Trời đầu tháng
năm Cali nắng chan hòa ngoài đường nhưng Thanh còn thấy lạnh. Thế này dù
sao cũng còn đỡ hơn ba tháng trước thật nhiều khi Thanh mới theo chồng từ quê
nhà sang Mỹ vào đúng giữa mùa đông. Đồng hồ trên lò microwave chỉ mười
giờ sáng. Trong vòng vài phút thế nào Thanh sẽ thấy con bé tóc vàng ở nhà
cuối đường đẩy xe có đứa bé trai tóc đen đi ngang qua. Ngày nào cũng thế
đã từ cả mấy tuần qua con bé tóc vàng đẩy con đi dạo ngang qua nhà đúng vào giờ
này khi cả khu phố ai cũng đi làm đi học, chỉ có nàng và mẹ con nó ở nhà.
Nếu thấy Thanh đứng trong nhà nhìn qua cửa sổ thì con bé đưa tay vẫy chào làm
nàng phải chào lại, một cách miễn cưỡng. Con bé chỉ đi một hai block
đường rồi quay về. Thanh nhớ lần đầu tiên thấy mẹ con nó đi ngang nhà
mình khi đang ở trong bếp dọn dẹp. Thanh rất lấy làm ngạc nhiên.
Giữa tháng tư trời còn lạnh khiến run lên ngay cả trong nhà thế mà con bé hàng
xóm dám đẩy đứa bé đi chơi bên ngoài. Ở Việt Nam chỉ cần một ngọn gió thổi
nhẹ ngang là mẹ vội chùm chăn con kín mít hay ra đường thì che nón không để một
tị nắng nào lên người. Bên xứ giàu có này thì ngược lại, con trẻ phải
phơi nắng chịu lạnh. Chiều hôm đó chờ chồng đi làm về, Thanh kể lại thì
Lương cười bảo còn nhiều cái lạ lắm nhưng ở lâu sẽ quen mắt.
Sau lần đầu thấy
đứa bé trai, Thanh cảm thấy ngờ ngợ rồi sau đó ngày nào cũng ra cửa sổ chờ mẹ
nó đẩy ngang qua nhà để nhìn kỹ mặt thằng bé. Lề đường hẹp nên mẹ con nó
đi sát cửa sổ và Thanh nhìn rõ được mặt đứa bé. Càng nhìn mặt nó Thanh càng
thắc mắc. Mẹ cha da trắng tóc vàng mắt xanh mà con lại tóc đen mắt
xếch. Thằng bé không thể là con nuôi con nhặt vì mẹ nó chửa bụng đã to
khi Thanh mới về nhà Lương. Chả lẽ mở cửa chạy ra chặn con bé hỏi tại sao
vợ chồng cô da trắng mắt xanh tóc vàng mà con cô lại giống á châu thế. Ở
Việt Nam có lẽ hỏi được nhưng ở đây ... Chả phải chồng đã nhiều lần căn dặn cô
vợ ở Việt Nam mới sang Mỹ ở đây người ta trọng đời tư của nhau, không được hỏi
những câu tọc mạch. Lương còn dặn nhiều cái khác như phải luôn sẵn sàng
chào hỏi, luôn miệng Cám ơn, Làm ơn và Xin lỗi, vân vân ... Lương cứ nhắc
đi nhắc lại làm Thanh bực mình gắt, bộ em nhà quê sao!
Những lần sau đó nhìn thằng bé trai càng kỹ
Thanh thấy nó sao càng giống ... chồng mình, cũng tóc đen hơi xoăn, cái cằm
nhọn, nước da hơi xậm và sống mũi tẹt. Cha đứa bé, không, phải nói là
chồng con bé tóc vàng, có lẽ là người gốc Đức hay một xứ sở Bắc âu nào, tóc
vàng hoe, da trắng như bột, môi đỏ như son, cao lớn, đẹp trai như tài tử
xi-nê. Vợ nó cũng thế. Mà cả xóm có mỗi nhà Thanh là dân á châu da
vàng. Thật lạ đến đáng nghi! Hai vợ chồng trông rất xứng đôi vừa
lứa, tính tình dễ thương, thân thiện nhưng từ ngày ngờ ngợ về đứa bé Thanh lại
thấy dường như họ khác hẳn. Nụ cười của con bé như nhạo báng, cái nhìn
của thằng chồng thì như giận dữ. Vẻ thân thiện biến mất. Thanh hỏi
chồng, dĩ nhiên không đả động gì đến nhận xét diện mạo đứa bé, thì Lương bảo-
Em chỉ tưởng tượng, vợ chồng tụi nó không giao du với hàng xóm nhưng trông friendly
chứ.
Có tiếng chó sủa
từ nhà bên cạnh. Thanh kéo màn cửa lại, nàng không muốn thấy cái nụ cười
đáng ghét nhưng he hé đủ để nhìn thấy một khúc vỉa hè trước nhà. Tự nhiên
Thanh nín thở khi chiếc xe đẩy đi ngang. Vẫn cái áo len hồng mỏng, quần
jean xanh bạc phếch, cặp kính mát xám nhạt to tướng trên chỏm đầu. Giữa
hôm qua và hôm nay chỉ là một ngày mà sao Thanh thấy thằng bé sao lớn hẳn ra,
mà nó càng lớn lại càng trông giống Lương.
"Chồng mình đã làm gì những ngày tháng
trước khi về Việt Nam cưới mình đem sang đây?", Thanh thắc mắc.
Có lẽ đoán có
người đứng sau màn cửa nhìn trộm mình, con bé hàng xóm dù không quay đầu nhìn
vào nhà nhưng miệng nở một nụ cười nhếch mép như để trêu.
"Nó lại
nhạo mình nữa", Thanh nghĩ thế mà trong bụng thấy sôi lên.
Mẹ con nó đi qua hẳn, Thanh vén màn
nhìn theo. Phải nhìn nhận là con gái Mỹ có cặp mông đẹp, không xẹp như
phụ nữ Việt. Chả trách Lương không tự kềm chế được! Thanh không
muốn tưởng tượng ra thêm. Trong vòng mười phút mẹ con nó sẽ trở lại, cũng
bên này đường vì bên kia nhiều nhà có chó to dữ sủa rồ rồ chứ không như con chó
hàng xóm sát nhà nhỏ xíu sủa the thé.
Mở cửa tủ lạnh, Thanh lôi ra mấy soong thức
ăn cũ tối hôm qua, định chế biến một ít cho bữa trưa. Lương hôm nào làm
gần nhà thì về nhà ăn trưa với vợ vừa cho vui vừa tiết kiệm tiền. Tự
nhiên Thanh không muốn làm gì, thây kệ, lát Lương về thì tự làm bánh mì thịt
nguội mà gặm. Ở Mỹ hơn chục năm thì quen ăn giản dị mà, cần gì cơm phải
có ba món mặn, xào, canh đầy đủ như bên nhà.
...
Vừa vào nhà
Lương cảm thấy ngay có gì là lạ. Thường thì mùi thức ăn thoang thoảng khi
Lương mở từ garage đi vào bếp nhưng hôm nay chỉ có mùi Pine-Sol còn đọng lại
sau khi Thanh lau nhà ban sáng. Trong bếp im lìm thay vì câu chào hỏi mọi
khi "Anh mới về đấy hả?" của vợ. Đi vội vào bếp Lương thấy vợ
ngồi thừ ra bên cửa sổ màn kéo đóng kín. Mặt bàn ăn trống trơn.
Nhìn mặt vợ, Lương ái ngại. Tính hiếu động, Thanh cảm thấy bị tù túng từ
ngày sang đây. Vài tuần lễ đầu vì cái gì cũng lạ nên nàng còn bận tìm
hiểu nhưng dần dà đâm chán, cả ngày ngồi nhà chờ chồng đi làm về. Anh văn
kém, e ngại nói chuyện với dân địa phương, Thanh giam mình trong nhà, chỉ đi ra
ngoài vào cuối tuần khi Lương chở đi chợ hay thăm bà con bên chồng vì nàng chả
có ai bên này ngoại trừ một cô bạn ở xa. Lỗi cũng tại Thanh vì Lương
nhiều lần khuyên đi học để vừa trau dồi anh văn vừa có bạn nhưng Thanh thấy
ngại lẫn phần nào lười.
- Em sao thế, bệnh hoạn gì không? Lương
lên tiếng.
- Con nhỏ nhà phía trong lại đẩy con đi ngang
nữa, Thanh uể oải đáp.
- Thì có gì là lạ, chuyện nhà người ta ... mà
có gì ăn trưa không em, hôm nay anh phải đi làm lại gấp.
"Chuyện nhà người ta?!!" Thanh bực
thầm trong bụng.
- Anh không thấy gì lạ?
Lương đáp 'Không' xong mở tủ lạnh lôi mấy dĩa
thức ăn thừa tối hôm qua, bỏ vào microwave bấm nút.
- Vợ chồng nó trắng như trứng gà bóc mà thằng
bé ...
- Thằng nhỏ cũng trắng ghê chứ.
- Tóc nó đen thui chứ không vàng hoe như cha
mẹ, mắt thì ti hí như ... như ...
Lương bật cười to, phán:
- Chắc con nhỏ ngủ với tên chệt nào, hì hì
... nhưng sao mình biết được, đã bảo không phải chuyện mình hơi đâu mà
lo. Nó có ngủ với ai thì để chồng nó lo.
"Hay chồng
mình lo!", thêm một hậm hực trong lòng Thanh.
Nhìn Lương và cơm, Thanh cố tìm một vài nét
trên khuôn mặt chồng xem có giống đứa bé trai hàng xóm rồi chợt nhớ đến câu truyện
một người mất của đi đâu thấy ai cũng giống kẻ trộm, riết rồi nghi ngờ mọi
người nhưng sau khi tìm thấy của mình để quên đâu đó thì thấy ai cũng giống
người thiện. Thanh bật cười vì thấy nỗi ám ảnh của mình sao giống người
trong truyện. Miệng đang nhai ngồm ngoàm, Lương nuốt vội xong ngẩng lên
nhìn vợ.
- Em nói đúng, anh thấy có chuyện lạ hôm nay,
em đấy, làm gì mà thẫn thờ bên cửa sổ, đầu óc đâu đâu!
Ăn xong Lương uống cạn ly nước cam, đứng lên
hôn vợ. Thanh hôn lại hững hờ. Nhìn Lương đi ra garage, Thanh nghĩ
chỉ vài năm nữa, nàng sẽ có dịp xem thằng bé lớn lên ra sao, dáng điệu đi đứng
có giống Lương không, lưng hơi khòng, hai chân hơi dạng ra. Lại cái
chuyện người mất của ...
Thanh nhớ lại lần đầu gặp Lương tại Sài
Gòn. Lương bước vào nhà sau lưng người chú đem đến để giới thiệu cho gia
đình Thanh. Cha mẹ Thanh ra đón khách ngoài sa-lông trong khi nàng ngồi
nhà trong hé màn nhìn người muốn làm người yêu mình.
"Mình sắp có người yêu", ý tưởng đó
làm Thanh mỉm cười thấy vui vui trong lòng. Lương cao, khòng lưng khi đi
qua ngưỡng cửa cứ như là sợ va trán vào khung trên. Thanh thích ngay cái
tướng cao người mảnh mai của người đàn ông dù Lương trông hơi già. Có cái
đi hai chân hơi khuỳnh ra là trông thiếu cảm tình.
"Ở Mỹ lâu
nên bắt chước cái tướng đi chàng hảng như cao-bồi cỡi ngựa", Thanh nghĩ.
Quan sát kỹ người đàn ông Việt kiều đến ngấp
nghé mình, Thanh có cảm tình với Lương ngay vì mặt dễ coi, tướng cao ráo.
Sau này, nói chuyện với Lương nhiền hơn thì Thanh lại càng mến hơn vì tính tình
giản dị và chân thật. Lương không khoác lác về đời sống của mình ở Mỹ, có
gì nói đó, thú thật mình chỉ là thợ sửa ống nước, không là bác sĩ, kỹ sư hay
chủ hãng hoặc chuyên viên này chuyên viên nọ như các Việt kiều khác.
Thanh không lo chuyện đó vì được biết qua thư từ với bạn bè bên Mỹ thì thợ sửa
ống nước làm nhiều tiền hơn kỹ sư. Vả lại Lương đã tậu nhà, chứng tỏ đã
có đời sống ổn định. Về làm vợ Lương rồi Thanh thấy nghề sửa ống nước của
chồng thật là tiện cho gia đình mỗi khi ống nước chảy hay cống bị nghẹt.
Lần đầu gặp ngắn ngủi, chỉ một tuần lễ nhưng
Lương giữ liên lạc thường xuyên sau khi về lại Mỹ. Nửa năm sau Lương trở
lại Sài Gòn và ở lâu hơn và Thanh đã có dịp tìm hiểu nhiều hơn về đối
tượng. Mặc dù đã nghe Lương kể về quá khứ mười năm ở Mỹ nhưng Thanh vẫn
có cảm tưởng vẫn chưa được kể hết. Thanh không dám hỏi tới vì thấy Lương
trọng quá khứ của mình, không hỏi nàng đã có ai trước kia. Thanh đoán ở
bên đó người ta rất kín chuyện mình cũng như chuyện người khác. Dù đã
được nghe bạn tả đời sống bên Mỹ, Thanh vẫn hỏi Lương về cái xã hội về đời sống
tây phương đó. Nghe lời Lương kể cộng thêm xem những phim ảnh về Mỹ,
Thanh mường tượng một lối sống tự do phóng túng buông thả.
- Thật thế không
anh? Bên Mỹ ghê lắm nhỉ, người ta ăn chơi dữ lắm.
Lương bật cười to:
- Ai ăn chơi anh không biết chứ anh đây kéo
cầy mệt nghỉ, thời giờ đâu mà chơi, ăn thì có vì có thực mới vực được ...
nghiệp, chứ chơi thì không, ít ra là chơi theo cái nghĩa của em.
- Tức là anh không đi hộp đêm, không ăn
nhậu, không ... cặp với cô nào? Anh là Bụt?
- Đúng ra thì thỉnh thoảng có đi chơi với vài
cô nhưng thế thôi, không hẳn gọi là cặp.
- Anh đi chơi với gái Việt hay Mỹ?
Lương lắc đầu nói Thanh quá tọc mạch nhưng
vẫn giải thích là đã đi chơi với phụ nữ Việt cũng như Mỹ. Nghe đến đây
Thanh đòi Lương so sánh gái Việt và Mỹ. Lương nói đàn bà con gái Mỹ
cởi mở hơn bạo dạn hơn trong khi mấy cô Việt duyên dáng hơn và e thẹn hơn, thật
hay vờ thì chịu.
Trước khi về lại Mỹ, Lương đã ngỏ ý với cha
mẹ Thanh xin cưới con gái họ và họ đã thuận.
Hôn phu đi rồi, Thanh nói chuyện với cô bạn
thân. Nghe Thanh nói Lương làm thợ sửa ống nước bên Mỹ, cô bạn che miệng
cười nhưng vội nói:
- Không phải tao
chê anh ấy làm nghề sửa ống nước nhưng cười là vì ... mày có biết bên đó mấy
tay sửa ống nước ... ghê lắm, họ đến nhà khách hàng, nhà mấy bà nội trợ hồi
xuân sồn sồn người phây phấy mà chồng lại vắng nhà, thế là xong ... Bên Mỹ họ
hay có mấy câu chuyện kể về thợ ống nước và các bà các cô chủ nhà.
Khi Lương trở lại Mỹ để làm đám cưới, Thanh
đã lôi chuyện mấy bà nội trợ sồn sồn và mấy cô phây phấy bạn kể ra hạch thì
Lương cười hô hố tuyên bố anh làm gì được hên đến thế. Thấy vợ tương lai
mình tròn mắt nhìn, Lương phải làm mặt nghiêm giải thích điều đó chỉ xảy ra
trong mấy câu truyện tình cảm rẻ tiền hay phim con heo. Thấy Thanh vẫn
còn nghi ngờ, Lương phải thề thốt mình là một người thợ sửa ống nước rất professional,
tức là chuyên nghiệp, không có mấy cái vớ vẩn bẩn thỉu như Thanh tưởng, đến nhà
khách hàng là cặm cụi làm cho xong để còn đi nhà khác.
Thanh vẫn không quên vụ này và bây giờ tự
trách mình đã không hỏi chồng có bao giờ sửa ống nước nhà con bé tóc vàng trước
đây không.
...
- Hôm nay anh sửa ống nước ở tỉnh này hay mấy
nơi khác? Thanh vừa hỏi trong khi lau bếp sau bữa ăn tối.
- Một cái ở đây, một cái bên Market District
và một nhà bên xóm thằng Hưng.
- Chỗ mình ít nhà bị hỏng ống nước nhỉ.
Lương nhún vai, phì cười vì nhận xét của vợ,
phần nào ngây ngô.
- Chắc có chứ nhưng có lẽ họ gọi tiệm
khác. Nhà nào mà không có lúc bị trục trặc ống nước hay vòi nước ... với
lại làm sao mình biết được nhà cửa họ ra sao, họ báo cáo với mình mỗi khi có
vấn đề sao?
- Anh có bao giờ sửa nhà ai phố mình?
Thanh hỏi bất chợt.
Lương ngập ngừng xong đáp.
- Có! Nhà vợ chồng mới đẻ đứa bé trai
đó.
- Lâu chưa?
- Lâu lắm rồi,
trước khi em sang Mỹ, anh chả nhớ ... tại sao em thắc mắc?
Thanh lúng túng chưa biết nói sao thì may
thay chuông điện thoại reo vang. Lương để chuông reo hai hồi, thói quen
của chàng, rồi mới nhắc ống nói. Nghe Lương cười nói với ai bằng tiếng
Anh trong điện thoại, Thanh đoán người bên kia là một trong mấy người làm chung
tiệm với chồng, dọn dẹp vội cho xong rồi đi ra ngoài xem truyền hình.
Chương trình TV Việt ngữ vừa hết, Thanh bật sang một đài Mỹ để tập nghe dù biết
mình chỉ hiểu lõm bõm một ít hay chả hiểu tí gì.
"Lương đã vào trong nhà con bé tóc vàng
khi chồng nó không có nhà, trước khi đem mình qua Mỹ. Con nhỏ không đẫy
đà như mấy mụ hồi xuân nhưng rất xinh và nhất là có cặp mông đẹp...", nghĩ
xong Thanh đứng lên nhìn ngang bóng mình trên cửa kính xem mông mình có đầy như
con bé hàng xóm tóc vàng không, thở dài ngồi xuống.
Tách cà phê trên tay, Lương đi vào nói con bé
hàng xóm mới gọi, nói ống nước bị chảy, cần sửa gấp sáng mai.
- Anh cần em giúp một tay không, sẵn gần đây
em sang luôn.
- Em muốn giúp thì giúp nhưng làm vậy là trái
luật của tiệm vì nếu chẳng may em bị thương thì phiền phức với bảo hiểm lắm.
Thấy vợ có vẻ lẫy, Lương nói cứ đi theo nhưng
đứng nhìn thôi.
Sáng hôm sau,
Lương điện thoại vào tiệm nói vào trễ vì có mối trong xóm xong chở Thanh trên
chiếc xe truck chất dụng cụ đến cuối con đường cụt.
Chủ nhà đón hai người với một nụ cười trên
môi. Có Lương đây, nụ cười con bé trông thật tươi mời mọc. Vào
trong Thanh đưa mắt nhìn quanh không thấy thằng chồng đâu, Thanh lắng tai lên
nhưng không nghe thấy tiếng động gì khác ngoài tiếng cười nói của Lương và con
hàng xóm. Nó tự nhiên vỗ vai Lương xong để tay trên lưng chàng đưa vào
trong phòng tắm chỉ chỗ bị chảy nước. Hai người ngồi xuống sàn, chỉ chỏ
cái ống nước dưới bồn rửa mặt cười nói nói gì xong không biết Lương nói gì mà
con bé bật cười ngặt nghẽo trong khi tay vẫn còn để hờ trên lưng. Thanh
tròn mắt đứng nhìn không biết phải phản ứng ra sao thì Lương nhìn lên nói nàng
có thể về nếu muốn vì Lương không cần người giúp việc dễ như vầy. Thật
khó xử! Thanh đánh bạo nói:
- Em muốn tập
nói chuyện bằng tiếng Anh với con nhỏ này, anh hỏi nó đi.
Lương nói vài câu, đứa con gái nhoẻn miệng
cười với Thanh xong đưa nàng ra phòng khách. Nghe con bé nói huyên
thuyên, Thanh không biết nó nói gì, sau cùng mới bật được một chữ Baby.
Con nhỏ à há xong khoác tay Thanh dẫn vào phòng ngủ.
Người lớn nói chuyện ồn ào thế mà đứa bé ngủ
ngon lành trong nôi, mắt nhắm nghiền hai tay nắm chặt mép chăn. Bên đây
trẻ con ngủ nằm xấp mặt quay sang một bên nên Thanh không thấy rõ mặt nó.
Nàng cúi người xuống nhìn thật gần. Mẹ nó khẽ bế nó lên, thằng nhỏ ọ oẹ
vài tiếng nhỏ rồi mở mắt nhưng không khóc. Con nhỏ đưa đứa bé cho Thanh
ngụ ý bảo nàng ẵm, Thanh lúng túng đỡ lấy đu đưa tay nhè nhẹ. Trời
ơi! Mặt á đông rõ ràng, tóc đen, mũi tẹt, mắt một mí ti hí, cũng khuôn
mặt dài cằm hơi nhọn như Lương.
- What name?
Thanh khẽ hỏi.
Con nhỏ trả lời nói cái gì một hơi dài Thanh
không hiểu chỉ nghe được ba chữ I don't know. Thằng bé người
thơm tho mềm mại nho nhỏ, Thanh muốn ghì chặt nó hít hà nhưng có gì như chận
lại. Trao đứa bé lại cho mẹ nó, Thanh nói I go rồi vào nhà tắm bảo
Lương nàng đi bộ về trước, nhà cách đây chỉ một hai con đường. Ra cửa
Thanh không buồn chào chủ nhà khi nó nói Bye.
...
Dí mặt sát vào
gương, Thanh cố tìm những nếp nhăn mới cạnh đuôi mắt, dưới mắt, dưới cằm, trên
cổ. Cũng chỉ những nếp nhăn cũ quen thuộc từ mấy năm nay. Đã hơn ba
mươi lăm rồi còn gì, ở bên nhà Thanh đã bị cho là gái già. Chả phải Thanh
kén nhưng sao cảm thấy hờ hững với chuyện lứa đôi, bận bịu những chuyện
khác mà nàng cho là quan trọng hơn thích thú hơn. Rồi bạn bè, anh chị em
ruột, anh chị em họ lần lượt lấy chồng lấy vợ. Hình như mỗi lần nhận một
thiệp cưới là Thanh thấy mình có thêm một nếp nhăn trên da mặt. Khi gặp
Lương thì cái hờ hững của Thanh biến mất, rồi thêm ý muốn đi Mỹ và Thanh chịu
lấy Lương nhưng cảm thấy giữa hai người là một tình bạn hơn là tình yêu.
Thanh thố lộ với Lương là mình không muốn có con. Lương đồng ý vì chính
anh cũng đã bốn chục, ngại cảnh cha già con cộc. Thủ tục nhập cảnh rườm
rà khó khăn, mấy năm sau Thanh mới được đi. Bây giờ làm sao có hơi sức đẻ
con nuôi con cho chồng được dù chồng muốn mà Lương có muốn không? Chắc
không vì đã có ở đâu rồi, biết đâu gần đây.
Từ hôm theo Lương đến nhà đứa con gái hàng
xóm tóc vàng hai hôm trước, Thanh không thấy con bé đẩy con đi ngang nhà
nữa. Có thể thằng bé bị ốm nên không đi đâu được. Sáng nay Lương đã
ghé nhà con bé trước khi đi làm, nói cần xem lại ống nước còn chảy không.
Xem lại ống nước hay thăm con ốm? Thanh nhớ lại cái email con bạn thân
gởi từ bên nhà sau khi nàng gởi mail kể vụ đứa bé.
"Anh
Lương sửa ống nước cho con Mỹ thì nó khám ống nước của anh ấy xem có dài bằng
ống nước Mỹ không" . Thanh
tưởng tượng ra miệng bạn ngoác lên cười khi gõ cái email đó, không hiểu cái
cười của bạn có nhạo báng như cái cười của con bé tóc vàng láng giềng không.
Đặt bàn chải tóc xuống bàn phấn, Thanh đứng
lên đi xuống bếp nấu cơm chiều, trong bụng quả quyết sẽ hỏi Lương khi đi làm
về.
Cơm dọn ra bàn cả tiếng rồi mà vẫn chưa thấy
Lương về, Thanh gọi cell phone chồng hai lần, không trả lời cũng không gọi
lại. Bụng đói nhưng Thanh chả muốn đụng đũa. Dĩa giá xào nguội
trông thảm hại, những cọng giá nhũn ra, mấy con tôm nằm trơ trẽn, hành lá èo uột.
Tô canh khổ qua với những mảng mỡ lềnh bềnh. Mãi đến gần tám giờ mới có
tiếng cửa garage mở rồi tiếng xe lớn dần lăn bánh vào trong. Có tiếng cửa
xe đóng xập rồi Lương bước vào trong bếp.
Khoác vội cái áo
khoác da lên móc, Lương ngồi xuống ghế mặt mỏi mệt, nói cái job bên kia tỉnh
quá hóc búa làm phải ở lâu cho đến khi xong để gia đình người ta có phòng tắm
mà dùng.
- Em gọi anh hai lần, anh không gọi lại cho
em, Thanh nói nghe như hỏi lẫn trách.
- Sáng ở nhà con Jenny anh làm rớt điện thoại
xuống nước nên nó hư rồi.
- À, còn ống nước nhà nó thì sao, còn chảy
không?
- Không.
- Thằng bé mấy hôm nay bị ốm hay sao em không
thấy mẹ con nó đi dạo nữa.
- Em nhớ nó?
Thanh thú thật, Ừ, thì cũng hơi nhớ, nhớ cái
mặt á đông của nó, trông lạ mắt.
- Em đổi ý, giờ muốn có con? Hay em
muốn nhận con nuôi?
- Em muốn xin thằng bé đó làm con nuôi.
Lương ngừng nhai, nhướng mắt lên nhìn vợ, chờ
một nụ cười. Thanh nghiêm mặt.
- Em nói thật đó, em muốn nhận thằng bé đó
làm con nuôi.
- Em gàn, con người ta đẻ ra xong tự nhiên
đưa cho em làm con nuôi.
- Con nó đâu, rõ ràng thế kia mà ...
- Chuyện nhà người ta, con nó hay con ai
không mắc mớ gì đến mình. Thôi, anh đi tắm rồi đi ngủ sớm, mệt rồi.
Lương đi vào
phòng tắm, Thanh dọn dẹp rửa chén xong ra đứng bên cửa sổ bếp trông ra
ngoài. Ngọn đèn đường buông xuống một vùng ánh sáng vàng nhợt nhờ.
Nếu mẹ nó bây giờ đẩy nó đi vào vùng ánh sáng vàng đó, thằng bé sẽ trông vàng
thêm đến đâu.
...
Sáng chủ nhật trời cuối xuân thật đẹp, hai vợ chồng người rửa xe người cắt cỏ
trước nhà. Tắt máy cắt, Lương quẹt mồ hôi trán, bước vào bóng mát ngồi
đưa tay vói lon bia đưa lên tu. Thanh thì dựa lưng lên chiếc Civic, cố
hứng từng hạt nắng lên mặt, vẫn chưa quen loại thời tiết vừa nắng vừa lạnh bên
đây. Con phố vắng xe vắng người, người ta đi lễ nhà thờ đến gần trưa mới
về, lúc này chỉ có lão già người Hoa bên kia đường đang tỉa mấy bụi hồng.
Lương gọi vói
sang bên kia, Hẩu à, hẩu à! Lão vẫy tay chào, đầu gật gù.
Một chiếc Mercedes đen nước sơn bóng loáng từ
đầu đường lừ lừ đi đến. Loáng thoáng sau mặt kính một khuôn mặt da vàng
tóc đen bên cạnh một mái tóc dài vàng hoe. Xe đi tuốt xuống cuối rồi
ngừng trước nhà cặp vợ chồng trẻ. Thanh bước xuống đường dõi mắt nhìn về
cuối đường dù Lương suỵt miệng bảo vợ trở lại.
Cửa nhà mở bật
toang. Con bé tóc vàng không thấy ra, thằng chồng nó đi ra đón khách đưa
vào trong. Cánh cửa đóng xập lại. Thanh quay trở lại driveway, tay
cầm giẻ chùi nóc xe một cách máy móc đầu suy nghĩ không nghe tiếng Lương gọi.
- Em không nghe anh hỏi sao, Lương lại gần
Thanh, mình thay quần áo đi ăn, anh đói bụng rồi, anh đưa em đi cái tiệm mới mở
nghe nói bán bún riêu ốc ngon lắm.
- Gần trưa rồi, để em vào hâm thức ăn còn dư
hôm qua xong ăn trưa luôn, ăn ngoài tốn tiền lắm.
- Cuối tuần mà, Lương kỳ kèo, mình đi ăn ngoài
cũng không là bao nhiêu. Mà em làm gì nhìn nhà người ta chăm chú thế?
- Lúc nãy anh có thấy chiếc Mercedes đi vào
không? Xe đến nhà con Jenny.
- Ừ, anh thấy một cặp trên xe, tại sao, có gì
lạ? Em lại để ý việc nhà người ta, thôi đi!
Ăn bún xong hai người gọi hai bát chè.
No bụng thoải mái, Lương chọc vợ:
- Em còn ý định bắt thằng bé về làm con
không? Em phải nhanh tay lên chứ cái cặp kia đến chắc xin thằng nhỏ đấy.
- Anh có thấy cái cặp trên xe đến nhà tụi nó
không? Một thanh niên á châu và một cô trắng tóc vàng.
- Thì đã sao?
- Chắc họ hiếm muộn, sẵn thằng bé trắng mà da
vàng tóc đen nên họ xin làm con nuôi.
Lương bật cười to, loại cười mà Thanh ghét,
chỉ ở Mỹ người ta mới cười như thế nhất là mấy mụ đàn bà.
- Em thèm có con đến thế thì mình về nhà làm
baby.
- Thôi, sẵn có thằng bé trông sao giống ...
thì xin chứ mình già rồi sinh đẻ chi cho mệt.
Vẫn còn cười,
Lương đứng lên đi lại quày trả tiền.
Xe vừa về đến nhà Thanh thấy con bé hàng xóm
lững thững đi lại. Lần đầu Thanh thấy con bé đi mà không đẩy cái
stroller, hai tay đong đưa hai bên trông thừa thãi. Trong nụ cười của nó
có nét buồn, Thanh tin thế, phải buồn chứ, con đẻ ra đem cho người ta
nuôi. Nàng dõi mắt nhìn về cuối đường. Chiếc Mercedes đen bóng
loáng không còn đó. Không biết nó đi lúc mình còn đang xếp hàng chờ có
bàn ngồi hay lúc đang húp bún.
- Hi, Luông. Ông rảnh không?
Trong giọng nói con nhỏ Thanh cũng nghe như
có gì buồn. Không cầm được, Thanh buột miệng- Your baby? Con
bé nói gì với Lương.
- Con nó hôm nay đi rồi. Nó cần anh lại
xem tại sao nước trong bếp chảy yếu, có lẽ bị nghẹt chỗ nào. Anh đến xem
trước coi sao đã. Em đi theo không?
- Ừ thì đi mà con nó đi đâu, với ai?
Thanh nói không biết xong khoác tay vợ kéo
đi.
Hai vợ chồng đi sau con bé trên lề dọc con
đường với những cây đào bắt đầu mất đi những cụm hoa trắng hồng để nhường chỗ
cho các chùm lá xanh tươi. Thời tiết đầu xuân ở đây làm Thanh nhớ lại
những ngày lên Đà Lạt chơi. Cái lạnh phơn phớt nhẹ nhàng trên da, cái
hanh hít vào buồng phổi mát rượi. Nàng đi sát vào chồng, con hàng xóm đi
trước.
Thanh nói khẽ.
- Nó có cặp mông đẹp nhỉ, anh thấy đẹp không.
- Ừ, đẹp thật, cứ căng tròn lên.
Thanh nguýt chồng một cái thật dài nhưng
Lương vội nói:
- Nhưng của em thì vừa tay anh hơn.
Không đáp, Thanh
ngún nguẩy đi trước, cố tình lắc mông qua lại trước mặt chồng.
Đến cuối đường Thanh thấy một thiếu nữ trắng
khác đang đứng bế đứa bé trai trên sân cỏ trước nhà. Cái nhìn thật trìu
mến trong mắt cô gái này, những cử chỉ dịu dàng, những lời thì thầm trong tai
đứa bé làm Thanh thấy tưng tức trong lòng. Mình chỉ chậm một tiếng đồng
hồ mới ra nông nỗi này, cũng chỉ vì bữa ăn sáng Lương đòi ăn cho bằng
được. Có lẽ Lương biết trước mọi việc nên cố tình bắt đi một lúc cho sự
thể xong rồi. Không còn đứa bé đây nữa thì Thanh hết còn thắc mắc.
Tiếng Jenny:
- Catherine, my sister (chị tôi).
Thanh nhìn cô gái đang bế đứa bé kỹ hơn thấy
cô ta có nét hao hao con hàng xóm, chỉ có cái trông già hơn. Cô này gật
đầu chào Thanh xong đưa thằng bé ra như có ý khoe nhưng không đưa hẳn cho Thanh
bế. Lúng túng, Thanh không biết mình phải nghĩ gì, nói gì, chỉ cười cười
gật đầu.
Chiếc Mercedes thật êm, nó đến gần Thanh mới
biết. Hai người đàn ông trên xe bước xuống, hai tay khệ nệ một bịch tã,
vài túi shopping. Chồng con bé tiến lại bắt tay Lương, chào Thanh Hi
xong giới thiệu người đàn ông da vàng trạc tuổi Lương.
- Đây là David, chồng của Catherine.
Tên hàng xóm nói thêm một tràng dài Thanh chỉ hiểu lõm bõm vài chữ nếu chắp lại
thì chả có nghĩa gì. Nàng khều chồng, Lương chỉ David lúc này đang dành
đứa bé từ tay vợ.
- David là cha
thằng nhỏ.
Thanh ngỡ ngàng nhìn người đàn ông da vàng
với mái tóc đen xoăn và cái cằm nhọn. Nàng đưa mắt nhìn con Jenny xong
nhìn David, rồi nhìn chồng con Jenny, thấy họ nói chuyện điềm nhiên.
Tiếng Lương thì thầm bên tai Thanh.
- Bác sĩ cấy
trứng của Catherine và tinh trùng của David vào bụng Jenny, Jenny chỉ cưu mang
cái thai thôi vì Catherine không có bầu được. Họ định mượn cái bụng của
Jenny chín tháng mười ngày để có con nhưng cô ta đẻ sớm nên họ khi đó ở nước ngoài
không về kịp ngày sinh.
Nói xong Lương đi vào trong nhà, để vợ lại
một mình với mấy người Mỹ. Thanh thấy mình lạc lõng chìm đắm trong những
tiếng cười nói huyên thuyên của hai cặp vợ chồng Mỹ. Họ như không biết
đến sự hiện diện của Thanh, họ bu xung quanh đứa bé đòi thay phiên nhau bế
nó. Thanh chưa thấy đứa trẻ nào ngoan như nó, không khóc, vẫn ngủ bình
thản. Nàng ngắm thằng bé kỹ hơn rồi nhìn David, thẹn thầm về cái ngớ ngẩn
của mình mấy tuần qua. Càng nghĩ về thái độ mình nghi ngờ chồng mấy tuần
qua, Thanh càng tự thấy ngượng nhưng tự an ủi.
“Cũng không trách mình được, chỉ gặp
vài lần xong cưới ngay thì làm sao biết rõ chồng ... mà biết đâu David và Lương
là hai anh em thất lạc từ nhỏ mà chính Lương cũng không biết. Biết đâu
đấy!”
Với ý nghĩ mới này, Thanh đi lỉnh sau lưng họ
vào nhà tìm Lương. Có tiếng thì thầm trong bếp. Jenny đã vào nhà tự
lúc nào. Trong bếp bước ra thấy Thanh, Jenny cười vẻ bối rối rồi đi vội
ra ngoài trước nhà. Lương đang lúi húi trên bể nước rửa chén lưng quay ra
ngoài. Không quay lưng lại, Lương nói một câu tiếng Anh, Thanh chỉ hiểu
ba chữ my wife và anytime.
- Anh nói gì thế? Thanh lên tiếng.
Lương hơi giật mình, quay lại.
- Ủa, em vào khi nào ... không, không có gì
hết. Mai anh lại phải xách đồ nghề đến thay cái vòi nước này, sao nó cứ
chảy mãi.
Bùi Ngọc Khôi