27 October 2015

BÚN RIÊU NHÀ, CÀ HÀNG XÓM - Trangđài Glassey-Trầnguyễn

1. Đi lạc

Những lần có việc cần đi đến những địa điểm ở khu vực Los Angeles, tôi vẫn thường gặp rắc rối khi xuống exit và không tìm được nơi cần đến. Đôi khi những cái exit oái oăm ở ngoài đời không đơn giản như hướng dẫn trên internet, nhất là ở thời điểm mà việc hướng dẫn này còn rất sơ sài và mới bắt đầu. Điều mà ai cũng làm là mở bản đồ ra xem, hay đi hỏi ở trạm xăng. Tôi thường chọn giải pháp thứ hai, vì tôi không thích xem những bản đồ chằng chịt. Hơn nữa, hỏi vẫn chắc ăn hơn. Internet còn chưa cập nhật hóa, bản đồ chưa chắc đã tin được.

Có những nhân viên ở trạm xăng rất thân thiện và tỏ vẻ quan tâm đến những người không có khiếu định hướng như tôi. Cũng có khi họ bận rộn, chỉ đáp gọn lỏn, “Không biết!” Thế là xong. Có lần, tôi gặp như vậy, đang lúng túng không biết tính sao, thì một người đàn ông Mễ đang đổ xăng liền quay sang bảo tôi bằng cái giọng Spanglish của ông, “Tôi sẽ chỉ cho cô. Cứ lái xe theo tôi!”

Ông ta lái xe ra khỏi trạm xăng và đi vào một con đường khá vắng vẻ, nhà cửa xập xệ. Đang đi lạc, lại thêm lạ nước lạ cái, tôi càng lo trong lòng. Nhưng vừa đến cuối đường, thì bên kia là xa lộ lớn, nối tôi vào con đường tôi đang đi tìm. Người đàn ông tấp vào một tiệm bán vỏ xe bên đường, ra khỏi xe, và đưa tay chỉ cho tôi hướng đi. Ông còn vẫy tay trước khi tôi lái xe qua khỏi. Sự nhiệt tình và sốt sắng của ông làm cho tôi thấy thật an bình.
2. Ông hàng xóm
Bài tình ca lãng mạn phổ thơ Nguyễn Bính “Nhà nàng ở cạnh nhà tôi, cách nhau cái dậu mồng tơi xanh rờn” không biết có xảy ra ở Mỹ không, nhưng tình hàng xóm thì vẫn có chuyện để nói, cho dù không phải là Việt Nam với nhau.
Một câu chuyện kinh điển mà nhiều người vẫn kháo nhau là chuyện những bà cụ di dân không biết tiếng Anh thuộc nhiều sắc tộc khác nhau. Họ lại rất thân nhau, tuy chưa hề nói với nhau câu nào ngoài “hello” và “goodbye.” Cái ngôn ngữ của sự cảm thông đến từ con tim, chứ không chỉ từ đầu lưỡi. Hàng xóm mà, cái tình không cần nói ra vẫn có.
Ở bên kia đường đối diện nhà tôi, có ông lão người Mễ sống một mình với vợ. Bà cụ đã bại liệt từ nửa năm nay, nên ông vào ra một mình. Nhà ông cũ kỹ tiêu điều, khoảng đất phía trước trơ trụi. Ông hay ra ngoài hiên nhà ngồi một mình vào những buổi chiều, như chiêm niệm về một cuộc đời đã xế bóng. Hôm thành phố Stanton phát động phong trào làm đẹp bộ mặt phố phường, một đoàn học sinh trung học đến giúp ông bà trồng lại vườn hoa trước nhà, sơn phết lại cửa cái, và các bức tường xung quanh. Họ còn giúp ông trồng lại sân cỏ và biến bãi đất cô quạnh của ông thành một khuôn viên xinh xắn. Từ đấy, sáng chiều nào ông cũng ra tưới hoa tưới cỏ.
Hôm nhà tôi đốn cây cọ trước cổng, ông đợi mặt trời xuống thấp rồi lò dò sang đứng hàn huyên. Tôi hỏi ông có thích “nhà mới” của ông không. Ông bảo, “Thích chứ! Còn cháu, có thích nhà mới của tôi không?” Tôi cũng tán đồng, và hái tặng cho ông một chùm hoa cọ trắng muốt thơm dìu dịu. Ông cười, những nếp nhăn trên mặt ông ưỡn mình trong nắng chiều.
Ông lão còn có một niềm vui khác. Số là từ ngày Ba tôi mang su hào ngoài vườn sau qua biếu ông bà, ông lại ra vườn sau của ông hái từng rổ cà chua qua cho gia đình tôi. Ông là người mát tay, trồng rau quả thật tốt. Nhiều cà, nấu nhiều món riết cũng chán, Ba tôi nấu bún riêu để “tiêu thụ” cho kịp những loạt cà cứ cách ngày thì ông lão lại dắt díu sang nhà tôi khi cà chín rộ.
3. Quan hệ giữa các cư dân dị tộc
Người Việt ở Little Sàigòn không mấy ai quên được những cuộc chạm trán giữa sinh viên Việt Nam với sinh viên Mễ Tây Cơ ở những trường tiểu học trong vùng, nhất là tại Bolsa Grande và Westminster High. Nhiều cuộc va chạm đã đưa đến tử thương thật vô lý. Điều vô lý không kém là các em sinh viên trung học còn quá trẻ mà hành xử một cách thù hằn và bạo động như thế.
Trong suốt những thập niên gần đây, nhiều cuộc đụng độ vũ trang và tranh chấp về chính trị đã tạo nên một luồng khí căng thẳng trong quan hệ quốc tế. Liên Hiệp Quốc luôn phải chạy theo những thảm trận ở Rwanda, ở Châu Phi, những mưu mô bành trướng của Trung Quốc, và những nạn diệt chủng khắp nơi trên thế giới. Tuy nhiên, những vấn đề này không chỉ xảy ra biệt lập, mà có tác động đến tương quan con người trên bề mặt địa cầu. Khi người ta ôn lại biến cố bạo động ở Los Angeles sau mười năm, câu hỏi đặt ra không chỉ nhằm vào hai nhóm dân xung đột, mà là làm sao để tất cả mọi người trong một xã hội đa chủng có thể đến gần nhau và cùng tồn tại một cách hòa bình.
Theo những nhận định gần đây nhất của ngành nhân chủng học, “race” (chủng tộc) là một định kiến xã hội và không có căn cứ khoa học. Nhìn vào bản mã di truyền, người ta thấy sự khác biệt giữa những sắc dân (theo định nghĩa trước nay) thấp hơn nhiều so với sự khác biệt giữa những người cùng văn hóa và cùng sắc tộc. Điều này tái xác nhận cho chúng ta về sự bình đẳng và tương quan của xã hội loài người.
4. Sunset Blvd của người mẹ ba con
Tôi ghé nhà một người bạn ở Los Angeles để cùng hiệu đính một phim tài liệu. Vì đi đường xa, mà anh bạn vừa gọi cell phone cho tôi biết anh đi Starbucks mua càfê, nên tôi đứng đợi ở ngoài khu chung cư anh ở trong khi rất cần đi vệ sinh. Đang lúng túng, tôi hỏi vội một phụ nữ gốc Mễ Tây Cơ đang dắt ba đứa con băng qua đường. Bà bảo tôi cứ vào một nhà hàng ở ngã tư Sunset Blvd và Descanso đi nhờ. Tôi lưỡng lự, tỏ vẻ ngần ngại, nhưng bà đi theo tôi đến tận cửa, và khoác tay như giục tôi đi vào.
Khi tôi ra khỏi nhà hàng và đang đứng chờ đèn để trở lại chung cư của bạn tôi, một đứa bé chạy đến hỏi tôi, “Did you go?” Tôi quay lại, và thấy người phụ nữ cùng hai đứa con kia đang ngồi nhìn về phía tôi. Bà đã cùng ba con ngồi ở ghế đá đón xe buýt bên ngoài để chờ tôi. Tôi nhìn về phía bà và cất giọng khá to, “I went! Thank you so much!”
Người phụ nữ ấy, và ba đứa bé con bà, có vẻ như không can dự gì đến con đường Sunset nổi tiếng. Nhưng họ lại là những gì thực nhất mỗi khi tôi trở lại con đường ấy.
5. Chìa khóa cảm thông – viễn tượng hòa bình
Những học giả và chính trị gia luôn nói về quan hệ chủng tộc như một vấn nạn lớn lao, nhưng trong chính cuộc sống hằng ngày, mỗi người chúng ta mới là những nhân tố quyết định cho một xã hội hoà hợp và cảm thông.
Hòa bình bắt đầu từ mỗi thành viên của cộng đồng nhân loại, qua những việc rất nhỏ như bày tỏ sự quan tâm đến những người xung quanh và có lòng nhân ái đối với tha nhân, như Chúa Giêsu đã dạy, “Hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương các con.”

Trangđài Glassey-Trầnguyễn
(Viết cho Việt Mercury, và được đăng lại trên Người Việt Trẻ, 2004)