Vụ cháy ngôi biệt thự Hồng Dương
vào ngày Mùng Một Tết không chỉ làm chấn động Thành phố Đà-lạt mà còn gây xôn
xao cả nước. Ngay sau khi hỏa hoạn xảy ra, các cơ quan an ninh và thông tin văn
hoá đã nhanh chóng làm nhiệm vụ, ngăn chặn việc phổ biến tin này, nhưng chỉ
ngày hôm sau, trong hệ thống đảng, từ trung ương tới các cấp bộ địa phương, mọi
người đều hay biết với những tin tức khá đầy đủ.
Ngôi nhà hai mươi phòng của Tướng Vũ Sơn đã bốc lửa vào lúc nửa đêm Mùng Một
Tết, cháy cho đến chiều hôm sau, khói vẫn còn âm ỉ bốc lên từ những gì còn lại.
Sở Phòng Cháy Chữa Cháy thành phố đã huy động tất cả phương tiện cơ hữu để cố
đàn áp ngọn lửa nhưng chính họ đã bị ngọn lửa đẩy lui để bảo vệ khu rừng thông
bên ngoài và các ngôi nhà chung quanh khỏi bị cháy lan.
Thiệt hại vật chất rất to lớn, chưa thể biết chính xác. Bốn năm trước, Thượng
Tướng Vũ Sơn đã cho khởi công xậy dựng ngôi biệt thự này trên một đồi thông
nhìn xuống Hồ Tuyền Lâm thơ mộng. Việc xây cất đã kéo dài hai năm mới hoàn tất
với những vật liệu hiếm quý đắt tiền, với những tiện nghi xa hoa hiện đại. Các
phòng ốc được trang trí với những báu vật mà Biệt điện của Vua Bảo Đại trước
đây cũng chưa có. Tất cả nay đã thành tro than.
Nhưng thiệt hại nhân mạng cũng rất hãi hùng. Sau cơn tung hoành của lửa khói,
khi các nhân viên chữa cháy đầu tiên vào được bên trong, họ đã chứng kiến một
cảnh tượng giống như nơi đây vừa là mục tiêu của một trận pháo kích. Quá nhiều
xác chết. Xác chết rải rác khắp nơi, nhưng nhiều nhất là tại căn phòng lớn được
gọi là “hội trường”, nơi tổ chức những cuộc liên hoan, ca vũ.
Khi hoả hoạn xảy ra, căn phòng này có khoảng năm mươi người đang tham dự tiệc
liên hoan đầu năm. Vợ chồng Tướng Vũ Sơn và người con trai, tổng giám đốc một
công ty vận chuyển, cũng nằm trong số nạn nhân. Những nạn nhân khác đều là
những người có quyền thế và có nhiều triệu đô-la mà ngôn ngữ thời thượng gọi là
các “đại gia”, không những chỉ ở Đà-lạt mà còn từ Hà-nội và Sài-gòn lên đây ăn
Tết do lời mời của gia chủ.
Nguyên nhân gây ra vụ hoả hoạn chưa được biết rõ, nhưng đã có lời đồn về một
nghi án đốt nhà vì người ta ngửi thấy mùi xăng và tìm thấy vài tang vật đang
được phòng giảo nghiệm khoa học hình sự phân tích để phanh ra manh mối.
Những thám tử giỏi nhất từ Hà-nội đã được phái tới Đà-lạt để tăng cường cho Sở
Công an thành phố mở cuộc điều tra. Nhưng càng điều tra người ta càng có thêm
nhiều câu hỏi mà không có câu trả lời. Nếu đây là một vụ đốt nhà thì thủ phạm
là ai? Làm cách nào hắn đã đột nhập ngôi biệt thự có nhiều hệ thống an ninh mà
không bị phát hiện? Ai đã khoá trái các cửa “hội trường” khiến không một người
nào có thể thoát thân? Cuộc điều tra càng trở nên phức tạp khi phòng giảo
nghiệm khoa học hình sự xác nhận những vật liệu gây cháy là của quân đội và thủ
phạm phải là người ở trong quân đội hay đã từng là bộ đội. Và cuối cùng, động
cơ của vụ đốt nhà táo bạo này là gì?
Nhiều người đã bị điều tra, thẩm vấn. Cuối cùng, sáu tháng sau, công an đã bắt
một người không ai ngờ: nhà ngoại cảm Phan Quang Thế.
Ông Thế đã nổi tiếng khắp nước từ mấy năm nay như một người có “ngoại cảm” với
cõi âm, có thể nói chuyện được với những linh hồn ở thế giới bên kia, và đã
giúp nhiều gia đình tử sĩ tìm được hài cốt người thân bị vùi chôn đâu đó trong
cuộc chiến đánh chiếm miền Nam đã qua.
Ngoài 60 nhưng nhà ngoại cảm Phan Quang Thế trông già hơn tuổi, với mái tóc bạc
phơ thưa thớt trên đầu, với cặp kính lão ít khi rời khỏi đôi mắt nhỏ trên gương
mặt trầm tư mang nhiều nếp nhăn. Ông có thân hình mảnh khảnh và chân đi khập
khiễng, nghe nói do một tai nạn lưu thông đã lâu. Ông ít nói và nghe giống như
giọng những người miền Bắc mới vào Nam sau ngày chiến tranh chấm dứt, nhưng ông
Thế cho biết ông là dân “Bắc di cư” năm 1955.
Từ khoảng giữa thập niên 1990, ông Thế làm việc tại tiệm hớt tóc “Thời Danh” ở
khu Ngã Bảy, Sài-gòn. Gọi là “tiệm” nhưng “Thời Danh” chỉ là một cái chái nhỏ
trong con đường hẻm được che bằng vài miếng tôn dựa vào bức tường một căn phố
ba tầng, và có hai ghế cho khách hớt tóc. Người chủ tiệm làm một ghế và ông Thế
một ghế. Ông ta khéo tay và làm việc cần mẫn nên có nhiều khách.
Tiệm hớt tóc là nơi hàng ngày thu nhận nhiều tin tức thời sự, do khách đem tới,
và cũng là nơi phát đi nhiều tin tức, do thợ hớt tóc truyền ra, nhưng ông Thế
chỉ nghe nhiều hơn là nói. Ông ta có đời sống thầm lặng và kín đáo. Không ai
biết nhà cửa ông ở đâu và gia cảnh ra sao. Khi có người hỏi thăm, ông chỉ nói
quấy quá là sống độc thân với một người bạn già cùng cảnh ngộ.
Khi những câu chuyện về các nhà “ngoại cảm” được loan truyền, tiệm hớt tóc “Thời
Danh” cũng là nơi thu nhận và phát đi nhiều tin tức nóng hổi, và khác với
thường lệ, ông Phan Quang Thế có vẻ quan tâm và hỏi han tìm hiểu.
Vài tháng sau, ông Thế bỏ nghề hớt tóc và không còn xuất hiện ở khu Ngã Bảy.
Bẵng đi một thời gian khá lâu, khi những người thường lui tới tiệm “Thời Danh”
không còn nhắc nhớ đến ông thì có tin ông đã trở thành một nhà “ngoại cảm” sau
khi tiếp thu một phép lạ khiến ông có thể nói chuyện với những linh hồn và đã
giúp tìm được nhiều hài cốt của những bộ đội chết trên chiến trường miền Nam
trước đây. Những vụ này đã được tường thuật trên báo chí với tên tuổi và đầy đủ
chi tiết của từng vụ, kèm theo hình ảnh.
Đây là những chuyện có thật mà những người chứng kiến không thể nghi ngờ và
khoa học cũng không thể giải thích. Có những cán binh từ miền Bắc vào chết mất
xác trên rừng núi miền Nam hơn ba mươi năm trước đã được ông Phan Quang Thế tìm
ra hài cốt và được gia đình xác nhận đúng là thân nhân của họ sau khi thử
nghiệm DNA.
Ngay đến giới lãnh đạo Đảng Cộng sản và nhà nước, những con người theo chủ
nghĩa vô thần, những kẻ gọi tôn giáo là thuốc phiện và xem bói toán, thờ cúng
là dị đoan lừa gạt, cũng không thể bác bỏ những chuyện sặc mùi mê tín này và họ
trở nên hoang mang, sợ hãi, vì biết đâu với khả năng nói chuyện được với những
người ở cõi âm, các nhà “ngoại cảm” chẳng có thể tung ra những câu chuyện tác
hại liên quan đến những lãnh tụ đã qua đời như Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Lê
Duẩn, Phạm Văn Đồng…...
Tướng Vũ Sơn cũng là một người quan tâm đến những câu chuyện “ngoại cảm”. Tuy
đã về hưu, ông tướng cũng còn nhiều ảnh hưởng trong đảng và quân đội, do những
vai trò quan trọng trong quá khứ của ông và các chức vụ lớn hiện nay của mấy
người con. Trước hết, ông ta là một kẻ vô thần và tin rằng con người khi “chết
là hết”, không có linh hồn mà cũng chẳng có thiên đàng hay địa ngục. Nhưng ông
cũng không thể dựa vào lập luận nào để bảo rằng những câu chuyện về “ngoại cảm”
như được thuật lại là bịa đặt hay lừa gạt. Ông ta muốn đích thân tìm hiểu, nên
khi được tin ông Phan Quang Thế đang có mặt ở Đà-lạt vào những ngày cuối năm để
giúp tìm hài cốt trong vùng cao nguyên, Tướng Vũ Sơn đã mời ông ta tới nhà để
đàm đạo và trắc nghiệm về những khả năng huyền bí của nhà “ngoại cảm”.
Qua vài lần gặp gỡ, Tướng Vũ Sơn đã kinh ngạc khi chứng kiến tận mắt ông Thế
nói chuyện với linh hồn của vài người thân của vợ chồng ông tướng và đã phát
hiện những chi tiết mà người ngoài không thể biết.
Tướng Vũ Sơn đã theo đảng từ năm 17 tuổi, khi đang làm công cho một đồn điền
trà ở Di-linh, từng vào tù ra khám, đã trải qua nhiều gian khổ, đã đương đầu
với nhiều hiểm nguy, đã nhúng tay vào nhiều tội ác, nhưng đây là lần đầu tiên
ông ta cảm thấy tinh thần bị lung lay dữ dội và sợ hãi như đang phải đối đầu
với một kẻ thù vô hình. Nhà “ngoại cảm” Phan Quang Thế, qua những hồn ma, đã
biết nhiều điều liên hệ đến quá khứ của vợ chồng ông. Nhưng con người với cái
bề ngoài tầm thường vô hại này là ai, do đâu mà có những quyền năng huyền bí
như vậy?
Bà vợ Tướng Vũ Sơn càng sợ hãi hơn khi ông Thế tiếp xúc với linh hồn của một
người đàn bà mà ông ta nói là người đã cứu bà tướng khi còn nhỏ trong trận đói
năm 1945 ở miền Bắc mà cho đến nay linh hồn người này chưa siêu thoát và vẫn
lẩn khuất quanh đây.
Quả thật, năm ấy bà tướng là một cô bé mười tuổi đã được một bà chủ điền ở Sơn
Tây đem về cứu sống trong lúc đang nằm chờ chết bên lề đường ở ngoại ô Hà-nội
vì đã không có gì ăn hơn một tuần lễ. Bà đã trở thành con nuôi của bà điền chủ,
và đã trả ơn người cứu mình bằng cách đấu tố người ấy trong cuộc “cải cách ruộng
đất” năm 1956 ở miền Bắc. Khi ấy bà đã là một thiếu nữ xinh đẹp và sau đó không
lâu được đảng xây dựng kết hôn với Tướng Vũ Sơn, lúc đó còn mang quân hàm đại
tá.
Câu chuyện này tưởng đã chôn vùi trong màn đêm sâu thẳm của quá khứ nay được
nhà “ngoại cảm” Phan Quang Thế làm sống lại khiến mấy đêm liên tiếp bà tướng
không thể ngủ yên, mà hễ chợp mắt chỉ thấy toàn ác mộng.
Tướng Vũ Sơn ngoài mặt tỏ ra trọng vọng Phan Quang Thế và mời ông tới ở trong
một căn phòng của biệt thự Hồng Dương để được thù tiếp, nhưng trong thâm tâm
ông ta muốn sống gần để có điều kiện thử thách thêm và tìm hiểu lý lịch của nhà
“ngoại cảm”.
Nhưng, vụ hỏa hoạn ngày Mùng Một Tết đã xảy ra bất ngờ và sau đó Phan Quang Thế
đã biến mất khỏi thành phố Đà-lạt. Đó là một trong những lý do khiến ông ta bị
nghi ngờ, bị truy nã, và bị bắt.
Ngồi đối diện với hai điều tra viên mặt lạnh như thép nguội đầy đe dọa, Phan
Quang Thế không tỏ ra chút nao núng, sợ sệt. Ông ta ngồi thẳng lưng, chắp hai
bàn tay đặt lên mặt chiếc bàn nhỏ trong phòng lấy cung, mắt nhìn thẳng vào mặt
hai điều tra viên và nói với giọng vừa đủ nghe:
- Để khỏi mất thời gian của các ông, và các ông cũng không phải nhọc lòng nặng
tay trên thân thể già nua, gầy còm này để cố moi những gì muốn biết. Tôi hiểu
rõ tội của tôi và cũng biết rõ hậu quả sẽ dành cho tôi, và tôi sẽ nói tất cả sự
thật. Vâng, tất cả sự thật, dù các ông có muốn nghe hay không, nhưng tôi muốn
nói chuyện với ai đó cao hơn các ông một chút.
Hai viên công an, một người cao gầy và răng hô, một người to béo và mắt lồi,
nhưng cả hai đều đỏ bừng mặt giận dữ. Hai người đều trẻ, đáng tuổi con của Phan
Quang Thế. Sau một phút nghẹn họng, người cao gầy gằn giọng:
- Anh muốn nói chuyện với ai?
- Thí dụ viện trưởng Viện Kiểm Sát Nhân Dân.
Người to béo xô bàn đứng phắt đậy, đôi mắt lồi muốn lọt ra ngoài, tát mạnh vào
mặt Phan Quang Thế một cái và quát:
- Láo! Thằng này, mày là ai mà đòi nói chuyện với viện trưởng Viện Kiểm Sát
Nhân Dân?
Phan Quang Thế đưa tay quẹt giọt máu vừa ứa ra trên khoé môi, bình tĩnh nói:
- Tôi chỉ là “thằng dân”, chẳng là ai cả. Nhưng không phải là các ông bảo “nhân
dân làm chủ”, và các ông chỉ là tôi tớ à? Các ông được gì khi đánh đập “thằng
dân” này? Lỡ thân này chết đi thì các ông được gì? Những điều mà tôi đang muốn
cống hiến cho các ông quý hơn cái thân già này nhiều.
Hai viên công an gầm gừ như muốn ăn tươi nuốt sống nhà “ngoại cảm” nhưng đành
nén giận, ngồi yên nghe tiếp:
- Hơn nữa, các ông đừng tưởng những gì các ông làm trong Sở Công an này mà bên
ngoài không biết. Không cái gì còn có thể che giấu trong thời đại toàn cầu hoá
và thông tin điện tử ngày nay. Trước sau gì thì tôi cũng chết: bị xử bắn, bị
thủ tiêu trong nhà giam, hay tắt thở trong khi bị tra tấn. Nhưng cấp lãnh đạo
của các ông cần biết nhiều sự thật trước khi tôi chết. Và các ông sẽ phải chịu
trách nhiệm nếu tôi chết trước khi họ biết sự thật.
Anh công an cao gầy văng tục, xô ghế đứng lên, bước ra ngoài, gọi người đem
Phan Quang Thế trở về phòng giam.
Nội vụ được trình lên Viện Kiểm Sát Nhân Dân vì đây là một vụ án quan trọng
đang được các cấp lãnh đạo đảng đặc biệt theo dõi. Sau khi đọc hồ sơ và nghe
báo cáo, viện trưởng Viện Kiểm Sát Nhân Dân đã đích thân nghiên cứu và giải
quyết. Từ ngày về cầm đầu cái cơ quan công tố tối cao của nhà nước, ông ta chưa
gặp một vụ nào phức tạp như thế này. Thật ra, khi mà quyền làm luật và thi hành
luật đều nằm trong tay đảng thì vai trò của “Viện Kiểm Sát Nhân Dân” không có
gì nặng nhọc lắm. Nó có thể biến một nhà báo dám viết sự thật thành một tên
gián điệp, hay một kẻ phản động, âm mưu lật đổ nhà nước xã hội chủ nghĩa và
lãnh án hai mươi năm tù. Nó có thể miễn tố một đảng viên thâm lạm công quỹ hàng
tỉ đồng, hay giam giữ một người năm này qua năm khác mà không cần đưa ra toà
xét xử... Mọi bản án đã được làm sẵn trước phiên tòa, tất cả chỉ là những trò hề
tẻ nhạt. Nhưng, tên Phan Quang Thế này là ai? Do đâu hắn có những quyền năng
huyền bí đáng sợ như vậy? Vì lý do gì hắn đã đốt nhà Tướng Vũ Sơn với mục đính
giết chết nhiều người quan trọng như vậy, và đang còn nắm giữ những bí mật gì?
Theo báo cáo của công an, Phan Quang Thế đã trở thành nhà “ngoại cảm” sau một
cơn bệnh nặng, và nói rằng trong mấy ngày hôn mê hắn đã được một vị thần ban
truyền cho quyền năng “ngoại cảm”. Công an cũng xác nhận những việc nhà “ngoại
cảm” Phan Quang Thế đã làm, như tìm ra những hài cốt bộ đội và nói chuyện với
các linh hồn ở cõi âm, là có thật chứ không phải tin đồn nhảm.
Tất cả học thuyết Mác-Lê-nin, duy vật biện chứng, tư tưởng Hồ Chí Minh, chuyên
chính vô sản… đều không giúp được gì trong vụ này. Và trong lúc Viện Kiểm Sát
Nhân Dân đang lúng túng thì trên mạng điện tử xuất hiện một bức “thư ngỏ” của
Phan Quang Thế gửi giới lãnh đạo Đảng Cộng Sản Việt Nam với nội dung như sau:
“Thưa các ông lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam:
Tôi là Phan Quang Thế, đang bị giam giữ vì vụ đốt nhà Tướng Vũ Sơn. Như tôi đã
nói với công an ngay trong ngày đầu lấy cung, tôi cần gặp các ông để nói những
sự thật liên quan đến vụ án, nhưng đến nay các ông vẫn im lặng, trong lúc tôi
tiếp tục bị tra khảo với đòn thù mà tấm thân già yếu của tôi không thể chịu
được lâu. Vì thế tôi phải gửi thư ngỏ này để nói lên những sự thật mà các ông
cần biết trước khi tôi chết.
Tên do cha mẹ đặt cho tôi lúc sinh ra đời là Nguyễn Văn Minh chứ không phải
Phan Quang Thế. Quê ở Huyện Tùng Thiện, Tỉnh Sơn Tây, Bắc Việt. Việc thay họ
đổi tên tôi sẽ nói thêm sau.
Khi chiến dịch cải cách ruộng đất được Đảng Cộng sản phát động ở miền Bắc thì
tôi mới lên mười, nhưng vẫn còn nhớ như in những gì đã xảy đến với bà nội tôi,
một người đàn bà hiền hậu và đạo đức. Bà tôi chỉ có một mẫu ruộng, tự cày cấy
lấy, và năm 1956 đã bị đấu tố vì tội địa chủ, và người đứng ra đấu là Nguyễn
Thị Yến, người con nuôi mà bà tôi đã cứu khỏi nạn đói mười một năm trước. Bây
giờ, do sự xúi giục của cán bộ cải cách ruộng đất, Thị Yến kết tội bà tôi là địa
chủ gian ác, bắt nó lao động hơn mười năm không trả lương. Bà tôi chỉ khóc và
nói rằng bà thương nó như con ruột, nó có phụ bà chăm lo vườn tược và làm công
việc đồng áng thì cũng như con cháu khác trong nhà, đâu có ai lãnh lương. Nó
chỉ vào mặt bà mà mắng: ‘Mày đâu có phải là mẹ tao mà bắt tao lao động không
công? Mẹ tao đã chết trong trận đói năm ấy trong lúc bọn địa chủ chúng mày thừa
lúa gạo cất trong kho. Mày là con địa chủ gian tham, mày cho tao ăn cho khỏi
chết đói để đem về bắt tao làm nô lệ, chứ có nhân đức gì đâu!’. Sau màn đấu tố
dã man, bà nội tôi bị đưa lên núi, nhốt trong một cái cũi bằng tre, bị bỏ đói
cho đến chết. Hai ông chú tôi theo cách mạng từ ngày đầu kháng chiến nay trở về
làng trở thành cán bộ nhà nước cũng không dám làm gì để cứu mẹ. Một chế độ đã
đưa con người xuống thấp hơn loài dã thú. Con thú mà thấy mẹ nó gặp nạn cũng
không thể đứng yên.
Cái chết thương tâm của bà tôi cùng với màn đấu tố man rợ đã nhuộm đen tâm hồn
tuổi thơ trong trắng của tôi và đã không bao giờ mờ nhạt khi tôi khôn lớn. Năm
20 tuổi, tôi bị gọi đi nghĩa vụ và đưa vào giải phóng miền Nam. Trên đường mòn
Trường Sơn tôi đã biết thế nào là địa ngục trần gian. Đi mười chết năm vì bệnh
tật, rắn rết, bom trải thảm.
Tôi là một trong những người sống sót trong đơn vị để chiến đấu trên đất miền
Nam trong hơn 5 năm, đã tham dự nhiều trận đánh ác liệt, kể cả trận Tết Mậu
Thân tại Huế và trận tổng tiến công mùa hè năm 1972. Trận nào cũng thua và cũng
chết quá nhiều. Những người chết bị bỏ lại chiến địa hay chôn lấp vội vã chung
một hố trước khi đơn vị rút lui. Con người không có giá trị gì hơn là những
công cụ của các ông. Các ông không cần biết tới đời sống của chúng tôi, tình
cảm của chúng tôi, tâm tư chúng tôi, gia đình chúng tôi. Chúng tôi chỉ là những
sinh vật biết cầm súng để đi vào chỗ chết theo lệnh của những lãnh tụ vô cảm,
sau khi đã gây ra bao tội ác với đồng bào đang sống an bình ở miền Nam.
Tôi đã nuôi trong đầu ý định bỏ hàng ngũ sau trận đánh đầu tiên nhưng không có
cơ hội thực hiện cho đến trận cuối cùng tại An Lộc năm 1972. Tôi đã bị thương
nặng, và bị bỏ lại trước khi đơn vị rút lui. Sợ tôi sống sót sẽ tiết lộ những
tin tức bất lợi, người trung đội trưởng đã cho tôi một phát súng ân huệ vào
ngực, nhưng viên đạn không trúng tim và tôi đã được những người mà các ông gọi
là “ngụy quân hung ác” cứu sống sau ba tháng nằm trong bệnh viện của họ, được
họ tận tình cứu chữa và đối xử không phân biệt đầy tình đồng bào.
Tôi đã làm lại cuộc đời ở miền Nam. Với một cái chân què, tôi cũng kiếm được
một nghề sinh nhai lương thiện, được sống ấm no trong tự do. Tôi lấy vợ và có
con. Tháng 3 năm 1975, vợ và đứa con duy nhất một tuổi của tôi đã chết cùng với
hàng ngàn người dân vô tội khác do chiến tích cuối cùng của Quân đội Nhân dân
của các ông mà có thời tôi đã phải phục vụ. Khi các ông chiếm được miền Nam,
tôi đã phải hối lộ để thay họ đổi tên vì sợ bị các ông trả thù.
Tôi là con vật khốn nạn đã bị các ông, nhân danh một chủ nghĩa viển vông điên
rồ, cướp đoạt mọi cơ hội để được sống như một con người bình thường, khiêm tốn nhất.
Các ông đã nhân danh công bằng xã hội để giết hàng triệu người vô tội, trong đó
có bà nội tôi, để tạo nên một xã hội còn bất công và tồi tệ gấp trăm ngàn lần
khi trước. Bà nội tôi đã bị các ông giết chết một cách nhục nhã đau đớn chỉ vì
làm chủ một mẫu ruộng. Bây giờ nếu đem tất cả tài sản ruộng vườn của bà nội tôi
hồi ấy tạo được sau bao năm làm ăn cần kiệm cũng không đủ để làm cái cầu tiêu
trong ngôi biệt thự nguy nga của kẻ đã đứng ra đấu tố để giết bà tôi. Bên ngoài
những ngôi biệt thự như vậy, hàng triệu dân nghèo sinh sống vất vả, bữa đói bữa
no.
Đó là lý do tôi đã phải đốt ngôi nhà tội ác ấy và trừng phạt những con ác quỷ
dành quyền đấng chí tôn đang ngự trị trên xã hội vô luân này. Còn vì sao tôi đã
trở thành một nhà “ngoại cảm”? Đó là phương tiện được dùng để thi hành bản án
của tôi. Tại sao tôi biết vị trí để tìm hài cốt của các đồng đội cũ? Trong thời
gian còn bị các ông dùng làm công cụ để đánh chiếm miền Nam, tôi đã kín đáo
viết nhật ký và ghi lại, khi có thể, những địa điểm chôn các người bạn đã bỏ
xác trong Nam. Nhờ đó sau này tôi đã giúp gia đình họ tìm được nắm xương tàn
của người thân, và tôi trở thành nhà “ngoại cảm” có thể tiếp xúc với những hồn
ma ở thế giới bên kia. Và các ông, những con người không tin có linh hồn, nhạo
báng thượng đế, cũng run sợ!
Mọi cái mặt nạ đã rơi xuống, những nhân danh cao cả đã không còn là bùa ngải để
lừa gạt được ai. Nhân dân không còn sợ gông cùm và nhà tù của các ông. Họ đang
đứng lên để đòi quyền được sống như những Con Người, trong đó có những người thuộc
thế hệ trẻ không liên hệ gì tới “ngụy quân, ngụy quyền”, và có cả những người
từng là đảng viên, cán bộ.
Ngày đền tội của các ông không còn xa.”
Công an đã dùng mọi phương cách để tìm biết làm cách nào Phan Quang Thế tức
Nguyễn Văn Minh đã có thể viết và phổ biến bức “thư ngỏ” khi đang bị biệt giam
trong nhà tù, nhưng không thể cạy được răng ông ta, dù có những cái răng đã
cùng với máu ộc ra khỏi mồm khi bị tra khảo..
Một tuần sau, Sở Công an loan tin Phan Quang Thế tức Nguyễn Văn Minh đã chết
trong tù vì chứng đau tim.
Nhà “ngoại cảm” đã đem theo bí mật xuống đáy mồ.
Sơn Tùng
(Viết để dâng lên hương linh Bà Ngoại kính yêu)