Năm 527, Bồ Đề Đạt Ma yết kiến vua nước Lương, Lương Vũ Đế. Vũ Đế hỏi: Trẫm
cho xây chùa, chép kinh, cứu vớt chư tăng, dựng tượng Phật nhiều không biết bao
nhiêu mà kể. Vậy ta có công đức gì chăng? Đạt Ma đáp: Không có công đức gì, chỉ
mang lại nghiệp tốt trong thiên hạ. Vũ Đế hỏi: Vậy thì ý nghĩa tối ưu của chân
lý cao thượng là gì? Đạt Ma đáp: Không có chân lý cao thượng, chỉ có sự trống
rỗng. Vũ Đế hỏi: Ai đang đối diện với Trẫm đây? Đạt Ma đáp: Tôi không biết.
Năm 725, Vô Cầu, ngoại hiệu Trích Huyết Ảo Kiếm mang trọng trách bảo vệ công chúa
nước Sở thoát khỏi cuộc bố ráp của bọn phản loạn, chẳng may ngọc thể vô phúc
trúng phải ám khí trên đường vượt thoát ra biên ải. Vô Cầu tìm tới lang y nổi
tiếng, người nọ bảo: Độc chất đã thâm nhập vào tim, buộc lòng phải đầu hàng
thần chết. Vô Cầu hỏi: Không tìm ra giải pháp khả dĩ? Thần y đáp: Vô phương. Vô
Cầu rút thanh Trích Huyết Ảo Kiếm ra lau máu đọng. Thần y hỏi: Lại động thủ? Vô
Cầu đáp: Nếu giết người mà khiến cho Công chúa sống lại, ta nguyện giết cả
thiên hạ. Ngươi biết ta chăng? Thần y đáp: Tôi không biết.
Năm 2015, nước Việt đạo đức suy đồi dân tình lam lũ đói kém triền miên, lợi
nhuận tiền bạc đều rơi vào tay quan lại triều đình và thành phần đại gia chuyên
buôn gian bán lận. “Chúng ăn không từ một thứ gì “là phương ngữ mà trẻ lên ba
cũng tường, cũng được mục kích. Dân không đủ gạo ăn nhưng quan chức hằng đêm có
thể bỏ ra ức triệu để gầy cuộc vui suốt năm canh đong đầy tiếng cười lạc thú.
Ma tuý có thị trường tiêu thụ và chân dài ngực khủng mọc lên hằng hà như nấm
dại sau mưa. Tiền bạc nhiều như quân Nguyên tuôn ra để trang trải cho những
công trình phù phiếm. Gần nhất, gây hoang mang nhất, manh động nhất, thấp trí
nhất là dự án xây thêm tượng ông Hồ. Phóng viên báo nước ngoài chận một thường
dân lang thang bên hồ Hoàn Kiếm. Qua người thông dịch được trả lương 20 đô la,
phóng viên hỏi: Ông nghĩ sao về sóng dư luận vừa rộ lên? Dân đáp: Có rộ lên
thật sao? Mức độ? Tầm cỡ? Xấu? Tốt? Phóng viên: Dường như gây bất lợi cho nhà
nước. Cảm tưởng của ông? Dân đáp: Tôi không biết. Phóng viên hỏi: Dựng thêm một
tượng đài hoành tráng trên quê nhà điêu linh, nó không gieo cho ông một cảm
nhận? Dân đáp: Một bức tượng? Một cảm nhận? Thế này nhé, ở Tokyo, đi metro ra
khỏi trạm Shibuya, có một công viên bé tí, họ đặt ở đó tượng chú chó nhỏ nhắn
mang tên Hachiko. Rất khiêm nhượng, rất đơn sơ, rất thanh đạm, rất khuất lấp,
nhưng hằng năm lượng khách đổ về để sờ mó chiêm ngưỡng nó đông không tài nào
đếm xuể. Đó là chú chó đợi chờ người chủ thắc thỏm mòn mỏi ở sân ga ròng rã
trong 9 năm 9 tháng 15 ngày. Đợi trông cho tới chết. Lòng trung thành của
Hachiko đã khiến loài người ngưỡng mộ. Dân Nhật vẫn thường mang câu chuyện cảm
động của Hachiko ra kể cho con cháu họ nghe, thế bài học ngợi ca sự chung thuỷ
đầy cao cả. Nên nói thêm ở đây về đất nước văn minh sung túc ấm no nọ, đó là xứ
sở rất thiếu vắng những tượng đài. Phóng viên hỏi: Ông mang hậu ý gì khi kể lại
chuyện này? Dân đáp: Tôi không biết. Phóng viên hỏi: Theo kinh nghiệm tôi có,
người ưa nói “tôi không biết” thực ra là người biết rất nhiều điều. Cớ sao ông
luôn “tôi không biết”? Thế ông biết ông là ai không? Dân đáp: Tôi biết tôi là
người Việt. Phóng viên hỏi: Mới đây rộ lên thông tin là người Việt đi ăn cắp ăn
trộm ở Đài Loan ở Thái Lan ở Nhật ở Singapore ở Thuỵ Sĩ… Ông nghĩ sao? Dân đáp:
Tôi không biết. Phóng viên hỏi: Ngoài chuyện ông biết ông là người Việt Nam,
ông còn biết thêm điều gì khác? Dân đáp: Tôi biết tôi sắp vào ngồi tù. Phóng
viên hỏi: Do đâu ông bảo vậy? Dân đáp: Nói chuyện với kẻ lạ, bị quy chụp tội
trạng “làm lộ bí mật quốc gia”.
Người ta không thích cảnh tụ tập, nhất là người ngoại quốc cầm micro mang
máy quay phim đi phỏng vấn lung lung khi chưa được cấp giấy phép. Người ta
thích có sự dàn dựng, có biên tập, có hoá trang, có đạo diễn, có kiểm duyệt của
bộ văn hoá thông tin hẳn hoi. Chắc như bắp hoặc chắc như cua gạch cũng đồng
nghĩa như nhau. Mấy con cáy đồng loạt bỏ chạy khi tốp công an có nhiệm vụ đi
giải toả hiện trường cho được thông thoáng, trơ ra anh phóng viên mắt xanh mũi
lõ, con cháu của bọn xâm lược còn đứng với lủ khủ máy móc dây nhợ. Công an
quát: Nãy giờ mày trao đổi những gì với bọn chúng? Phóng viên: No lo sé. Công
an hỏi đồng bọn: Nó bảo gì thế? Phóng viên nói: Je ne sais pas. Công an hét
tướng: Đéo mẹ phải kiếm ngay ra một thằng thông ngôn. Phóng viên nói: I don’t
know. Công an hỏi đồng bọn: Mày hiểu nó nói không? Đồng bọn báo cáo: Tôi không
biết. Thế quanh đây có trung tâm đào tạo ngoại ngữ không? Tôi không biết.
Phóng viên tập sự André, sinh viên năm cuối phân khoa báo chí trường Đại học
Montréal (UQÀM) viết email cho tôi sau chuyến đi “thực tế” dài hơn tháng ở Việt
Nam về: “Bạn hiền, toa đừng buồn lòng nếu moa bảo, moa sẽ chẳng bao giờ trở lại
chốn ấy thêm một lần nào nữa cả. Moa không tự phụ là kẻ đi nhiều, nhưng moa có
thể khẳng định, bằng vào linh cảm của một thằng phóng viên, đất nước ấy đã gieo
vào tâm hồn moa bao ác cảm khó nói nên lời. Những người bạn tứ xứ quen biết
tình cờ trên đường đi từ Nam ra Bắc đã có chung với moa một nhận định: Ấy là
người ta sống tráo trở quá, lương lẹo, lừa dối và bi thảm thay, sự phản trắc ấy
thay vì đáng hổ thẹn, họ lại lấy đó làm niềm hãnh diện, cười trên lòng tín
nhiệm đến ngác ngơ của những du khách khờ dại lạc loài. Một cô gái người Thuỵ Điển
đã cho moa xem cuốn nhật ký của cô ta, M. đã ghi xuống giấy tới 10 điều tồi tệ
cô từng gặp phải. M. nói, cô suýt bị hiếp dâm ở Nha Trang và cô nhún vai: Đó là
giọt nước cuối làm tràn ly. Moa chẳng biết kể gì cho toa nghe. Moa thật đáng bị
khiển trách nếu đưa ra câu hỏi: Toa có hãnh diện làm người Việt?”
Tôi hồi âm: “Bạn hỏi. Tôi trả lời: Tôi không biết. Biết không tôi. Tôi biết
không. Không biết tôi. Người ta sẽ trách tôi, phản bội tổ quốc. Tôi xin thưa,
nó chẳng mới mẻ gì. Năm 1979, tôi từng bị bắt vào tù với tội danh: Phản bội tổ
quốc. Nhân danh một kẻ từng mang bản án ấy, tôi chỉ biết nói: I don’t know. Je
ne sais pas. No lo sé. Tôi không biết”.
Tôi tin André dù có đọc thiên kinh vạn quyển sách, thông làu 5, 7 ngoại ngữ
(như người ta rêu rao về Hồ Chí Minh) e hắn chẳng biết điển tích cổ xưa như tôi
nhắc tới ở đầu bài. Vì thế tôi không nói với hắn: Việt Nam vào năm 2015 vẫn mãi
cần có một vị vua như Lương Vũ Đế thời cổ sơ năm 572, và dĩ nhiên sẽ khiếm diện
một nhân vật lẫy lừng như Bồ Đề Đạt Ma. Bất hạnh thay!
Hồ Đình Nghiêm