Xã hội Việt
Nam hiện nay có nhiều khuyết tật, nhưng hai khuyết tật chính, theo tôi, có ảnh
hưởng lâu dài và nghiêm trọng nhất đối với sự phát triển của đất nước là: Một,
sự vô trách nhiệm của các cán bộ, kể cả các cán bộ lãnh đạo; và hai, sự vô cảm
của dân chúng, kể cả các thành phần trí thức.
Đã có nhiều
người viết và nói về sự vô cảm của dân chúng. Nói một cách tóm tắt, sự vô cảm
ấy có ba biểu hiện chính.
Thứ nhất, vô
cảm trước những đau khổ của người khác. Đã đành ở Việt Nam vẫn có những người
quan tâm đến dân oan, đến những người bệnh tật và nghèo khổ trong xã hội. Nhưng
rõ ràng đó chỉ là thiểu số, một thiểu số cực kỳ ít ỏi. Còn đại đa số thì vẫn
dửng dưng. Tai nạn xảy ra ngoài đường: người ta dửng dưng. Vô số người không có
đủ cơm ăn, áo mặc: người ta dửng dưng. Bao nhiêu người bị chà đạp: người ta
dửng dưng. Hình ảnh tiêu biểu nhất cho loại dửng dưng này là các youtube ghi
hình ảnh một số học sinh bị bạn bè đánh đập một cách tàn nhẫn: Tất cả những
người chung quanh đều yên lặng đứng nhìn, không có chút nỗ lực can thiệp hay
thậm chí, cũng không bày tỏ một thái độ nào cả. Họ nhìn một cách hờ hững như
không có chuyện bất bình thường nào đang xảy ra ngay trước mắt mình cả.
Thứ hai, vô
cảm các các tệ nạn trong xã hội. Ai cũng biết xã hội Việt Nam đầy những tệ nạn.
Tệ nạn từ trong nhà đến trường học và ngoài xã hội. Tuy nhiên số người thực sự
quan tâm rất ít. Thấy kết quả điều tra của quốc tế về chất lượng sống, ở đó,
Việt Nam bị xếp vào dưới đáy cùng của thế giới, thậm chí, còn thua cả Campuchia
và Lào, cũng không có mấy người động lòng. Mỗi người hầu như chỉ nhìn vào sự
thành công hay thất bại của bản thân mình, còn tệ nạn xã hội nói chung là thuộc
về trách nhiệm của những ai khác.
Thứ ba, vô
cảm trước tình hình của đất nước. Ở đây lại có nhiều khía cạnh. Kinh tế Việt
Nam càng lúc càng sa lầy trong nợ nần: người ta mặc kệ. Giáo dục Việt Nam càng
ngày càng xuống dốc: người ta mặc kệ. Văn hoá càng lúc càng suy thoái: người ta
mặc kệ. Đạo đức càng ngày càng suy đồi: người ta mặc kệ. Quan trọng nhất, Việt
Nam càng ngày càng đối diện với nguy cơ bị Trung Quốc xâm lược: người ta cũng
mặc kệ. Tất cả những thái độ mặc kệ ấy có một cái tên chung: sợ chính trị. Ai
cũng né tránh chính trị. Người ta phó thác chuyện chính trị, từ đối nội đến đối
ngoại, cho chính phủ và đảng cầm quyền. Người ta thừa biết chính phủ và đảng
cầm quyền cũng đang bế tắc, không tìm ra một phương hướng hay sách lược nào để
giải quyết cả, người ta vẫn bất chấp.
Tôi có khá
nhiều bạn bè thuộc giới trí thức trong nước. Hỏi chuyện, ai cũng biết tất cả
những nguy cơ mà Việt Nam đang đối diện, trong đó có cả nguy cơ mất nước, nhưng
hầu như ai cũng chỉ thở dài ngao ngán: Trung Quốc bây giờ mạnh quá, làm sao
chống lại được? Rồi thôi. Người ta xem đó như những chuyện không thể tránh khỏi.
Và vì không thể tránh khỏi, chúng cũng không còn là vấn đề nữa. Sau đó, người
ta an tâm tập trung hết tâm trí vào việc kiếm sống. Chuyện nước non như thuộc
về ai khác.
Dân chúng
như thế, còn cán bộ, kể cả cán bộ lãnh đạo thì sao? Thì ở đâu cũng thấy một
điều: Vô trách nhiệm.
Biển hiện
đầu tiên của tinh thần vô trách nhiệm ấy được nhìn thấy trong công việc làm
hàng ngày của họ. Ví dụ gần đây nhất là những chuyện liên quan đến cây xanh ở
Hà Nội. Thành phố chủ trương chặt hơn 7000 cây xanh mà không hề nghiên cứu cẩn
thận những cây nào là đáng chặt. Đến lúc dân chúng phản đối kịch liệt, người ta
mới dừng lại. Sau đó, trồng cây thế. Hứa trồng cây vàng tâm nhưng thực tế lại
trồng cây mỡ, một loại cây rẻ tiền hơn. Cũng chưa hết. Sau trận dông lốc vừa
rồi làm hàng ngàn cây bị bứng gốc đổ nhào, người dân mới phát hiện rễ những cây
mới trồng còn để nguyên cả bao ny lông chung quanh. Đến lúc dân chúng tố cáo,
người ta mới lén lút để cào đất và cắt các bao ny lông ấy ra. Tất cả diễn tiến
chặt cây rồi trồng cây ấy cho thấy điều gì? – Sự vô trách nhiệm. Không phải chỉ
những người thợ chặt cây hay trồng cây vô trách nhiệm mà cả giới lãnh đạo của
họ, thậm chí, lãnh đạo của cả thành phố cũng vô trách nhiệm.
Những hành
động vô trách nhiệm ấy xuất hiện ở khắp nơi: xây đường thì chỉ vài tháng, hay
có khi, vài tuần là bị sụp lún. Trồng trụ điện thì không có cốt sắt nên cứ gặp
gió lớn là bị đổ. Dây điện treo lằng nhằng và lòng thòng ngay trên đầu dân
chúng cũng không ai để ý.
Nhưng nguy
hiểm nhất là thái độ vô trách nhiệm đối với đất nước. Trong cái gọi là đất nước
ấy, khía cạnh quan trọng nhất là độc lập, chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ;
trong khía cạnh ấy, yếu tố nòng cốt là các hiểm hoạ đến từ Trung Quốc. Chỉ nêu
các sự kiện gần đây nhất làm ví dụ. Đó là việc Trung Quốc cho bồi đắp các bãi
đá ngầm hoặc rạn san hô làm đảo nhân tạo. Việt Nam phản ứng ra sao? Cũng chỉ là
những lời phản đối lấy lệ của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao. Ngay trên diễn đàn
cuộc đối thoại Shangri-la ở Singapore vừa rồi, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang
Thanh cũng không tham dự. Chỉ có Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh hiện diện. Nhưng
ông Vịnh cũng không phát biểu gì cả. Ông chỉ làm một việc như ông tự nhận là
“lắng nghe”. Như những diễn biến mới nhất liên quan đến cuộc tranh chấp ở Biển
Đông là thuộc trách nhiệm của ai khác.
Theo dõi tin
tức từ báo chí những tháng gần đây, người ta thấy rõ quốc gia có phản ứng gay
gắt nhất trước hành động xây đảo nhân tạo ở Trường Sa chính là Mỹ. Cho máy bay
vờn qua vờn lại chung quanh các hòn đảo nhân tạo ấy là Mỹ. Tố cáo và phản đối
âm mưu xây đảo nhân tạo ấy của Trung Quốc cũng là Mỹ. Vận động dư luận thế
giới, đặc biệt các quốc gia thuộc nhóm G7, để mọi người thấy rõ âm mưu của
Trung Quốc cũng lại là Mỹ. Việt Nam, từ trước đến sau, giữ một sự im lặng rất
khó hiểu.
Dường như
nhà cầm quyền Việt Nam xem chuyện mang Trung Quốc ra các toà án quốc tế là
trách nhiệm của Philippines và lên án các hành động xây dựng đảo nhân đạo trái
phép ở Trường Sa là nhiệm vụ của Mỹ. Giới chức Việt Nam thì chỉ khoanh tay đứng
nhìn.
Khoanh tay
thật ra cũng là một hình thức bó tay.
Bó tay ngay
cả trước khi nỗ lực làm một cái gì đó là một sự bó tay rất vô trách nhiệm.