22 June 2015

NGƯỜI BẠN - Phạm Hồng Ân

Tiếng chuông cửa reo vang, tôi chưa kịp đứng lên, chợt thấy bóng người đàn ông dán sát bên tấm cửa sắt từ lúc nào. Triều lật đật quay ngược tấm bìa xuống bàn, rồi chạy ào ra hướng cửa, mở khóa cót két.
– Ê, Thuần. Khỏe không? Ma quỉ nào chỉ lối dẫn đường, hôm nay lại đi lạc xuống khu bình dân này vậy?
Người đàn ông cười hề hề.

– Đi mời đám cưới. Còn có đứa con gái út, xin mời ông bà đến tham dự đưa cháu về nhà chồng. Mấy hôm nay cháu buồn rười rượi. Con gái mà…lần đầu xa cha mẹ…

Triều ngó qua tôi, trỏ vào người đàn ông.

– Thuần đó! Anh ta thuộc Hội Thánh Tin Lành Linda Vista. Làm hãng, nhưng có nghề tay trái là nhiếp ảnh. Anh đã tạo nhiều tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng trong cộng đồng.
Triều nhào đến Thuần, kéo tay hắn gắn chặt vào tay tôi.
– Thằng này là thằng Ân. Chắc mày cũng biết? Tau đang vẻ tranh bìa cho tập thơ của nó.
Thuần lại cười hề hề. Giọng cười buông thả. Tiếng nói chầm chậm, an lành…làm tôi nhớ đến một người bạn tù ngày xưa.
– Mẹ, Phải mày là Thuần Cạo không? Thuần trại tù Cao Lãnh chứ gì? Chuyên môn vác túi đi cạo gió, châm cứu cho các bạn tù bệnh hoạn chứ gì?
Thuần nhào tới, ôm tôi vào lòng.
– Đúng rồi. Thuần Cạo đây! Mày là Ân Ghẻ phải không?
Hai bạn tù gặp lại nhau, lòng bùi ngùi nhắc lại kỷ niệm xưa. Thế là, dỉ nhiên, tôi có một tấm thiệp cưới tham dự vào ngày vui của con gái bạn mình.
***
Trại tù Cao Lãnh nguyên là trung tâm huấn luyện Trần Quốc Toãn của quân đội cộng hòa ngày trước. Sau ngày “xập tiệm”, hàng ngàn sĩ quan miền nam bị đưa vào đó để tự khai tự kiểm, sau đó cộng sản mới phân loại đưa ra Bắc hoặc đi lao động khắp nơi. Tôi gặp Thuần ở đây. Chúng tôi ngủ khác “sam” nhau, nhưng cùng chung một đội. “Sam” Thuần và “sam” tôi nằm nối tiếp theo đường dọc, chỉ cách nhau bởi một khoảnh sân đầy đá cục lởm chởm. Đội tù chúng tôi là đội tù cấp úy. Còn cấp tá thì “đóng đô” phía bên kia đường, ngó ra cái tiểu lộ đìu hiu dầy đặc ổ gà. Một hôm, bên đội tù cấp tá lao nhao lên vì có một ông trung tá nào đó treo cổ tự tử. Đội tù cấp tá lao nhao kéo đội tù cấp úy lao nhao theo. Khí tiết anh hùng của quân đội cộng hòa vẫn tiếp diễn, nối tiếp nhau cho đến khi bị cầm tù. Đội tù lao nhao, chỉ có Thuần lặng lẽ một mình rút lui ra cây trứng cá, tìm một chỗ vắng vẻ ngồi xếp bằng im lìm, mắt nhắm lại, mặt bất động…lạnh như đá. Thấy lạ, tôi phóng theo Thuần, lắc vai bạn.
– Mày cảm thấy thế nào? Có sao không Thuần?
Thuần mở mắt ra, nhìn tôi buồn buồn.
-Tau đang cầu nguyện cho ông trung tá vừa mất ở đội tù bên kia. Mày ngồi xuống đây, hiệp lực cầu nguyện với tau, nhanh lên!
Tôi loay quay, lúng túng. Nào có biết cầu nguyện là ra làm sao? Nhưng cũng ngồi xuống với bạn, khấn vái theo ý niệm của mình.
Từ đó, tôi mới biết Thuần theo đạo Tin Lành. Đạo Tin Lành là đạo thờ Chúa. Tôi không biết những tín hữu theo đạo này đều có phong cách giống Thuần không? Riêng ở Thuần, anh quá hiền lành, quá độ lượng. Anh moi thùng rác chứa đồ phế thải của trung tâm huấn luyện ngày xưa tìm từng tấm thẻ bài, để dành cạo gió cho các bạn tù. Anh lượm những dây điện thoại hư hỏng, cắt từng khúc làm thành những cây kim châm cứu giúp người. Gặp việc khó, anh không từ nan. Lúc bực mình, không hề nóng nảy, giận dữ. Giọng nói anh luôn luôn chầm chậm, từ tốn mang an lành đến với mọi người. Nụ cười anh bao giờ cũng hề hề, thứ tha và bao dung trong mọi hoàn cảnh.
Rồi có một ngày thăm nuôi, đội tôi lại lao nhao vì cái tin vợ Thuần bỏ chồng đi lấy người khác. Tụi nó đồn um lên, vợ Thuần dắt người chồng mới đến giới thiệu, rồi nói lời chia tay với Thuần từ đây. Tôi bán tín bán nghi, vội chạy tìm Thuần hỏi ra sự thật. Thuần đang lui cui soạn mớ đồ nghề cho vào túi, chuẩn bị qua “sam” láng giềng châm cứu cho người bệnh.
– Sao? Thăm nuôi có gì vui không? Chị nhà vẫn khỏe?
Thuần cười hề hề.
– Cũng bình thường thôi. Bả vẫn khỏe re như con bò kéo xe.
– Bò kéo xe mà sao khỏe re, cha nội?
Thuần lại cười hề hề.
– Nó khỏe re nên nó mới kéo xe. Mà này, tau vừa có được thuốc Xuân Lộc ngon lắm, để tau chia cho mày một nửa.
– Được rồi, vụ đó sẽ tính sau. Bây giờ, xin hỏi ông một chuyện. Có trật thì bỏ qua. Có trúng thì chia xẻ với nhau. Đồng ý?
Thuần lại cười hề hề.
– Chuyện gì quan trọng thế? Bạn cứ hỏi mình đi!
– Vợ ông đã chia tay với ông, phải không?
Giọng Thuần chùng xuống, chầm chậm một cách nhẹ nhàng.
– Bà xã tôi có chồng khác rồi. Tội nghiệp, trước đây cô ta là học trò nghèo. Lấy tôi, cũng là thằng lính nghèo. Ông biết, thời buổi này, không nghề ngỗng gì, lại ôm thêm hai thằng con dại. Cô ta đành nương tựa vào người khác, đó là điều tất nhiên.
– Trời đất! Điều tất nhiên. Có nghĩa là ông không buồn đau, không than trách chi hết? Nhưng còn hai thằng con? Tệ nhất, ông cũng phải thương xót chúng nó chứ?
– Cô ấy nói, người đó hứa bảo bọc dưỡng nuôi hai đứa nhỏ một cách đàng hoàng. Mình lo không được, có người lo dùm. Mình chưa có dịp cám ơn họ, ở đó mà còn than với trách?
Bỗng dưng, Thuần kéo tôi vào lòng, vỗ nhẹ vào vai thân mật.
– Thôi, mình dẹp chuyện rắc rối này qua một bên đi. Biết đâu đây là ý Chúa. Biết đâu Chúa đang thử thách tôi đó!
– Sao Anh biết đây là ý Chúa?
Thuần cười hề hề.
– Mình phải có đức tin chứ! Đức tin là ngọn đuốc, soi đường cho mình đi tới. Không có đức tin, chúng ta dễ mù quáng trong cuộc đời…
***
Đám cưới con gái Thuần tưng bừng và thân mật. Khách tham dự đa số là dân HO. Số còn lại là tín hữu, các đồng nghiệp và các bạn nhiếp ảnh nghệ thuật. Hai ông xui, ngày trước, chung cảnh ngộ tù đày…nên dễ cảm thông nhau, hợp cùng hai bà xui ra tận cổng nhà hàng chào đón bà con cô bác đến chung vui. Đêm đó, Thuần sáng tác một bản nhạc tiễn cô con gái thân yêu về nhà chồng. Bản nhạc do chính cô dâu ca với tất cả tấm lòng. Lời và nhạc quyện vào nhau báo hiệu hạnh phúc mới đang tràn ngập ở phía trước, nhưng cũng nhắc nhở nỗi đau còn ràn rụa ở phía sau…khiến người ca tuôn rơi nước mắt, bồi hồi xúc động trước tình khúc của cha mình.
Tôi ngồi với Triều nơi góc cuối của nhà hàng nhìn Thuần tất bật tiếp đãi bà con một cách nồng hậu. Thuần lúc nào cũng vậy. Thành thật, hiền từ và hết lòng với mọi người. Trong tù cũng như ngoài đời, anh luôn cống hiến tài năng và sự hiểu biết của mình để giúp đỡ xã hội. Nhắc đến cảnh tù, tự dưng quá khứ lại hiện về trong tôi một cách xót xa. Thuần bị vợ bỏ ngay từ lúc còn ở trại tù Cao Lãnh, vậy bà vợ này là bà vợ thứ hai của Thuần? Nếu là bà vợ thứ hai thì hai đứa con gái sau này là con ai? Vì nếu tính tuổi của con gái út thì năm cháu sinh ra cũng là năm Thuần nằm sầu đời trong trại tù? Tôi đem những thắc mắc này chia xẻ với Triều. Triều ngó tôi xuýt xoa, thằng Thuần tốt lắm tốt lắm, ngày mai có dịp tau sẽ giãi thích cho mày…
***
Ra tù, Thuần về thẳng tá túc nhà cha mẹ ruột, khi biết chắc vợ mình đang sống hạnh phúc với người đàn ông khác. Nhà cha mẹ Thuần cách nhà vợ không xa, cả hai đều nằm chung trong khu Xóm Chùa Tân Định. Hai đứa con trai bây giờ đã lớn, mỗi ngày đến trường đều đi ngang qua nhà Thuần. Hai đứa đều biết mặt cha, vì từ nhỏ Mẹ đã nhiều lần dẫn con về Cao Lãnh thăm nuôi Thuần. Mỗi tuần, các cháu về thăm ông bà nội một lần. Lần nào, chúng cũng quây quần bên cha, hoặc ăn uống vui vẻ và sẵn sàng đi đây đi đó với cha suốt ngày. Thời gian sống với người đàn ông khác, vợ Thuần cho ra đời thêm hai đứa con gái nữa. Mười bốn năm đằng đẵng trôi qua, Thuần chỉ biết đạp xích lô mưu sinh. Sáng nào cũng vậy, trước khi thả ra Sài Gòn tìm mối, Thuần đạp một hơi qua nhà vợ cũ, chở hai đứa con ruột và hai đứa con của người đàn ông kia đi học. Buổi trưa, canh giờ tan học, Thuần quành về cổng trường, chở các cháu trả về nhà vợ.
Tôi ngồi bên tách cà phê đã lạnh tanh nghe Triều kể chuyện. Câu chuyện thương tâm đến nỗi tôi muốn uống rượu để dằn cơn đau xót, thay vì nhắp tách cà phê đậm đà hương vị. Cuối cùng, tôi đẩy cái tách sang một bên, vội vàng đứng dậy, đi về phía cánh cửa.
– Rồi diện HO mở rộng. Lý do nào vợ Thuần lại trở về với Thuần, rồi cùng nhau đi Mỹ, có cả hai đứa con gái của người đàn ông kia?
– Còn lý do nào khác ngoài tình thương và lòng nhân từ. Đó là điểm tốt của Thuần. Một người rất hiếm có ở xã hội chúng ta.
– Người đàn ông kia thì thế nào? Ông ta không có ý kiến nào hết?
Triều tiến đến gần tôi, vỗ lên vai độp độp.
– Ông thơ ngây quá! Sau 30 tháng tư năm 1975, ở miền nam, không có thằng “cốm” việt cộng nào không có vợ con đùm đề. Người đàn ông kia cũng vậy, hắn nhào vô vợ Thuần cũng chỉ để “vui chơi” một thời gian thôi. Tội nghiệp, hai đứa cháu gái chẳng khác nào hai giọt máu rơi của hắn.
– Vậy là Thuần thương vợ thương con, thương luôn cả hai giọt máu rơi đó, nên đã đứng ra làm giấy tờ đưa tất cả qua Mỹ?
– Chưa hết. Qua đây, Thuần làm luôn hai “ca” nuôi bốn đứa con ăn học. Hôm nay, bốn đứa thành tài, tất cả đều có nghề nghiệp ngon lành. Đặc biệt, bây giờ hai đứa con gái lại thương và chăm sóc Thuần hơn hai đứa con ruột.
Tôi chợt nhớ có lần đọc đâu đó những lời răn của Đức Chúa Trời.
– Ê, Ông biết Thuần có đạo Chúa. Tôi nhớ mài mại là…một trong những điều răn của đạo… đại khái có một câu như vầy: Hãy yêu thương mọi người như yêu thương chính bản thân mình.
Triều giả giọng Thuần cười hề hề.
– Yêu thương luôn kẻ thù của mình.
***
Thuần thân, Tau muốn viết chuyện này từ lâu, nhưng mỗi lần khởi sự, tau cảm thấy ngần ngại, rồi dừng lại. Mấy chục năm rồi, vết thương dường như đã thành sẹo, tau không muốn khơi lại quá khứ đau thương, tau không muốn làm mày xót xa, nhức nhối khi nhắc lại. Nhưng càng ngày, hình ảnh và tấm lòng cao quí của mày cứ thôi thúc, cứ bức rức trong tau, khiến tau không thể không viết lên chuyện này.
Thuần thân, biết đâu câu chuyện thương tâm này sẽ góp một phần nào vào dòng lịch sử tang thương của dân tộc, sau 30 tháng tư năm 1975. Nếu không, câu chuyện cũng sẽ là tấm gương cho bọn đàn ông của cả hai chiến tuyến. Và nếu không nữa, tau xin thật tình vô vàn tạ lỗi cùng mày…

Phạm Hồng Ân
Escondido, 26/02/2012