Tôi đưa em về
dưới quê
Tôi đi học tập
hẹn nhau
một tháng anh về…
Ngày tháng của cộng sản cứ thế kéo dài như
cao su. Hẹn nhau một tháng sẽ về (như thông cáo của ủy ban quân quản) nhưng đôi
tình nhân trong phút chia tay không hề biết tháng sáu 13 là ngày đại bịp. Để
rồi người vợ trẻ cứ vô vọng ngóng trông.
Đã bao mùa mưa
Hàng cau trước ngõ
Trổ bông bao lần
Anh vẫn biệt tăm…
Đâu có ai ngờ dã man đến độ ‘một tháng’ trở
thành 5 năm, 10 năm, 15 năm, 17 năm, có khi thành thiên thu như số phận nhiều
người đã vùi thân trên đất Bắc.
Từ sau ngày Sài gòn tắt thở người miền Nam
quen gọi biến cố 30-4 là ngày Quốc hận. Nhóm từ này đã có từ hồi 1954, khi đất
nước bị chia cắt và hơn triệu người đã di cư từ Bắc vô Nam.
Lịch sử lập lại hai mươi năm sau, lần này
không phải vì chia cắt mà lại là gắn liền hai mối Bắc-Nam. Trớ trêu thay, hai
chữ quốc hận vẫn còn tồn tại, không hẳn là mối hận của dòng người bỏ nước ra đi
sau tháng tư đen, mà cũng là nỗi đau khôn nguôi của những người dại lầm ở lại.
Đau vì phải sống dưới một chế độ độc tài toàn
trị, khổ vì phải ăn nằm với một xã hội thiếu đói triền miên. Hệ quả là người
dân hai miền phải làm quen với lối sống lọc lừa, sản phẩm của những ngôn từ,
chủ trương đại bịp.
Chẳng phải tự nhiên mà cái chủ nghĩa xa lạ
mang tên Chủ Nghĩa Xã Hội được những người bên thắng cuộc vinh danh hết mức,
lại trở thành nhóm từ ‘Cứ Nói Xạo Hoài’ trên môi miệng của cư dân phía
Nam. “Xạo”, một tĩnh từ đặc thù của ngôn ngữ Nam bộ có nghĩa phổ cập là nói
dối, nói điêu, nói không đúng sự thật, nói không có cơ sở, nói để lừa, nói để
bịp…thường ám chỉ và gắn liền vớì những kẻ có ý đồ lừa lọc, nhưng ở đây lại là
một chế độ, một chủ trương cố tình cố ý để tồn tại và đánh bại kẻ thù.
Nếu sự kiện 30-4 được coi như canh bạc bịp,
khi phía Bắc Việt không tôn trọng cái hiệp định mà họ đã ký trước đó hai năm,
quyết lấn đất dành dân xua quân tiến chiếm các phần lãnh thổ trọng yếu của miền
Nam, từ cao nguyên đổ xuống đến Trị Thiên đổ vào buộc các lực lượng phía Nam bị
dồn vào thế bị động dẫn đến cảnh cả một chế độ bị bức tử, một quân đội bị tan
hàng, một đất nước bị tan hoang, để từ đây kẻ tự coi là thắng cuộc mặc tình
thao túng và trị dân theo lối luật rừng.
Cái đáng nói là sau tháng tư đen, những người
thua cuộc trở thành những nạn nhân của một cuộc trả thù không hề thương sót có
một không hai trong lịch sử từ ngày dựng nước. Máu lại đổ, nước mắt lại chảy,
nhưng không giống cảnh đấu tố, bỏ tù công khai như cảnh tượng xảy ra ở miền Bắc
khi cộng sản họ chiếm được nửa nước. Lần này tinh vi hơn, dã man hơn được che
dấu bởi cái vỏ bọc mang nhãn hiệu ‘nhân đạo, khoan hồng’, thực chất đã đọa đầy
hàng trăm ngàn sĩ quan, công nhân viên và những người ít nhiều dính líu đến chế
độ cũ.
Nhân nhớ ngày đại bịp (tháng sáu 13, 1975),
với tư cách người lính già và cũng là nạn nhân của 13 năm xé lịch, tác giả chỉ
xin đề cập đến diện bị trả thù ác liệt nhất chiếm tỷ lệ tuyệt đại đa số trong
các nạn nhân là thành phần chủ lực của chế độ, các sĩ quan của Quân lực VNCH.
Cộng sản họ thù diện này nhất vì họ cho là trực tiếp cầm súng chống họ trong
suốt chiều dài cuộc chiến, và vốn cảnh giác họ phải xử lý thế nào để tập thể
này phải thuần phục, không còn là mối đe dọa cho chế độ khi hai miền đã ngừng
tiếng súng.
Cái khó là trong cảnh xã hội mới đổi đời,
tình hình còn phức tạp tùy nơi tùy chỗ, làm sao để đưa đám người này vốn có
trình độ, vừa bán tín bán nghi về chính sách của nhà cầm quyền, lại nằm lòng
câu nói của ông Thiệu, “đừng nghe những gì cộng sản nói, mà hãy nhìn kỹ
những gì cộng sản làm”, để chịu ngoan ngoãn chui vào rọ một cách êm ái, tự
nguyện, tránh cảnh gây rối, tuyên truyền phản động, thậm chí chống đối dẫn đến
bạo loạn, gây khó xử cho chánh quyền quân quản sở tại.
Nói vậy trong số anh em chúng tôi vẫn còn
nhiều người rất ngây thơ vì đa phần sanh đẻ rồi lớn lên ở miền Nam chưa hề có
chút trải nghiệm nào về cộng sản, thậm chí ngay cả những người Bắc di cư cũng
bị lừa cháy túi, điển hình là viên trung tá lái tàu về từ đảo Guam yên chí sẽ
được khoan hồng đã đi rồi lại quay về, hệ lụy là được nhà nước tiếp đón bằng
mười hai năm cải tạo trên đất Bắc, nơi ông này đã xuống tàu há mồm cùng cha mẹ
dắt díu nhau vào Nam hồi 1954.
Bằng thủ thuật lọc lừa của những người cộng
sản, phe thắng cuộc chế ra cái gọi là chính sách khoan hồng 10 điểm, rồi ngụy
danh dưới danh nghĩa học tập cải tạo, tùy theo cấp bậc, hạ sĩ quan chỉ học một
tuần, hàng sĩ quan thì đi một tháng, kẻ trước người sau cứ trình diện học tập
cho tốt sẽ được khoan hồng trở về lương thiện làm ăn. Dứt khoát không có hiện
tượng tắm máu như bọn láng giềng Pôn-Pốt, không có chuyện trả thù như bọn cộng
sản Trung-Xô. Việt nam mình khác, Bắc-Nam xum họp một nhà/dù sao đi nữa cũng là
anh em, ai nỡ hại nhau.
Cái tài tình và tinh vi là họ làm đúng một
phần lời hứa, cả nửa triệu hạ sĩ quan học ngay ở phường, đúng một tuần là …tốt
nghiệp. Cả tháng sau mới đến lượt sĩ quan. Và cái thông cáo khốn kiếp ra đời,
đỉnh cao ngôn từ mang tính ưu việt của những kẻ gài bẫy. Tôi không nhắc nguyên
văn thông cáo ở đây, chỉ biết tác giả là viên trùm công an thành phổ, một đồng
hương của tôi nơi nước mặn đồng chiêm chốn quê nghèo miền Bắc.
Trở lại ngày đại bịp, nhiều cảnh cười ra nước
mắt, ai đời tự nguyện đi tù lại phải đóng tiền ăn cho một tháng, lại nên mang
áo ấm dù chỉ một tháng với thời tiết nắng nóng quanh năm, thông cáo đã nói rõ
diện nào phải trình diện, diện nào tạm chờ, ấy vậy mà có ông giải ngũ rồi vẫn
‘xin được đi học sớm’ để còn về nhà chân chỉ làm ăn (anh bạn tôi dại dột và là
người đầu tiên nằm lại Yên Bái). Ngày nhập kho cứ như ngày hội tựu trường, có
ông nọ còn cho đứa nhỏ gái 4 tuổi cùng vợ đi theo tiễn chân, miệng con bé líu
lo ‘như có ngày vui đại thắng…’! Chưa hết, đến nơi trình
diện, ngay bữa tối được xếp ngồi ăn cơm thồi món Tàu (toàn nhà hàng nổi tiếng
bên Chơ Lớn mang đến), được tiếp đón như những người anh em lâu năm chí cốt,
cán bộ còn cho phép ai quên gì cứ về lấy, ba ngày mới hết hạn nhập trường!
Vừa khóa sổ thì ngay chiều chủ nhật (15 tây),
cơm thồi chẳng thấy, mì gói cũng không, cả đám được lệnh sửa sọan hành trang,
chuẩn bị đến nơi …học tập. Mỗi tổ 10 người, 3 tổ một xe, xe tải bít bùng, chờ
phố lên đèn, Sài gòn ngủ yên, chuẩn hướng ngoại thành.
Qua kẽ hở của thân xe, tôi chỉ còn nhận ra,
cảnh ngoại ô đèn vàng, hàng me rũ lá, tiếng vọng cổ u buồn từ một căn gác chông
chênh.
Từ đây, kẻ lên Suối Máu, người xuống Hóc Môn,
bị dồn vào các doanh trại cũ, chẳng giường chẳng chiếu, nằm đất trải dài như cá
hộp, ăn uống đạm bạc như cảnh tù, mở đầu cho những ngày tháng trung chuyển gạn
lọc để đưa đi Bắc và rừng núi phía nam, nơi mà nhà nước đã dặn trong thông cáo
là phải mang theo áo ấm!
Ấy vậy mà đã bốn mươi năm, thế hệ chúng tôi
kẻ đã ra đi, người còn ở lại cũng ở tuổi thất thập mang theo nhiều thương tật
cả tâm thần lẫn thể xác. Còn được an ủi là chúng tôi - những người sống sót -
đã nhìn thấy hai điều, tưởng là khó xảy ra chưa đầy một thế hệ, một là chủ
nghĩa cộng sản bị xóa sổ, hai là những kẻ “bên thắng cuộc” một thời bêu rếu
chúng tôi ôm chân đế quốc, giờ này lại hồ hởi bám đít kẻ cựu thù.
Điều đáng buồn là nhà cầm quyền có một sách
lược mới, trớ trêu lại nhắm vào những người yêu nước, bị coi là thành phần đối
kháng trong cảnh đòi quyền sống và cảnh giác bá quyền. Họ bị đánh, bị bắt, bị
bỏ tù đến nỗi nhà văn Nguyên Ngọc, một đảng viên một đời sống chết vì đảng, một
người tên tuổi gắn liền với mảnh đất Tây Nguyên đã phải thốt lên,
Một đảng, một nhà nước kỳ lạ. Đánh người
toàn bằng đánh trộm, thụi ngầm và phi tang. (Nguyên Ngọc)
Với tôi, cùng những Người lính già, nạn nhân
của trò đại bịp 40 năm trước, xin bổ sung thêm, “…Hại người toàn bằng
trò bịp bợm, tinh vi và dã man.”
Cali, tháng sáu 13 - 2015
Người
Lính Già (đxt)