Mùa xuân năm 1968. Thành phố Huế, chìm
ngập trong khói lửa chiến tranh. Các con đường đi lại trong thành phố phía Tả
ngạn sông Hương đều bị phong tỏa. Đâu đâu cũng khét rẹt mùi thuốc súng. Từng
đám cháy nhỏ vươn khói trong bầu trời chiều vẩn đục.
Thành phố hoang tàn đổ nát…
Tôi xuống đoàn tàu của Hải quân vừa từ
Đà nẵng ra tiếp tế cho Huế. Màn đêm buông xuống. Dãy phố Bao Vinh chìm ngập
trong cơn mưa phùn gió bấc… Những ánh đèn dầu leo lét, chợp chờn vì điện ngưng
hoạt động. Dưới sông, vẵng nghe những tiếng chèo khuấy nước của các con thuyền
đi lại trên sông…
Những tiếng gọi nhau ơi ới, xen lẫn
tiếng máy nổ xềnh xệch của tàu HQ tạo nên
một âm thanh hỗn độn, bát nháo. Đoàn người chen chúc trong boong tàu.
Cánh cửa được kéo lên. Tàu hụ một hồi còi dài lê thê, não nuột rồi từ từ rời
bến …
Thành phố chìm ngập trong bóng đêm, mưa
bay lất phất. Tôi đưa mắt nhìn ra hai bên bờ sông. Những cánh tay vẫy tạm biệt
từ bờ hoặc từ các nhà gác cao qua ánh đèn pin đưa qua đưa lại, trong đó có
người bạn gái hẹn tôi cùng vào trong
chuyến đi này, nhưng sau đó nàng đổi ý. Những ánh đạn lửa trong tàu bắn ra lập
lòe như ngầm trấn an mọi người là hỏa lực sẽ bảo vệ họ.Ngọn đèn pha từ phía đài
chỉ huy quét ra hai bên bờ sông đề phòng
quân địch tấn công, tạo thành một đường sáng huyền ão.
Không khí ngột ngạt vì người quá đông…
Tôi ngồi xuống một băng gỗ sát thành
song song với thân tàu. Lạnh ! Cái lạnh như cắt da xẻ thịt dưới làn mưa phùn. Tôi
không thể nào quên được những ngày, tháng giêng hai mà xứ Huế mãi gánh chịu.
Xung quanh tôi đều đầy ắp cả người, lủ
khủ lớn nhỏ. Người ngồi trên ván kẻ ngồi dưới sàn tàu…Tôi gục đầu vào hai cánh
tay khoanh tròn trên đầu gối rồi ngủ thiếp đi trong lo âu và mệt mỏi!
Gần sáng, tôi nhìn vào đồng hồ đeo tay.
Năm giờ kém…Một màu trắng đục trên biển cả mênh mông.Thì tôi mới biết tàu ra
đậu ngoài khơi biển Thuận an, chắc họ sợ pháo kích. Chờ trời sáng mới di chuyển
tiếp vào Đà nẵng.
Từng cơn sóng bạc đầu phủ cao như muốn nuốt chững con tàu, nước bắn tung tóe
vào tàu, nhiều người bị ướt. Tàu cứ lắc lư, những chiếc thuyền đánh cá đi gần
tàu, khi trồi lên khỏi tàu năm ba mét,
khi mất hút xuống sâu theo đợt sóng, tưởng chừng như bị chìm hẳn trong biển cả
mênh mông…
Không biết ai đã phủ chiếc áo măng-tô
màu kem lên thân tôi tự bao giờ. Trong cơn rét, tôi cảm thấy ấm từ thân người
ngồi bên cạnh truyền sang, một cảm giác dễ chịu.
Người thiếu phụ rất trẻ ngồi bên cạnh
tôi lúc nào cũng không biết. Vì, trong đêm nào ai biết ai đâu, hơn nữa trong
giấc ngủ thì làm sao biết được. Tôi đưa mắt quan sát, nàng khoảng chừng hai
mươi hoặc hai hai tuổi, trên tay đang ẳm một cháu bé nhỏ xíu, quấn quanh người
bằng chiếc khăn lông
màu hồng nhạt, chỉ
chừa lại lại đôi mắt nhắm ghiền, đôi môi và chiếc mũi nhỏ xíu. Tôi nhìn thẳng
vào mặt nàng, một vẽ đẹp liêu trai, những sợi tóc lòa xòa trước vầng trán được
bịt kín đầu bởi chiếc khăn voan kim tuyến màu tím sẫm. Đôi mắt đen nháy khi
nàng nhìn tôi, gương mặt trái xoan với hàng lông mày được nhổ sắc gọn. Đôi môi
hơi nhợt nhạt – chắc trong cái lạnh và trong vùng khói lửa chiến tranh, mấy ai
lo trang điểm cho thân mình !
Tôi vừa đói, lạnh. Vừa lo âu, buồn mênh
mang, nên không muốn gợi chuyện với ai cả. Nàng cũng im lặng nhìn làn mưa phùn
như sương mỏng rơi xuống quần… ướt, lạnh. Chiếc áo măng tô vẫn che kín từ bờ
vai của tôi qua vai nàng . Chốc chốc tôi nhìn nàng với hy vọng nàng nói một
điều gì đó. Nhưng không, hoàn toàn im lặng! Tôi run lên vì lạnh. Mặc đầu trên
mình tôi đang mặc áo lót, áo sơ mi dài tay, áo treilly xám và ngoài cùng là
chiếc áo len.
Năm đó, tôi đã được hai mươi bảy tuổi,
bình thường tôi là người biết ứng biến để gợi chuyện, dù người con gái có khó
đến đâu đi nữa. Bạn bè của tôi đã từng bảo : Có khiếu ăn nói. Tôi đã từng đứng
trước bạn bè, trong các buổi tiệc, sinh nhật, nơi công cọng nói một cách trôi
chảy… Thế mà giờ đây tôi im lặng như một pho tượng! Mắt thẫn thờ nhìn lên bầu
trời trắng đục vì cơn mưa bay không dứt! Không biết cái khoảng cách nào đã làm
tôi ngại ngùng. Thứ nhất : Nàng đã có con, biết đâu chồng nàng ngồi đâu đây.
Thứ hai : người vợ sắp cưới của tôi, khi ra đi vội vàng không thông báo một lời
nào với nàng về chuyến đi này cọng thêm cái không khí chiến tranh, chết chóc
đang lan tràn trên mãnh đất quê hương, đã làm mất đi những hứng thú khi khơi
chuyện với bất cứ ai!
Tàu thẳng tiến đi về hướng Nam .
Trên boong tàu, chật cứng cả người, không ai di chuyển đi đâu được cả. Một khối
người trong cảnh hỗn loạn chiến tranh, chết chóc đã quây quần về đây. Tuy thế,
vẫn còn một số thiếu niên nam nữ vô tư hiếu động nhảy lên thành tàu, vịn vào
lan can sắt nhìn làn nước biển trong xanh. Chốc chốc, sóng vỗ vào thành tàu,
nước bắn tung tóe lên ướt cả người ngồi trong tàu, họ vẫn cười nói hồn nhiên,
không bận tâm chút gì cả.
Trời tạnh mưa, nhìn quanh đều là biển mênh
mông không biết đâu là bờ. Những cơn sóng lan xa, dập dồn, trắng xóa. Tàu chao
đảo nhiều lần khi có những đợt sóng bạc đầu vỗ vào mạng tàu. Tôi xem lại đồng
hồ. Tàu đã chạy được hai giờ rồi. Trong tàu, giờ đây ai cũng thiêm thiếp vì say
sóng. Có người ói ra giữa boong tàu, trước mắt tôi có nhiều người đã nằm dài… chồng lên nhau, ai
cũng nôn, ói. Nét mặt hầu hết đã nhợt nhạt, tay như muốn che lấy miệng của
mình.
Người thiếu phụ bên tôi, đưa tay lên
miệng nhưng không cầm lại được. Nước từ miệng nàng trào ra ướt cả quần nàng và
tôi. Nàng với tay kéo trong xách áo quần chiếc khăn lông đưa cho tôi, không nói
thành tiếng… Chỉ thấy môi nàng mấp máy. Đôi mắt nàng nhìn tôi không còn tinh
anh như ban sáng. Tôi nhận vội chiếc khăn từ bàn tay búp măng trắng nuột, ở
ngón tay có chiếc nhẫn cưới. Lau cho tôi và cả cho nàng. Một động tác của tình
người trong cơn hoạn nạn…
Đôi tay nàng vẫn ôm chặc đứa con vào
lòng. Mặt nàng tái dần. Tôi hỏi :
-
Em có mang dầu khuynh diệp không?
Nàng đưa mắt nhìn
tôi và quay đầu nhìn vào chiếc xách để cạnh đó. Tôi hiểu ý, kéo ngăn bên trái
lôi ra chai dầu gió Bác sĩ Tín, đổ dầu lên lòng bàn tay xoa nhẹ lên trán nàng.
Mấy người ngồi đối diện với tôi bảo :
-
Chị bị gió, say sóng, yếu người … Anh hãy xoa mạnh vào hai bàn tay và bàn chân
của chị thật nhiều lần!
Thì ra, từ sáng đến giờ họ nhầm tưởng
tôi với nàng là vợ chồng . Tôi làm theo ý mọi người. Bàn tay, bàn chân lạnh
buốt. Nàng nhìn tôi như thầm cảm ơn, mặt nhợt nhạt và bất ngờ nàng gục vào vai
tôi. Tôi vói lấy chai nước trong, bên xách của nàng. Một tay cầm chai nước, tay
kia nâng cằm nàng lên
-
Em súc miệng đi!
Tôi thấy hai giọt
nước mắt lăn từ từ xuống má nàng.
Trong boong tàu , mùi hôi bốc lên nồng
nặc, ngột ngạt, khó thở. Hầu như ai cũng
nôn ói rất nhiều nước. Trừ riêng tôi. Yên lặng…Người Sĩ quan Quân y
trước mặt tôi lại bắt đầu cúi gầm xuống, tuôn ra toàn nước. Tôi tự nhủ thầm –
Lính Không quân chưa đến nỗi tệ! – Nếu có, mình là người sau cùng.
Người thiếu phụ, bỗng áp sát miệng vào
tai tôi thì thào :
-
Em … chết mất! Anh nuôi đứa bé giúp em!
- Em bị say sóng thôi, hơn nữa em yếu
người… Không sao đâu em à.
Hay em ráng ngủ đi
một chút cho đở mệt. Tàu vào bến, không còn sóng là em tĩnh ngay thôi!
Tôi nhìn nàng, rồi đưa tay đón đứa bé
trong chiếc khăn lông từ tay nàng trao.; Tôi chẳng nghĩ gì cả… Bỗng chốc sau đó
tôi cảm thấy lo sợ vẫn vơ – Hay, đứa bé chịu không nỗi đã chết rồi! Tôi nhìn đứa bé –mặt mày nhợt nhạt, ghé má vào
mũi của nó không có cảm giác hơi thở.
Tàu vẫn chòng chành lắc lư. Bấy giờ,
người thiếu phụ quàng tay qua cổ tôi, cả thân hình nàng như muốn kéo đầu tôi
xuống. Một chút tình người dâng ngập lòng tôi. Biết đâu sau này, vợ mình cũng
gặp cảnh hoạn nạn như thế ! Chiến tranh đã làm cho vợ chồng, con cái mỗi người
một nơi, ai nào lo cho ai được. Thật khốn khổ!
Hai tay tôi vẫn ôm chầm đứa bé, áp sát
vào ngực mình như muốn truyền cho nó một chút hơi ấm. Nàng gục đầu trên bắp vế
chân tôi. Tôi hết nhìn đứa bé lại cúi xuống nhìn mặt nàng nhiều lần. Đôi mắt
nàng nhắm ghiền, hàng mi dài rủ xuống, hơi thở nhẹ, yếu ớt… Nàng nằm bất động
trên chân tôi. Lần này, tôi đưa má thật sát vào mũi đứa bé.Chỉ phơn phớt làn
gió nhẹ mong manh. Tôi tự nhủ thầm –Sao đứa bé không khóc, đòi bú vì tàu đã đi
được sáu giờ rồi mà?
Từ xa, hiện ra trên đường chân mây. Đài
ra đa Sơn Chà đã lóe sáng dưới ánh mặt trời chiều. Dãy núi Hải -vân vẫn nằm ẩn
hiện dưới làn mây phủ kín đỉnh đèo. Tàu kéo còi, tiếng hụ dài từng hồi, mọi
người ể oải ngồi dậy.Cửa cảng hai bên dãy núi, từng mõm đá xanh đen, sừng sững,
làn nước bạc vỗ về dưới chân. Trời trong xanh, có gió nhẹ, nước biển xanh,
những làn sóng nhấp nhô, tấp nập những thuyền đánh cá trở về, không khí trong
vịnh dễ chịu hơn.
Bỗng ruột tôi co thắt lại, hình như có
nước dồn lên miệng. Tôi đưa tay định che miệng, tay kia vẫn ôm cứng đứa bé.Nước
vụt trào ra, từng ngụm màu vàng rồi dần thẩm đen. Tôi biến sắc nghĩ thầm –Ói cả
mật rồi hay sao? Tay chân bủn rủn, tôi gục đầu
xuống.
Tàu cập bến, quang cảnh nhộn nhịp ở bến
tàu làm tôi giực mình tĩnh lại.Mọi người
vội vã bước ra khỏi tàu, lảo đảo như muốn ngã. Tôi lay nhẹ người thiếu phụ đang
còn gục đầu trên chân tôi.
-
Em …! Dậy đi…Tàu cập bến rồi, đến Đà nẵng rồi em ạ!
Nàng từ từ mở mắt, ể oải đứng lên theo
cánh tay tôi, nhưng toàn thân nàng như muốn đổ nhào xuống. Một lát, tôi đở và
dìu nàng ra khỏi tàu. Bước chân chệnh choạng vì ngồi quá lâu trong tàu, nàng
nép nát vào thân tôi sợ bị ngã.
-
Em gắng níu thật chặt vào vai tôi nghe! Gắng lên em…
Tôi dìu nàng ra khỏi bến tàu. Vẫy
người xích lô.Nàng vịn vào vai , bước lên xe. Chờ nàng ngồi yên, tôi trao đứa
bé cho nàng; không biết nó còn sống hay chết nữa!
Nàng nhìn tôi, trong ánh mắt dịu dàng
thuần hậu. Tôi thốt lên mấy lời ngắn gọn
- Em có về nhà được không?
Nàng gật đầu. Tôi
bảo người xích lô :
- Anh chở cô ấy về nhà giùm, theo chỉ dẫn của cô ấy nhé!
Rồi rút bút ghi
lại địa chỉ vào tờ giấy trong túi trao cho nàng. Lúc này tâm trạng tôi như
người say rượu, mệt lã.
Chiếc xe lăn bánh, nàng quay lại
nhìn. Trong tim tôi có một chút gì đó, gợi nhớ, gợi thương khi bắt gặp ánh mắt
vụt sáng sau cùng của nàng. Tôi thẫn thờ giây lát rồi vẫy xe về đơn vị.
Dọc đường tôi nghĩ ngợi miên man
– Chẳng biết tên nàng, ở đâu? Suốt quãng hành trình trên biển, truyền cho nhau
từng chút hơi ấm…
Ba ngày sau, tôi nhận được tin báo bằng
điện tín :” Cháu bé mất, đã chôn ở nghĩa trang thành phố - Thục Vi”
Tôi đón xe ra nghĩa trang.Nàng thẫn thờ
trong bộ áo quần đen. Trước nấm mộ, đất còn mới, khói hương lan tỏa một vùng.
Tôi đặt bó huệ trắng lên ngôi mộ. Đứng cạnh tôi, nàng chậm rãi kể lại :
“Chồng em chết trong Nội thành khi
đánh chiếm cột cờ Phú Văn Lâu đơn vị đã
chôn cất. Em bế con về nhà cha mẹ ruột để tránh bớt những điều đau đớn quá sức
chịu đựng, không ngờ…” Nàng ôm mặt khóc, tiếng nấc của nàng như xé gan, ruột tôi. Tôi cố tìm lời an ủi
như người anh trai nói với đứa em gái mình :
-
Mọi
việc đã an bài rồi em ạ, trong chiến tranh chuyện mất mát là lẽ thường tình…
đau khổ đến với em là đúng. Nhưng thời gian là liều thuốc sẽ chữa lành các vết
thương… Anh chỉ xin em một điều là bảo trọng thân mình, em còn trẻ, còn tương
lai…
Tôi dìu nàng đi dưới ánh nắng chiều còn
sót lại. Đèn điện hai bên đường vào nghĩa trang đã cháy sáng. Từng bước chân
chậm rãi bên nhau… Quyện dài theo mái tóc thề, giải khăn sô bay trong gió… Màn
đêm xuống dần, sương bắt đầu rơi lành lạnh…
Tôi thẫn thờ nhìn lên bầu trời có
những vì sao lấp lánh rồi nhủ thầm ”Còn
gì đau đớn hơn, khi nhận mình làm góa phụ hai mươi!”
Dak Lak, 21-10-1995
Dzạ Lữ Kiều