Phóng dịch một trích đoạn tiểu thuyết,nguyên bản Đức ngữ:"Tausend Jahre im Augenblick" (Trong
khoảnh khắc ngàn năm), cùng tác giả.
Kể từ lần
viếng thăm giữa khuya của nhà truyền giáo, kỳ lạ thay, thỉnh thoảng thầy Thông
lại tự hỏi về lai lịch mình cũng như về niềm tin tôn giáo. Chính thầy cũng
không rõ, cha mẹ mình là ai và quê quán ở đâu. Thầy chỉ biết mình xuất thân từ
một cô nhi viện vùng ngoại ô Sài gòn, sống bằng tiền bố thí của những nhà hảo
tâm và được vài mụ đàn bà cao số chăm sóc. Vài đứa lơn lớn còn đặt chuyện dèm
pha mấy bà giữ trẻ hỗn danh phù thuỷ: bà này ế chồng vì xấu xí và hôi hám, còn
bà nọ bị gia đình làng xóm cạo đầu bôi vôi, đuổi đi vì tội lang chạ.
Thầy nhớ lại thời thơ ấu, ngày hai bữa mỗi đứa trẻ nhận được một chén
cơm gạo xấu với nước mắm thô và canh rau lạt lẽo. Thỉnh thoảng có thêm thịt mỡ
hoặc cá vụn kho mặn. Thế giới trẻ thơ của cậu nhỏ dĩnh ngộ và rụt rè tột
độ tên Thông, suốt nhiều năm, là một chuỗi nghịch lý như đêm ngày. Câm lặng ban
ngày. Ban đêm quẩn quanh trong miền đất hoang tưởng. Cậu mường tượng mình là
một sinh vật từ xứ trời lạc xuống trần gian. Một thiên sứ có tài xét đoán và
ngủ mộng bằng một ngôn ngữ khác, có thói ăn nếp uống khác, và biết bay. Cậu tin
sẽ có một ngày, ai đó từ quê trời đến đây, dẫn cậu phiêu lưu khắp thiên địa.
Người nào? Ai? Lập tức cậu sẽ nhận ra.
Hôm đó là một chiều tháng hai nóng hầm, đầy bụi bặm, vài ngày sau tết
nguyên đán của người An nam, cậu còn nhớ rõ tuần tự sự việc xảy ra. Mấy bà phù
thuỷ chuẩn bị tiếp đón một vị khách đặc biệt: một người đàn bà da trắng, đẫy
đà, màu mắt xanh ngọc xa-phia và mái tóc màu nâu đồng. Bà mặc áo lụa trơn tay
ngắn, váy dài phủ gối màu xanh lam, hai bắp chuối nổi mạng nhện những đường gân
xanh. Thái độ ý tứ và cách cư xử rộng lượng của bà khách thổi vào thường nhật
tẻ nhạt của viện mồ côi một luồng sinh lực linh hoạt. Ngay cả Kim An, con bé mù
bẩm sinh nhỏ tuổi nhất của viện, cũng bị giọng nói nhung êm và tiếng cười trong
vắt của bà khách quyến rũ, dọ dẫm chui ra vỏ ốc tối ám. Có vẻ như bà khách để ý
tới cậu nhỏ có tâm tính hướng nội tên Thông. Ma-đàm thường có mặt vào những
trưa thứ bảy, ở lại và chơi đùa với lũ trẻ tới chiều tối, sau đó dẫn Thông theo
về nhà qua hết chủ nhật, trước những vẻ mặt ganh tỵ và thèm khát của đám trẻ bị
bỏ lại, nhất là của Kim An.
Cơ ngơi của ma-đàm là một biệt thự thuộc quận nhất, có vườn cây rũ bóng
mát bao bọc, chíu chít tiếng chim hót. Thông khó thể tưởng tượng nổi, cớ sao
ma-đàm và mơ-xừ, không kể bà bếp và chú tài xế tề chỉnh trong y phục trắng, có
thể sống trong một ngôi nhà rộng lớn như vậy mà không thấy "lạc lõng và cô
quạnh".
Trước đó, với Thông, cô đơn còn là một khái niệm xa lạ. Cậu chỉ biết,
bị-bỏ-rơi là thứ cảm giác khiếp đảm cùng cực. Vì lẽ đó, con bé mù Kim An lúc
nào cũng mò mẫm tới gần cậu, tìm một hơi ấm che chở và, bằng một sợi dây thắt
quanh bụng, để cậu dẫn dắt lòng vòng mọi nơi, cả những lúc đi cầu và tắm gội.
Vì lẽ đó, con bé muốn được cậu lâu lâu ấn đầu ngón tay lên thân thể, như một
tín hiệu của lòng thương cảm và sinh động. Vì lẽ đó, cậu đã có lần thì thầm thổ
lộ cho mỗi mình con bé biết, trong lúc vạch tóc bắt chí, về những mộng tưởng
của mình. Luôn cả giấc mơ gặp một người đàn ông khổng lồ với chòm râu rậm từ
trời hiện xuống, dẫn cậu về lại nguyên quán.
Trong những chủ nhật đầu tại nhà ma-đàm, Thông bối rối và thất vọng ra
mặt. Mơ-xừ Lacroix chẳng có nét gì giống cái nhân vật cậu thấy trong mơ. Đêm
đầu tiên, một mình một phòng rộng, không gian lạ mùi, cậu ngủ khó. Một lúc,
nghe như có tiếng ai hét hoảng, cậu giật mình tỉnh giấc trong luồng trăng sáng
lân tinh luồn qua ô cửa sổ chấn song sắt. Mồ hôi đẫm ướt thân thể, cậu cảm nhận
tiếng rú nửa người nửa thú mới nãy chính là tiếng hét của Kim An thường vang
vẳng giữa khuya. Có điều lạ, phòng ngủ của cậu toả váng vất hương thuốc vố của
mơ-xừ, mà bà bếp có lần che miệng tiết lộ, đó là mùi khói thuốc quỉ quái của
mơ-xừ.
Sau lần đó và những lần kế tiếp, Thông bắt đầu hiểu ra ý nghĩa của cô
quạnh, một từ ngữ được cậu tra thêm vào pho tự điển sống. Không phải chỉ bấy
nhiêu, Thông còn nhanh chóng học được ngôn ngữ của một nền văn hoá xa lạ và
biết thêm, ma-đàm có tên Christine, còn mơ-xừ là Jean-Claude. Và cậu khởi sự va
chạm với những đam mê khác của mơ-xừ, chẳng hạn sở thích hút á phiện, và tập
cách chuẩn bị bàn đèn cho ông. Dành riêng cho lạc thú này, mơ-xừ nhoẻn cười
thầm thì với Thông, là "hang động thằn lằn", chỗ ông trang bị mọi thứ
cần thiết: một tấm chiếu đan hình rồng trải dưới sàn gạch bông, một gối gỗ kiểu
trung hoa và một khay đèn sơn mài đựng sẵn đồ nghề. Cảm giác rúng động tan biến
tức khắc khi Thông bắt được hương thơm tuyệt vời của "thú tiêu khiển ma
quỉ" này, theo như cách mơ-xừ thường gọi.
Trước tiên, ông thắp tim đèn dầu, cởi y phục mặc trong nhà, xỏ hờ cái
quần ngủ dệt lụa bản xứ, rồi ngả người nằm nghiêng, ngực trần thoải mái ra
chiếu. Bằng những cử động dè chừng, như thể hao mòn sinh lực, ông chỉ cho Thông
cách dùng kim bạc vít một ít nhựa thuốc nâu quánh đựng trong hộp con bằng sứ
tráng men, se se trên ngọn đèn, rồi lắp tể thuốc vào khe trống đầu dọc tẩu bằng
ngà chạm khắc tinh vi. Sau vài động tác thuần thục, mơ-xừ đã sẵn sàng. Trong
không gian tĩnh lặng, tường vách soi yếu vệt nắng muộn lách qua rãnh cửa lá
sách, vang khẽ chuỗi âm thanh khò khè, nghe như mơ-xừ bất ngờ lên cơn suyễn.
Những gì xảy ra tiếp đó, rất khó diễn tả. Sau vài lần hít sâu khoan khoái,
Thông thấy mơ-xừ buông xuôi mệt đắm. Ngay chính cậu cũng lả người phóng dật,
say xẩm trong trạng thái lửng lơ giữa ranh giới không gian và thời gian. Trong
cơn tỉnh thức đê mê cậu nghiệm thấy bầy thằn lằn rời chốn ẩn náu, như bầy thú
được tập luyện làm xiếc, cùng lúc bò ra, dán chân bám trần nhà. Trong gian
phòng leo lét ánh đèn dầu, trông chúng có vẻ như phát quang từ nội tạng. Trần
vôi hoá thành vòm đêm lấp lánh đầy sao, mấp mô những vòng cung và sa số đơn vị
hình khối đắp lên nắp hộp vuông khổng lồ. Thông sực nhớ mẩu chuyện của một bà
giữ trẻ kể về loài sâu tằm. Sau nhiều tháng được nuôi dưỡng bằng lá dâu, tới
đêm rằm tháng giêng, được lực trăng kích động, chúng toả sắc mống trời và nhẩn
nha nhả tơ dệt kén. Thông không rõ, chuyện kể có phản ảnh đúng sự thật, và màn
diễn trò kỳ lạ của bầy thằn lằn có thực hay chỉ là khoảnh khắc huyễn tưởng
trong cơn say thuốc?
Sau đó cậu hỏi mơ-xừ có nghiệm thấy giống cậu.
»Mấy con thằn lằn cũng ghiền á phiện như ta vậy«, mơ-xừ quả quyết.
»Nhưng ta không thấy rõ chúng, vì ta phiêu du suốt.«
»Phiêu du đâu vậy?« Thông ngơ ngẩn hỏi.
»Khó giải thích lắm. Ta thấy người như mất trọng lượng, nhẹ hẫng và dễ
vỡ như bong bóng xà-phòng, lượn lờ chỗ này chỗ kia... Một cảm giác cực kỳ lạc
thú.«
Về sau, mỗi khi tới nhà ma-đàm và mơ-xừ, điều trước tiên cậu hỏi mơ-xừ
là »lối dẫn đến hang động thằn lằn«. Không phải vì cậu ghiền ma tuý, mà chỉ vì
cậu muốn chiêm nghiệm lần nữa màn diễn trò của lũ bò sát, cũng như được phép
sửa soạn nghi lễ bàn đèn thú vị cho mơ-xừ.
Sau mỗi lần viếng nhà đôi vợ chồng hảo tâm, trở lại viện mồ côi, Thông
đều mang nhiều quà cho Kim An. Cô bé nhỏ lệ mừng Thông trở lại và luôn miệng
miệng hỏi chừng, có thể nào Thông đi luôn không về? Cậu biết phải trả lời sao đây? Với ngần ấy tuổi, chính xác bao nhiêu cậu
còn chưa rõ, thì làm sao cậu biết cách giải thích cho Kim An hiểu, khi cô bé
chưa một lần trong đời tận mắt thấy, rằng sắc hồng của rổ mận cậu hái trong
vườn nhà ma-đàm và mơ-xừ mơn mởn tới độ nào? Và làm sao cậu có thể thuyết
phục được Kim An, rằng cảm giác vỗ về ve vuốt dễ chịu gấp ngàn lần hành động ấn
tay chỗ này chỗ kia trên da thịt? Những điều chưa nói của Thông hoá nên vô
nghĩa, khi cậu thấy đôi dòng lệ lăn dài từ hõm mắt trắng nhờ của Kim An. Lẽ đó
cậu lặng thinh. Theo lời mấy đứa khác kể lại, nửa ganh tỵ nửa ác ý, mỗi khuya
chủ nhật vắng mặt Thông, chúng đều bị tiếng than khóc của Kim An quấy phá.
Giọng rên rỉ nghe như tiếng sói con tập tành hú trăng. Thông thắc mắc, bằng
cách nào Kim An nhận thức ra màu trăng sáng trong cảnh giới vô hình và vô sắc?
Như thể đọc được những hoài nghi trong trí Thông, lần nọ Kim An tiết lộ
cho cậu biết, rằng cô cảm nhận sắc màu cảnh vật xung quanh bằng khứu giác.
»Màu của trái chín có mùi ngòn ngọt«, cô bé nói. »Mưa thơm hương hoa như
áo quần mới giặt. Một trưa nóng có mùi mục nát, và ...«, giọng cô bé run bật,
»máu tanh mùi đau đớn và đói khổ ...«
Cô bé bối rối ngưng lời, liên tưởng tiếng gia cầm oang oác khi bị làm
thịt sửa soạn cho những dịp lễ lớn trong năm, mà cô và Thông thỉnh thoảng hiện
diện. Và cái mùi ấy đã hằn sâu trong tâm thức cô, bắt cô mường tượng ra màu sắc
của cái chết. Trong giây lát ấy người cô bé run giật bần bật. Cánh tay trơ
xương của cô bé giơ ra, quờ quạng.
»Không sao hết. Có tao đây«, Thông trấn an và ôm chầm lấy cô bé. Mấy đầu
ngón tay cậu ấn vội lên đó đây khoảng bụng ốm, để tỏ bày những tín hiệu thương
yêu, dẫu bất thường.
Kể từ đấy Thông biết thêm, không phải chỉ có mưa mà cả buổi trưa oi bức,
và ngay đến cái chết của gà vịt đều mang màu sắc. Dần dà Thông chỉ bảo cho Kim
An hiểu những khái niệm của sắc độ: Vàng cam là màu trái chín. Xanh lơ là màu
trời một ngày nắng. Xanh lục là sắc lá những vòm cây. Đỏ là màu máu. Đen là màu
đêm không trăng. Và trắng là sắc mây lướt ngang trời.
»Không, ...« Thông ngần ngừ, »chưa đúng hẳn. Mây và trời đổi màu theo
thời khắc. Những sáng nắng đẹp có màu tím đỏ, rồi cam ... Tao hiểu rồi, chúng
đổi màu theo bảy sắc cầu vồng. Y hệt.«
»Còn mày, mày có màu vàng cam, vì mày thơm mùi trái cây chín ngọt«, Kim
An hớn hở thêm vào. »Nói cho em biết đi, anh Thông ơi«, Kim An đột ngột đổi
cách xưng hô, »những chủ nhật vắng mặt anh có màu gì?«
»Chủ nhật không có màu gì hết«, Thông bối rối.
»Có, chắc chắn, bởi vì những hôm ấy thoảng mùi gì lẻ loi ghê lắm«, cô bé
gật gù, hai lõm mắt hoen ướt. Trong lúc cậu nhỏ còn tìm lời an ủi, cô đã tiếp
lời. »Em ghê tởm màu của cảm-giác-bị-bỏ-lại-trơ-trọi, vì nó bốc mùi
chuột chết thúi tha!«
Khuya đó lũ trẻ giật bắn vì một tràng tiếng hét kinh hoàng, vọng lại từ
phòng tập thể dành riêng cho các bà giữ trẻ. Lập tức một đứa được cử đi dọ
thám. Lâu sau trở lại, nó kể giọng hốt hoảng, thấy rõ ràng bà mụ, ai cũng quen
mặt ở khu phố này, đang cầm kềm kéo gắng sức lôi ra một nhúm thịt da máu me bầy
hầy từ bụng bà Năm mập. Hẳn là đau lắm, vì nó nghe bà Năm la lên mỗi lần bà mụ
hô lớn: »Thở gấp! Hả họng lấy hơi! Rặn!« Thấy ghê quá, nó bỏ đi, không dám ngó
tiếp.
»Anh Thông ơi, em sợ«, Kim An thều thào, mò mẫm bò qua manh chiếu chỗ
Thông nằm, rúm người chui vào lòng cậu. »Từ nãy tới giờ bốc toàn mùi của sắc
màu đau khổ.«
Sáng dậy, lũ trẻ nghe tin, khuya qua bà Năm cho ra đời một em bé. Bởi bà
khăng khăng không tiết lộ danh tánh cha đứa trẻ, nên bọn trẻ đồng ý
với nhau, hài nhi cũng là trẻ mồ côi, nhưng không giống như chúng, mà chỉ một
nửa.
Hai năm sau, nhân dịp bãi trường, ông bà Lacroix có ý đem Thông về thăm
quê hương bốn tháng. Hai người bàn với cậu về chuyện rửa tội theo đạo Thiên
chúa tại thánh đường, nơi họ đã nhận bí tích hôn phối. Mỗi người chúng ta cần
phải trải qua nghi lễ này, Ma-đàm giải thích, để gội sạch tội lỗi tổ tông trước
khi trở thành tín đồ thiên chúa. Niềm phấn khởi ban đầu của Thông lụn tàn chóng
vánh, khi cậu thấy Kim An trở nên khép kín khác thường. Ngày lên đường càng
gần, thái độ của cô bé càng rối loạn. Trông Kim An giống như một con búp-bê bị
cô chủ bỏ rơi vì một món đồ chơi mới mẻ khác. Mọi lời an ủi của Thông đều thất
bại. Điều làm cậu bận tâm nhất là phản ứng cực đoan của cô bé, tìm đủ cách
tránh né Thông. Có lần cô còn cố tình dùng vật nhọn tự gây thương tích, bị các
bà giữ trẻ trừng phạt, xích chân vào gốc ổi nửa ngày như một con chó dữ. Thông
lo đem cho cô miếng ăn hớp nước, khử độc vết thương bằng nước lá ổi nấu chín,
và không khỏi bàng hoàng, khi nghe cô thỏ thẻ, rằng cô mãn nguyện với khuyết
tật mù bẩm sinh, vì diễm phúc thấy được thế giới màu sắc của những người có cặp
mắt lành lặn, với cô, là »trò lừa gạt lớn nhất« của thị giác.
Cho tới lúc Thông có mặt tại miệt biển Côte d’Azur, nơi chôn nhau cắt
rún của ma-đàm và mơ-xừ, xa quê muôn dặm, trong một ngôi nhà nghỉ mát thoảng
hương á phiện, du dương điệu sóng vỗ, thêm lần nữa trong giấc ngủ mơ, cậu nghe
lại tiếng sói tru rên rỉ. Mặc dù giấc chiêm bao nhuốm sắc huyễn hoặc như được
bàn tay trẻ con dồi dào ý tưởng tô phết, cậu vẫn nhận ra ký hiệu của một thế
giới đầy mâu thuẫn ẩn trong những sắc thể. Khung đêm xanh ngọc thạch. Vầng
trăng loé chanh lục. Rặng núi vàng như tràn ngập cánh đồng hoa cúc đang độ nở.
Con sói đỏ rực màu phượng vĩ. Và lạ lùng hơn cả: Thông còn nhận ra, hương á
phiện trong giấc mộng biến thành mùi nồng nặc khó ngửi, đã có lần được Kim An liên
kết với đớn đau và bất hạnh. Màu của cái chết.
Bốn tháng sau, Thông trở lại viện mồ côi, tức khắc được những đứa trẻ
khác kể lại những gì đã xảy ra cho Kim An trong lúc vắng cậu. Cô bé bỏ ăn, ốm
trơ xương. Đêm, cô không ngủ, kêu rú như thú vật, bị mấy bà phù thuỷ nhốt trong
phòng hẹp. Bữa nọ, cô lấy đinh sét đâm vào bụng. Vết thương làm độc, hành hạ cô
chết đau đớn, xác bó chiếu đem chôn trong nghĩa địa những người vô gia cư.
Hôm Thông tới thăm, đang độ cuối mùa phượng vĩ. Hoa rụng lên mộ Kim An,
lốm đốm hoen máu. Cậu sấp người, giang tay ôm lấy nắm mộ con, bật khóc, hít thở
hương hoa úa, hương đất và hương hoài niệm. Lần đầu tiên trong quãng đời non
trẻ, cậu thật sự cảm nhận mùi hương của khổ đau từng được Kim An nhắc nhở.
Nhưng trong khoảnh khắc này, lại là mùi dễ chịu của cái chết. Thông tin mình đã
cảm nhận được, ấy là hương sắc hình bóng cũ đang dấy mầm tái sinh trong tâm
thức cậu.
Chiều hôm ấy, có người phu đào huyệt tìm thấy Thông nằm mê man trên mộ
con bé mồ côi Kim An, lập tức báo tin cho các bà giữ trẻ trong cô nhi viện. Cậu
được cha mẹ nuôi đưa vào một bệnh viện dành cho Pháp kiều. Sáu tháng sau, cậu
hồi tỉnh, chỉ biết ra hiệu như thể quên mất ngôn ngữ loài người. Trên bụng cậu
thấy hiện mờ vài vết tích như bị vật nhọn châm chích, không thể chẩn đoán
nguyên do từ đâu. Theo lời y sĩ, khả năng hồi tưởng của cậu còn yếu vì tâm thân
suy nhược, cần nhiều yên tĩnh và được bồi dưỡng lâu dài. Sau khi xuất viện,
ma-đàm và mơ-xừ Lacroix đem cậu về nhà riêng. Nhờ được chăm sóc bằng lòng
thương yêu và kiên nhẫn, mù sương ký ức Thông dần dà tan biến, và cậu từ từ lắp
ráp những ảnh sắc quá khứ vào khung trí nhớ rách rưới. Chỗ này một gương mặt,
chỗ kia một giọng nói thân quen ... Có điều, Thông không thể ngờ, đó chính là
chân dung và ngũ uẩn của Kim An tái sinh đây đó trong ý thức cậu.
Ma-đàm và mơ-xừ Lacroix mừng rỡ khi nghe Thông, bữa nọ, bật nói trở lại.
Cho dẫu cậu đổi giọng trong trẻo hơn trước như một đứa con gái, nhưng chẳng hề
gì. Để ăn mừng, họ tổ chức một bữa tiệc lớn. Tất cả những nhân vật tiếng tăm ở
Sài gòn, bản xứ cũng như Pháp kiều, đều được mời tham dự, có cả linh mục truyền
giáo Paul Debeauvais vừa đặt chân lên xứ An nam. Vừa chạm mặt người đàn ông râu
rậm, Thông giật bắn người. Mặc dù trí nhớ còn kém, cậu vẫn nhận ra tức khắc, đó
chính là cái người đã tỏ lời nhắn nhủ cậu trong mơ, sẽ có ngày đến dẫn cậu du
hành cùng ông. Nhà truyền giáo tỏ vẻ đặc biệt để ý tới cậu thiếu niên có âm
giọng nữ phái, nói rành ngôn ngữ mẹ đẻ của ông. Bắt đầu từ đó ông thường xuyên
liên lạc với Thông và vợ chồng ông bà Lacroix.
Gần mười năm sau, Thông đến tuổi trưởng thành và kết thúc học trình tại
một trường trung học Pháp, nhà truyền giáo ngỏ lời cùng mơ-xừ và ma-đàm
Lacroix, cho phép ông nhận cậu làm người thông ngôn theo ông trong hành trình
truyền giáo xuôi miền đồng bằng sông Cửu long.
(Đức, tháng 4.2015)