Đây là
mượn ý câu của Lý Giác, sứ Tàu đời nhà Tống, “thiên ngoại hữu thiên ưng viễn
chiếu” tạm dịch là ngoài trời còn có trời, đừng có coi thường. Viên
sứ Tàu sống ở thế kỷ thứ X này xem ra hiểu biết hơn, có viễn kiến hơn ngài
ngoại trưởng họ Vương thế kỷ XXI (không hiểu có phải hậu duệ của Tổng binh
Vương Thông thế kỷ XV đời nhà Minh bị nghĩa quân Lê Lợi đánh cho tơi tả để
Nguyễn Trãi viết trong Bình Ngô đại cáo: “ra đến biển chưa thôi trống
ngực, về đến Tàu còn toát mồ hôi”) dám tuyên bố liều mạng và xấc xược rằng:
việc xây đắp các đảo nhân tạo, trong đó có Gạc Ma vừa cướp của Việt Nam, là xây
trên sân nhà chúng nó.
Câu thơ
của Lý Giác làm vào năm 987 khi đi sứ sang An Nam (có sách ghi là 971). Bài thơ
nói lên cảm nhận của viên sứ Tàu về nước ta sau chiến thắng của Ngô Quyền dìm
chết quân xâm lược nhà Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm 938 “một vũ công cao
cả, vang dội đến nghìn thu há phải chỉ lừng lẫy ở một thời bấy giờ mà thôi đâu”
như lời bàn của Ngô Thì Sĩ. Tiếp đó là chiến thắng oanh liệt của Lê Hoàn đánh
tan tác quân xâm lược năm 981, giáng một đòn chí tử vào tham vọng bành trướng
của vua tôi nhà Tống. Đó là cội nguồn của lời cảnh báo của Lý Giác, “thiên
ngoại hữu thiên”, hai chữ thiên cùng một cách đọc và cả cách viết
nhưng ý tứ thì khá hàm súc.
Chữ thiên
đứng trước chắc là nói về “thiên tử” của “thiên triều” mà “trung
nguyên” đứng giữa “thiên hạ” là tâm của trời đất, còn lại đều là bọn
Man, Di, Nhung, Địch. Những nước Đông Di, Tây Nhung, Bắc Địch đều có thể bình
định nhưng Nam Man là đáng ngại nhất, phải “ưng viễn chiếu”, nghĩa là “soi
cho thấu”, ngụ ý “đừng coi thường”. Vậy là chữ thiên thứ hai
là để nói về một “thiên hạ” khác ngoài “thiên triều” của “trung nguyên”, mà ở
đây là nói đến An Nam? Sử ta còn ghi cuộc đối thơ giữa Lý Giác với nhà sư Đỗ
Thuận, sứ giả của vua ta cải trang thành một người chèo thuyền, đã gây ấn tượng
mạnh đối với một nhà thơ có tầm nhìn đáng nể khá hiếm hoi trong cương vị của
một viên sứ Tàu!
Nếu không
có những chiến công vang dội trên sông Bạch Đằng của Ngô Quyền và tiếp đó của
Lê Hoàn thì e cũng không thể có cái nhìn đáng nể đó của một “quốc tử giám bác
sĩ”, tước hiệu của Lý Giác, khi được vua nhà Tống chọn cử làm sứ thần sang nước
ta. Có lẽ trong lịch sử mối bang giao giữa nước ta với “thiên triều” thì quãng
thời gian dễ thở nhất là thời nhà Lý, sau chiến thắng lẫy lừng của Lý Thường
Kiệt. Cũng chính trong bối cảnh đó mà người ta nói đến Tuyên Ngôn Độc lập lần
thứ nhất với “Nam quốc sơn hà Nam đế cư. Tiệt nhiên định phận tại thiên thư”.
Bằng chữ đế đầy thách thức đó, từ thế kỷ XI ông cha ta đã khẳng định sự
tồn tại của một quốc gia độc lập và có chủ quyền, vừa bác bỏ sự ngạo mạn của
“thiên triều” kỳ thị Hoa Di, phủ nhận vai trò độc tôn tự xưng của hoàng đế
Trung Hoa.
Có ngẫm
sâu vào điều này mới thấy khí phách của ông cha mình không bao giờ chịu khuất
phục bọn bành trướng phương Bắc, đồng thời cũng thấy tư tưởng bành trướng đó ăn
sâu vào cốt tuỷ của bọn xâm lược. Cái cột đồng Mã Viện dựng lên từ những năm 40
(đầu CN) với lời hăm doạ “đồng trụ chiết Giao chỉ diệt” vẫn là tâm địa
nham hiểm của bá quyền phương Bắc xuyên suốt lịch sử. Đến thế kỷ thứ XVII mà
Sùng Trinh, vua nhà Minh, vẫn còn lấy biểu tượng ác hiểm đó để ra câu đối Đồng
trụ chí kim đài dĩ lục (Cột đồng đến nay rêu vẫn mọc). Sứ
thần Giang Văn Minh đã đánh gục sự ngạo mạn của Sùng Trinh với vế đối Đằng
Giang tự cổ huyết do hồng (Sông Đằng tự bấy máu còn loang) dù biết
rằng mình sẽ chết vì vế đối này.
Không
biết đoàn ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cấp tập được mời sang Tàu ngay sau
khi có tin ông sẽ đi Mỹ liệu có học được chút nào khí phách của ông cha để được
xem là “Sứ bất nhục quân mệnh, khả vi thiên cổ anh hùng” (tức
là Sứ thần không làm nhục mệnh vua, xứng đáng là anh hùng thiên cổ)
như Giang Văn Minh được phong tặng? Những chuyện thâm cung bí sử của những
thương thảo thoả thuận không công bố mà giới báo chí nước ngoài gọi là mật
đàm hay những cái nắm tay dưới gầm bàn ra sao thì chịu, vì trên báo
chí chính thống thì không có dòng nào nói đến chuyện này cả. Nhưng từ Mã Viện,
qua Sùng Trinh và đến ông Tập Cận Bình, người đồng chí “cùng chung ý thức hệ”
(với các đồng chí kiên định lập trường xã hội chủ nghĩa của ta) thì cái điều ăn
sâu vào cốt tuỷ của “thiên triều” muốn uy hiếp cả “thiên hạ” vẫn chẳng có gì
thay đổi cả. Thì chẳng phải cái lưỡi bò ham hố của chúng đang thè ra muốn nuốt
trọn Biển Đông đó sao?
Phải
chăng cũng vì những hành động khi thì lắt léo, bịp bợm, khi thì ngang ngược,
trắng trợn của một siêu cường “hung đồ” (tên gọi mới của chủ nghĩa bành trướng Đại
Hán thế kỷ XXI trên tờ Diplomat
ngày 10-06-2015) đã thúc đẩy sự xoay trục sang châu Á của Mỹ? Chính sự xoay
trục đó đang tạo điều kiện cho nhiều quốc gia châu Á mạnh mẽ hơn với bầu trời
tổ quốc mình.
Vậy là
lời cảnh báo của Lý Giác từ thế kỷ thứ X đang được mở rộng thêm biên độ và hàm
lượng của nó. Chữ thiên của thế kỷ XXI xem ra có sức biểu đạt mạnh mẽ
hơn nhiều, và mấy chữ “ưng viễn chiếu” cũng tăng thêm sức cảnh báo quyết
liệt hơn. Bên ngoài “trời” của “thiên triều” họ Tập còn có “trời” khác rộng lớn
và văn minh hơn, trong đó có bầu trời của Việt Nam đang nối liền với thế giới.
Liệu
những người rồi sẽ gánh vác trọng trách đem chuông đi đánh xứ người có nhận
thức được đầy đủ bài học lịch sử mà chọn cách ứng xử để không làm nhục đến
truyền thống ông cha? Ngoài trời còn có trời, lời nhắn gửi ấy gọi dậy
những suy ngẫm mông lung nhưng lại rất thiết thực vào thời điểm tế nhị này.
Viết nhân
Ngày báo chí 21.6.2015
T.L.