
Tuần trước, một người bạn văn gửi cho nghe một
bản nhạc Pháp “Les Moulins de Mon Coeur” Nhạc và lời
của Michel Legrand & Eddy Marny (1968) với giọng hát tuyệt vời của Frida
Boccara.
Bài hát làm nhớ đến Lettres de mon
Moulin của Alphonse Daudet mà ở lứa tuổi chúng tôi hầu như ai cũng đọc một
lần, nếu không bằng bản tiếng Pháp thì cũng qua bản dịch tiếng Việt. “Thư viết
từ cối xay gió” là những truyện ngắn được viết từ cái cối xay gió tác giả mua
về nên những hình ảnh thiên nhiên như cánh đồng xanh, bầu trời đầy sao, ông già
nuôi dê, cậu bé chăn cừu say mê cô chủ và sự níu kéo của bác nông phu với cái
cối xay cuối cùng cho tới khi các máy xay bằng hơi tới thay thế.

Văn chương hiền hậu, giản dị, trong sáng nhưng đầy thơ mộng của tác giả
không hề bị mai một với thời gian.
Hình ảnh cái cối xay gió trên bầu trời hay cối xay nước ở một cái hồ nhỏ
của những vùng quê nước Pháp trong sách, làm cho tôi luôn luôn mơ tưởng đến một
vùng trời rất xa xôi đó và đối với tôi bao giờ cũng là một hình ảnh đầy thơ
mộng và lãng mạn. Bây giờ mỗi khi đi du lịch được nhìn những cối xay gió hay
cối xay nước tôi có cảm tưởng nhìn thấy một đoạn nào đó trong tuổi 15, 17 của
mình.
Cái đoạn tuổi thơ đó gắn liền với đoạn tuổi thơ (bé hơn nữa) của tôi ở
quê nhà. Khi cha mẹ chúng tôi mang các con
chạy loạn về quê ngoại ở Thái Bình. Cái cối giã gạo đối với tôi là một hình ảnh
rất đáng nhớ và được nhớ rõ rệt nhất. Các cô gái quê (lúc đó tôi phải gọi là
chị) giã gạo trên một cái cối đá.

Sau khi thóc được xay bằng cối xay xong được chuyển sang cối giã gạo
bằng đá. Cô đứng trên một cái chày
gỗ rất dài. Cô đứng lui về phía sau một chút, phía trước là đầu chày nặng giã
xuống một cái cối đá, được đặt xâu dưới đất, cô giơ tay nắm vào một sợi giây
phía bên trên mái nhà thả xuống và nhún nhảy nhẹ nhàng, nhịp chày hạ xuống. Cô
giã cho đến khi hạt gạo trắng ngần. Ở quê, không phải nhà nào cũng có cối giã
gạo như vậy. Phải khá giả một chút, phải có nhà ba gian, có gian để thóc, gạo,
mới có chỗ cho một cái cối như vậy. Nhà có cối đôi khi hàng xóm không có, mang gạo
sang giã nhờ.

Khi lớn lên, hồi tưởng lại hình ảnh một anh nông phu nghèo, mang gạo
sang giã nhờ ở nhà cô thôn nữ trong ngôi nhà ba gian đó. Bao nhiêu hạt ái tình
đã được giã, được xay thành hôn nhân! Hay cứ xay, cứ giã hoài mà cuối cùng hạt
gạo ái tình về tay người khác.

Một cô bạn trẻ không thích gọi Moulin
là Cối. Cô cho cái âm “cối” không
được thanh tao, cô nói:
Em chỉ gọi là quạt xay gió hay quạt xay nước thôi, cối là
một âm thanh không đẹp ! không ưa chữ cối ! ghét nón cối, súng cối !
ghét cãi cối cãi chày, ghét Tần Cối !
Cô ghét chữ cối nên ghét luôn bài
thơ có tựa “Cái Cối Xay Trong Trái Tim em”.
Trái tim em có một
chiếc cối xay
nó cứ lăn hoài
những vòng tròn nhỏ
không có nước cũng
chẳng mang theo gió
nên bánh xe lăn vào
một cõi không
Cối xay gió quay
hoài trên bầu trời
quay giải mây giọt
nắng quấn vào nhau
quay thời gian nên
sợi tóc thay màu
em chẳng biết làm
sao mà ngăn được
Cối xay nước ai đi
không ngoái lại
để những then gỗ
mòn lên sắc rêu
bánh xe quay như
kéo xuống buổi chiều
tiếng động thời
gian làm xao mặt nước
Trái tim em có
chiếc cối vô hình
vẫn xay mãi vòng ái
tình ngày ấy
gió và nước có khi
còn dừng lại
nhưng trái tim xay
nhịp vẫn nồng nàn. (tmt)
Tiếng quạt với tôi trong
những vật dụng này chẳng gợi lên một hình ảnh nào cả. Có thể may ra (chỉ may ra
thôi) nó phù hợp với những bài văn của Alphonse Daudet, nhưng không thể thay
cho cái cối giã gạo, cối xay thóc được. Nhất là lại đi cạnh chữ XAY
Trong Ca Dao Việt Nam, cái cối là một vật dụng rất thân thiết với dân
quê.
Cám ơn cái cối cái chày
Sáng khuya giã gạo có mày có tao
Cám ơn cái cọc cầu ao
Sớm khuya vo gạo có tao có mày
Thi sĩ
Kiên Giang cũng mang cả gạo giã bằng cối vào thơ
Lâu quá con thèm ăn gạo giã
Thèm mùi sữa ngọt sữa con so
Thèm đêm trăng sáng chày khua cối
Làm rụng hằng nga xuống vũng thơ.
Bây giờ
dù đã lớn tuổi, được bạn gửi cho nghe Les
Moulins de mon coeur, với những câu cuối của bài hát:
Giống như viên sỏi nhỏ ai ném
trên mặt con suối /Và để lại đằng sau ngàn chiếc vòng tròn loang theo giòng
nước chảy/ Với mỗi lần gió bốn mùa thay đổi/ Anh đã
làm quay tất cả các cối xay trong tim em với tên anh.(*)
Nghe câu hát như thế, làm sao mà trái tim không xay những nhịp nồng nàn. Những cái cối xay gió, xay nước, xay gạo bỗng mờ đi tất cả, chỉ còn lại một chiếc cối vô hình trong trái tim.
Trần Mộng Tú
Tháng 8/2015
(*) Une pierre que l´on jette/Dans l´eau vive d´un
ruisseau /Et qui laisse derrière elle/Des milliers de ronds dans l´eau/Au vent
des quatre saisons/Tu fais tourner de ton nom/Tous les moulins de mon cœur.