Gần
đây gặp một nhà văn ở Sài Gòn qua, tôi hỏi anh rằng tại sao có hai thứ văn
chương không thấy phá triển ở trong nước. Một là văn trào phúng kiểu Số Ðỏ;
trong một xã hội đầy rẫy những Xuân Tóc Ðỏ, từ Nguyễn Tấn Dũng đến Phùng Quang
Thanh, mà chẳng thấy một Vũ Trọng Phụng mới. Thứ hai là thứ văn chương kinh
hoàng, ghê rợn kiểu Vàng Và Máu của Thế Lữ... Nhà văn Sài Gòn cải chính:
“Văn trào phúng có chứ!” Anh kể, mỗi lần đảng Cộng Sản làm một bản báo cáo
chính trị là, “Anh em văn nghệ ngồi quán cà phê lại đọc cho nhau nghe; cứ nghe
một câu lại bò lăn ra mà cười!”
Nhưng còn văn
chương ghê rợn thì sao? Vẫn có, vẫn là những bản báo cáo chính trị của đảng. Có
lúc về ngồi xổm ở cái góc trong nhà hay ngoài vườn, cầm tờ báo lên thấy bản báo
cáo chính trị in ngay trang nhất, buồn tình đọc lại. Lúc đó mới thấy ghê rợn,
kinh hoàng! Suốt đời mình đã phải nghe những câu huênh hoang, trống rỗng đó!
Con cái mình vẫn phải nghe! Mà chắc đến đời cháu nội, cháu ngoại mình chúng vẫn
phải nghe lại đúng những khẩu hiệu vô ý nghĩa như thế! Trước cảnh tượng đó
không kinh hoàng, rợn tóc gáy sao được?
Ðể hiểu ý ông
bạn nhà văn (xin miễn nêu tên, vì ông ấy đang sống ở Sài Gòn), xin mời quý vị
đọc thử mấy câu văn vừa hài hước vừa ghê rợn. Quý vị có thể đọc từ câu đầu
xuống tới câu chót; hoặc bắt đầu từ ngay đoạn giữa rồi đọc xuống; hoặc đọc
ngược từ câu chót lên câu đầu; hay đọc một câu đầu nhảy ngay xuống câu chót rồi
ngưng, đọc cách nào cũng được, không sao cả.
Bây giờ mời
quý vị thở một hơi dài và thật chậm để đọc những chữ sau đây: “giữ vững ổn định
chính trị trong mọi tình huống, không để bị động bất ngờ,”...“nâng cao cảnh
giác,”...“chủ động phòng ngừa,”...“phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả
âm mưu diễn biến hòa bình, bạo loạn lật đổ, hoạt động chống phá của các thế lực
thù địch, bọn phản động, cơ hội chính trị, cực đoan chống đối trong và ngoài
nước...,” “nền tảng là an dân... cơ sở chính trị quan trọng,”... “tái cơ cấu nền
kinh tế, đổi mới công nghệ, thu hút đầu tư, chủ động hội nhập, xây dựng chính
quyền đô thị kiến tạo phát triển hiệu lực, kết quả để tạo ra bước đột phá...,”
“tăng cường mối quan hệ máu thịt với Nhân dân, dựa vào Nhân dân, phát huy sức
dân để chăm lo cho nhân dân...”
Nếu đang sống
ở nước ngoài thì quý vị có thể không bật cười trước những câu văn như là chủ
động phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, hội nhập, xây dựng, quan hệ
máu thịt, nhân dân, vân vân vì trong đầu đang lo những chuyện tầm thường nhỏ
nhặt như là làm sao nhớ đi mua cho thằng con đôi giầy trước cuối tuần này, để
nó đi đá banh, hoặc làm cách nào trốn cắt cỏ một bữa để đi nhậu với mấy thằng
bạn mà không bị bà xã cự nự. Chỉ những người sống trong nước mới thông cảm được
với các nhà văn khi họ vừa đọc các câu trên vừa cười muốn bể bụng. Họ bật cười
bởi vì mỗi lần nghe các khẩu hiệu rỗng tuếch rỗng toác đó họ lại hình dung bộ
mặt các cán lớn cán bé phùng mang trợn mép day tay mắm miệng lập đi lập lại
khoảng ba vạn chín nghìn lần những câu “ba xạo” này, từ nửa thế kỷ rồi chưa
chán!
Biết vậy cho
nên chúng tôi rất thán phục những vị không những đã bỏ thời giờ, giữ nguyên bộ
mặt nghiêm nghị không cười mà đọc kỹ một dự thảo báo cáo chính trị của đảng
Cộng Sản! Phải nói, đây là những vị cù léc cũng không cười! Giỏi hơn nữa, họ
còn viết cả một bức thư “góp ý” vào bản báo cáo chính trị. Có 20 vị đã ký tên
“hưởng ứng bức thư tâm huyết” gửi đến “Ðảng bộ Thành phố những ý kiến đóng góp
vào Dự thảo Báo cáo Chính trị.”
Nhưng đọc bức
thư góp ý của họ thì rất thán phục. Bởi vì 20 vị trên đã nhân cơ hội viết lá
thư mà nói thẳng những điều họ nghĩ về thành phố Sài Gòn, trước và sau năm
1975. Ðâu phải lúc nào người ta cũng có dịp viết ra những lời phê phán đảng
Cộng Sản một cách công khai và tàn nhẫn không chút nể nang như vậy?
Ðể mở đầu, thư
góp ý nói rằng 20 người họ rất tán thành bản Dự thảo Báo cáo vì các thành ủy
Sài Gòn đã đề cao “vai trò, vị trí của thành phố, là nơi hội tụ và lan tỏa,...
làm đầu tàu cho cả nước...” Ðây dân Sài Gòn khen ngợi dân Sài Gòn biết đề cao
dân Sài Gòn! Không những thế, bản dự thảo còn nhắc lại những kinh nghiệm quý
báu. Hãy nghe thành ủy Thành Hồ nói: “Thành phố HCM đã từng 'phá rào' để
tự cứu mình và từ hành động dũng cảm... đó đã dẫn đến những thay đổi trong tư
duy của những người lãnh đạo cao nhất của đất nước,...” Nói “phá rào” thì dân
Sài Gòn biết chuyện gì diễn ra khi ông Võ Văn Kiệt làm thành ủy. Ðiều thú vị là
bản báo cáo chính trị xác nhận là nhờ Sài Gòn đã dám phá rào, dám gạt bỏ các
giáo điều, các kế hoạch, chỉ tiêu ngu ngốc; nhờ Sài Gòn làm gương trước cho Hà
Nội đi theo; cho nên cả đảng Cộng Sản được “đổi mới tư duy.” Ðúng như vậy, Sài
Gòn đã từng “làm đầu tàu cho cả nước.” Dân Sài Gòn nghe thấy sướng cái lỗ tai
thiệt!
Nhưng nhờ đâu
Sài Gòn làm được đóng vai “làm đầu tàu cho cả nước?” Ðọc những lời họ giải
thích mới thấy 20 tác giả bức thư rất thâm! Nói tóm tắt, họ chứng minh rằng Sài
Gòn thành đầu tàu cho cả nước là nhờ thành phố này đã từng sống trong chế độ
Việt Nam Cộng Hòa!
Thư góp ý của
họ đã nhắc lại: “...trước 75, Sài Gòn từng vượt xa Bangkok, Singapore,...” (Ý
nói, Hà Nội không thể nào so sánh được). Họ nêu ra một “nét đặc thù” của thành
phố này là ở đó có “một đội ngũ trí thức, doanh nhân có bề dày kinh nghiệm,
(có) vốn tri thức, (có) kỹ năng nắm bắt và vận dụng công nghệ hiện đại vào nền
kinh tế thị trường.” Nhấn mạnh đây là “nét đặc thù” của Sài Gòn, tức là Hà Nội
không hề có mấy thứ đó.
Nhưng các “bề
dày kinh nghiệm, vốn tri thức, kỹ năng...” này ở đâu mà ra? Không cần nói, ai
cũng biết, đó là nhờ họ được sống tự do hơn, được làm việc tự do hơn, nên có cơ
hội học hỏi và phát triển khả năng của họ, trước năm 1975, dưới thời Việt Nam
Cộng Hòa.
Sau khi vạch
ra các điều trên, bức thư góp ý giải thích hiện tượng “phá rào” họ đã nêu lên.
Thư viết: “...cho nên 'phá rào' cũng có nghĩa là phá những ràng
buộc của cơ chế kế hoạch hóa tập trung bao cấp không chấp nhận quy luật thép
của thị trường, để trở lại với kinh tế thị trường vốn là cội
nguồn của Sài Gòn...” (các chữ in nghiêng trong nguyên văn).
Bức thư không
dám nói trắng ra, nhưng ngó đằng sau các hàng chữ trên thì người ta hiểu: Sài
Gòn khác Hà Nội vì trong này có “đội ngũ trí thức, doanh nhân có kinh nghiệm,
tri thức, kỹ năng.” Còn ở ngoài kia, được bác và đảng lãnh đạo, thì chỉ có “cơ
chế kế hoạch hóa tập trung bao cấp...” Không nói trắng ra người đọc cũng hiểu:
“Cội nguồn sức mạnh kinh tế của Sài Gòn” là cơ chế thị trường đã được Việt Nam
Cộng Hòa dùng từ trước năm 1975. Các hành động gọi là ‘phá rào’ thời
ông Võ Văn Kiệt chính là “trở lại với cội nguồn của Sài Gòn.”
Phải “trở lại” bởi vì chỉ cần một, hai năm sau 1975, đảng Cộng Sản đã phá nát
cuộc sống tự nhiên của Sài Gòn, qua những đợt cải tạo công thương nghiệp, đánh
tư sản, đày đọa “đội ngũ trí thức, doanh nhân” trong các nhà tù, dọa đưa đi
kinh tế mới, vân vân, khiến bao nhiêu người phải liều chết vượt biên vì nếu cái
cột đèn biết đi nó cũng chạy!
Có thể nói, 20
vị đảng viên hoặc cựu đảng viên đã viết những lời lên án đảng Cộng Sản nặng nề
nhất, nói rõ ràng nhất so với các lời góp ý kiến khác, kể cả những bức thư họ
đã ký tên trước đây. Họ đã khôn ngoan né tránh, không phê phán thẳng các chính
sách phá sản mà đảng áp dụng trên toàn quốc từ năm 1945 đến nay. Họ tự gói ghém
một trong phạm vi nhỏ, chỉ góp ý với bản dự thảo báo cáo chính trị của đảng ủy
một thành phố, không nuôi tham vọng nào cao hơn.
Bức thư góp ý
được coi là hưởng ứng thư của Ban Chấp Hành Ðảng Bộ TP HCM “chân thành mong
muốn nhận được nhiều ý kiến góp ý tâm huyết, thẳng thắn với tinh thần trách
nhiệm”! Nhưng qua bức thư này, người đọc thấy trước năm 1975 trên nước Việt Nam
đã có hai con đường, một là “cơ chế thị trường,” hai là “cơ chế kế hoạch hóa
tập trung bao cấp.” Con đường thứ hai này là thứ sản phẩm mà đảng Cộng Sản vẫn
hãnh diện khoe họ đã “giác ngộ,” đã học Nga Xô, Trung Cộng để vào áp dụng ở
Việt Nam. Bức thư góp ý không dám nói thẳng những sai lầm cơ bản của đảng cộng
sản; mà chỉ đề cao những bước “phá rào” đi ngược với chủ nghĩa, với đường lối
của đảng. Chính các bước xé rào đó đã thay đổi cả lề lối suy nghĩ của giới lãnh
đạo đảng, đảng bèn “đổi mới,” tức là quay đầu 180 độ, trở lại lối cũ của Sài
Gòn Năm Xưa!
Chính các tác
giả bức thư góp ý đã “phá rào” - nhưng làm bộ họ không dám phá rào! Ðiều đáng
tiếc là họ chưa “phá rào” cho đủ.
Chưa đủ, bởi
vì chúng ta có thể đoán trước kết quả của bức thư góp ý này. Kết quả là: Số
Không! Những người ký tên dưới bức thư trên đã từng ký rất nhiều bức thư tương
tự, nhiều lắm, chắc chính họ cũng không nhớ hết được. Bao nhiêu lần những lời
tâm huyết của họ được cung kính dâng lên cho giới lãnh đạo đảng, chẳng thấy gì
cả. Chẳng có một con muỗi nào hắt hơi hết! Vũ Như Cẩn! Vẫn Như hồi đó tới giờ,
không thay đổi! Cứ tiếp tục viết thư góp ý kiểu này thì sẽ tới ngày chính những
loại thư góp ý với báo cáo chính trị cũng biến thành văn chương hài hước, không
khác gì các báo cáo chính trị!
Thành ra hành
động “phá rào” của 20 nhà trí thức vẫn còn nằm bên trong một thứ hàng rào khác.
Ðó là lòng trung thành với đảng Cộng Sản! Nói gì thì nói, không ai dám bàn tới
chế độ độc tài chuyên chế của đảng! Lê Hiếu Ðằng đã dám bước ra ngoài cái hàng
rào trung thành tuyệt đối đó; ít nhất, một lần trước khi qua đời!
Ngô Nhân Dụng