Sáng hôm qua có chuyện phải đi chợ, và thấy hai cảnh hay hay, nên ghi lại cái note. Cảnh thứ nhất là trái vải của VN đã có mặt ở Sydney (với cái giá hơi đắt, 16 đôla/kí). Cảnh thứ hai là thấy một nhóm activists (nhà hoạt động) vận động người Úc lên tiếng ngăn chận chính sách mà họ cho là thù hận với Tàu. Thấy cách họ làm làm tôi phải nhại câu nói nổi tiếng trước 1975 và đặt tên cho họ là “Ăn cơm Australia, thờ ma china”.
Ở Úc, cũng như trong các xã hội dân chủ khác ở phương Tây, có
rất nhiều nhóm đấu tranh cho rất nhiều vấn đề họ quan tâm. Có những nhóm đấu
tranh cho chủ nghĩa xã hội, có nhóm đấu tranh để được quyền mua súng, có nhóm
mời gọi người ta theo đạo, có nhóm đấu tranh đòi giảm học phí, v.v. Nói chung
là rất phong phú, thật sự là một xã hội tự do và dân chủ, ai cũng có tiếng nói
(còn nói có ai nghe hay không là chuyện khác). Phương thức làm việc của họ cũng
đơn giản. Họ thường xuất hiện trong các trung tâm shopping, thường là kê một
cái bàn, và một đống tờ rơi để phát cho người qua đường. Có khi họ cũng có
những thảo luận bỏ túi với người quan tâm.
Nhưng sáng qua tôi thấy có một nhóm … lạ. Lạ là vì họ đấu tranh
cho Tàu. Nói là “nhóm”, nhưng trong thực tế chỉ có 3 người, tất cả đều là da
trắng tóc vàng, chứ không phải tóc đen da vàng. Trong khi chờ đèn xanh qua
đường, tôi nghe loáng thoáng họ hỏi một người là “Bạn có quan tâm đến tình hình
Chính phủ Úc càng ngày càng tỏ thái độ thù địch với Tàu?” Anh chàng kia nói
“Không”. Anh chàng tuyên truyền nhấn mạnh “Bạn không quan tâm? Nó có ảnh hưởng
trực tiếp đến tất cả chúng ta và sự tồn tại của Úc”. Anh chàng kia trả lời tỉnh
queo: “Không, tôi không quan tâm, và tôi nói cho anh biết nhé: tôi không thích
China, OK.”
Thấy không chiêu dụ được anh kia, anh ta quay sang tôi, và cũng
hỏi câu đó: Bạn có quan tâm. Tôi thấy chắc phải tiêu ra vài phút với anh chàng
này, tôi tạm gọi là anh chàng China. Chàng China hỏi tôi là có biết Chính phủ
Úc đang có chính sách thù địch với Tàu, tôi trả lời là biết. Chàng China hỏi
tôi vậy chứ biết, thì phải làm gì. Tôi nói rằng tôi hoàn toàn ủng hộ Chính phủ
Úc trong nỗ lực ngăn chận sự bành trướng của Tàu.
Anh chàng China có vẻ khựng lại và nói rằng đó là một chính sách
nguy hiểm vì sẽ đẩy Úc đối đầu với Tàu, không tốt cho kinh tế Úc. Tôi trả lời
rằng Úc và Tàu đã làm ăn mấy mươi năm nay, trong thời gian đó có lúc “up”, có
lúc “down”, nhưng chưa bao giờ kinh tế Úc bị đe doạ như bây giờ. Đe doạ là vì
Tàu đang mua mỏ, mua nhà, và mua đất của Úc, để rồi mai mốt con cháu chúng ta
khó có khả năng mua được một căn nhà để ở. Tôi hỏi anh China rằng anh có muốn
thấy cái viễn cảnh anh hay con cháu anh phải đạp xích lô cho mấy người Tàu cộng
ngay trên đất Úc này không?
Anh ta nói rằng Chính phủ Úc không bán mỏ cho Tàu là một sai lầm
vì kinh tế Úc cần Tàu, ngay cả Mĩ còn chơi với Tàu mà Úc dám chống Tàu là tự
sát. Tôi không đồng ý, vì mối quan hệ Mĩ – Tàu không đơn giản như anh ta nghĩ.
Còn Tàu là một nước chauvin, nó đang bành trướng, nó đang thực hiện cái gọi là
“giấc mơ China” của Tập Cận Bình, và nếu giấc mơ đó thành hiện thực thì đó là
thảm hoạ cho thế giới vì một chế độ fascist mới sẽ xuất hiện, và vì thế phải
ngăn chận Tàu.
Anh China hỏi tôi là bằng chứng Tàu bành trướng ở đâu? Tôi vỗ
vai anh China và nói anh thử đọc tình hình Biển Đông nhé, Tàu nó đang muốn nuốt
hết vùng biển Đông Nam Á, nó đang xây thành phố nhân tạo trên đảo mà nó ăn cướp
từ Việt Nam, nó đang ăn cướp ngư dân Việt Nam, Phi Luật Tân. Tôi nói thêm rằng
anh China làm nghề tuyên truyền này mà không biết đến những việc Tàu nó làm ở
Biển Đông thì tốt nhất là anh China nên đi đọc thêm. Thấy tôi nói một mạch, có
đầu có đuôi, và có vẻ am hiểu tình hình, nên anh chàng China khựng lại vì thấy
rõ ràng là khó tuyên truyền với tôi, nên tỏ vẻ lảng đi…
Nhưng tôi không tha. Tôi hỏi lớn anh chàng China đang làm cho
ai, ai đứng đằng sau việc làm của anh. Tôi nói rằng tôi không nói anh là người
của Tàu cộng, nhưng anh China đang làm lợi cho Tàu cộng. Tôi hỏi anh rằng anh
đang ăn lương hay trợ cấp của ai? Của Úc phải không? Tôi bắt đầu nóng máu, tôi
đưa mắt nhìn quanh (lúc này đã có đông người chú ý), rồi nói lớn: tôi đây này,
và các bạn đang đứng chung quanh tôi đây, chúng tôi đã và đang đóng thuế để
nuôi những người như anh, để rồi các anh quay lại chống lại chúng tôi, các anh
thấy như thế là hợp lí không?
Anh chàng China nói lại: Nhưng anh không phải là người Úc. Làm
tôi nóng mặt hơn và nói: Anh định nghĩa thế nào là người Úc? Là người định cư ở
đây hơn 1000 năm trước? Nếu thế thì tôi và anh đều không phải là người Úc. Nếu
định nghĩa là quốc tịch Úc, thì tôi là người Úc đây. Nhưng câu hỏi của anh lạc
đề, vì câu hỏi đáng lẽ phải là tôi và anh đã và đang làm gì đem lại lợi ích cho
đất nước này. Tôi đem lại lợi ích cho Úc, còn anh thì chống Úc và tôi xem đó là
một việc làm thiếu suy nghĩ. Chào anh, tôi phải đi chợ cái đã. Ngạc nhiên là
khi tôi hết câu đó, thấy vài người vỗ tay đồng tình. Một buổi sáng mát dạ.
Chế độ tự do dân chủ như Úc có cái hay là nó cho mọi người có
quyền tự do ngôn luận và có quyền phát biểu ý kiến đi ngược lại chính quyền.
Nhưng cũng chính cái thể chế này đang nuôi ong tay áo, và tôi chợt nhận ra câu
“Ăn cơm Australia, thờ ma china” quá thích hợp cho những kẻ như anh chàng China
đó. Buồn một điều là mình phải đóng thuế nuôi anh chàng vô dụng đó. Tôi chợt tự
hỏi ở VN mình có bao nhiêu người đang ăn cơm Việt Nam mà thờ ma Tàu. Con số
chắc là nhiều, nhưng khác với Úc là những kẻ này có thể đã chui sâu và leo cao
trong hệ thống công quyền VN nên chúng rất nguy hiểm.