01 July 2015

QUÊ NHÀ - Nguyễn Hữu Khánh

John ít cười – không dễ dãi để cười. Khi tôi xuống ca đêm, John đã làm việc trước đó rồi. Không như những người khác, John luôn đứng yên lặng một mình. Như tôi. Chính điều đó làm tôi lưu ý đến John. Lặng lẽ quan sát. Không có gì để nói ở nơi đây ngoài công việc. Không có gì mới mẽ để phải cười.


Cười lăn lộn một cách cố tình. Những câu chuyện khôi hài ở bất cứ nơi đâu cũng đều giống nhau trong suy nghĩ. Nó khác bởi vì cách diễn đạt của người này khác người kia. Có những câu chuyện không đáng cười. Lại được trình diễn bởi những anh hề đôi lúc nhạt nhẽo, vô duyên thậm chí thô bỉ một cách trắng trợn. Thiên hạ vẫn cười. Cười cầu tài, cười phụ họa. Đôi khi thấy mọi người cùng cười, vẫn cười theo một cách đần độn. Người ta không biết rằng người ta đang bị đánh lừa bởi vì người ta đã quá bận rộn cười vào một thằng ngu đang cố kiếm tiền bằng cách hiếp dâm ngôn ngữ mẹ đẻ trước bao đứa trẻ. Vì bận cười người ta không có thời gian để nghĩ rằng mình đang bị đánh lừa, bị bịp (phim Cars 2). Cái phẩn uất, cái cay đắng của một ngày tranh sống đã được nhấn chìm trước khi đi vào giấc ngủ với bao câu chuyện cười cả tỷ kênh truyền hình và mỗi ngày luôn được lặp lại theo suốt thời gian gần nữa thế kỷ. Luôn luôn tôi nhìn thấy ở những con người tội nghiệp trên các chặn đường đời tôi bước qua ở quê nhà và tại đây trong cái đám đông nhập cư đủ sắc màu của da thịt, điều đó luôn luôn xảy ra.

Đôi lúc dậy trong tôi một niềm thương hại của cảm tính mỗi khi nhìn thấy những nụ cười mua lòng, phụ họa..v..v.. Không chết ai. Vô thưởng vô phạt. Nhưng cũng chính điều đó vô tình đã tạo nên sự khác biệt giữa các đẳng cắp. Của tự tin và sự yếu đuối. Của mạnh mẽ với nỗi rụt rè của tự nhiên với nỗi lo âu. Một tổng hợp cảm tính tràn lấp trên mọi sắc dân mới nhập cư. Vô hình chung người bản xứ, trong mắt nhìn của họ nhen nhóm một đẳng cấp. Dĩ nhiên nó có vẻ trừu tượng nhưng thật ra nó hiện hữu. Bàng bạc ở bất cứ nơi đâu và đậm nét nhất là tại nơi công sở nơi toàn là dân đầu đen Châu Á. Đàn ông thì còn đỡ. Nếu toàn là đàn bà thì mọi chuyện trên cõi đời này luôn luôn được tưởng tượng đến một mức phi lý không chịu nổi và luôn bắt đầu bằng một nụ cười đầy vẻ tội nghiệp.

Tôi đã nhìn – đã thấy – đã nghe. Và tôi buồn bã. Cái buồn của một thân phận nổi trôi nơi xứ người. Để cuối cùng dừng lại tại hãng này, sau những ngày tháng mới mẻ đặt chân lên đất Mỹ. Ba tháng đầu làm ba hãng khác nhau. Hãng cuối cùng này, cuối cùng theo nghĩa của hiện tại, ít người Việt Nam. Ca tôi làm chỉ có tôi và một thanh niên hơn ba mươi tuổi lẻ. May mắn là anh ta thuộc dân miền cao, Kontum hay Pleiku gì đó. Tiếng Việt không rành, tiếng Mỹ thì bù luôn. Và mọi phiền toái hầu như không có. Cũng như John, chúng tôi thuộc dạng chưa già nhưng đã không còn trẻ nữa. Tôi và John đến hãng rồi lặng lẽ ra về khi được báo go home. Chúng tôi nhích dần đến nhau vì nhận ra giống nhau ở cá tính. Một nụ cười – một cái gât đầu chào. Không có ầm ỹ “How are you?” như dòng dân Spanish, Africa, Mexico,… Và Việt Nam ở các hãng mà tôi đã từng làm trong ba tháng đầu đến Mỹ.
John là người Mỹ chánh cống. Tôi ngạc nhiên về điều John nói. Tôi nghĩ cái công việc tôi đang làm và cái công việc bốc xếp chất hàng mà anh bạn người miền cao của tôi làm là dành cho dòng dân nhập cư thôi. Lúc đó tôi thấy John cười bởi câu hỏi tại sao của tôi. John nói – Tôi cũng đâu có hơn gì các anh. Hiện tại tôi còn nghèo hơn các anh nữa. John nói và cười nhếch mép cho phải phép. Nhưng đôi mắt của John thì buồn rười rượi. Thú thật cứ mỗi lần nhìn vào đôi mắt của John, tôi luôn thấy nó toát ra muôn vẻ của sự buồn rầu. Của mỗi ngày, của bao nhiêu điều với từng sự việc đang xéo trong tận cùng sâu thẳm của tâm hồn John. Cái dáng mảnh khảnh, cao lớn bởi đôi chân dài từ một gene còn lại của giống Anglo-Saxon gò lưng trên chiếc xe đạp. Tự nó đã toát lên cái nỗi buồn, va đập vào cái nhìn của tôi làm tôi não lòng, khi tôi lái xe kịp sau lưng John mỗi lúc đèn đỏ bật lên ở ngã tư đường dẫn vào hãng.
Duy nhất John là người Mỹ đi làm bằng xe đạp ban đêm tại hãng, rồi vội vã rời hãng trước tiên trong khi các xe hơi của các bạn đồng hãng chưa kịp nổ máy. Tôi hiểu cái vội vã của John, cái mặc cảm xâm chiếm hằng ngày sẽ tràn lấp trên sống lưng khi hòa lẫn, né tránh trên dòng xe hơi lúc ra về của bạn đồng nghiệp. Bởi John thừa thông minh để hiểu rằng, không ai chơi sport vào lúc hai giờ khuya như thế này. Cũng như không có ai đạp xe đạp thong thả ngắm nhìn rừng cây tối om bởi bóng đêm ở hai bên đường….Cho nên ở mỗi lần bắt kịp, tôi luôn luôn xuống kiếng giơ tay chào John. Để được thấy trong đôi mắt buồn rầu đó ánh lên một chút rạng rỡ.
Khi sự thân thiện và đồng cảm đã đến một mức mà trực giác tôi cho là đủ. Bằng vốn liếng tiếng Anh tàm tạm và gần đúng giọng. Có thể hiểu theo cách như anh bạn người Kontum nói tiếng Việt lúc trò chuyện với tôi, còn tôi nói tiếng Mỹ với John. Tôi hỏi chuyện John, vẫn không quên xin lỗi, hay nếu có gì phiền cũng như tôi hiểu ở đây sự riêng tư của cá nhân luôn luôn được đặt lên hàng đầu. John cười nói rằng mình đủ già, đủ vất vả và thất vọng để có thể mất thời gian với những điều quan trọng đặt để đó. John nói, trước kia gia đình anh ở Leominter, John làm kiểm định viên ở một cái hãng nhựa chuyên đúc những phụ tùng bằng plastic cho xe hơi. Hãng làm ăn không lời. Di chuyển nguyên một hãng qua Mexico. Nhân công rẻ hơn. John thất nghiệp, và đời sống sinh hoạt hằng ngày xáo trộn. Nợ xe. Xe vợ, xe con. Nợ những tiện nghi phải có và không đáng có. Cuối cùng là nợ nhà trả góp. Kết cục nhà băng xiết nhà John.
Như tất cả mọi đứa con dù là dân tộc nào, sắc dân nào, tồn tại khắp nơi trên thế giới; đều giống nhau ở một điểm. Ngôi nhà của cha mẹ luôn luôn rộng mở ở bất kỳ thời khắc nào. Ngày đầu tiên trở về, ngồi lại chiếc bàn ăn xưa cũ. Y nhìn mặt bàn đã lên nước bóng bởi thời gian, mà suốt bao nhiêu năm mỗi lần về thăm bố mẹ, y hoàn toàn không để ý. Và khi ngước lên để bắt đầu bữa ăn tối sau phút cầu nguyện, John đã để nước mắt rơi khi nhìn thấy cái lấp lánh bừng sáng trong đôi mắt của cha mẹ y. John đã phải đứng dậy bước theo mẹ để dìu bà trở lại phòng ăn, bởi bà đã không dằn được cái nức nở mừng vui nghẹn ngào. Không vì cái thảm họa mà con bà đã gặp mà vì cái chắc chắn rằng – từ đây nơi ngôi nhà này sẽ không còn quạnh hiu của từng năm tháng, với những chiều hè có nắng vàng vọt in rõ nghiêng bóng bà và chồng trên vạt cỏ cùng cái băng ghế mà thằng bé John ngày xưa luôn ngủ quên dưới bóng râm của cây táo vì mệt nhọc vui đùa. Chiếc xe đạp mà John đi đã được John lôi từ nhà kho ra. Nó vẫn còn mới không đến nỗi. Và tôi biết được khoảng cách từ nhà John đến hãng khoảng 5 miles. John bảo không cần phải mua xe hơi dù là xe cũ. Có nhiều cái còn cần hơn là con John phải xong đại học năm nay. Có nhiều điều phải tiết kiệm. Thay vì phải thù ghét những cái bill đã từng dễ dãi gởi về hằng tháng cho John, anh ta nói với tôi anh ta muốn rằng mãi mãi nó sẽ không bao giờ tìm ra được địa chỉ của nhà bố mẹ John để John phải cầm hay thấy nó.
John nói anh ta còn đủ thời gian để làm việc đó. Những tiện nghi quá mức dành cho một con người, đã làm giảm bớt mọi suy nghĩ thực dụng vốn là bản sắc của dân Mỹ. Gần nửa thế kỷ thịnh vượng đã làm không riêng gì John dễ dàng mắc lừa ở các cái bill nợ có ghi những số tiền khiêm nhường dễ dãi và gã thời gian là kẻ đồng lõa luôn luôn hát ru bằng những lời ca êm ái.
John nói khi cơn tuyết đầu mùa đổ, anh sẽ tạm nghỉ suốt một mùa đông, rồi mới đi làm lại. Mùa đông có những công việc của mùa đông. Việc làm ở bang này không phải là vấn đề nếu chịu khó và chấp nhận đồng lương hơi thấp. Hơn nữa John là dân Mỹ chánh gốc. Tôi nói dù làm ở bất cứ nơi đâu lương anh cũng vẫn cao hơn đám nhập cư chúng tôi. John hỏi tôi tại sao mùa đông tôi không về Việt Nam chơi, hồi ở Leominter John nói có biết đôi người Việt Nam, cứ hễ đầu mùa tuyết rơi thì họ về thăm thú quê nhà của họ. Tôi ậm ừ gật gù với John. Có thể và cũng không có thể. Và bây giờ tôi đã quyết định về khi cảm thấy cái cô đơn lặng lẽ, cái chịu đựng gò lưng trên chiếc xe đạp chỉ còn là một hình dung khi tôi đến ngã tư, bởi John đã nghĩ sau cơn tuyết dữ dội đầu mùa. Không có John bên cạnh để nói chuyện vãn thường ngày tôi cảm thấy công việc như dài thêm ra và chán ngắt. Và nỗi nhớ Sài Gòn đôi lúc thúc đẩy cái buồn đôi lúc hầu như không chịu được.
Với mớ hành trang lẫn lộn. Tưởng tượng trở về một nơi chốn mới đó đã mù xa. Có gì thay đổi, hẳn biết bao nhiêu là thay đổi. Ai trong chúng ta ít nhất trong đời đều có một lần trở về, dù mãi dấn thân ở bất cứ nơi đâu. Những khuôn mặt thân thích, bạn bè chưa gặp lại. Các vui buồn được khơi thức trong nôn nao độ lượng. Và đêm ở thành phố nơi xứ người, tôi thức chờ đến giờ bay. Mới thấy cuộc trở về nơi chốn cũ, nơi bắt gặp lại tuổi thơ mãi chơi ở khoảnh đất trống sau khu phố từng cư ngụ. Nơi hàng phượng vỹ đỏ chói, rực rỡ một mùa cuối cùng của bậc trung học. Mãi mãi không quên được những buổi trưa êm ả vắng lặng, khi ngang qua bệnh viện mang cùng tên con đường. Nắng đổ lửa trên con dốc dài, trên thân thể người hành khất mà đôi tay không ngớt chùi vuốt những giọt sầu đau. Tôi trở về khi tôi nhận ra rằng có quá nhiều điều buồn nhớ, làm tôi mất thăng bằng chao đảo nơi cái đời sống tôi đang hiện hữu. Có thể dăm tuần, một tháng để rồi tôi biết mình tiếp tục cuộc chơi theo dòng đời lạnh bạc nơi xứ người.
Tôi hình dung thấy những bãi cát vàng, cùng hàng dừa với những cụm thông hình nấm của bãi biển Nha Trang hiển hiện trước mắt. Một khúc quẹo bỏ con đường Quốc Lộ ngang thị xã Phan Thiết, tức thời chạy dài trước mắt là những hàng dương để đến Mũi Né. Buổi sáng từ Nha Trang vượt 100 km để thả trầm mình trong nước ấm của Đại Lãnh. Rồi xa hơn nữa, có một buổi chiều, bước xuống gần hết dễ chừng 100 bậc thang của Ngũ Hành Sơn, nghe tiếng chuông đổ trong thinh không, mới thấy hết cái nhỏ nhoi, cái hiu quạnh của một kiếp người. Đã bao lần tôi ghé tạt Huế. Đêm thả thuyền xuống Kim Lăng thôi, không đi xa hơn nữa, ngắm khung cảnh tịch liêu của chùa Thiên Mụ. Nếu có trăng, vào những lúc đêm về sáng, hơi nước bốc trên mặt sông một làn sương mù mỏng mảnh. Kẻ phương xa khi trở về mới cảm nhận đêm là không cùng nơi xứ Huế. Tôi sẽ qua An Cựu tìm lại tin tức của Hồng Diệp. Để làm gì không biết nữa. Tất cả chắc sẽ còn thay đổi hơn. Rồi cũng như bao lần đã ghé Huế, cái cảm giác nao lòng khi nhớ đến đôi mắt hốt hoảng, buồn thiu, lóng lánh một lời chia tay ở năm tháng tao loạn. Đó là năm tháng của tuổi trẻ. Tôi gần 19 và nàng đã 16. Còn xắn quần để đá cầu với các chị. Dù mảnh mai, ngực đã bắt đầu vun bằng chanh quýt, nhưng vẫn chắc cho hứa hẹn một nhan sắc. Người ta nói với tôi chị em nhà Vấn, Diệp sau chiến tranh đã vào Long Khánh. Đó là những thông tin mơ hồ nếu không muốn nói là mù mịt. Nhà đó bây giờ đã thuộc một chủ nhân mới, và những bàn billar mưu sinh của gia đình nàng chỉ còn hiện diện trong trí nhớ của những người bạn mới quen lúc tôi đến Huế chơi theo chuyến công tác của cha tôi. Và cũng không ngờ đó là chuyến cuối cùng của đời ông. Tôi nhớ cà phê Phấn nằm trên đại lộ Trần Hưng Đạo, nơi tôi ngồi đến chiều khi Hồng Diệp không đến được. Nàng bảo với tôi – Huế nhỏ lắm, ngồi đó đối diện là chợ Đông Ba – Người quen thấy dị chết!
Trời cuối năm có mưa, có những ngày mưa từ sáng đến chiều, đến khuya. Tôi đội mưa qua cầu Gia Hội, đến cà phê Ngọc Sương, ngồi đợi nàng. Tôi, dân Sài Gòn, tập tành ăn chơi từ mùa hè của năm đệ tứ. Đủ dạn dĩ một cách tương đối khi nói chuyện, tán tỉnh với dân kẹp tóc. Nhưng vẫn còn cái hớ hênh khờ dại – Hỏi rằng nàng có yêu tôi hay không. Và đã bao nhiêu năm rồi Hồng Diệp? Có một buổi trưa vội vã tan trường của em. Tôi vẫn còn nhớ hoài câu nói ở gương mặt bừng đỏ; lí nhí câu trả lời – K.. hỏi chi lạ rứa hè. Ba tháng vỏn vẹn trong ký ức của một đời người. Tôi đã đến Huế thong dong và ra đi vội vã theo dòng người chạy loạn. Chỉ còn kịp nhìn nhau để rồi thất lạc hầu như mãi mãi.
Tự lâu tôi đã khám phá ra mình, sở dĩ tồn tại là do được nuôi dưỡng bởi cái lãng mạn của quá khứ. Cũng như khi nhận ra cái đẹp của lãng mạn chết dần theo vận mệnh của đất nước, của xã hội, của đổi thay, tâm hồn tôi đôi lúc tỷ lệ thuận với điều đó. Những cuộc tình tiếp nối có đau khổ – có tàn nhẫn – có dứt bỏ – có bắt buộc phải tan vỡ; hầu hết luôn luôn bắt đầu tự nơi tôi.
Tôi chọn ngày về, chuyến bay đáp vào lúc thời khắc rạng 30. Để tìm lại trọn hương xưa cũ lúc ngày còn xanh tóc. Để thấy cái bùi ngùi của thời gian sát cận tết trãi đậm trên từng ngôi nhà, phố thị lúc đi qua. Trên bờ tường mới, trên những ô cửa được sơn phết lại đã đủ ráo khô nhưng mùi vẫn phảng phất nồng gai gai một rộn rã.
Sài Gòn. Nơi tôi sống và lớn lên. Thành phố của trở lại. Tôi chợt nhớ đến John. Tôi tội nghiệp John và tôi tội nghiệp tôi……..

Nguyễn Hữu Khánh