Khách
ngồi trong tửu điếm, nhìn những hạt mưa cuối mùa đầu ngày lất phất. Gió biển
từng đợt ùa vào, se lạnh. Chén rượu Mao Đài không đủ ấm lòng kẻ tha hương.
Khách chạnh lòng nhớ quê. Nhìn hàng thông bên đường ngả nghiêng trước gió, đầm
mình trong mưa, như đời phiêu lãng của mình trước bao giông tố cuộc đời.
Bên kia
đường, cổ miếu Quan Vân Trường, một ngôi miếu do người Trung Hoa đến đây từ
thuở xa xưa thiết lập, buồn bã, im lìm như đầy sức thi gan cùng tuế nguyệt.
Đang đắm chìm trong bao nỗi suy tư. Bỗng khách chau mày thảng thốt:
- Ha! Hảo
công phu!
Một người
mình trần, quần cụt, gầy như que, dưới bụi mưa trong cái lạnh giá buốt của nền
trời xám xịt mà khách vẫn nhìn rõ được hai dãy xương sườn lộm cộm được đỡ bằng
đôi chân khẳng khiu như hai chiếc gậy! Thế mà hắn ta nhún người một cái, nhảy
phóc lên tận mái miếu thờ, lại thu người phóng xuống sân. Rồi phóng lên nhảy
xuống. Thao tác nhẹ nhàng như nhảy qua con mương nhỏ.
Trời mưa,
ế khách, chủ quán bèn lân la bên khách tìm chuyện cầu vui. Thấy khách kinh
ngạc, chủ quán nói:
- Lão ta
bị quỷ nhập đó.
- Quỷ
nhập?
- Năm xưa
tại Kình Ngư Thôn nầy, công tử đã đến nhà của Lục lão uống rượu rồi mà!
- Đúng
vậy, thế nào?
Quán chỉ
tay về miếu, "tên quỷ nhập" không còn thi thố thuật phi thân nữa, mà
ngồi ủ rũ, dựa cột thềm thở dốc, rồi lại gục đầu như gà bị mưa. Quán nói:
- Lục lão
đấy!
- Lục
lão? Nguyên lai thế nào mà lại tồi tệ như thế nầy?
Khách
không tưởng nổi, một người tuổi mới ngũ tuần, da dẻ hồng hào, trông bề quắc
thước. Thế mà chỉ một năm sau...
Quán kể:
- Như
công tử biết đó, Lục lão là một trong những người cư trú lâu đời của Kình Ngư
Thôn nầy. Có con trai lớn ở kinh thành, năm tháng Lục lão sống cùng vợ và đứa
con gái út với mảnh vườn, thửa ruộng. Gia nghiệp "ngó lên thì chẳng bằng
ai...". Nhưng có cây có trái, ra công lam lũ nên ngày ngày cũng được no
cơm ấm cật.
Một buổi,
lão ra đồng đắp bao ngạn, nắng chưa nóng lưng, bỗng phát hiện dưới lớp bùn hai
vật tròn tròn như hai trái bưởi. Lão ta bèn rửa sạch, thì ra hai cái đầu lâu!
Chẳng chút kinh hoàng, lão khấn:
-
"Hai vị nằm đây tự bao giờ mà khiến hôm nay tôi mới được gặp. Nếu không
duyên là gì? Thôi để tôi tìm cho đầy đủ xương cốt rồi an táng quý vị sau".
Thế rồi
lão ta cứ đào thêm xuống, cứ nới thêm ra để tìm cho đủ mấy trăm lóng xương còn
lại. Huyệt đã rộng thành ao. Dù những len đất xắn lên lão đều bóp vụn, cốt mong
tìm được vài đốt xương tàn. Nhưng lão tuyệt vọng!
Lũ chim
chiều theo nắng xuống, gọi đàn. Tứ chi rũ rượi mỏi nhừ, lão khô cả cổ, quờ
quạng tìm bình nước, vô tình cầm nhầm chiếc đầu lâu! Nó nhìn lão cười, hàm răng
trắng toát nằm trong cái miệng rộng hoác, trống phọc, đôi mắt sâu thăm thẳm.
Lão khấn:
-
"Xương cốt nhị vị tôi đã cố tìm, nhưng tiếc rằng không thể đào hết cả mảnh
ruộng nầy! Thôi thì lòng thành hơn đi chùa bái Phật! Cung thỉnh hai vị theo tôi
về tệ xá để tiện việc khói hương".
Thế là
lão để hai cái đầu lâu vào giỏ cơm, mang về lập trang thờ.
Hơn tuần
sau, đang mơ màng thì bên tai lão vang tiếng:
-
"Hừ lòng tốt của ngươi ta chấp nhận, nhưng ngươi mang ta về lại cho Quan
Tướng Quân trông thấy. Mười ngày nay ta không dám vào nhà, chịu lạnh chịu đói
ngươi biết không? Hôm nay Quan Tướng Quân đi họp với chư thần, qua Xuân mới về.
Nhân dịp nầy, ngươi hãy dựng cho ta cái lều, xa hẳn ánh sáng của Thanh Long
Đao. Yên nơi yên chỗ, ta sẽ phù hộ cho ngươi thành đại phú, ngược lại, xương
một nơi, hồn một nẻo không thể nương nhau. Thà ngươi vứt ta vào chốn bùn lầy
còn được tự do hơn".
Lục lão
muốn nói ra nhưng cổ họng như bị ai chận lại, ú ớ chẳng ra lời. Giọng nói kia
trở nên sắc bén như từng lát dao khứa thịt:
-
"Hay ngươi đem ta vào để Quan Tướng Quân xẻ thịt?"
Phút kinh
hoàng đã qua. Lục lão nén bực tức:
- "Ô
hay! chẳng ân thì chớ, lại còn giở trò quỷ, định hù ta sao?"
-
"Rõ ràng ngôn cách của kẻ trượng phu! Được lắm! Bây giờ nghe ta hỏi,
"Ngươi định thế nào?"
-
"Vì lòng nhân ái, ngày mai ta sẽ cưa cây, chầm lá, cho ngươi yên chỗ một
bề, nhưng ngươi nhớ rằng..."
Hồn ma
cười, cướp lời lão:
-
"Nhớ rằng vì lòng nhân ái chớ không phải vì khiếp sợ đúng không? Tốt lắm!
Nhưng hồn phách tinh anh không thể nương vào nơi tạm bợ tồi tàn. Ngươi hãy xây
cho ta một am viên chu vi rộng 36 trượng. Trong có bệ thờ Nhất, Nhị Nương, tức
chị em ta, ngoài có nơi nương cho các đẳng linh hồn. Ngày đêm đèn hương không
dứt, để ta được hưởng dương quang. Đúng hơn nghìn ngày, ngươi tất thấy chuyện
lạ. Khoan vội nghĩ xa! Ta chẳng hề quá đáng! Đáp lại, ngươi cũng được vàng rồng
trăm dật, ngựa đẹp trăm xe, tôi tớ đầy nhà, cổng cao cửa rộng. Hãy nghe ta bảo
nhỏ nầy..."
Rồi bên
tai Lục lão nghe tiếng thì thào. Mắt lão sáng lên, gật đầu lia lịa...
Vài hôm
sau, người dân Kinh Ngư Thôn ai cũng lấy làm lạ vì một hiện tượng không ngờ:
Hàng trăm phu thợ ngày đêm thi công trên mảnh vườn Lục lão. Và sau đó, một gia
trang đồ sộ không thua gì dinh cơ quan huyện. Có kiểng có vườn, giả sơn giả
thủy, hồ cá ao sen... Duy có một điều kỳ quái là gần đó có một cái am thờ...
hai chiếc sọ khô!
Chủ quán
cười tinh quái:
- Lại làm
đám cưới với hai chiếc sọ khô nữa chứ!
Khách:
- Đám
cưới? Là thế nào?
- Thì...
đám cưới chứ sao nữa...
- Quán có
dự không?
- Hân
hạnh được! Lão ta mời cả thôn nầy. Thật là vui vẻ!
- Họ dám
dự à?
- Việc gì
không dám? Có chẳng dám không dự thì có. Công tử đừng quên, uy thế Lục lão bấy
giờ quan huyện còn phải kiêng dè, huống chi là đám dân ngu nầy? Điều đáng hoan
nghênh là lão cấm mang quà cáp đến, tham dự là tốt rồi. Đám ngu dân nầy lâu lâu
được đầy bụng một lần dại gì không đến? Và tiếc gì lời chúc tụng đầu môi?
- Còn cô
dâu?
- Nào ai
thấy mặt mũi gì đâu! Đã bảo quỷ ma mà! Xong tiệc, kẻ bàn ra người tán vào,
nhưng rồi chuyện thị phi cũng lãng dần theo năm tháng.
***
Hôm sau,
khách đến thăm nhà họ Lục, khác hẳn năm xưa như đen với trắng. Vạn phần không
còn lại chút gì của nền đất cũ. Lục bà tuy áo gấm xênh xang, nhưng cung cách
nông dân, vẻ chân quê vẫn còn lộ nét. Bà tiếp người quen cũ với nét niềm nở ban
sơ, mà khách vẫn dễ dàng bắt gặp trên gương mặt phúc hậu ấy đượm nét ưu phiền.
Trên bộ
ván cẩn ngà, Lục lão như bộ xương bất động, lâu lâu đưa đôi mắt mất hẳn thần
khí nhìn khách một cách thờ ơ lơ đãng. Khách đã biết chuyện gì xảy ra với lão,
trong khi Lục bà ái ngại:
- Xin
công tữ miễn chấp cho. Lão nhà tôi bị bệnh. Số là... ôi! thật là oan nghiệt
mà...!
Lục bà
thuật lại cho khách nghe, tương tự như chủ quán, song còn đôi điều mà chỉ có
Lục bà mới biết được. Khi lập am xong, một đêm Lục lão đang ngon giấc thì bị
lay dậy. Lão bừng mắt, trước mặt là hai nữ nhân cốt cách khác phàm. Một người
nói:
-
"Đa tạ lòng tốt của ngươi, nhưng phận gái đã bị ngươi ẵm bồng, ngươi không
cưới chẳng được đâu".
Ngỡ trong
mộng, Lục lão nắm thử bàn tay người nói chuyện, lạnh ngắt như băng. Lão kinh
hoàng rút nhẹ tay về, run lập cập vì biết mình đang đối diện với ai!
-
"Ma!"
-
"Ma có gì đáng sợ, chẳng qua là âm cảnh nặng nề thiếu hẳn dương khí nên
lạnh lẽo đó thôi. Cũng như người trần gian, khi vầng dương tắt, gió Bấc thổi về
thì thịt da tê tái. Có chi là lạ? Sống là người, chết thành ma, ma chết thành
quỷ, quỷ chết thành yêu tinh, việc đó như đường độc đạo, ai cũng phải đi, đi
tất phải đến. Có chi mà ngại? Ngươi thấy ma hại người bao giờ chưa mà ngươi lại
sợ? Còn hàng ngày ngươi thấy người hại người, cớ sao ngươi vẫn chung sống? Quan
trấn áp dân, cướp của cải người, giàu ức nghèo, mạnh hiếp yếu, khôn lừa ngu làm
cho cội gốc của người đời chao đảo. Cớ sao ngươi không sợ? Thế gian những
chuyện vợ dối chồng, em dối anh, trò phản thầy, bạn bè, đồng hội đồng thuyền
phản nhau, đâm lén nhau, tranh nhau từng miếng ăn cái uống, giành giựt nhau
từng chút danh hời. Cớ sao ngươi không dè? Cũng chẳng thiếu chi những kẻ cướp
giựt của người, chiếm đoạt vợ người, gạt gẫm thiên hạ, chém giết lẫn nhau,
tranh giành áo cơm dơ bẩn, làm cho máu ruột phân ly, nhân tình phân tán. Cớ sao
ngươi không ngại? Ta nghĩ lũ người kia không những đáng sợ mà còn đáng khinh
nữa! Còn chị em ta đây, đường đường là cành vàng lá ngọc, đi có kẻ hầu, ngồi có
kẻ hạ, chải tóc có người cầm lược, cài đầu có kẻ giắt trâm, mười tám năm khuê
trung khép kín, chưa hề biết mặt nam nhân. Thế mà cũng tại con người giành
quyền đoạt lợi, binh lửa nổi lên. Lũ giặc gặp chị em ta như cáo gặp gà, như hùm
gặp thỏ. Và chúng ta tử tiết để bảo toàn tiết hạnh giá trong. Người xưa đã dạy
"Nam nữ thọ thọ bất tương thân". Nay ngươi đã ôm ta vào lòng, ấp ta
vào ngực, nếu không là chồng vợ với chị em ta thì điều đó có đúng không?"
Lục lão
nghe cũng có lý, chín mười phần sợ chỉ còn một hai. Đang trù trừ, lại nghe
giọng cương quyết:
-
"Chị em ta dòng dõi họ Tô, tổ tiên từ phương Bắc, theo Mạc Tướng Quân (*)
xuôi Nam lánh nạn. Ta là Ngọc Phượng, em ta là Bích Phượng. Người đương thời
gọi là "Song Phượng Bảo Châu". Nay ngươi ưng ai cứ nói".
Lục lão
ái ngại:
-
"Ta đã già rồi!..."
-
"Điều đó không phải để ngươi lo".
Mành mành
lay nhẹ, hương thơm quyện ngợp căn phòng. Bấy giờ Lục lão mới dám nhìn thẳng
vào mặt hai người: "Rõ ràng là hai thiếu nữ bội phần xinh đẹp, mỗi vẻ mỗi
người". Lục lão cảm thấy tuổi xuân trở lại, nên đáp:
-
"Ta ưng cả hai".
"Song
Phượng Bảo Châu" nhìn nhau, nét thẹn thuồng hiện trên đôi má. Cô chị nói:
-
"Cái lão già nầy tham lam quá, không sợ chị em ta phanh thây rỉa thịt
sao?"
Khách
hỏi:
- Vì cớ
gì Lục ông lại ra nông nỗi nầy?
Lục bà
não nùng:
- Chuyện
còn dài. Sau đám cưới, ông nhà tôi dọn về sau am, xây phòng hoa chúc, vui cuộc
mây mưa, không thiết gì đến cơm nước, hình vóc ngày càng tồi tệ, tâm trí ngày
càng lú lẫn, biếng nói biếng cười, không nhận được người quen kẻ lạ.
***
Năm sau,
có dịp qua Kình Ngư Thôn, ghé thăm Lục lão. Khách mặc nhiên thấy Lục lão đầu
cạo sạch tóc, mặc áo già lam, sắc mặt hồng hào, dung quang tươi nhuận, chấp tay
chào khách:
- A Di Đà
Phật! Mừng công tử giá lâm!
Lục bà
giải thích:
- Sau lần
công từ viếng thăm. Lão nhà tôi càng ngày càng tệ, chúng tôi mời bao nhiêu đạo
sĩ đến cúng chữa nhưng vô hiệu. Bỗng một hôm có vị đại sư đường đột vào nhà nói
rằng:
-
"Bần tăng không màng ngàn dặm đến đây vì thấy được yêu khí ngất trời. E
rằng nếu chậm...".
Đại sư
chưa dứt lời, bỗng lão nhà tôi từ ngoài chạy vào phục đầu dưới đất, lạy như tế
sao, sưng vù cả trán:
-
"Sư phụ xót thương tình nghĩa vợ chồng mà đừng hành tội".
Vị đại sư
cười hiền hòa, nhưng giọng đầy cương quyết:
-
"Ta vì đức hiếu sinh nên không cho ngươi chọn lựa con đường nào khác ngoài
việc rũ bỏ nợ trần theo ta về sơn am tu luyện. Nghiệt súc! Không thu mình vào
đây còn đợi chừng nào?"
Nắp hồ lô
đậy lại, xem dễ dàng như một trò chơi, trong khi lão nhà tôi đang nằm bất động
dưới nền. Đại sư nói:
-
"Không sao! Vì hoang dâm vô độ nên thần kiệt khí hư, lại bị ma đạo hoành
hành nên trí cùng lực tận, không chữa không xong. Đây là "Tái Sinh Phục
Thần Dưỡng Khí Đơn", hãy nhận và kiếp cho uống ngay. Còn đây, "Trấn
Quỷ Phù", hãy dán trước cổng ra vào, tà ma phải lánh xa. Nhân đây ta cũng
chúc mừng: Vị thí chủ nầy ngày sau sẽ giác ngộ, phổ độ chúng sanh, nhờ lòng
nhân của lão ấy".
Đại sư
nói xong, chỉ hai bước rời khỏi nhà, thoắt cái mất dạng.
***
Vị khách
là La công tử, con của Lại Bộ Thượng Thư. Tuy dòng dõi trâm anh thế phiệt,
nhưng không thích ràng chân nơi cửa ngọc lầu vàng. Tánh thích phiêu lưu lang
bạc, khí phách mã thượng giang hồ.
Mùa Xuân
năm qua, La công tử đến thăm ta, nằm trên sân thượng ngắm trăng, gác chân lên
nhau rồi kể lại chuyện nầy. Đoạn cười nói:
- Thế
gian không thiếu những kẻ lòng lang dạ sói, háo danh cầu lợi, mê sắc dục, làm
điêu vô sỉ, bán đứng lương tâm, làm cho thế sự đảo điên, nhân tình ta thán, oán
ngút trời xanh, hận thâm địa ngục. Nghĩ mà phát ngán. Như ta đây, đầu đội trời,
chân đạp đất; danh chẳng ham, lợi chẳng màng; chỉ cần ngày hai bữa. Phù điều
phải, diệt điều trái; xa lánh bọn gian tà. gần bậc cao minh; học cái hay, bỏ
cái dở; luyện thần trong sáng, giữ lòng thanh bạch; ưu tư thế sự, nặng tình
nước non; bốn phương làm bạn, tám cõi là nhà; đi để danh thơm, ở để tiếng lành;
lánh điều ác, làm điều thiện; vì đại nghĩa dám nói điều ngay, vì dân tộc cứ
thẳng đường chính mà tiến; sống cho đời, chết vì đất nước. Thân xác hiên ngang
sừng sững như bá như tòng, chí cao ý cả như trời cao biển rộng... Sá gì chuyện
tử sinh, sợ gì lời dị nghị, đàm tiếu của phường vô liêm sĩ, của bọn tị hiềm,
của loài ung nhọt...
Chuyện ta
kể, đầy tính chất hoang đường, thế gian hi hữu, nhưng ngươi đã nghe thì cứ nghĩ
rồi viết lại cho hậu thế xem...vui.
___________
Ghi chú: (*) Mạc Cửu
Thái Quốc Mưu