Cách đây
mấy ngày, tôi có dịp chuyện trò với một đồng nghiệp chuyên dạy về phương pháp
giảng dạy tiếng Anh cho người nước ngoài (TESOL, Teaching English to Speakers
of Other Languages). Chị thường đi dạy trong các lớp Thạc sĩ tại Việt Nam cũng
như nhiều nước khác ở châu Á. Tôi hỏi chị về các sinh viên Việt Nam. Chị rất
khen họ. Rằng phần lớn đều học hành một cách chăm chỉ. Rằng phần lớn đều gặp
khó khăn trong việc nghe và nói nhưng khả năng đọc và viết thì rất khá. Rằng
phần lớn đều thân thiện, lịch sự và lễ phép với các thầy cô giáo. Nói chung, ấn
tượng của chị về họ đều rất tốt. Chị khen họ hơn sinh viên của bất cứ nước nào
khác.
Tuy
nhiên, sau khi khen ngợi một cách nồng nhiệt, chị hơi khựng lại một chút, rồi
băn khoăn: Chị không hiểu tại sao tất cả (chị nhấn mạnh: TẤT CẢ) các sinh viên
Việt Nam, trong đó, có khá nhiều người đã và đang dạy tiếng Anh trong các
trường trung học, lại thường có cái nhìn hết sức tiêu cực về tình hình dạy
tiếng Anh cũng như về tình hình giáo dục Việt Nam nói chung. Tất cả các bức
tranh họ vẽ ra đều đen tối. Lớp học thì đông. Động cơ học tập của học sinh khá
yếu. Tài liệu giảng dạy cũ kỹ. Phương pháp giảng dạy lạc hậu. Do đó, kết quả
thường rất ít: Phần lớn học sinh, sau sáu bảy năm học ở trung học, đều không
thể nghe và nói tiếng Anh được.
Với người
bạn đồng nghiệp người Úc của tôi, những nhận xét tiêu cực về nền giáo dục của
các sinh viên Việt Nam là một hiện tượng rất lạ. Ngoài Việt Nam, chị cũng
thường xuyên dạy học tại các nước khác, từ Singapore đến Malaysia, Thái Lan và
Trung Quốc. Ở các nước ấy, hầu hết các sinh viên đều có cái nhìn khá lạc quan,
thậm chí, đôi khi, có vẻ tự hào về nền giáo dục nước họ. Không ở đâu sinh viên
lại bi quan như ở Việt Nam.
Người bạn
đồng nghiệp của tôi lại hỏi tiếp: Sau khi tốt nghiệp các lớp về phương pháp
giảng dạy của Úc, họ có hy vọng sẽ thay đổi tình hình giáo dục, ít nhất là
trong bộ môn tiếng Anh, tại Việt Nam hay không? Tất cả đều trả lời: Không. Họ
cho những khó khăn trong việc dạy học tại Việt Nam không phải chỉ ở trình độ
của các thầy cô giáo mà còn ở môi trường giáo dục chung của Việt Nam. Chị nhận
xét: Rõ ràng họ không những bi quan mà còn tuyệt vọng. Chị hỏi tôi: Tại sao như
vậy? Tại sao ở một đất nước có vẻ như đang phát triển rất nhanh mà các sinh
viên, tức thành phần trí thức, lại có cái nhìn bi quan và tuyệt vọng đến như
vậy?
Tôi đáp:
Đó là một thực tế. Quả thật nền giáo dục tại Việt Nam đang bị bế tắc. Bế tắc từ
chính sách đến các khâu thực hiện và thực hành. Không những chỉ trong bộ môn
tiếng Anh mà hầu như ở tất cả các môn học khác cũng đều vậy: thất bại. Học sinh
bị nhồi nhét quá nhiều những thứ kiến thức cũ kỹ và lạc hậu. Môi trường giáo
dục lại không tốt cho việc phát huy óc sáng tạo và khả năng tự học cũng như tự
nghiên cứu của học sinh và sinh viên.
Người bạn
đồng nghiệp của tôi, sau đó, nêu lên hai nhận xét mà tôi rất tâm đắc:
Thứ nhất,
sự thất bại của một số học sinh trong lớp có thể xuất phát từ nhiều lý do,
nhưng lý do quan trọng nhất là từ kiến thức và kỹ năng giảng dạy của các thầy
cô giáo; nhưng sự thất bại của hầu hết các học sinh ở tất cả các trường thì lại
có nguyên nhân từ nền giáo dục; trong khi đó, sự thất bại của cả nền giáo dục
thì lại có nguyên nhân sâu xa từ các chính sách của nhà nước, trong đó, có cả
vấn đề thể chế chính trị.
Thứ hai,
người bạn đồng nghiệp của tôi lý luận tiếp: Nếu nguyên nhân sâu xa nằm ở thể
chế chính trị thì để thay đổi hiện trạng giáo dục, người ta phải nhắm đến việc
thay đổi hoặc cải thiện thể chế chính trị. Nhưng ở đây, chị lại bắt gặp hai
hiện tượng nghịch lý: Một mặt, các sinh viên của chị đều tránh né nói chuyện
chính trị, hoặc nếu nói, cũng không thể hiện một tầm nhìn nào thực sự sâu sắc
và có tính chiến lược. Phần lớn chỉ dừng lại ở mức thở than. Mặt khác, hầu như
tất cả đều chỉ nghĩ đến bản thân mình. Khi chị hỏi: Bi quan như vậy, tại
sao các sinh viên lại chịu bỏ một số tiền khá lớn để theo học các trường quốc
tế, tất cả đều trả lời có ba lý do chính: Một là để nâng cao tiếng Anh; hai là
để học tập được các phương pháp giảng dạy mới từ Tây phương; và ba là để có một
mảnh bằng quốc tế nhằm dễ xin dạy ở các trường lớn và lương cao. Không có động
cơ nào gắn liền với hy vọng cải thiện giáo dục cả.
Chị so
sánh với các sinh viên Úc: Thứ nhất, hầu hết các sinh viên Úc đều không có tâm
trạng bi quan như vậy; thứ hai, trong các buổi thảo luận, sinh viên Úc không
những chỉ quan tâm đến các phương pháp giảng dạy hay hiệu quả của việc giảng
dạy mà còn để ý đến các chính sách giáo dục của chính phủ cũng như của các đảng
phái đối lập và họ cũng thường có một thái độ rõ ràng về các chính sách ấy.
Thật ra,
những nhận xét của người bạn đồng nghiệp, với tôi, không có gì mới lạ. Tôi biết
tất cả những điều đó. Hầu hết người Việt Nam cũng đều biết rõ những điều đó: Sự
bi quan và tuyệt vọng của mọi người đối với tình hình giáo dục cũng như tình
hình đất nước nói chung. Tuy nhiên, nếu sự tuyệt vọng đối với viễn ảnh giáo dục
hay đất nước là một hiện tượng đáng buồn thì thái độ không quan tâm đến chính
trị và chỉ nghĩ đến bản thân mình của phần lớn giới trí thức lại là một hiện
tượng rất đáng lo lắng: Đó là sự tuyệt vọng đối với tình hình chung của đất
nước.
Người
ngoại quốc, khi nhận định về Việt Nam, vẫn có sự dửng dưng của một kẻ ngoại
cuộc. Với chúng ta, người Việt Nam, đối diện với những sự tuyệt vọng ấy, bao
giờ cũng thấy nhói lên trong lòng những cảm giác xót xa.
Nguyễn Hưng Quốc