Tố Hữu, nhờ những bài thơ siêu nịnh mà lên đến chức phó thủ tướng thứ nhất.
Nịnh Stalin, nịnh Bác. Trong bài Ta đi tới, Sài Gòn được ông gọi là “thành phố
Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng”. Gọi trong thơ cũng được thôi, nhưng sau 1975,
người ta bắt cả nước, nhất là người miền Nam cũng phải gọi như thế.
Từ đó, thành phố thay tên đổi họ, cũng như ông cụ đã bỏ tên Nguyễn Sinh Cung
để lấy tên Hồ Chí Minh. (sao không lấy tên Nguyễn Ái Quốc?!)
Tên mới, dù không đẹp bằng “hòn ngọc viễn đông”, nhưng cũng óng ánh, lóng
lánh. Khốn nỗi khi nói về thành phố này, người ta vẫn gọi là hang ổ của Mỹ
ngụy. Và, tất cả những gì xấu xa dơ bẩn nhất đều đổ trút hết cho Sài Gòn. Như
đĩ điếm, cướp giật, xì ke ma túy…Trong khi những gì sang trọng bề thế đều rực
rỡ mang tên Bác.
Trong những cuộc họp đương nhiên là nghiêm trang, người ta trịnh trọng kính mời
đại biểu thành phố Hồ Chí Minh lên phát biểu ý kiến. Và, dù vị đại biểu nọ có
nói đông nói tây, dông dài cà kê dê ngỗng đến chán ngấy, người ta vẫn chăm chú
lắng nghe hay chép chép ghi ghi. Rõ là tiếng nói của thành phố mang tên Bác có
sức nặng hơn các thành phố khác như Nha Trang, Cần Thơ…
Nhưng, khi tan họp, trong những lúc bù khú, bên bàn tiệc ê hề, khi những
tiếng dô dô đồng loạt cất lên, thì người ta gọi nhau tuốt bằng …thằng.
Thằng Biên Hòa,
Thằng Cà Mau
Thằng Thừa thiên Huế …
Và, thằng …Sài Gòn (nguy hiểm à nghen, coi chừng quen trớn gọi là thằng H.
thì bỏ mạng chứ không phải bỏ mẹ).
Thành phố lúc ấy hơn 5 triệu dân, nhưng chỉ những ai có công với cách mạng,
nghĩa là những nữ biệt động thành từng ném lựu đạn ở nhà hàng này, khách sạn
nọ, những văn nhân, thi sĩ chỉ điểm, những sinh viên ra bưng trở về và hàng
đống hàng đàn những người miền Bắc ồ ạt “chi viện” cho miền Nam mới được vinh hạnh
xưng là công dân thành phố Hồ Chí Minh. Còn tất cả, từ bác sĩ kỹ sư, từ thương
gia đến buôn thúng bán mẹt đều là ngụy, cần phải cải tạo tại chỗ mới mong trở
thành công dân hạng hai, hạng ba…. Sự phân biệt rạch ròi ấy được Huy Đức gọi là
bên Thắng cuộc và bên Thua cuộc. Hai bên cách xa một trời một vực như bài vè
sau đây;
Tập tầm vông
Chị có chồng
Em ở góa (giá)
Chị ăn cá
Em mút xương
Chị nằm giường
Em nằm đất
Chị ăn mật
Em mút ve (de)
Chị ăn chè
Em liếm bát
Chi coi hát
Em vỗ tay
Chị ăn mày
Em xách bị
Chị làm đĩ
Em thu tiền!
Cùng một mẹ mà chị như bà chủ còn em như một con nô lệ. Có điều, đứa em tội
nghiệp tuy phải mút xương, liếm bát để sống và hầu hạ chị nhưng vẫn còn giữ
được cái tiết trinh, trong khi bà chị bảnh chọe vênh vang là thế, sau cùng lại
phải bán trôn nuôi miệng.
Một bài vè vẩn vơ có từ xưa, sao nghe ra như có điều gì báo trước
của sấm Trạng Trình vậy!
12/6/2014
Khuất Đẩu