“...Tôi
cũng hiểu mình chỉ là, và chỉ muốn là, một nhà văn. Tôi
không hề có tham vọng chính trị. Nhưng nhà văn, theo tôi, không thể
tự cô lập trong thế giới chữ nghĩa riêng mình. Con dân một nước chậm tiến, nơi
những con triều văn minh kỹ nghệ Tây Phương mới chỉ phá vỡ thế giá cũ nhưng
chưa đủ sức tạo dựng những khuôn thước mới, nơi những kẻ cai trị thường nhìn những
người cầm bút như bầy chó dại, như loài chuột mang vi trùng dịch hạch, một nhà
văn dường phải đảm nhiệm vai trò người giác đấu, một Promotheus đánh cắp lửa trời,
mang ánh sáng xuống trần gian. Mỗi chữ, mỗi câu là nỗi vinh quang và hổ
nhục của những phấn đấu không ngừng nghỉ trong sứ nhiệm phục hồi quyền chức con
người mà đã nhiều thế kỷ, dân tộc Việt bị tước đoạt...” (Nguyên
Vũ - Xuân Buồn Thảm, tr. 23)
Cái quê
nghèo ấy người ta nghèo đến cả cách đặt tên. Anh Lô lên lớp đệ tam rồi, học ở
tỉnh về, bà con vẫn gọi là anh Lọ, dù tên anh là Nguyễn Lô hẳn hoi, may ông anh
làm ủy viên hộ tịch xã sửa lại cho. Nhiều khi Lô buồn lắm, nhưng có khi cũng
thấy nhớ cái tên Lọ Cha Mạ anh đặt cho. Một niên khóa học ở trường tỉnh, không
nghe ai kêu Lọ ơi cũng nhớ. Nhớ như nhớ dái mít chắm muối ớt, như cà chắm ruốc
nhai nghe rạo rạo cát. Và nhớ nhất là em Ngọc, Lan Ngọc.
Oái oăm
là em Ngọc cũng bị dân làng kêu là em Nọc
Cha Mạ
Ngọc nuôi 4 con heo nọc, nhà Ngọc thuộc loại giàu nhất làng. Bốn con Nọc chạy
gieo tinh khắp vùng, một phát hai thúng lúa, nên có khi Ngọc phải dắt heo nọc
đi. Năm đó Ngọc khoảng mười hai tuổi, Lọ lên mười, cứ chạy theo đám trẻ trâu
trong xóm theo Nọc, vừa chạy vừa la, “Nọc tới Nọc tới tụi bay ơi.” Lọ cũng thế.
Cho đến
một ngày, năm đó, Lô mười bốn, Ngọc mười sáu. Lô lớn rồi và “có học”, và thương
Ngọc lạ lùng, đêm nào nằm mơ cũng thấy chị Ngọc đẹp như tiên trong các truyện
thần thoại. Lô đâm ghét những thằng trẻ trâu hay chọc ghẹo Chị Ngọc.
Heo nhà
Lô động đực, Ngọc vâng lệnh cha dắt heo đến phối. Hơn cây số chạy theo con heo
“khát tình”, đến sân, Ngọc ngồi khóc. Mạ Lô rót nước chè mời Ngọc cũng không
uống, cứ khóc. Con heo nọc nhảy vô chuồng không phối được do con nái nhỏ quá,
còn trinh. Mạ Lô kêu lên, Ngọc ơi giúp bác một tay. Ngọc đứng vụt lên, quyệt
tay áo lau nước mắt rồi chạy nhanh vào chuồng heo. Lô chạy theo, Ngọc quắc mắt
phán, “không được vô đây”. Lô đứng khựng lại, tưởng tượng.
Ngày Tết
Mậu Thân, Lô đã lên lớp đệ tam, phải ra tỉnh học. Có mấy người bạn ở tỉnh về
chơi, hỏi, ở đây em nào đẹp nhất, Lô “thật thà khai báo”, “Chỉ có chị tau là
đẹp nhất”. “Chị nào”. Lô dẫn mấy bạn đi thăm nhà Ngọc. Ngày tết heo nhà Ngọc
được nghỉ bảy ngày (không biết tâm trạng các anh Heo có vui khi được nghỉ
không, heo khác người làm sao mà biết được) nên cả nhà vui vầy sum họp. Thấy
nhóm của Lô vào, Ngọc xúc động lắm. Trai làng chẳng ai đến chơi nhà cô gái, dù
đẹp mà có “quá trình” dắt heo nọc.
Tóc Ngọc
không cuốn lọn đào như khi chạy theo heo nọc mà thả tóc... thề. Cái nơ vàng hoa
cúc trễ xuống trên đôi lông mày cong như trăng khuyết. Má Ngọc đỏ au, mắt chớp
chớp, “Chào anh Lô và các bạn đến chơi”. Lô sướng ngất, lần đầu được Ngọc gọi
anh. Cầm chén trà mà tay cứ run run rồi…dạ, “Chị Ngọc khoẻ khôông”. Ngọc liếc
mắt qua các anh rồi dừng lại ở Lô như ngầm bảo, vô duyên, “con gái mười bảy bẻ
gãy sừng trâu” sao không khoẻ được.
Ngọc kêu
mấy đứa em dọn mứt, bánh đầy bàn. Ngọc lại nheo mắt như trêu Lô, “ê, uống chút
bia nghe”. Lô…”dạ”. Mấy đứa bạn cười rúc rích, “phải nói cho đủ câu, dân văn
chương mà, “dạ, thưa chị Ngọc em chưa biết uống bia ạ”. Cả đám cười vang. Mặt
Lô đỏ lên, vừa tức vừa sướng. Ngọc liếc nhẹ qua Lô, như ngầm bảo, đừng có mà
lộn xộn, vẫn chị em đó, nghe chửa. Cùng tuổi, nhưng mấy thằng thành thị này
tinh quái hơn Lô. Tụi nó cứ cười, nhéo nhau la ỏm tỏi, Lô thì mặt đỏ lên, nhìn
tụi bạn như cầu xin. Ngọc lấy ra mấy chai bia, trịnh trọng, “hôm ni là ngày đầu
xuân, là ngày vui nhất trong năm, đối với gia đình và… đời Ngọc được tiếp các
anh. Một bạn phải uống hết một chai La-ve nghe”.
Uống đứa
chai bia mà say ngất, có đứa rớt xuống ruộng. Ngọc đi theo một đoạn, kêu “ hi
hi, con trai yếu rứa, Ngọc cũng một chai như các anh mà”. Thằng Huy nghịch nhất
mà lúc say cũng lạng quạng, nói lắp bắp, “Chị Ngọc ơi, chị đẹp... kinh hồn, tui
chưa khi mô chộ ai đẹp như chị. Nàng Mỹ Lệ lớp mình gặp chị Ngọc, thì ôi thôi
rồi... xin bái”. Hắn khật khưỡng cười he he, he he, giọng nhừa nhựa. Chị Ngọc
mắt đỏ hoe, “Chào các anh nghe... sang năm lại về chơi, nghe. Chúc các anh...
chân cứng... đá mềm”. Năm đứa nhìn theo mái tóc rung rinh, rung rinh theo nhịp
đi. Hình như nơi nào từ thân thể Ngọc cũng rung rinh, như đang múa.
Đêm đó
năm thằng ngủ chung ở căn nhà cha mạ Lô để lại làng, chọc nhau không ngủ được,
bèn có sáng kiến làm thơ, đứa hai câu, ghép lại để mai thằng Lọ có nhiệm vụ
trao cho nàng Ngọc. Thằng Huy nhập đề:
Làng Đông có chị Ngọc Lan
Người chi mà đẹp bà Hoàng cũng thua
Ha ha, thằng
Quy tiếp:
Mắt xanh, má đỏ, môi hờ
Tóc như mây mượt lên bờ da non
Đến lượt
thằng Lô, hắn bí. Thằng Hoàng cứu bồ:
Mối tình thằng Lọ héo hon
Mần chi tội rứa, heo con nái xề.
Lô nổi
nóng, bảo “im đi mấy thằng ba trợn” rồi ôm mặt khóc hu hu.
Đang vui
đang buồn thì súng nổ, súng nổ rát từ phía nhà Ngọc. Cả năm thằng chui xuống
hầm núp đạn. Vừa run vừa cười. Lô khóc hưng hức, kêu Ngọc ơi Ngọc ơi, có răng
không chị. Mấy thằng còn lại nín, không dám cười.
Sáng ra,
nghe tiếng khóc từ phía xóm chị Ngọc. Nghe bà con “trạo”, có mấy anh Nghĩa Quân
đang uống bia cùng gia đình Ngọc bị bắn chết. Tiếng khóc thảm thiết của những
người mạ khóc con giữa khuya não nề, da diết. Các anh Nghĩa Quân cũng chỉ hơn
Lô vài tuổi. Mấy đứa cúi rạp người đạp xe ngược lên tỉnh. Hú hồn!
Mồng tám
âm lịch, thứ hai đi học. Cả lớp nhìn nhau chờ Thầy. Thầy trong Huế kẹt chưa ra
được. Đạn pháo thì cứ ầm ào phía làng Lô. Trực thăng bay như chồn chuồn, bắn
rocket từng loạt xuống những dãy tre mù mù phía xa. Cả năm thằng ra ngồi ở cánh
đồng nhìn về hướng khói. Khói và khói, âm âm, u u. Và lửa, và những tiếng nổ ầm
ào như sấm rền. Lô gục đầu trên cuốn sách, nước mắt nó cứ thế tuôn, nhoè cả
cuốn tiểu thuyết, hình như là cuốn Đoạn Tuyệt của Nhất Linh. Vai nó rung lên,
Ngọc ơi là chị Ngọc ơi….
Mùa xuân
năm đó, một mùa xuân đầy chết chóc tang thương, từ thành thị lan dần về miền
quê, từ từ xa về phía Trường Sơn, rồi im bặt. Trên không, những chiếc trực
thăng vẫn bay bay vu vơ, không còn mục tiêu để bắn. Những vành khăn tang quả
phụ trễ tràng trên đôi mắt u hoài đi nhận xác chồng, đi làm sổ tử tuất cũng
bình thường như người ta đi chợ.
Ngọc vẫn
biệt tăm. Lô hỏi bà con có người bảo Ngọc chết rồi, lại có người nói Ngọc theo
du kích lên rừng rồi. Và chàng Lô cứ… làm thơ:
Tóc bay từng vạt gió nồm
Dậy thì như sóng hương cồn cào lên
……..
Nửa đêm nằm khóc một mình
Em là em chị như tình quê hương
Một hôm,
trên đường phố thị xã, từ xa, có một cánh áo dài bên một anh lính Mỹ, Lô nhận
ra ngay chị Ngọc. Lô đứng nép vào cánh cửa của hiệu sách để Ngọc không nhận ra.
Ngọc dẫn anh bạn Mỹ vào hiệu sách, hai người nói tiếng Mỹ, Lô cũng nghe được
phần nào, ý như sau: “Tôi có đứa em, là người yêu tôi, nhưng nếu giờ gặp lại,
không biết tôi phải nói với anh ta thể nào, vì tôi biết anh ta rất ghét Mỹ. Tôi
mua cuốn này nhé, để có dịp tôi tặng đứa em tội nghiệp ấy”. Lô thấy chị cầm
trên tay cuốn Đoạn Tuyệt và hôn lên đó.
Lô nhìn
theo cái bóng nhỏ nhắn của chị Ngọc bên anh chàng Mỹ cao to, xa dần dưới nắng
trưa. Tối đó Lô chiêm bao thấy chị Ngọc mang súng AK chạy trong lửa đạn. Rồi thì
thấy chị chết. Rồi thì thấy chị bị đè bẹp dưới chàng Mỹ to béo, nó hì hục hì
hục. Lại thấy chị Ngọc nghẹo cổ sang một bên, nước mắt chảy ròng, cái nơ hoa
cúc móp méo trên lọn tóc rối bù... Lại thấy “con heo đồng trinh” phủ phục dưới
bụng con nọc to lớn. Lô hét lên, tung mền đứng nhìn ra đêm. Mưa. Gió bấc và
nước mắt Lô hòa vào đêm, cái đêm kinh hoàng ấy theo Lô cả đời.
***
Sau 1975
Lô về quê làm ruộng. Hợp tác xã xơ xác những cánh đồng. Có lần Ba Ngọc đi cuốc
đất thải cùng, bảo, hay là chú cháu mình mua vài con heo đi dắt đực, chú bỏ
vốn, cháu dắt nghe. Thương con Ngọc quá, giờ không biết nó ở mô. Đầu óc “kinh
tế thị trường” của ba Ngọc ấy mà được việc. Mấy tháng sau đã có hai anh nọc
trai tơ sung sức, nghiệt là Lô khó xử quá. Có học nhất làng mà cứ dắt nọc chạy
kiểu ni thì khi mô có vợ, lại có lý lịch xấu nữa. Một tối, ba Ngọc mua đâu về
nửa lít rượu, mời Lô lên nhà bàn chuyện. Ba Ngọc bảo, giàu lên thì ai cũng nể,
sợ chi. Uống rượu ngà ngà, Lô thề với ba Ngọc là sẽ dắt Nọc để …làm giàu. Mà
giàu thiệt. Thời đó bà con nuôi heo nhiều, nhu cầu heo giống không đủ, vậy là
Lô và Ba Ngọc ăn nên làm ra, chỉ cần một năm đã có của dư của để. Nhưng nào đã
yên. Hợp tác buộc phải đưa heo nọc vào đội chăn nuôi, rứa là tiêu.
Đội heo
nái heo nọc gọi là chăn nuôi HTX không biết cách chăm sóc, dẫn đi phối nó chỉ
đứng nhìn, không mần chi được. HTX mời cha Ngọc lên hỏi kỹ thuật, vì răng mà
ông nuôi nó nhảy ngày tới 2 cái, mà HTX nuôi nó nhảy nhiều nhất là một cái. Ba
Ngọc tỉnh bơ nói, công lao động hợp tác tui được 2 lạng lúa thì tui cuốc theo
kiểu 2 lạng, heo cũng như người mà.
***
Năm 2002,
Lô năm hai tuổi, chị Ngọc năm bốn. Chị là Việt kiều đầu tiên về làng vào dịp
Tết. Xe đậu ở đường quan, chị đi bộ, một mình về nhà. Tụi nhóc chạy theo, có
đứa phụ chị mang vác va li. Tóc chị vẫn... thề như xưa, cái nơ vàng cũng duyên
dáng nở hoa cúc trên đôi mắt buồn tênh. Đường xóm sáng hơn, không âm u bóng tre
như thời chị dẫn heo nọc chạy khắp vùng. Chị vui, chị buồn, chị cười mà nước
mắt cứ ứa ra. Những chân chim rẽ quạt bên mắt chị nhoè nước, miệng Chị lại cười
toe chào bà con. Chị xoa đầu từng cháu, tụi nó không nghịch như xưa, không còn
gọi chị ...”Nọc tới Nọc tới”. Chị nhớ Lọ ghê gớm, cậu bé hiền, có đôi mắt biết
nói. Và súng đạn, và chết chóc. Và những chiếc xe nhà binh mang chị chạy hút
vào các doanh trại lính Mỹ... và.
Tần ngần
trước nhà, chị ngửi mùi phân heo, điều mà mấy mươi năm rồi chị nhớ. Tiếng heo
kêu, không phải vài con như xưa mà là hàng trăm con từ nhà chị. Chị hoảng loạn
bước vào, nằm ngay trên bộ phản ngày xưa chị nằm đọc sách của Lọ cho mượn. Ôi,
đời chị, đọc sách thấy toàn nhân vật tiểu thư mà chị thì đi dắt heo nọc. Cả
làng chẳng đứa con trai nào để ý, trừ Lô. Câu đầu tiên chị hỏi Mạ, cậu Lô giờ
sao rồi Mạ. Đứng sau lưng Mạ là Lô, anh mặc bộ đồ công nhân còn mùi phân chuồng
gật đầu thưa, dạ, em Lô đây chị. Chị băng tới, ôm chầm Lô mà hức hức, mùi phân
heo cùng mùi đàn ông quyện vào nhau thành nỗi niềm cồn cào da diết. Ba chị chết
rồi, để trại heo mấy trăm con cho đứa cháu độc thân trung thành gần hết đời với
heo.
Buổi tối.
Hai chị em đi dọc dường xóm. Trăng hạ tuần. Lô nhìn sững đôi mắt ướt của chị,
trên đó dôi lông mày nhíu lại, khuyết đi thành hai nửa vòng tròn gần nhau.
Hai chị
em ngồi xuống trước sân trường, nơi ngày hai chị em cùng học, nhắc chuyện xưa,
cái ngày chị dẫn heo tới nhà Lô. Chị hỏi sao anh chưa lấy vợ (lại anh). Lô vẫn
tưng tửng như xưa “ Ngu lâu quá chị ơi, hay là chị bày cho em đi, như ngày xưa
vậy. Tại chị không cho em nhìn heo nhảy, nên cứ ngu hoài.” Chị quắc mắt nhìn
sửng Lô, đập lên vai Lô, nói như khóc như cười. “ôn nội mi chơ, thằng nứt mắt,
Thằng Lọ”. Rồi chị lại xoa đầu Lô, rồi chị khóc, rồi chị nói bập bệu, "còn
mô nữa, Lọ ơi, mất hết rồi, hết rồi tuổi thơ ơi là tuổi thơ, Lọ ơi là Lọ, Nọc
ơi là Nọc, Nọc...”
Nguyễn Đặng Mừng