lắm tiền của nên hình
hài của quán ngó đơn sơ, tụt dốc chữ thanh đạm. Khách chủ yếu là mấy ông lái xe
ôm, đôi kẻ bán vé số hoặc ba lão ngụ trong khu vực thường ra kéo ghế để ngồi
chép miệng mà hoài nhớ, tiếc nuối cái quá vãng, theo họ là vàng ròng, đã lỡ vuột
mất. Khách, do vậy mà nhẵn mặt, chẳng lạ lùng gì với ông Bất. Không ai tra
khảo, chứ nếu muốn, vui miệng ông Bất có thể lôi ba đời lý lịch của mấy vị ấy
ra kể lể dông dài cho mà nghe. Bất biết tỏng đời tư của từng người khách nhưng
Bất bù trất lai lịch về ngôi biệt thự kia. Hoặc Bất sợ ma, yếu bóng vía chả dám
nói năng về hình khối bê tông hoành tráng án đầu đường. Giống như tiếp cận một
mụ cô lên đồng, hỏi tới một hồn oan thì cô mụ đồng nhập kia sẽ gào lên: Thiên
cơ bất khả lậu! Cứ nói linh tinh thì ta thăng.
Chiều ấy quán ông Bất có hai người khách lạ mặt dừng chân. Họ đến trước, sau
cách nhau khoảng nửa giờ. Người một gọi ly cà phê đen đá, uống vơi hơn phân nửa
thì người hai bước vô kêu ly cà phê sữa đá. Người một áng chừng khoảng bốn
chục, ốt đột, bặm trợn, áo thun ba lỗ bày da thịt nát nhàu hình xăm trổ rồng
bay phượng múa. Tự thân biết đeo bám không rời thứ hàn khí khiến kẻ tiếp cận
phải quan ngại, phòng thủ, e dè, ngán sợ. Đôi mắt phải nên cho nó đi hoang chứ
chú mục tới e sanh đột biến mà hư hao thua lỗ ắt sẽ chạy dồn qua phận mình. Bất
cũng bất quá chỉ dòm lén, bưng cà phê ra cho khách ông đã thầm đọc khẩu quyết
“kính nhi viễn chi”, chứ không là “kính lão đắc thọ”. Ừ muốn sống thì chừa cái
gã trung niên này đi, cho yên thân. Chớ cà khịa, cho nó lành.
Người hai, kẻ đến sau là một nữ nhân. Mùa hè đang đổ với nhiệt lượng là 40
mà khi thiếu nữ này từ ngoài đường nhựa ran mùi hắc ín bước vào, quán ông Bất
như vừa được gắn máy lạnh chạy với hết công suất. Nôm na là mát mẻ, nói cường
điệu đó là cà rem cây biết di động. Một phần thiếu nữ ăn vận rất thông thoáng
chểnh mảng việc đậy đằng, phần khác da thịt kia sao phồn thịnh lụa là trắng
ngần tựa màu hoa dâng đầy hương u mê.
Trong quán chỉ có hai khách, chẳng những đối chọi giữa nam, nữ; họ còn biểu
hiện tối đa giữa dữ dằn và hiền khô, giữa sát khí và nhu mì hiền thục.
Không đợi phải tu học võ thuật, đứa ngoại giới cũng tường mười mươi, có khi
nhu hiển lộng sẽ chế ngự được cương cộc cằn. Nó làm cho đối tượng cương tới mức
cuối và trong phút giây cương rã rời bủn rủn tứ chi vật mình thở dốc.
Thiếu nữ dùng muỗng khuấy ly cà phê sữa đá liền tay, khuấy bọt bèo và khuấy
nỗi tịch lặng nghẹn ứ trong phạm vi quán ông Bất. Cô đưa muỗng lên môi son và
mút lấy vật kim loại ấy. Cách cô mút chiếc muỗng cũng khiến đứa trần tục phải
phát sanh tạp niệm, tiếng tây tiếng u gọi là quá đỗi xếch xi. Gây được sự chú ý
xong, cô lên giọng với ông Bất: Mở quán bán nước, chắc ông thu thập nhiều tin
tức về căn biệt thự ma kia? Chủ quán Bất kéo chiếc khăn vắt vai xuống, lau đôi
tay. Lau như dấu che một hoang mang không tiện thổ lộ. Dạ, thì cũng chừng mực
nào đấy thôi. Tôi nghe người ta nói sao thì chỉ biết có vậy. Biết những gì? Dạ,
thì từ khi niêm yết thông cáo tuyển người đêm hôm đi tham quan trong ngôi nhà
quái đản kia, đã có sáu người tham dự và cả sáu mặt cắt không ra giọt máu khi
trở ra, mặt xanh lè cà lăm cà cặp nói không tròn câu cú. Vậy thì người ta đã
tin là có ma, hổng còn duy vật biện chứng gì ráo trọi? Tôi không biết, đã ba
hôm nay chẳng thấy ai lai vãng. Vậy thì thông báo ấy còn hiệu lực không? Còn
chứ, chẳng những thế họ còn tăng thêm giá tiền thưởng.
Gã trung niên cầm ly cà phê đã nhạt loãng sang tới bàn cô gái, ngồi mà chẳng
cần một rào đón. Gã vốn quen sử sự tuỳ tiện mất rồi. Ai sang ngồi bàn gã thì
phải được gã phất tay, cung kính không bằng phụng mạng, chứ gã tới đâu thì hãy
nên để gã giỏi đôi chân, chớ chêm cục gạch ngáng đường. Ngoại hình gã chưa đủ
chứng minh thân phận ru? Huống hồ bàn này được chiếm ngự bởi một nhan sắc liễu
yếu tay mềm.
Tôi cực kỳ ngạc nhiên, cô đừng bảo là cô sẽ ghi tên “đi thực tế”? Gã nói,
giọng khô, chất giọng của kẻ tuồng như suốt đời chưa biết đùa cợt hoặc pha trò.
Nghe cật vấn với thứ cung bậc ráo hoảnh thế chẳng ai giả bộ điếc đặc đôi tai.
Anh cũng vào thăm chốn yêu tinh? Tại sao lại sinh dị nghị khi đánh giá kẻ khác?
Cô gái nói, và cô lại tiếp tục khuấy cà phê, mút lấy chiếc muỗng ướt át.
Gã trung niên chậm rãi thắp đỏ một điếu thuốc. Râu rậm trên bờ môi có phân
nửa sợi bạc, chính cái màu xám ấy khiến gương mặt gã tiềm ẩn chút khắc khổ. Đã
có sáu tên vắt chân lên cổ toàn mạng khi trở ra, điều đó không làm cô đổi ý?
Tôi có thể hỏi anh một câu? Cứ việc. Lý do anh muốn vào trong đó? Tôi vừa ra
tù, tôi muốn kiếm một số tiền nghĩ là sạch sẽ. Một đứa bước khỏi địa ngục, đứa
ấy còn sợ thứ địa ngục nào khác? Anh cho tôi một điếu thuốc. Cứ việc. Cách cô
gái châm lửa, cách cô hút, cách kẹp điếu thuốc chứng minh cô sành điệu hơn
những tay nghiện khói. Cô mơ màng: Tôi từng trải qua nhiều hoàn cảnh sống, tôi
chung đụng đủ mọi cung bậc vui buồn. Thời gian gần đây tôi phát hiện cuộc đời
quá ư tẻ nhạt, được gặp ma, chẳng phải đó là sự trải nghiệm đáng được thử
thách? Má tôi nói, sợ người chứ ai lại đi sợ ma. Tôi muốn trắc nghiệm có bao
nhiêu sự thật trong lời khuyên nhủ ấy?
Cô uống thêm gì không? Tôi bao. Rồi không cần phản ứng gã kêu ông Bất làm
thêm hai ly “thứ y như vậy”. Ông Bất nói, cũng đúng, anh chị nên uống nhiều để
khi vào trong đó tìm nhà vệ sinh mà đái, được đau bụng khiến buồn ỉa thì càng
tốt, nghe đồn ma quỉ thường chẳng ưa hiện ra nơi ô uế.
Khi mang cà phê tới, sẵn trớn ông đặt một dấu hỏi giữa hai vị khách: Thông
báo quy định không được đi tập thể, vậy anh đi đêm nay đêm mai tới phiên chị
hay sao? Gã trung niên nheo mắt ngó khuôn mặt cô gái qua làn khói thuốc. Cô
tính sao? Người con gái khuấy ly cà phê mới. Tôi ở thành phố khác, tôi vừa
xuống xe đò, tôi chẳng quen biết ai ở đây, tôi định bụng vào đó tá túc thế cái
nhà nghỉ và sớm mai tôi lại trở về nhà. Anh chơi đẹp thì cho tôi được quyền ưu
tiên.
Lạ nhỉ? Đi gặp ma mà cũng tranh công, đòi nhanh chân còn hơn cả đi ăn cỗ.
Cũng được, tôi sẽ làm đứa lội nước lụt, vì phương châm của người ngoại quốc
luôn cổ xuý ưu tiên cho phụ nữ. Ngày rộng tháng dài, tôi dư sức thong dong chờ
đợi đột biến. Bao giờ cô vào trong ấy? Khoảng mười giờ tối. Gã trung niên dòm
đồng hồ. Còn hai chục phút, tôi kể câu chuyện này làm quà tiễn chân cô. Chuyện
mặn, cô ngán không? Buồn cười nhỉ, ma còn chả sợ lại đi ngán chuyện mặn nhạt?
Kể xem sao, biết đâu nó trang bị cho mình tinh thần điếc không sợ súng.
Gặp nhau ở đây âu cũng duyên bèo bọt, bình thường Đực này là kẻ luôn kín
tiếng, phải phá lệ một phen. Chuyện như sau: Diêm vương đang thất nghiệp, buồn
chán tự ngẫm, trên cõi đời ô trọc kia chúng nó đều uống thuốc trường sinh bất
tử hay sao nhẩy, cả tuần rồi chả có đứa chó nào thác đi cả để xuống trình diện
ta. Nghĩ tới đó thì bọn đầu trâu mặt ngựa hối hả chạy vào: Bẩm ngài, có ba cô
gái trẻ vừa xuống tới, một mực gào chết oan, đang đứng đợi ngoài cửa đợi ngài
gọi. Diêm Vương linh hoạt trở lại, thôi ngủ gật: Bây đâu, dẫn cô thứ nhất vào
đây. Người con gái tuổi đôi mươi mắt sưng ngấn lệ bước vào ngác ngơ. Mi biết ta
là ai chăng? Dạ bẩm ngài là Diêm Vương, chúa địa ngục. Giỏi, cớ sao ngươi vội
vã chọn đất mà dung thân? Dạ thưa ngài, con là thuyền nhân bị hải tặc Thái hiếp
đến chết. Tội nghiệp, bây đâu, cho cô này vào ở trong phòng có gắn ngôi sao
đồng. Gọi đứa thứ hai. Mi biết ta là ai chăng? Dạ ngài là Diêm Vương chính
hiệu. Giỏi, sao mới mười tám tuổi lại chán sống? Dạ chẳng qua nhà nghèo tía má
gả con cho một ông Đài Loan, sang xứ lạ yêu tinh lộ hình, cả bố cả anh cả em
ông chồng thay phiên “xử” con, dập liễu vùi hoa không nương tay bắt phục vụ từ
a tới z, tâm phẫn hận chẳng biết thở than cùng ai, con đành nhảy lầu tự giải
thoát. Ui chao, nghe chảy nước mắt, bây đâu hãy dẫn cô gái đáng thương này vào
phòng ngôi sao bạc. Kíp mang đứa thứ ba vào trình diện. Cô thứ ba xuất hiện,
tóc như suối mây, trắng trẻo nẩy nở và chân dài miên man. Mi biết ta là ai
chăng? Lạ lùng gì, anh là Diêm Vương chứ còn ai khác? Ủa, cớ làm sao trẻ đẹp
thế kia lại vắn số nhác chơi? Anh đánh giá sai đối tượng rồi, em chúa ham chơi,
em yêu đời không bút mực nào tả xiết, gặp anh ở đây chẳng qua là vì bọn công an
ấy hơi mạnh tay khi tra khảo, chúng sờ vòng một của em, chúng nắn vòng ba của
em rồi cầm lòng không đậu chúng “xơi” toàn bộ con người em. Hỏi anh, một hai
thằng thì em không ngán, đằng này chúng mang cả tiểu đội ra chơi chiến thuật
biển người, nó giết em bịt miệng rồi ghi vào biên bản là em tự té. Bọn người
trên đó thật nham nhở, chúng tuyên truyền rằng nhan sắc anh cực kỳ hung tợn ngó
gớm ghiếc nhưng sự thật nào đúng thế, anh bô giai hơn hẳn bọn đầu trâu mặt ngựa
trên kia…. Bây đâu… Diêm Vương bắt đầu cà lăm. Quỉ sứ nhắc chừng, mang cô này
vào phòng gắn ngôi sao vàng chăng? Bậy, Diêm Vương nạt, hãy dẫn cô này vào
phòng ta.
Người con gái cười, nụ cười không chứa kịch tính. Cô nói, tới căn biệt thự
kia bất quá tôi sẽ chấp nhận vào phòng có gắn ngôi sao vàng. Thà mà vậy, chứ
bản thân tôi rất dị ứng với búa liềm, ngó bắt lạnh gáy. Anh còn chuyện nào
khác, nếu không ta chia tay.
Ở trong tù, tôi nghe bọn tội phạm nói tới một nhân vật mang tên Hứa Bổn Hoà,
ông là một trong bốn tứ đại hào phú lừng lẫy của Sài Gòn xưa: Nhất Sỹ nhì
Phương tam Xường tứ Hoả. Nhà của chú Hoả ngày đó giờ này bị trưng dụng thành
Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM, 97 Phó Đức Chính, Quận 1. Ông có người con gái duy
nhất mang bệnh hiểm nghèo, chết vì bệnh phong cùi và từ đó trở thành bao giai
thoại, thêu dệt nên câu chuyện “Con ma nhà họ Hứa”. Điều tôi muốn nói cho cô an
lòng đó là cả một sự bịa đặt, cụm chữ kia người ta dùng chỉ để ám chỉ bọn người
không giữ được lời hứa. Hứa lèo, hứa ma. Ở trong tù, bọn người bán trời không
văn tự ấy đa số đều ao ước được nhìn thấy “Con ma vú dài” nhưng thảy đều hoài
công. Vậy đó, người ta hoảng loạn tháo chạy vì một cái gì ghê gớm hơn là gặp
ma, bị ma đuổi.
Cám ơn câu chuyện anh kể, trước khi gặp ma rất vui được gặp anh. Anh tin
trời Phật không? Bắt buộc, nương vào lòng tin ấy khiến tôi vượt qua bao gian
khổ trong đời, và tôi đã chiến thắng. Chúc cô mọi sự lành. Hãy giữ tâm trong
sáng khi đi vào chốn lao lung.
Ông Bất bù trất thông tin về hai vị khách lạ mặt kia. Lần đầu, ông phải dóng
tai lên nghe dân tình trong khu vực phản ảnh sự cố. Người nói này kẻ nói nọ, hư
thực khó kiểm chứng. Để thoả trí tò mò, ông gọi một cậu học trò vào quán. Ông
nhớ câu châm ngôn: Ra đường hỏi già về nhà hỏi trẻ. Già thời đại này ưa hư cấu,
ưa hiện thực huyền ảo đến chán ốm, thuật chuyện mà không quên dặm muối thêm
tiêu khiến sự thật bị phủ màn khói sương. Ông bao cà phê cà pháo lạc rang lạc
riết cho trẻ để ra yêu sách mày phải thật thà có sao nói vậy “biết thưa thốt,
không biết dựa cột mà nghe”. Mày thưa thốt đi, tao đang dựa thân vào cột đây.
Tui không biết bà con lối xóm nói sao, tui đi học nghe lén thầy chủ nhiệm
nói với cô dạy môn triết Mác-Lê như thế này: Từ nay huyện mình lại trầm lắng
thôi sinh sôi bao dư luận khiến ngành du lịch được mùa hốt bạc. Vận số này do
người con gái ăn vận cực sốc vào tham quan đêm nọ, cô mang bùa vào ếm làm ma
quỉ thôi hiện hình đe nẹt kẻ yếu bóng vía. Cô dạy Mác-Lê bảo: Sao nó có được
thứ vũ khí bách chiến bách thắng cỡ đó. Thầy chủ nhiệm nghĩ sao lại đọc thơ Bút
Tre: “Vào thăm lăng bác âm u, chị em phụ nữ giở mu ra chào”. Cả thầy cả cô hinh
hích vặn vẹo cười gập người sau đó. Cái anh trông bãi giữ xe sát hông trường
truyền đạt cụ thể hơn, đấy là thời buổi nào cái mu cũng là thứ siêu khủng, mu
con nhỏ thơm tho kia làm triệt tiêu bao quyền lực của người vốn có thứ lý lịch
mơ hồ, có có không không đường vợ con nên gặp phải mu nọ thì khác gì rồng gặp
mây, nhắm trít con mắt mụ mị thần sắc.
Ông à, vậy chứ mu là cái gì thế, hở ông? Tao tứ cô vô thân lại thất học, chỉ
giỏi việc pha cà phê, mày thù oán gì tao mà hỏi câu móc họng thế ranh con? Thử
về nhà hỏi mẹ mày xem rồi ra báo cáo cùng tao. Cho tao được sáng mắt sáng lòng
ngang tầm lãnh tụ.
Thằng học trò lỡ nghiện cà phê, hôm sau ghé quán ông Bất đánh đổi thông tin:
Mẹ tôi nói thời đại này chả còn ai dùng từ ấy nữa. Chị em phụ nữ ta trân tráo
gọi đúng tên đúng sự vật đúng tầm vóc. Người tử tế kêu bằng cửa mình, thi ca
đương đại gọi là lồn, thơ ca siêu thực bảo là bướm.
Ông Bất tiếc ly cà phê, chỉ cho thằng học trò quàng khăn đỏ ly nước lạnh. Mẹ
mày, đồ lếu láo. Mu là gì cơ à, là chữ mũ mà bị chốn tôn nghiêm gọt xoén đi dấu
ngã. Đơn giản chỉ ngần ấy thôi. He he he, về đi cháu ngoan, cho bác an tâm bán
nước.
Hồ Đình Nghiêm