TỪ LƯU MANH TRONG ĐỜI SỐNG, ĐẾN LƯU MANH TRONG CAI TRỊ
Sự phổ biến của hiện tượng lưu
manh, tâm lý lưu manh, cách sống lưu manh
Trong bài Đường đi và
người đi — Những khám phá thú vị về xã hội người Việt xưa in trên
TT&VH số ra 18-12-2011 nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng có viết: “Ngày xưa đi
buôn, thường phải thuê người gánh hàng, một người gánh hai thúng gọi là Đểu,
hai người gánh chung một thúng hoặc một kiện hàng gọi là Cáng. Dân gánh thuê
Đểu Cáng thi thoảng có trộm hàng của chủ buôn, nên chữ Đểu Cáng dần mang nghĩa
xấu, cũng như chữ Lưu manh – người mù đi lang thang, đôi khi cũng trộm cắp, nên
chữ này cũng mang nghĩa xấu”.
Tôi muốn bàn thêm với anh Thượng
riêng về hai chữ lưu manh. Chữ manh ở đây không phải người mù. Trong chữ Hán
cũng có một chữ manh viết bằng cách kết hợp chữ vong với bộ mục, Đào Duy Anh
dịch nghĩa là mắt không có con ngươi, tối tăm.
Nhưng trong từ ghép lưu manh thì
sách vở xưa nay đều viết chữ manh khác, gồm chữ vong như trên và bộ thị thay
cho bộ mục. Chữ manh nói về sau này thời cổ là chỉ chung là dân. Trong Bình Ngô
đại cáo có câu: Yết can vi kỳ, manh lệ chi đồ tứ tập
Đào Duy Anh dịch là: Dựng
gậy làm cờ, dân chúng bốn phương tụ họp
Là dùng chữ manh ấy.
Từ chỗ ban đầu chỉ dân nói chung (Hiện đại Hán ngữ từ điển giảng “cổ đại xưng
bách tính”), sau chữ manh này chỉ dân không có nghề nghiệp. Nó cũng không mấy
khi được dùng riêng mà thường dùng như một thành phần trong từ ghép lưu manh.
Anh Phan Cẩm Thượng cho rằng đểu
cáng thi thoảng có trộm hàng của chủ hàng nên có nghĩa xấu. Nghĩa xấu đó là
gì? Việt Nam Tự điển của hội Khai trí tiến
đức 1931 ghi đểu cáng là hạng người hèn mạt vô hạnh. Như vậy là từ một
thói xấu đã biến thành một bản chất. Nay đểu cáng thường dùng như một tính từ
chỉ phẩm chất.
Hạng lưu manh cũng vậy. Các từ
điển Hán — Hán hiện đại thường ghi lưu manh ban đầu chỉ dân lang thang vô nghề
nghiệp, sau chỉ kẻ “bất vụ chính nghĩa, vị phi tác đãi’, tức là kẻ không biết
chính nghiã là gì, dám làm mọi việc phi pháp xấu xa.
Tra các từ điển Hán Anh, tôi thấy
người ta thường dịch lưu manh thành rogue, gangster, hooligan, sau
đó chuyển sang nghĩa rộng hơn, nó dùng để chỉ những quan niệm hành động phi đạo
đức, liều lĩnh, bậy bạ, rộng hơn là những triết lý “vô thiên vô pháp”, cho phép
người ta dùng mọi thủ đoạn cốt đạt được mục đích.
Dẫu sao tôi cũng cảm ơn nhà
nghiên cứu Phan Cẩm Thượng. Từ chỗ nghiên cứu nghệ thuật thuần túy, anh chuyển
sang nghiên cứu cơ sở của nghệ thuật là xã hội.
Khi nghiên cứu về giao thông VN
trong xã hội cũ, anh không chỉ nói tới đường đi mà còn nói tới người đi, vì thế
mới có câu chuyện chúng ta trao đổi ở đây.
Tôi lại rất tán thành cái hướng
mà anh theo là phân chia xã hội không theo thang bậc giai cấp chung chung nông
dân—địa chủ phong kiến mà theo các tầng lớp hình thành trong xã hội như kẻ sĩ,
nhà buôn, kẻ hạ lưu trộm cướp lưu manh. Xin phép nói thực, tôi cũng đang muốn
làm như vậy.
Phần góp chuyện của tôi: Ngày nay
chúng ta thường hay lý tưởng hóa chữ dân. Nhưng ở trang 87 của Từ điển
từ nguyên tiếng Trung ( Nxb Hồng Đức H. 2008 ), tác giả Nguyễn Mạnh
Linh ghi: “Để áp bức nô lệ làm việc và tránh tạo phản, bọn chủ nô thường bắt họ
đeo gông tay gông chân hoặc dùng mũi khoan chọc mù mắt họ. Chữ dân trong Giáp
cốt văn và Kim văn nghĩa gốc là chỉ nô lệ, nghĩa rộng chỉ kẻ bị thống trị trong
đó bao gồm nô lệ và dân thường. Sau này phiếm chỉ bách tính quần chúng nhân
dân”.
Phải đi vào từ nguyên học lôi
thôi như vậy vì nói tới người dân xưa là nói tới tình trạng lang thang vô nghề
nghiệp. Mà đó cũng là nguồn gốc tạo nên cách sống của họ. Họ chẳng coi cái gì
là quan trọng. Họ dám làm những việc động trời bất chấp pháp luật. Nhờ thế,
trong lịch sử các nước như Trung Quốc, Việt Nam họ là nguồn gốc của những hỗn
lọan mà ngày nay ta hay gộp vào và gọi chung là những cuộc nông dân khởi nghĩa.
Lưu manh du đãng… ở ta đóng vai
trò lớn trong các cuộc chiến tranh kể cả nội chiến lẫn chống ngoại xâm. Nhiều
bộ sách cũ tôi đọc được có ghi những người theo Đinh Bộ Lĩnh cờ lau tập trận là
du đãng, mà sau này Quang Trung mạnh cũng là nhờ tập hợp và phát huy sức mạnh
đám người này.
Trong lịch sử Trung quốc, những
Lưu Bang Hán Cao Tổ, hoặc Chu Nguyên Chương Minh Thái Tổ cũng mang đậm trong
mình chất vô lại, du đãng, lưu manh. Đã có câu tổng kết: trí thức chỉ làm đến
tể tướng, chỉ có lưu manh mới có thể làm vua. Nhận xét ấy trong thời hiện đại
được chứng nghiệm qua bộ đội Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai. (Tuy Mao Trạch Đông
cũng là một trí tuệ siêu đẳng, song yếu tố chủ đạo trong ông vẫn là lưu manh).
Lịch sử cả Đông lẫn Tây vận động
theo hướng xã hội khép kín trong các làng xóm thôn lạc thời cổ điển bị phá vỡ,
con người tràn ra thành thị. Trong khi các tầng lớp nhà buôn và quan lại dùng
tri thức tổ chức lại đời sống thì tầng lớp lưu manh cũng xuất hiện, và phát
triển mạnh theo hướng thâm nhập vào các tầng lớp khác.
Trong xã hội Việt Nam sau 1945,
do mãi lo chiến tranh, nên chúng ta dung túng cho mọi cách sống khác nhau.
Trong khi không chú ý tới những tiêu chuẩn đạo đức nhân bản, xã hội để mặc cho
xu thế lưu manh phát triển, nó mặc sức chi phối sự hình thành nhân cách từ
người lao động đến người có học, làm họ cũng trở nên lười biếng tầm thường tàn
ác vô cảm, nhất là khinh thường mọi sự thiêng liêng, cho phép mình sống như quỷ
dữ. Tức là lưu manh hóa họ. Mặc dù nhiều khi mượn áo trí thức để làm dáng nhưng
trong thực tế bản chất của lưu manh là thâm thù căm ghét trí thức chân chính.
Và họ căm thù trí tuệ nói chung.
Ở tầng lớp lưu manh khoác áo trí
thức, cái lõi là vô học, bao nhiêu cái có học bên ngoài chỉ là đắp điếm thêm.
Trí thức và thói lưu manh trong
cai trị
Ở trên, tôi đã nói Mao Trạch Đông
có cốt cách lưu manh. Phải nói rõ thêm chính ra ông cũng là một trí thức siêu
đẳng. Đã có thời gian ông làm thủ thư Đại học Bắc Kinh. Có thời gian đi dạy
học. Thói quen đọc sách theo ông suốt đời, đi đâu ông cũng đọc. Bạn tôi anh
Nguyễn Bá Dũng từng kể với tôi, có thời gian Mao Trạch Đông và Tưởng Giới Thạch
cùng làm việc ở một Bộ tư lệnh quân sự. Nhiều buổi sáng dạy, người ta bắt gặp
Mao và Tưởng cùng ra sân, mỗi người một cuốn sách trên tay. Xòe ra thì đều
là Tư trị thông giám – tấm gương về sự cai trị của Tư Mã Quang
(1019-1086).
Trong một cuốn sách nói về
cuộc hòa giải Trung – Mỹ 1972, tôi thấy người ta kể, tuy Chu Ân Lai là người
trực tiếp đón Nixon, song Mao là người chỉ đạo từng bước cụ thể.
Có một chi tiết liên quan đến
chuyện chúng ta đang nói. Khi Nixon đến thăm Mao, thấy Mao đang
có trên tay cuốn sách mới in ở Mỹ và chắc có ai vừa dịch để cung cấp cho ông.
Những người lâu nay chê Mao bảo
rằng Mao chỉ thích đọc sách kinh điển Trung Quốc, hóa ra đã lầm. Mao cũng
đọc đủ sách của phương Tây hiện đại.
Tiễn Nixon về, Chu quay lại
báo cáo với Mao. Chu bảo:
– Chúng ta vừa thay đổi thế giới.
Mao trả lời ngay:
– Trước đó thế giới đã làm chúng
ta thay đổi.
Nhạy bén và hiện đại ở đây
là thuộc tầm vĩ mô!
Cũng như nhiều lãnh tụ Trung Hoa,
Mao cũng làm thơ. Mà ở Trung quốc, cái danh hiệu nhà thơ không dễ dãi như ở ta.
Thơ là lĩnh vực của trí tuệ. Đọc thơ Mao thấy ông có tầm vóc lịch
sử. Lại có người nói qua thơ đã thấy có khí trượng đế vương. Nhưng mượn cách
nói của người xưa, phải nói ông thuộc loại bá đạo chứ không
phải vương đạo.
Có một hồi tôi cứ tưởng chỉ những
trí thức nửa mùa, trí thức nửa đời, nửa đoạn mới chuyển sang lưu manh. Hóa ra
không phải, cái mầm lưu manh đã quá mạnh và nằm sâu trong lõi thì cái bao quanh
nhiều khi không làm cho người ta thay đổi được, dù có đọc bao nhiêu sách vở nữa
cũng không làm cho người ta thành trí thức thực thụ. Chất trí thức trong
Mao là thế.
Trong số các tài liệu về Mao, tôi
bị thuyết phục nhiều bởi cuốn tiểu sử Mao của tiến sỹ Ralf Berhorst, rồi
do Phan Ba dịch từ chuyên san lịch sử “Trung Quốc của Mao Trạch Đông”
do GEO EPOCHE xuất bản.
Chương đầu của cuốn này được gọi
là Tên cướp đỏ, ở đó người đọc biết rằng từ thời mới khởi nghiệp,
Mao đã lưu manh bao nhiêu trong các hoạt động cách mạng của mình.
Tôi sẽ không thuật lại ở đây
những chi tiết về chất lưu manh chi phối suốt đời Mao mà nhiều người đã biết.
Chỉ nói riêng về chính sách đối với văn nghệ.
Người ta chỉ trách Mao lưu manh
trắng trợn khi ông nói tuột ra rằng, trí thức là đáng khinh bỉ, trí thức không
bằng cục phân. Nhưng ông còn nhiều lần lưu manh xảo trá hơn nữa, ví dụ ở trường
hợp sau.
Hồi 1956, các tài liệu đều nói
Trung quốc có phong trào trăm hoa đua nở trăm nhà đua tiếng. Cái
câu “Bách hoa tề phóng bách gia tranh minh” vốn có từ thời cổ được Mao
dùng lại.
Chính Mao đã đề ra phong trào này
để khuyến khích các trí thức góp ý về cách lãnh đạo. Rồi chính Mao quay lại
diệt họ cho họ về vườn, hoặc bắt họ hối cải công khai, ai không hối cải thì cho
đi tù.
Chỗ này thì người ta có thể bảo
Mao là nhà chính trị thủ đoạn, tráo trở, hèn hạ. Theo chỗ tôi biết thì Stalin
cũng triệt hại trí thức nhưng không bao giờ bẫy các trí thức như Mao.
Ở ta không phải không có lối cai
trị kiểu này. Ví dụ như trường hợp Tố Hữu, sếp lớn của bọn tôi. Mặt chuyên chế
của ông thì bọn tôi đã biết qua những câu chuyện về cách ông xử lý vụ Nhân văn
Giai phẩm. Sau này, đọc hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh, tôi được biết “Tố Hữu trông
người nhỏ nhắn, nhẹ nhõm như một thư sinh. Nhưng rất hách. Tôi đã nghe Hoàng
Cầm nói, ông đã từng ra lệnh bắt Trần Dần, Tử Phác bằng sáu tiếng ngắn gọn: “Gọi
nó về, bắt lấy nó”.
Nhưng Tố Hữu cũng lại thường
tỏ ra nhân hậu và khuyến khích tài năng, khuyến khích đi tìm chân lý.
Đây là một đoạn tôi đã kể trong
bài Để hiểu thêm TỐ HỮU
“Những năm chiến tranh, thỉnh
thoảng một số anh em viết trẻ chúng tôi cũng được gọi đi nghe Tố Hữu nói
chuyện. Có một câu ông nói khiến tôi nhớ nhất và phải nói thực sợ nhất, đó là
cái ý ông bảo sang nước ngoài thấy đời sống họ lạnh lùng lắm, về nước thấy đồng
bào mình sống với nhau, ấm cúng hơn hẳn. Ông cũng thường nói là nổi tiếng ở
nước ngoài thì dễ, nổi tiếng ở trong nước mới khó.
Lại có lần khuyến khích lớp trẻ,
ông bảo phải biết đấu tranh cho chân lý, khi cần phải cắn xé (!). May mà bọn
tôi đã nghe nhiều về tính đồng bóng của ông, nên chẳng mấy cảm động, nhớ đâu
hình như chính Xuân Quỳnh bảo rằng có mà ông cho ghè gẫy răng.”
Năm ngoái đây, đọc Đèn cù của
Trần Đĩnh ở chương 8 tập II, thấy có đoạn sau “… Mai Thế Trạch, con bà
Lợi Quyền tư sản từng lẫy lừng chuyện quyên góp rất nhiều vàng cùng nhà cửa
trong Tuần lễ vàng. Còn lại một ngôi, sau được Ban tuyên huấn Trung Ương đến
hỏi. Chê đắt. Đùng một hôm xe tuyên huấn chở mấy bao tải tiền đến mua, đắt cũng
được. Ba ngày sau đổi tiền. Tố Hữu, nguyên trưởng ban tuyên huấn đã hạ thời cơ
tuyệt hảo chấm dứt cơ nghiệp đại gia tư sản Lợi Quyền có tiếng ở Hà Nội. Bằng
giấy lộn. Ai cứ bảo nhà thơ trên gió trên mây. Còn Thế Trạch bằng số tiền bán
nhà kia không mua nổi căn hộ con con ở Sài Gòn”.
Gộp tất cả các phương diện
nói trên thì mới làm nên ông Lành của chúng tôi.
Vương Trí Nhàn