Qua truyện này tác giả xin thắp
một nén hương lòng cho nhạc sĩ Văn Cao
Mới hơn tám giờ tối mà mọi nhà trong khu quận lỵ nhỏ bé nầy đều cửa đóng
then gài. Chỉ có ánh đèn le lói qua các khe hở của vách ván là dấu hiệu người
ta còn thức. Mưa vẫn nặng hạt và đều đều, với từng cơn gió thỉnh thoảng đẩy làn
mưa thành những đường chỉ buông xiêng xiêng trước ánh đèn xe. Có lẽ một phần vì
tình hình chiến sự có vẻ bất ổn sau một loạt đột biến như các vụ di tản chiến
thuật ở Miền Trung, rồi ở Cao Nguyên, và một phần vì trời mưa, nên người dân ở
đây đi nghỉ sớm. Chiếc xe jeep nhà binh dừng trước một căn nhà mái tôn với ánh
đèn bên trong hắt qua các khe của cửa sổ lá sách đã đóng lại. Rạng nhảy ra khỏi
xe, và tài xế cho xe lao đi. Chàng dò dẫm mấy bực thềm trước khi có thể chạm
tay vào cánh cửa. Chàng đứng im nghe ngóng mấy giây. Im phăng phắc - không có
lấy một tiếng xầm xì bên trong. Dán mắt vào một khe hở của vách ván, Rạng vừa
thoáng thấy bóng dáng Trâm đang ngồi chấm bài bên ngọn đèn dầu. Trâm là một cô
giáo mấy năm nay.
Rạng đưa tay định gõ cửa, nhưng dừng lại. Tiếng gõ cửa ban đêm thường
làm ngưòi ta sợ. Chàng nói lớn nhưng ôn tồn:
- Trâm mở cửa cho anh. Rạng đây!
Một cánh
cửa sổ hé mở, và một mái tóc xõa in hình trong khung cửa, rồi một
giọng con
gái reo vui:
- Anh Rạng!
Cửa mở.
Rạng bước vào nhà với bộ áo quần trận phong trần lấm tấm những
hạt mưa,
và Trâm đứng nép một bên nhường lối. Nàng nhìn Rạng từ đầu đến chân rồi hỏi:
- Thật là lâu anh mới đến. Đi công tác một mình hay cả đơn vị?
- Bọn anh lại sắp được ném vào một lò lửa nào đây. Lâu quá nay mới có dịp
qua vùng này nên ghé thăm hai bác và Trâm.
- Ba má
em lên Sài Gòn lo đám hỏi cho anh Trực, mai mới về. Tối nay anh ở lại đây nhé.
Một năm rồi anh mới ghé. Đi đâu mà biệt tích lâu dữ vậy?
Câu nói
thân tình làm Rạng thấy dễ chịu, thoải mái, một thứ cảm giác chỉ có
mái ấm gia đình mới đem lại. Gia đình của Trâm là một mái ấm gia đình
thứ hai đối với quãng đời nhiều xê dịch của Rạng. Trực, anh của Trâm, là bạn
thân của Rạng từ thuở nhỏ. Nhưng chưa bao giờ ý nghĩ đi “cua” em gái bạn đến
vớiRạng. Không phải vì Trâm không đẹp cỡ chim sa cá lặn. Thực ra, một nhan sắc
ưa nhìn như Trâm cũng đủ cho những thằng con trai như Rạng dệt mộng ước, mặc dù
tuổi trẻ nào cũng mang ảo tưởng mình không thiếu giai nhân. Có lẽ vì “lỡ” thân
thiết với Trực quá, và “lỡ” cư xử thân tình với Trâm từ hồi nào không hay nên
“trổ mòi” thì hơi kỳ! Rạng thấy chẳng cần phân tích làm gì. Có thể tình thế là
như vậy, và có thể cũng không hẳn đúng, nhưng chàng biết mình mến mọi ngưới
trong gia đình này, chàng thấy mình quí Trâm vì sự chân thật của nàng. Chàng
vẫn tìm thấy ở gia đình này một điểm tựa tinh thần, nhất là với Trâm. Rạng đáp:
- Anh là cá biển chim trời mà!
- Hay bị cô nào xích anh lại bấy lâu nay?
Đôi mắt Trâm long lanh một vẻ mà Rạng không nói được là một tia nhìn
diễu
cợt hay
thăm dò. Chàng nói:
- Chỉ có thằng Trực sắp bị một người con gái xích lại thì đúng hơn.
Trâm
cười:
- Bị xích hay được xích đấy? Cả anh nữa, phải được xích mới nên người!
Rạng cười lớn và nhìn Trâm. Chắc đúng vậy. Em phải xích anh lại đi Trâm.
Trong một thoáng Rạng nghĩ đến những người con gái khác mình quen biết.
Chẳng có ai đủ “tư cách” buộc chân chàng lại. Trâm thì khác. Ô hay, sao lại đi
so sánh như thế kia! Vấn đề không đặt ra như vậy. Trâm là Trâm. Trâm không nằm
trong bảng sắp hạng những bóng hồng chàng chạy theo. Trâm mang một nghĩa lý
khác đối với Rạng; không phải một cái đích chàng nhắm tới, nhưng cũng không
phải một đối tượng để đùa cợt; không phải là tình yêu để lo lắng, tận tụy,
nhưng cũng không phải một hình bóng thoáng qua rồi mất hút trong quên lãng. Vị
trí của nàng là một cõi nào đó trong ý thức của Rạng, ở đó mỗi lần bất chợt tìm
đến chàng thấy một sự ấm áo, vỗ về. Trâm là một loại ốc đảo trong sa mạc của
một lữ hành. Với Rạng Trâm thật là gần gũi, thân tình mà không là người tình.
Tuy không lãng mạn, chàng vẫn thấy cái đường ranh mờ ảo trong tâm hồn mình có
caí gì đẹp và dễ chịu hơn một tương giao xác định và kề cận của tình yêu trai
gái. Đối diện Trâm chàng cảm thấy một tự do, một phóng khoáng, và cùng lúc, một
tương kính. Nhưng tất cả cái đó sẽ mất đi, hoặc sẽ hết nguyên vẹn với một lời
tỏ tình, một cặp môi hôn, hay một vòng tay ôm siết cuồng si. Có thể đó chính là
đường ranh mờ ảo và đẹp bắt chàng dừng lại. Và gặp lại Trâm sau một thời gian
xê dịch đó đây bao giờ cũng là một hạnh phúc đối với Rạng. Trâm là một thứ em
gái mà Rạng có thể thổ lộ tâm sự mà chính Lan, em gái Rạng, cũng khó có thể
chia sẻ hay cảm thông.
Rạng kéo một chiếc ghế và ngồi đối diện với chồng bài vở Trâm đang chấm
dở. Trâm đi rót nước trà vào tách và bưng đặt lên bàn trước mặt Rạng, đoạn ngồi
vào vị trí cũ. Nàng thu vén chồng bài vở, dẹp sang một bên, và tiếp chuyện
Rạng. Thôi thì đủ thứ chuyện, chuyện đời, chuyện nắng, chuyện mưa … Rạng có cảm
tưởng cái giòng tương đắc của hai người không bao giờ bị cắt đứt, mà chỉ gián
đoạn vì những năm tháng chia xa để lại tiếp tục khi tái ngộ.
Rạng chợt thấy một bản nhạc để ở góc bàn, và với tay cầm xem: bản “Bến
Xuân” của nhạc sĩ Văn Cao. Đó là một trong số các bản ưa thích của Rạng, và
chàng nghĩ có lẽ cũng là một bản ưa chuộng của Trâm. Rạng không quên Trâm có
một giọng ca khá điêu luyện. Có lúc Rạng đã nghĩ nếu Trâm quyết định đi theo
nghề ca hát có lẽ nàng cũng đã thành công. Trâm chợt hỏi:
- Anh Rạng biết bản nhạc này không?
- Biết thôi à? Còn mê nữa kia.
Gương mặt Trâm thoáng một vẻ hài lòng của một kẻ bắt gặp điều mình tìm
kiếm.
Nàng nói nhanh và khẽ:
- Em hát tặng anh nhé.
Rạng trao bản nhạc cho Trâm, ngồi ngay ngắn như đón nhận một món quà.
Liếc nhìn
vẻ “nghiêm trang” của Rạng, Trâm mỉm cười rất tươi:
- Không có đàn, hơi khó ca.
Và giọng trong trẻo, truyền cảm của Trâm cất lên trong gian nhà nhỏ,
giữa
một không
gian im vắng về đêm chỉ có tiếng mưa rơi, gió thổi bên ngoài, và chỉ có hai
người với nhau…
“Nhà
tôi bên chiếc cầu soi nước Em đến tôi một lần…”
Âm thanh trầm bổng của lời ca ru Rạng vào một cõi mộng đẹp vô ngần.
Chàng chiến binh Rạng giã từ những dốc cao, những lũng sâu, những con đường mòn
tử địa với những âm thanh chát chúa của đủ loại súng, với mùi khói súng khét
lẹt, ở đó não cân tê dại hay căng thẳng, để:
“Dìu nhau theo dốc suối nơi ven đồi Còn
thấy chim ghen lời âu yếm Tới đây chân bước cùng ngập ngừng Mắt em
như dáng thuyền soi nước…”
Rạng nghĩ chưa bao giờ giọng ca của Trâm hay đến thế, một giọng ca không
kèn trống phụ họa, không có kỹ thuật âm thanh tăng cường. Nếu có bao giờ ta hy
hữu chiêm ngưỡng một dung nhan Tây Thi không son phấn thì đó chính là cảm giác
của Rạng lúc này đây, khi lắng nghe lời ca trần trụi của Trâm bằng xương bằng
thịt! Lòng chàng lâng lâng. Đôi uyên ương với căn nhà bên suối mộng mị trong
thế giớ âm thanh kia ở trong cõi lòng của mỗi người nghe nhạc.
Rồi lời hai của bài ca làm tâm hồn Rạng chùng xuống một cảm xúc khó tả.
Từ một trạng thái lâng lâng ngây ngất, chàng bước vào một tình cảm nao nao. Cõi
mộng chàng bưóc vào đầu bài ca bây giờ đã tan biến, đã ra đi theo bóng giai
nhân:
“Nhà tôi sao vẫn còn ngơ ngác Em vắng tôi một
chiều Bến nước tiêu điều Còn hằng in nét dáng yêu…”
Giọng Trâm ngân dài với âm cuối bản nhạc, rồi nàng ngước lên nhìn Rạng
mỉm cười, khẽ hỏi:
- Nghe được không, anh Rạng?
- Tuyệt! Anh nhớ lại, có lẽ chưa bao giờ Trâm ca hay như đêm nay. Và bản
“Bến Xuân” là một trong những bản yêu thích của anh, nhưng chưa lần nào câu ca
“Người đi theo mưa gió xa muôn trùngDừng bước
phiêu du về bến cũ…”
lại làm anh cảm xúc như bây giờ. Lời ca đã làm anh nao nao; anh cảm
mà không
diễn đạt được. Có lẽ anh đang sống trong câu ca đó, hay câu hát đã diễn tả
hộ anh những gì anh thể nghiệm về một phần đời của mình, hay những linh
cảm của mình về những ngày mưa gió đang chờ… Anh thật
không biết diễn tả thế nào, nhưng cám ơn Trâm về một giọng ca cùng một
bài ca hay.
- Em tin là anh khen thật chứ không khen lấy lòng. Bỗng nhiên em cảm thấy
rung cảm theo từng lời ca, và có lẽ vì thế làn hơi có cảm hứng phải khác lạ hơn
mọi lần. Có điều lạ là em cũng có cùng một ấn tượng như anh về hình ảnh “mưa
gió xa muôn trùng”.
Rạng im lặng, chẳng biết nói lời gì. Chàng đang tận hưởng một khoái cảm
lâng lâng vì vừa có được một sự đồng cảm. Rạng nghĩ, nếu đời sống còn có những
phút giây cộng hưởng hiếm hoi của hai tâm hồn thì vẫn còn nhiều lý thú, chứ
không đến nỗi nhàm chán; đó là một thứ hạnh phúc mong manh và tiềm tàng. Rạng
thấy từ trước đến giờ Trâm thường có cùng một cảm ứng với chàng trước nhiều sự
vật, từ dáng vẻ một giòng sông đến cảnh trí một hoàng hôn, từ một cuốn phim đến
một nhạc khúc như đêm nay, v.v. Chàng thấy tâm hồn Trâm là một tâm hồn đẹp và
nhạy cảm; nó lai láng như sông nước vùng quê hương mưa nắng hai mùa trong đó
nàng lớn lên.
Tiếng mưa rơi đều đều trên mái tôn hòa với âm thanh vi vu của tưng cơn
gió lướt qua vách ván làm hai người lặng im nghe. Tự nhiên Rạng thấy ngại bước
đường “mưa gió xa muôn trùng” mà ngày mai, ngày kia, và biết đâu đêm nay chàng
phải xông pha. Chàng bắt gặp ánh mắt Trâm, và bỗng nhiên chàng tin Trâm cũng
đang “nhìn” mưa gió như mình. Tình yêu là sự hòa hợp của hai tâm hồn và thể
xác. Có đúng như định nghĩa cổ điển kia không? Lại định nghĩa! Làm sao định
nghĩa được điều không thể định nghĩa! Và tại sao mình lại moi ký ức ra cái câu
quái đản kia? Đã có tình yêu chưa mà xao xuyến. Anh cũng muốn hỏi Trâm đấy.
Rạng không biết mình đang nhìn Trâm hơi lâu. Lần đầu tiên từ ngày quen Rạng,
Trâm cúi xuống tránh tia nhìn của chàng.
Rạng lên tiếng phá tan sự im lặng:
- Thế là Trực quyết định lấy vợ. Cũng đương sự đó phải không?
Trâm chưa kịp trả lời, bỗng có tiếng gõ cửa. Rạng đến bên cửa sổ nhìn và
nhận ra một chiếc xe jeep nhà binh đổ trước nhà. Bên thềm chàng nhận ra
dáng thấp bé của Cảnh, viên sĩ quan phụ trách kế hoạch hành quân. Rạng mở cửa
bước hẳn ra đứng dưới mái hiên, bên cạnh Cảnh. Cảnh bảo nhỏ:
- Về thôi. Lệnh khẩn cấp đêm nay lên đường. Kế hoạch trực thăng vận hủy
bỏ.
Rạng thấy tim mình đập nhanh lên một tí, nhưng không hẳn một sự buốt
nhói.
Chàng chẳng còn lạ với cái màn chợt đến chợt đi của kiếp sống quân ngũ
thời chiến. Chỉ vì Rạng vừa nghĩ đến Trâm. Chắc nàng sẽ nhớ mãi đêm “mưa gió xa
muôn trùng” này. Nhớ hay tiếc nhớ? Thôi đừng tiếc nghe Trâm, để cho đêm nay trở
thành một hoài niệm đẹp về sau. Ý nghĩ ngủ lại đêm trong căn nhà chỉ có chàng
và Trâm làm chàng lo sợ vẩn vơ, sợ biên giới mờ ảo trong lòng mình rồi sẽ mất…
Thôi thế càng hay. Nhưng Rạng bỗng nghe lòng mình thầm hứa sẽ quay lại.
Từ sở làm ra Rạng lái xe đến thẳng nhà vợ chồng Tùng, người bạn chàng
quen biết mấy năm nay, từ lúc “thiên đô” về vùng New England buốt giá này. “Bọn
tớ vừa nhận được một bức thư từ Việt Nam, trong đó có một câu thật bất ngờ nhắn
gửi cậu. Không thể đọc qua phone, cũng không tiện mang đến nhà cho cậu xem. Cậu
ghé lại tớ đi… đàn ông hay đàn bà thì cậu sẽ biết, không muốn tiết lộ sớm!”
Suốt buổi tối hôm qua, rồi cả ngày hôm nay ở sở làm Rạng không ngớt nghĩ
đến lời của Tùng. Có thật có một thư như thế hay tên Tùng này lại lừa mình đến
để uống vài chai bia với hắn, như có lần hắn đã làm hồi năm ngoái. Nhưng Rạng
có linh cảm lần này Tùng nói thật. Rạng moi ký ức nhưng đành chịu, không tìm
nỗi một liên tưởng hợp lý. Chàng nghĩ đến nội dung điển hình của những bức thư
từ Việt Nam: những lời cầu cứu, những bức thư kể chuyện chạy gạo kiếm cơm.
Trong một xứ sở với những thực tại kinh tế bi đát, và một nền cai trị hà khắc,
độc đoán, ai còn lòng dạ viết thư khơi lại những kỷ niệm xưa, những ân tình cũ,
nếu không một ẩn ý đánh thức chút tình cảm còn sót lại ở những thân nhân, bạn
bè giờ đây đang no đủ ở ngoài nước. Có thể một lời nhắn gửi như thế lắm.
Vừa trông thấy Rạng vợ Tùng tươi cười nói:
- Anh Rạng ngồi xuống đây, bình tỉnh lại nhé!
Tùng cầm tờ thư bằng giấy mỏng, loại giấy ở Việt Nam người ta vẫn dùng
để
viết thư,
chi chit chữ nhỏ li ti viết tràn ra cả ngoài lề, đưa cho Rạng:
- Cái câu liên quan tới cậu tớ gạch đít bằng bút đỏ. Nhưng cậu có thể đọc
hết bức thư.
Rạng dán mắt ngay vào hàng chữ có gạch đỏ. Chỉ vỏn vẹn một câu, không
dài, không ngắn, thật đầy đủ, và cũng thật…khó tả! Nó sắc như nhát dao bổ đôi ý
thức Rạng. Trâm! Có thế mà Rạng đã không nghĩ ra. Vâng, chàng chỉ không nghĩ
ra, chứ không thể quên nàng. Làm sao có thể nghĩ đến được, vì đời sống là một
chuỗi những tình cờ. Tình cờ chàng quen biết vợ chồng Tùng. Và Trâm là tình cờ
như thế nào với hai người này? Rạng tò mò đọc hết bức thư từ đầu đến cuối để
cuối cùng phải hỏi Mai, vợ Tùng, về liên hệ họ hàng với Trâm. Mai và Trâm là
đôi chị em con dì. Rạng đọc lại những chữ gạch đỏ một lần nữa trước khi trả tờ
thư lại cho vợ chồng Tùng. “Cho em gửi lời thăm anh Rạng và nhắn với ảnh
rằng người đi theo mưa gió xa muôn trùng bao giờ mới về thăm lại Việt Nam.”
Mai hỏi một câu thăm dò:
- Chắc hai người có nhiều kỷ niệm đặc biệt với nhau lắm thì phải?
Rạng mỉm cười, lòng phân vân, tự hỏi có nên kể lại cái điển tích “mưa
gió xa muôn trùng” của một đêm năm xưa không. Chàng chẳng thấy hứng thú khơi
lại chút tro tàn dĩ vãng của mình và Trâm. Rạng nghĩ có lẽ một ai đó đã đúng
khi nói rằng đàn bà thường chắc chiu kỷ niệm mà đàn ông thì không thích sống
với kỷ niệm nhiều. Rạng chậm rãi nói:
- Không có kỷ niệm gì đặc biệt cả,
chị ơi. Cô ấy nhắc lại câu ca trong bản “Bến Xuân” của Văn Cao để trêu tôi đấy.
Số là hồi đó tôi hay đến nhà chơi với Trực, và Trâm biết tôi rất thích câu hát
đó, thế thôi.
Dù không chắc chiu cái kỷ niệm năm xưa như Trâm, dù ký ức mình chẳng
mấy khi khơi lại nó trong gần hai mươi năm nay, dù bây giờ bên cạnh mình
đã có hẳn một người đàn bà và bốn nhóc con nhi nhô, và dù cuộc sống xứ này như
bánh xe lăn quay không cho chàng ngừng nghỉ, Rạng phải nhận rằng lời thư của
Trâm đã len vào tâm tư chàng qua một ngõ ngách khác. Trâm không chỉ là một kỷ
niệm.
Đêm từ giã Trâm ra đi, Rạng đã theo đơn vị di chuyển về hướng Cần Thơ.
Cả
tiều đoàn không ai biết mục đích chuyển quân, chỉ làm theo lệnh trên.
Trưa hôm sau, khi còn cách phi trường Trà Nóc ba cây số, Rạng và tất cả đồng
đội sửng sốt nghe lệnh đầu hàng phát đi từ Sài Gòn! Tại sao? Miền Tây mênh mông
không hề nhận một dấu hiệu nào của chiến trận khốc liệt, đơn vị chàng còn
nguyên vẹn, cả một quân đoàn còn nguyên vẹn, và bao nhiêu quân đoàn khác nữa…
Tại sao? Mọi người lặng thinh, trầm ngâm. Rạng nhìn lại những năm tháng miệt
mài phong sương, nghĩ đến những đồng đội đã gục ngã. Đơn vị trưởng di họp về
cho hay mọi người có thể tự do về nhà hay theo đến điểm hẹn để được tàu đón rời
Việt Nam. Rạng đã thấy những giọt nước mắt long lanh trên nhiều khuông mặt. Dĩ
nhiên Rạng chấp nhận ra đi. Từng khuông mặt của người thân hiện về trong trí chàng.
Rạng sắp bỏ lại tất cả. Bỗng khuông mặt Trâm hiện ra rõ nét nhất và bao trùm cả
không gian! Nàng sẽ ở lại hay cũng ra đi? Làm sao Trâm có thể có phương tiện.
Hay là mình chạy về rủ Trâm cùng đi? Không được, trễ rồi! Bây giờ Rạng còn nhớ
rõ lúc đứng trên tàu nhìn trời nước mênh mông chàng đã nghĩ đến Trâm nhiều hơn
nghĩ về người thân của mình. Chàng không nhớ mình đang đi xa Việt Nam, mà chỉ
thấy mình thực sự xa Trâm. Hình ảnh Trâm bị bỏ lại xa dần, nhòa dần sau muôn
trùng sóng. Và bây giờ Rạng còn nhớ rõ trên con tàu vượt trùng dương buồn bã
năm ấy mình đã quay nhìn Việt Nam thầm nói, “Trâm ơi, giờ đây xa bến bờ anh
mới thực sự đi theo mưa gió xa muôn trùng…”
HÀ KỲ LAM