Núi xanh rì rậm rạp trước mặt. Sườn núi bên kia là Đà Lạt. Chiếc xe Mercedes
mười lăm chỗ ngồi mới cáu cạnh xăm xăm tiến tới. Xe sẽ phải chạy vòng trôn ốc
quanh núi leo dần lên. Đà Lạt ở độ cao bao nhiêu nhỉ? Tôi chịu chẳng nhớ được.
Hình như cũng trên ngàn thước, hay mấy ngàn thước? Tôi chỉ cảm thấy hồn tôi như
đang được treo cao lên. Trong xe mọi người im lặng lớn mắt nhìn ra phía trước.
Mặt nào mặt nấy vừa hồi hộp vừa thích thú. Đà Lạt luôn luôn có sức quyến rũ,
nhất là đối với những Việt Kiều xa quê nhà đã lâu. Họ tới với Đà Lạt như khách.
Còn tôi, tôi về Đà Lạt.
Xe bắt đầu nghếch mũi lên. Một bên vách núi, một bên vực thẳm ép chiếc xe chênh
vênh ở giữa. Đường núi nhỏ hẹp, xe chạy hai chiều, tôi thót tim mỗi lần hai xe
tránh nhau. Có những khúc quanh cánh khuỷu, đường vòng gấp, chiều tới chẳng
thấy đâu, chiều ngược cũng khuất lấp, xe dò dẫm tiến tới, tài xế bóp còi lia
lịa báo động. Lưng chừng núi có một quán bán nước và đồ tạp hóa. Xe ngừng lại.
Mưa lất phất lạnh lẽo. Thứ mưa Đà Lạt như mưa chơi. Đám đàn ông vuôn vai mấy
cái rồi lặng lẽ đi tìm những gốc cây khuất ở phía xa. Mấy bà nhìn ngang nhìn
dọc tìm kiếm. Anh hướng dẫn viên trẻ tuổi chỉ một cái chòi nhỏ ở phía trên.
Đường đất nhẽo nhẹt. Giầy dép thành thị dính lép nhép, chúng tôi theo nhau lên.
Bụng dạ đã nhẹ nhõm, tôi lóp ngóp đi xuống. Đi chừng mươi bước, có tiếng kêu
giật lại.
“Cô cho cháu tiền phí!”
Tôi đỏ mặt. May mà tôi có thủ phòng hờ chiếc bóp nhỏ trong túi quần lúc leo
lên.
“Nhiêu vậy em?”
“Cô cho xin một ngàn.”
Tôi mở bóp, rút đại một tờ giấy nhỏ nhàu nát trao cho cô bé, quay lưng đi.
“Cô chờ cháu thối lại tiền.”
“Tôi đưa bao nhiêu vậy?”
“Năm ngàn cô ạ.”
“Em cầm luôn đi.”
“Cháu cám ơn cô.”
Tôi thương chiếc áo cánh bèo nhèo mỏng tanh của cô bé môi tím ngắt dưới mưa.
Một đô la Mỹ ăn tới gần mười sáu ngàn thì một ngàn và năm ngàn đồng có cách
nhau bao nhiêu. Những đồng tiền cỡ nhỏ rít kịt nằm lẫn lộn trong bóp lúc nào
cũng như đánh đố với tôi. Có lần một đứa bé đánh giầy lẵng nhẵng theo tôi và
Bảo mời chào. Tôi nhếch mắt với chồng.
“Anh cho nó đánh giầy đi kìa.”
“Đôi giầy ngày nào cũng được em cho nó ăn xi-ra, mòn hết giầy là cái chắc!”
Tôi cười nhìn xuống. Đôi giầy dùng làm việc nghĩa lúc nào cũng bóng lộn. Tôi
nhỏ nhẹ với đứa bé đầu bù xù nhớp nháp.
“Em coi đôi giầy của chú ấy có thể đánh bóng hơn được nữa không?”
Đứa nhỏ thật thà lắc đầu. Khuôn mặt bi ai của nó đổi sang thể loại khác.
“Chú cô cho con xin một ngàn ăn xôi đi. Con đói quá!”
Từ ngày về Việt Nam, tôi vẫn được mọi người căn dặn kỹ là đừng cho tiền ở
ngoài đường. Thường thường một đứa xin thì chục đứa lảng vảng núp quanh đó. Cho
tiền một đứa là cả bầy ùa tới bao vây khó lòng mà thoát. Lòng tôi vẫn nao nao
bất ổn khi phải gói kín cái từ tâm lại. Nhìn quanh nhìn quất, tôi vội mở bóp,
rút một tờ giấy nhỏ, dúi vào tay đứa bé. Nó chộp tiền, chạy vội vàng như ma
đuổi quên cả cám ơn. Tôi nhìn theo ngơ ngẩn.
“Sao nó chạy dữ vậy anh?”
Bảo mỉm cười như một nhà hiền triết.
“Tại vì em đưa cho nó tờ mười ngàn! Nó sợ em biết được, đổi ý.”
Tôi ngượng nghịu.
“Em có biết tờ nào vào tờ nào đâu! Chúng cứ tương tự nhau tất cả.”
“Cái tờ nhỉnh hơn tờ một ngàn một chút, màu đỏ, là tờ mười ngàn.”
“Ai mà biết!”
Tôi vừa nói vừa cười giả lả, bụng nghĩ đứa bé xin một gói xôi mà được tới
hai tô phở. Chạy tóe phở như vậy là phải.
Nhắc tới phở, tôi nhớ lại tô phở ở Sài Gòn. Em bé gái bán vé số đứng ở đầu
bàn nài nỉ tôi mua số. Tôi đã lắc đầu không mua mà cái giọng lải nhải như đọc
kinh vẫn cứ tuôn ra đều đều không dứt, mắt chăm chăm nhìn vào tô phở tôi đang
ăn. Thân nhân ruột thịt đã cho biết là những trẻ bán vé số hay ăn xin thường là
có bố mẹ hoặc những tên đầu nậu thuê chúng chực sẵn lột hết tiền chúng kiếm
được để bài bạc ăn nhậu. Giúp chúng cũng vô ích, chúng đâu có được hưởng. Nhìn
con bé thấy cái mặt tội nghiệp làm sao, tôi bỗng nẩy ra ý lạ.
“Em có muốn ăn phở không?”
Mắt đứa bé sáng lên, cái đầu nhỏ nhắn như không dám gật.
“Em kéo ghế ngồi đây!”
Đứa bé lui ra đầu bàn bên cạnh, rón rén kéo chiếc ghế chưa dám ngồi. Tôi kêu
người hầu bàn lại, chỉ tay qua.
“Anh làm cho em nhỏ này một tô phở.”
Người hầu bàn như lưỡng lự, tôi bảo đứa bé.
“Em muốn ăn phở gì thì kêu đi!”
Khi tô phở nghi ngút khói được đặt trước mặt, đứa bé ăn vội vàng như sợ ai
giật mất. Thỉnh thoảng nó liếc mắt ra ngoài cửa, rồi hấp tấp vùi đầu lại vào tô
phở. Tôi thấy lòng bất nhẫn lạ lùng.
Đã lác đác thấy vườn thấy nhà, Đà Lạt đã trong tầm tay với. Tôi treo người
lên, mắt tôi cũng treo dính vào khung cảnh trước mắt. Vườn rau xanh ngăn ngắt
lớp lang từng luống xếp đều tăm tắp. Ngày xưa, mỗi lần đi học về, ngang qua
vườn rau, mắt tôi vẫn nghỉ ngơi trên thảm mầu bát ngát dịu dàng bên đường. Gặp
ngày nhà vườn đang cắt rau, tôi lại được một gói xu hào cải bắp của những người
có đôi mắt đẫm tình cảm với sinh viên. Đường đi học của tôi, từ Học Xá Trương
Vĩnh Ký tới Viện, qua những bãi đất trống, những vườn rau, gió thênh thang đi
về. Bao nhiêu năm sống xa Đà Lạt, con đường vẫn ở trong tôi thiết tha. Con
đường tôi đi lại hôm nay, chi chít nhà cửa, nắng đốt chói chang, bụi quẩn
quanh, làm tôi ngạt thở. Ký ức tôi lạng quạng trước cảnh vật mới. Như có ai bất
ngờ bạt tai tôi phũ phàng. Con dốc ngược gió leo đến rã chân, góc đường hò hẹn,
đoạn vòng nắng quái nghiêng chiếc dù, tất cả đã mất dấu. Đường lên Viện xa lạ
làm tôi ngỡ ngàng bước chân. Cổng Viện cũng mất dấu cũ. Buổi trưa, đám sinh
viên túa ra như một đám biểu tình. Ngày cũ của tôi, sinh viên lãng đãng vào ra
thơ thới nhẹ nhàng. Lớp vào, lớp ra rải rác suốt ngày. Áo dài, áo len khoác,
cánh dù, vành nón hiền dịu dáng trường lớp. Trước mắt tôi, quần tây áo thung,
áo sơ mi cộc cằn, sách vở đút túi ngổ ngáo. Tôi chẳng bắt được bóng dáng tôi
sinh viên ngày trước.
Đường trong Viện, hai hàng cây phủ kín mát rượi. Nhà cửa như có khác đi. Tôi
nghiệm mãi mới ra được vài tòa nhà xưa. Nét rêu phong làm chúng cổ kính thêm.
Nhà nguyện luộm thuộm màn phủ bay theo gió như một nhà kho cũ. Giảng đường
Spellman phải ở chỗ này! Tôi vò đầu bứt trán nhìn quanh xác định vị trí. Là đây
sao? Tòa nhà cũ kỹ như chối bỏ khu giảng đường bề thế trong ký ức tôi. Tôi như
không tin ở mắt mình. Bụng dạ tôi nao nao một niềm tiếc nuối. Bước xuống con
đường đá nhỏ thoai thoải, mắt tôi sáng lên mừng rỡ. Cây cầu cong cong nho nhỏ
đỏ chói vẫn còn đó. Cây lan hoa hậu son trẻ lùn tịt ngày xưa nay đã rậm rạp cao
lớn bao che khắp một vùng trời. Ngày xưa chúng tôi đua nhau chụp hình kỷ niệm ở
chốn này. Mỗi kỳ bãi trường nghỉ hè, tụi con gái chúng tôi đều phải ra đây làm
điệu mỉm cười nhìn vào máy hình. Tôi chỉ cho Bảo.
“Anh lấy hết cây lan hoa hậu cho em được không?”
Bảo giấu mặt sau chiếc máy hình, gật gật đầu.
“Cây cầu có đủ trong đó không anh?”
“Cầu ngắn bằng cây tăm trốn đi đâu được mà không đủ!”
Tôi hấm hứ trong bụng. Cây cầu kỷ niệm người ta thương muốn chết mà kêu là
cây tăm.
“Em định dùng xì-tin nào đây? Buồn xa vắng hay vui gặp lại tri kỷ mà mang bộ
mặt bí xị như vậy?”
Tôi cố chương mắt, nhướng môi lên. Vạt nắng chói chang xuyên qua kẽ lá như
muốn đốt nóng lòng tôi. Cuối cùng tôi cũng đã ngồi lại được nơi này. Bảo bấm
máy lách tách. Tôi dựa người vào thành cầu mà đầu óc lội ngược lại tận những
ngày tháng xưa.
“Em dựa nhẹ nhẹ một chút. Anh e ngại cho cái thành cầu quá!”
“Anh khỏi lo! Ngày xưa ba bốn đứa đứng dựa một lúc cũng chẳng sao!”
“Thế à? Vậy mà sao anh vẫn rờn rợn, chỉ sợ cái thành cầu có thể nằm xuống
bất tử lắm.”
Dễ ghét! Thân hình tôi có bề bộn thêm ra thì cũng đâu đến nỗi ngoa ngoắt như
lời nói của ông chồng tôi như vậy!
“Anh coi chừng, em thấy chỗ đất anh đứng bắt đầu lún rồi đấy!”
Tôi trả đũa. Miệng tôi phá ra cười thú vị. Tiếng tách của chiếc máy hình bít
kín nụ cười thiếu kiểm soát của tôi. Bảo buông chiếc máy hình xuống, như nói
một mình.
“Tấm hình này thú vị phải biết. Chưa bao giờ thấy răng lưỡi hả hê đến như
vậy!”
Tôi chẳng nói chẳng rằng rời khỏi chiếc cầu. Chẳng biết bao giờ mới trở lại
được nơi chốn này. Tôi nhíu mắt nhìn sang phía tay mặt. Tại sao trong Viện Đại
Học lại có một đám vườn rau thế kia? Tôi cố bóp đầu nghĩ xem chỗ này là chỗ nào
ngày xưa. Chịu! Ngôi nhà thấp thấp phía dưới kia thì tôi nhận ra. Đó là khu nữ
của Đại Học Xá trước kia. Còn hai tòa nhà lầu mới tinh kia mọc lên từ bao giờ?
Trí nhớ tồi tệ của tôi chẳng định được vị trí xưa kia của tòa nhà.
Trên đường về, lòng tôi bập bùng bâng khuâng. Tôi đã về Viện, ước mơ từ bao
nhiêu năm qua tôi dã thực hiện được, nhưng sao tôi vẫn cứ ngổn ngang trăm mối
trong đầu. Nói cái cảm nghĩ của một cuộc trở về thiếu hứng khởi với Hoa, hắn
bốp chát.
“Có còn ra cái gì đâu! Viện như xác ướp, sinh viên thì như một đám ăn cướp!”
Hoa vẫn có cái giọng sôi nổi ngoa ngoắt như vậy, từ xưa. Đầu đã hai thứ tóc
mà óc vẫn đặc sệt chất nông nổi. Tôi gạt ngang.
“Mi tới chừ vẫn vậy! Tưởng già đi thì cũng dịu bớt đi, ai ngờ vẫn nóng hôi
hổi!”
Ngọn lửa trong Hoa vẫn chưa chịu leo lét.
“Dịu cái gì! Mi lâu ngày mới một lần thấy, tao ngày nào cũng bị chọc vào
mắt. Ghét! Ngày xưa tụi mình nho nhã biết bao!”
Cũng Hoa hăng hái a-lô cho cả cái tụi nho nhã ngày xưa tin tôi về. Phôn đi
phôn lại cả ngày, cuộc tụ hợp mới thành hình. Được đúng mười hai mạng. Thêm cái
mạng tôi là mười ba. Sợ xui, Liên tính khác.
“Mười hai tông đồ còn ở lại với đất cũ, thêm một mạng lưu lạc trở về phải
tính thành hai, vậy là mười bốn!”
“Sao lại tính thành hai? Tao có quyền bình đẳng với nó, tao đòi cái quyền đã
được ghi trong Hiến Chương Liên Hiệp Quốc đàng hoàng.”
Trúc lên tiếng. Liên tỉnh bơ.
“Thì tụi bay cứ nhìn hắn mà coi. Có gấp hai tụi mình không?”
Cả bọn bưng miệng cười. Hoa vốn rất thân thiết với tôi từ ngày sách vở cũ,
cãi lại.
“Đừng có thấy hắn ở xa về mà ăn hiếp. Một là một, mắt quáng gà như con Liên
mới nhìn thành hai. Nếu muốn tính hai thì phải tính cái số của hắn: sướng gấp
hai tụi mình!”
Tôi thấy tới lúc không thể không nói.
“Biết ai sướng, biết ai khổ, tụi bay đừng cãi lộn nữa. Ăn đi kẻo nguội hết
bây giờ!”
Bàn ăn thấp lè tè, nhỏ như một chéo khăn. Phải kê ghép lại cả chục cái mới
đủ chỗ cho cả bọn ngồi. Những chiếc ghế đẩu không lưng dựa làm khom khom cả
đám. Tiệm đông nghẹt thực khách. Nếu Hoa không đặt chỗ trước chắc chúng tôi
chẳng chiếm được cả một góc tiệm như thế này.
“Mời bà Việt Kiều! Tiệm này hơi lụp xụp nhưng là tiệm nem nướng ngon nhất Đà
Lạt bây giờ đấy!”
Bảo kêu bia cho cánh đàn ông chiếm đầu bàn phía ngoài. Có chút bia, phía đó
ồn ào hẳn lên. Tôi nhìn một vòng quanh các bạn đồng khóa cũ. Luân đầu bù tóc
rối, răng cái còn cái mất làm cái miệng hay cườì ngày xưa méo mó thảm hại. Tôi
hỏi vọng sang.
“Anh Luân hồi này ra sao? Dễ chịu không?”
“Vẫn lạng quạng vậy chị ơi!”
“Anh xưa đã lạng quạng bất cần đời, chẳng lẽ một đời lạng quạng sao?”
Cả bàn cười lớn, chăm chú vào Luân. Luân nhấp nháy mắt.
“Cũng đâu đó đấy chị ơi! Cứ sống với đất là hiền hòa nhất. Đâu có được như
ông bạn tôi đây.”
Luân vỗ vai Bùi ngồi cạnh. Bùi, sơ mi trắng, cà vạt đỏ, lắc đầu quầy quậy.
“Thôi đi, bạn hiền. Lại giở cái giọng ngoắt ngoéo!”
Bùi làm khá trong một ngân hàng nhà nước, hề hề với anh bạn cũ nay là một
nông dân chính hiệu. Hoan xía vô.
“Bỏ hết đi, hai bạn! Hôm nay có chị Thanh về chơi, tụi mình ngồi với nhau
thế này chỉ vì có một điểm chung: bạn học cũ. Tôi đề nghị mình cứ nghĩ như như
mình còn là sinh viên, như ngày xưa. Bỏ hết những điều tuế toái chung quanh,
thế có phải sướng hơn không?”
Tôi mờ mắt nhìn quanh. Bạn bè tôi ngày cũ đó. Tính tình, phong thái, cách
ứng xử ngày xưa thế nào, nay vẫn còn phảng phất dáng vẻ cũ. Chỉ có héo úa hơn.
Ngồi đây ngày hôm nay với những khuôn mặt thuở sinh viên ngày nào, tôi đã tiêu
giáp vòng cuộc đời tôi rồi sao? Mấy o ngồi bên tôi, bà nội bà ngoại cả rồi, đứa
vẫn còn dạy lại trong Viện, đứa bán buôn chạy quanh, đứa ở nhà giữ cháu, mỗi đứa
mỗi phận. Cuộc đời hỗn tạp vứt chúng tôi ngổn ngang mỗi đứa mỗi cách. Mới đó mà
đã vậy đó! Bộ mặt ngơ ngẩn đăm chiêu của tôi không qua khỏi mắt Liên. Hắn giục
tôi.
“Ăn đi chứ, bộ mi chê nem nướng Đà Lạt hả? Ngày xưa đứa nào ăn hàng quẹt mỏ
suốt ngày?”
Tôi gói miếng nem trong bánh tráng, thêm vào mấy miếng dưa leo, quệt nước
chấm. Liên la lên bai bải.
“Nem nướng mà không rau lá chi hết! Con đầm mũi tẹt này muốn nhục mạ món ăn
quê hương chắc!”
Tôi ngượng ngịu chẳng biết chống chế sao. Con nhỏ độc mồm độc miệng này vẫn
tốt hốt như xưa. Động chút là la bai bải! Tôi ghé tai Liên bỏ nhỏ.
“Tao sợ đau bụng!”
Miệng nó ồn ào báo cáo tiếp cho cả bàn.
“Đừng điệu hạnh đi mợ hai! Bụng mi là bụng của cái đất này chứ xa lạ gì mà
đau với đớn. Đau tao đền cho!”
Lại cái lối nói chày nói cối ngày xưa. Tôi định ăn đại đi cho nó hết đường
la nhưng cái sợ bóp nghẹt cái ngượng. Ăn vào đau bụng là cái chắc. Đi chơi mà
nằm queo tại khách sạn thì chẳng nên. Bữa đi lấy vé máy bay về nước, bà bán vé
đã chỉ bầy một lối ăn ngon mà an toàn: mang rau đã rửa sạch và khử trùng ở nhà
đi mà ăn hàng chợ. Một lối lách diệu kỳ nhưng coi bộ thiếu tình cảm. Giả dụ như
bây giờ tôi mở túi xách lấy rau riêng ra ăn thì tụi bạn sẽ nhìn tôi với con mắt
như thế nào. Nhỏ Liên chắc sẽ há miệng thi đua với cái còi chữa lửa.
“Về đây mi ở đâu vậy?”
Hoa chồm qua hỏi. Tôi ngay tình.
“Tao ở khách sạn.”
“Thì biết ở khách sạn rồi. Việt Kiều về là phải ở khách sạn. Đó là một chân
lý. Mi có biết tại sao không? Chắc mi chưa quên những ngày ở Học Xá rủ nhau đi
tắm nước nóng ở nhà tắm công cộng chứ gì?”
Hoa nói đúng phóc tim đen tôi. Cứ gì ở Đà Lạt, ngay những ngày ở Sài Gòn,
trời nóng bức, mà cũng đâu có tắm nước lạnh được. Cái thân đã mất nết đi rồi!
“Mà mi ở khách sạn nào?”
“Anh Đào.”
“Con này vẫn còn nhớ tình xưa nghĩa cũ. Mợ nhỏ ơi! Hàng cây anh đào trên
đường chợ đã bị đốn mất tiêu từ lâu rồi!”
Hoa gợi đúng mối thương tâm của tôi. Ngày xưa tôi mê say hàng cây anh đào
đó. Nó gần như là tất cả Đà Lạt của tôi. Vậy mà bây giờ anh đào không còn lấy
một gốc. Tôi đã đứng chết lặng khi không thấy dấu tích của những cây anh đào
ngày cũ. Thấy bộ mặt ngơ ngẩn của tôi, Hoa nhún vai nói tiếp.
“Mi cũng đừng nuối tiếc quá. Họ sắp trồng lại rồi đó.”
Tôi cười khẩy.
“Trồng lại à? Rồi bao giờ mới có bông? Tao không hiểu nổi!”
“Có gì đâu. Làm sai thì làm lại mà. Chuyện nhỏ!”
Tôi chẳng chỉ mất hàng anh đào thân thương mà hầu như mất cả Đà Lạt thiên
nhiên. Thung Lũng Tình Yêu tít tắp những đồi cỏ xanh đã làm tôi ngỡ ngàng với
hàng rào vây quanh có bán vé vào cửa. Cảnh vật đã bị xóa nhòa đi. Khu đồi xanh
cỏ mượt mà nay là một địa điểm du lịch ồn ào với hàng quán, luống hoa, vòi phun
nước nhân tạo. Cái tên Thung Lũng Tình Yêu chỉ còn thu gọn lại nơi một trái tim
bằng sắt rỗng ruột để du khách từng đôi từng cặp ghé mặt vào chụp hình. Hồ Than
Thở cũng rào dậu để thu phí vào cửa. Bên trong là trò chơi cưỡi ngựa và những
ngôi nhà Thượng màu mè làm ngơ ngác những cây thông quanh hồ. Những người bán
hàng thổ sản miền núi được chia thành từng tổ ba người bám sát mỗi du khách như
những cái đuôi khó gỡ, nỉ non chào mời đến khó chịu. Bảo nhìn tôi thở dài.
“Em có nhớ cái gốc thông mình hay ngồi hồi xưa ở chỗ nào không?”
Mắt tôi dại đi có thấy gì đâu. Ba bà bán hàng nhũng nhẵng theo sát bên đang
đưa ma những kỷ niệm ngày cũ của tôi. Về đây để tìm lại chúng mà chúng bị đuổi
đi mất đất tự bao giờ. Tôi kéo tay Bảo.
“Thôi mình về. Còn gì nữa đâu!”
Ba bà bán hàng dai dẳng đưa tiễn chúng tôi. Tôi mua đại cho mỗi người một
bao trà để tống tiễn nơi chốn từng nhốt những mộng mơ của chúng tôi.
Chiếc xe Peugeot thuê bao xưa rích xưa rang, thứ đồ cổ mà du khách ngoại
quốc rất thích, xà tới đón chúng tôi. Bác tài già đầu bạc với chiếc mũ phớt có
cọng lông chim ngạc nhiên.
“Sao anh chị về sớm vậy?”
Giọng Bảo chán nản.
“Hồ Than Thở bây giờ đâu có còn là hồ Than Thở nữa đâu hả bác!”
Bác tài vốn là lính trong Trường Võ Bị xưa gật đầu.
“Thay đổi hết rồi anh ạ! Chỗ nào bây giờ cũng là địa điểm du lịch có thu phí
hết. Chắc chỉ còn lại cái tên. Anh chị có muốn đi tham quan đâu nữa không?”
Tôi vội xen vào.
“Thôi, bác cho chúng tôi về khách sạn.”
Lòng tôi như đá đeo, tôi rầu rầu.
“Mai mình về lại Sài Gòn anh hỉ?”
Bảo nhếch miệng. Đôi lông mày anh dựng lên. Tôi thấy như bị chế giễu.
“Sao về sớm vậy? Định ở cả tuần cơ mà!”
Tôi nói như buông xuôi.
“Đủ rồi!”
Bảo điện thoại xuống quầy tiếp tân nhờ lấy vé xe. Tôi thu dọn đám quần áo bề
bộn, lòng trũng xuống. Học Xá ở gần xịt phía sau khách sạn, tới Đà Lạt tôi đã
định trở lại thăm cái nôi thời con gái của tôi ngay, vậy mà lòng lo sợ khất lần
mãi tới hôm qua tôi mới dám tới. Căn nhà cũ đã tan tành chỉ còn sót lại dãy nhà
ngang nơi phía cổng sau. Mỗi phòng bây giờ chứa một gia đình chen chúc nhau
chật chội. Mấy người đàn bà đang giặt giũ, nấu ăn trước cửa vừa đổ nước dơ lênh
láng vừa đưa mắt nhìn chúng tôi. Tôi xiết tay Bảo nơi bóng cây cổng sau giờ
đứng nép mình bên con đường đất đỏ quạch. Ngày xưa, mỗi lần đưa tôi về, bên
chiếc cổng này, chúng tôi hôn nhau đắm đuối để rồi tôi tiếc nuối theo chiếc
lưng của Bảo khuất dần dưới con dốc. Tôi quay trở vào chờ đón những câu châm
chọc của bày con gái buồn vui có nhau. Những căn phòng xinh xắn, những hành
lang dài thậm thượt, khu vườn hoa phía trước, nhà ăn nhộn nhịp, ngọn đèn vàng
thức học bài, chiếc bếp điện cá nhân nấu mì gói ăn đêm học thi, tất cả chỉ còn
lại trong nỗi nhớ của tôi.
Bảo từ phòng tắm bước ra, mát như một cây cà-rem, vui giọng hỏi.
“Tối nay mình ăn ở đâu hè?”
Mekong, Shangai, Bắc Hương, Bắc Hải, Phú Hương…, những nhà hàng chúng tôi đã
từng lăn lộn ngày xưa nay đã mất tăm mất tích. Tôi trút nỗi bực dọc vào giọng
nói.
“Có còn chỗ nào ăn đâu!”
Bảo giơ tay làm trò.
“Vậy là tối nay mình nhịn đói!”
Tôi chẳng hứng thú đùa giỡn với anh chồng vô duyên.
“Tùy anh đấy.”
“Vậy thì mình đi Thủy Tạ.”
Tôi nhướng mắt.
“Em nhớ Thủy Tạ đâu có dọn ăn.”
Bảo vẫn cái giọng bông lơn.
“Thủy Tạ của em xưa rồi! Bây giờ Thủy Tạ đổi mới, muốn ăn có ăn, muốn uống
có uống. Ăn thì cơm tây đàng hoàng. Tối nay thứ tư, có độc tấu dương cầm nữa.
Thơ mộng phải biết!”
Tôi ngạc nhiên.
“Sao anh rành quá vậy?”
“Khó khăn gì đâu! Hỏi quầy tiếp tân dưới nhà chứ đâu xa.”
Bảo kêu thức ăn mau lẹ. Cô tiếp viên vơ tờ thực đơn trở vào quầy. Anh đầu
bếp trẻ măng, dáng người cục mịch lẩn vào bếp. Thoắt cái mọi thứ Bảo gọi đã
được dọn ra. Vừa ăn hết chén súp, tôi đã thấy anh đầu bếp đứng sau quầy phì phà
điếu thuốc lá. Tôi ngạc nhiên đưa mắt một vòng qua các bàn khác. Chỉ thấy nước
uống và những chiếc đầu chụm vào nhau. Thảo nào!
Bảo nhìn đồng hồ tay rồi nhìn chiếc đàn dương cầm nằm im lìm đậy nắp bên cây
Giáng Sinh đèn xanh đỏ chớp tắt. Chân anh nhúc nhích sốt ruột.
“Sao quá giờ rồi mà chưa thấy đàn địch chi hết vậy cà?”
Tôi chọc anh.
“Nghe đỡ nhạc trong loa cũng được chứ có sao đâu!”
Bảo cự nự.
“Không sao sao được! Anh đã dự tính rồi.”
“Dự tính gì vậy?”
“Yêu cầu nhạc tặng em.”
Tôi bĩu môi.
“Bày đặt! Mà anh định yêu cầu bài gì vậy?”
“Love Story!”
Tôi xì miệng.
“Cải lương!”
Bảo nhìn tôi với con mắt làm tôi xốn xang ngày xưa. Tôi mềm người. Chúng tôi
quen nhau bên ly nước ở nơi này. Thủy Tạ hồi đó mộc mạc, không bóng loáng diêm
dúa như bây giờ. Cuộc tình của chúng tôi chân chất theo một đường thẳng, mềm
mại, rợp mát. Mấy chục năm rồi anh nhỉ? Tôi hỏi thầm, mắt gửi theo chồng.
Bảo vẫy gọi cô tiếp viên.
“Sao không có đàn hả cô?”
“Dạ, hôm nay thứ tư đàn dương cầm. Nhưng anh nhạc công bận con đau không đến
được. Mời anh chị thứ tư sau trở lại.”
Bảo vùng vằng câu cám ơn. Cô tiếp viên coi như xong bổn phận giải thích quay
đi rồi mà mặt anh như vẫn cấn cái bực mình. Anh bảo tôi, giọng giận dỗi.
“Mình về!”
Trời khuya se se lạnh. Chiếc áo len mỏng không đủ ấm kéo tôi dựa vào Bảo.
Chúng tôi ôm nhau đi vòng bờ hồ. Đã bao nhiêu lần chúng tôi xiết tay nhau tình
tự trên con đường này. Nhịp chân chúng tôi vọng lên ấm cúng. Tôi nhắm mắt thẫn
thờ dựa đầu bên vai chồng. Bảo bỗng dừng lại làm khựng nhịp chân tôi. Tôi hé
mắt thấy anh đang ngẩng nhìn cây pháo bông giả bằng điện lập lòe xanh đỏ tỏa ra
những nhánh đong đưa. Anh nhìn tôi lắc đầu ngao ngán.
Cây pháo bông lạc loài quê kệch giữa thảm cỏ bên hồ phá nát mơ mộng tôi.
Đứng giữa Đà Lạt, tôi bỗng thấy da diết nhớ Đà Lạt!
Song Thao
Trích tập truyện Bên Lưng Những Con Chữ