Đêm sẻ chia cùng những xót xa
vết nhăn trên trán tuổi đang già
cơn đau nhắc nhở rằng ta sẽ
có ngày lạc nẻo giữa bao la
Cung Vĩnh Viễn
vết nhăn trên trán tuổi đang già
cơn đau nhắc nhở rằng ta sẽ
có ngày lạc nẻo giữa bao la
Cung Vĩnh Viễn
Tôi
quen Long từ lúc còn trong quân trường. Hai thằng có nhiều thứ khác nhau. Cái
tên Nguyễn Vĩnh Long của nó cũng đủ làm cho tôi cảm thấy cách xa nó đến cả… vài
trăm cây số. Nó cao lêu ngêu, tôi thuộc loại chỉ đủ thước tấc đi lính. Mỗi lần
xếp hàng diễn hành hát bài Đường Trường Xa, nó cầm cờ đi hàng đầu, còn tôi ách
ê hàng áp chót. Tôi ăn nói vụng về nên thường thầm lặng còn nó thì giỏi lý sự
nên nói hơi nhiều. Cái giọng nam bộ của nó thường mở đầu bằng mấy tiếng chửi
thề, nên tôi ngại nói chuyện với nó. Dường như hai thằng chỉ có một điều giống
nhau duy nhất : Con nhà nghèo, gia đình lại ở quá xa, cho nên những ngày cuối
tuần, hai thằng đều mồ côi tại chỗ. Không ngờ chính cái điều giống nhau duy
nhất ấy mà sau này hai thằng trở thành bạn chí thân.
Quả thật là nó có nhiều thứ khác tôi, nói cho đúng
là có nhiều cái hơn tôi. Ra trường nó đỗ cao, được chọn về quân trường Đồng Đế,
ngay tại quê tôi, làm huấn luyện viên, còn tôi thuộc loại “lè phè” nên phải ra
làm trung đội trưởng ở một sư đoàn tận trên cao nguyên xa tít mịt mùng.
Sống xa nhau, nhưng cứ mỗi lần về phép, hoặc có dịp
dẫn quân qua thành phố Nha Trang là tôi ghé lại thăm nó. Có khi ở chơi với nó
cả tuần.
Hoạn lộ của Long coi bộ thênh thang hơn tôi nhiều
lắm. Phải nói thật là nó có tài, chứ không hề chạy chọt, hay nhờ vã một ai. Làm
huấn luyện viên, cán bộ, chỉ một thời gian ngắn, nó được rút về làm Trưởng
Phòng, rồi lên Trưởng Khối. Chức vụ cao, cứ theo bản cấp số, nó lên lon lên lá
vù vù. Còn tôi quanh năm đánh đấm, nằm núi lội rừng, thương tích mấy lần cũng
chỉ được mấy cái huy chương, mà chẳng có dịp nào đeo trên nắp túi áo làm oai
với mấy cô em gái hậu phương.
Chỉ sau mấy năm, nó đã lên đến quan ba. Tôi về phép
đúng lúc ăn khao. Nó dặn dò tôi hai tháng nữa, cố gắng dọt về đây làm phụ rể
cho nó. Nó lấy vợ. Nghe nói vợ nó là trưởng nữ của một nhà giàu nên đám
cưới sẽ linh đình ghê lắm. Hai tháng sau tôi đang đóng quân ở Lâm Đồng, năn nỉ
ông Tiểu đòan trưởng xin ba ngày phép, theo trực thăng của Phi Đoàn Thần Tượng
215 biệt phái, bay về NhaTrang mừng đám cưới thằng bạn chí thân. Vào nhà nó
trong cư xá khi trời sắp tối. Cửa đóng im ỉm. Tôi vào cổng quân trường hỏi sĩ
quan trực. Ông cho biết Long đang còn ở trong văn phòng.
- Cái thằng này, lúc nào cũng gương mẫu. Ngày
mai cưới vợ mà bây giờ còn cặm cụi làm việc. Hèn gì nó cứ lên lon lên chức là
phải. Tôi nghĩ thầm trong bụng.
Đẩy cửa vào văn phòng, thấy nó đang nằm dài trên
bàn, mặt mày thiểu nảo. Tôi có linh tính là ngày mai tôi không có cái vinh dự
được làm phụ rể. Nó không nói năng gì và cũng chẳng đưa tôi về cư xá mà lái xe
chở tôi chạy một vòng xuống quán số 5 dưới bờ biển Nha Trang, uống mấy lon bia
trút mọi điều ẩn ức:
- Đ.m. bà già dịch của con bồ tao
không chịu gả con gái cho tao.
Lâu rồi, tôi mới nghe lại cái giọng chửi thề ngày
xưa của nó. Tôi trố mắt nhìn nó chờ lời giải thích.
- Mày biết không, ông già tao với
mấy bà dì từ Vĩnh Long khăn gói ra đây. Sợ không môn đăng hộ đối, tao phải nhờ
ông đại tá chỉ huy phó dẫn nhà trai đến nói chuyện với ông bà. Ông chồng thì
vui vẻ tay bắt mặt mừng, tao thấy đời cũng còn lên hương. Tới lúc mọi người
đứng vào vị trí “thao diễn nghỉ”, bà vợ mới nghiêm mặt phán cho một câu làm tao
muốn xỉu luôn tại chỗ.
- Câu gì mà ghê gớm như lời chúc
tết của “bác ” trước tết Mậu Thân vậy ? Tôi đùa.
- Bà hỏi ông già tao: Ông
hỏi con trai của ông, là lương tháng của cậu có đủ cho con gái tôi mua xà phòng
giặt quần lót nó hay không mà đòi cưới với hỏi.
Có vài lần đi chơi chung với Long và cô vợ.. hụt
này. Nàng trông cũng dễ thương, gốc Bắc Kỳ 54, nên giọng Hà Thành còn
“ngàn năm văn vật” lắm. Cha mẹ cô là chủ một hảng thầu có máu mặt ở Nha Trang,
nàng thì học xong tú tài thì theo nghiệp mẹ cha, kinh doanh, làm chủ mấy tiệm
may, mấy cái sạp vải trong chợ Đầm, và còn làm thêm cái nghề tay trái là
thầu cung cấp lễ phục cho khóa sinh trường Đồng Đế. Chính cái nghề phụ này mà
cô nàng gặp và mết Long, một trưởng phòng trẻ tuổi cao ráo đẹp trai. Qua mấy
năm tình yêu còn mặn nồng hơn nước biển Nha Trang, nhưng biết bà mẹ chê lính
nghèo, nên nàng không dám mở lời. Cuối cùng thì nàng năn nỉ ông già. Cái đám
hỏi là do chính ông đưa đường chỉ lối. Ông hiền lành tốt bụng, nhưng kẹt là mọi
việc bà vợ đều nắm quyền. Mà đã là vợ nắm quyền thì cái nhà sẽ trở thành vô
phúc. Tôi đã từng nghĩ, miền Nam sụp đổ cũng có sự góp phần không nhỏ của những
bà vợ mấy ông lớn ưa nắm quyền chồng.
Sau đám hỏi bất thành, ông già nó trở về Vĩnh Long,
buồn và tủi thân nên bệnh cả mấy tháng trời. Nó bảo là vẫn nặng tình với cô con
gái, nhưng rất hận bà già Bắc kỳ giết giặc.
Tôi lên mặt dạy “chiến thuật” cho nó :
- Mày là lính văn phòng mà còn bị
chê, cỡ tao là lính tác chiến thì chắc chỉ phải đứng xa ngoài cửa. Tao
như mày thì một là áp dụng chiến thuật “tiền pháo hậu xung”, còn nếu mày thấy
con tim chưa đến nỗi lao đao, thì cứ tìm mục tiêu khác ngon lành hơn mà “đột
kích”. Mày là lính, đừng để mất mặt KBC.
Nó đập vai tôi cười méo mó.
Không biết có phải nhờ nó áp dụng “triệt để” bài
học chiến thuật tôi dạy lần trước, nên vừa “đột kích”được mục tiêu nào mới, mà
chỉ gần ba tháng sau nó lại nhờ một anh bạn phi công Sao Mai L 19 từ Nhatrang
lên bao vùng liên lạc nhắn tôi trên tần số không lục : Ninh Kiều hạ
san gấp ăn đám cưới của Victor Lima ở tango hai lần Delta ( ám danh đàm thoại
có nghĩa là Vĩnh Long ở trường Đồng Đế). Báo hại lần này tôi phải nói dối với
ông Chiến đoàn trưởng một lần nữa, để bỏ rừng theo trực thăng vù về thành phố
biển.
Nó đón tôi ở phi trường. Vừa gặp nó tôi đã “biểu
dương thành tích” :
- Tao phục mày. Tao là dân đánh đấm mà cũng chưa
chiếm được mục tiêu mới trong vòng ba tháng, nhất là sau một lần chiến bại còn
thương tích đầy mình. Mày mà ra cầm quân chắc cũng đã là “đại bàng”của tao từ
lâu rồi.
Nó đấm vào bụng tôi một cái :
- Mục tiêu mục tiết cái con khỉ.
Tao áp dụng chiến thuật “tiền pháo hậu xung” của mày đó.
Tôi tròn mắt :
- Tao còn phục tài mày hơn nữa.
Cái gì mày cũng đáng là “sư phụ “của tao.
Đám cưới vội vã, nhưng cũng linh đình. Có lẽ vì thế
giá của ông bà thầu khoán. Chỉ có điều đại diện bên nhà trai chỉ toàn là lính.
Cha của Long thương thằng con, nhưng còn hận đời đen bạc nên đành “vắng mặt có
lý do”.
Sáu tháng sau tôi về phép ghé thăm. Vợ chồng nó vẫn
ở trong khu cư xá, nhưng được cấp ưu tiên một căn rộng và khang trang hơn.
Trong nhà bày biện sang trọng. Gặp tôi bất ngờ nó mừng ra mặt, vì đúng lúc nó
tổ chức ăn khao lên lon và lên chức, nhưng lần này là chức… Cha, vì
vợ nó vừa sinh đứa con trai đầu lòng. Niềm vui của nó còn lớn hơn khi cha nó
lặn lội từ Vĩnh Long ra thăm để được bồng thằng cháu đích tôn. Nó nâng thằng
con lên khoe với mọi người:
- Như vậy là tao cũng báo hiếu
được cho ông già, vì sau này cũng có người bưng hình cho ổng.
Có người không hiểu hỏi bưng hình làm gì. Nó giải
thích: ” là khi nào ông già tao qui tiên, nó bưng hình ổng đi trước quan tài đó
“. Tôi thúc tay vào hông nó, bảo đừng nói điều gỡ.
Chia tay, tôi nắm chặt tay hai vợ chồng nó :
- Mừng cho ông bà, tài lộc gì có
đủ rồi đó nghe. Trong đám bạn nghèo, mày là thằng số một đó nghe Long.
Hai vợ chồng ôm lấy tôi cười rạng rỡ.
Sau cái ngày ăn mừng “chiến thắng” của nó,
thì trên chiến trường thực sự của tôi lại bắt đầu sôi động. Từ Sông Mao, đơn vị
tôi di chuyển khẩn cấp lên An Khê vào đúng chiều ba mươi tết. Đánh một trận
thần tốc, giải tỏa mấy cái chốt ở đèo An Khê xong là trực chỉ lên phi trường
Pleiku để không vận lên Kontum, giữa “mùa hè đỏ lửa”.
Đầu tháng 3/75,sau khi Ban Mê Thuột thất thủ, tôi
được theo BTL Tiền Phương về Nha Trang trong kế hoạch tái chiếm thành phố đất
đỏ “bụi mù trời” này. Tôi ghé thăm vợ chồng Long một lần vội vã, nhưng chỉ gặp
nó, còn vợ con thì phải “di tản” về ở với ông bà già ở đường Độc Lâp NhaTrang.
Một tuần sau, những người đầu tiên sống sót từ dòng
người di tản theo tỉnh lộ 7B về đến Nha Trang mang không khí hốt hoảng
bao trùm lên thành phố biển. Long liên lạc tôi qua tần số vô tuyến, hẹn
gặp gấp trước cổng Grand Hotel, đang được xử dụng làm BTL tiền phương
QĐII. Trên xe vừa bước xuống, nó bảo tôi đi với nó tới Nam Việt Ngân Hàng
ở góc đường Độc Lập – Nhà Thờ, dẫn theo một tiểu đội lính.
Tôi vừa được Trung Tâm Hành Quân cho hay: một số tù
trong quân lao vừa phá cổng thoát ra ngoài, nên nghĩ ngay đến chuyện có cướp ở
ngân hàng. Tôi bảo nó :
- Lính tráng trong tình trạng ứng
chiến, muốn đi đâu phải xin lệnh. Để tao vào nói với ông Tham Mưu Phó Hành
Quân.
Nó ngăn tôi lại, ghé miệng vào tai tôi nói nhỏ :
- Tao nhờ mày việc riêng. Mày có
lính tráng dễ nói hơn tao. Tao mang cái phù hiệu quân trường, nói không mạnh
lắm. Bao nhiêu tiền vợ chồng tao đều gởi trong ngân hàng. Bây giờ đến rút nó
không cho, bảo phải vào ngân hàng chính trong Sài Gòn. Tay giám đốc chi nhánh
bảo là cả tiền bạc và sổ sách đã gởi đi Sài gòn rồi. Nhưng tao không tin.
Hơn nữa tao là lính tráng, đâu có muốn bỏ đi Sài gòn lúc nào cũng được.
Tôi ngần ngừ, nhưng nghĩ nó là thằng bạn thân, sống
chết có nhau, hơn nữa nó nói có lý: của mình mình lấy, có gì là phi pháp. Tôi
vào nói nhỏ thằng bạn SQ trực trong TTHQ, rồi lái xe chở nó đi, gọi hai chú
lính trinh sát đi theo hộ tống.
Hai thằng nói nhỏ với mấy anh cảnh sát gác cửa xin
vào gặp ông giám đốc. Bắt tay chào hỏi xong tôi “dùng tình cảm xuống nước nhỏ”
:
Nhờ ông giám đốc đặc biệt giúp cho anh bạn thân của
tôi. Chắc ông cũng biết, đây là tiền buôn bán làm ăn của vợ ảnh chứ chẳng phài
thụt két tham nhũng gì đâu. Hơn nữa tụi tôi là lính, phải đi theo đơn vị, đâu
có biết lúc nào mới vào được Sài Gòn mà rút tiền. Tôi biết là khó khăn cho ông,
nhưng mong ông giúp đỡ đám nhà binh tụi tôi trong cái cảnh dầu sôi lửa bỏng
này.
Ông giám đốc nghiêm mặt chau mày suy nghĩ, rồi hạ
giọng.
- Thực là khó cho tôi quá, vì tôi
phải làm theo lệnh của trung ương. Nhưng thôi được, nễ tình mấy anh, tôi phải
lấy quỹ dự trử an toàn ra mà phát cho anh. Nhưng xin các anh đừng nói cho ai
biết nghe.
Chúng tôi nói cám ơn đến mấy tiếng. Và như để đáp
lễ tôi cũng báo cho ông biết ( mà có lẽ người Nha Trang nào cũng biết rồi) là
tình hình nguy hiểm lắm, tù trong quân lao đã thoát được ra ngoài. Ông phải đề
phòng.
Trước đây tôi đã nghe nó khoe mấy lần là con vợ Bắc
kỳ của nó làm ăn rất giỏi, nhưng tôi cũng không ngờ thằng bạn nghèo của
tôi ngày xưa bây giờ lại có nhiều tiền đến như vậy. Tôi không rõ bao
nhiêu, nhưng thấy nó phải dùng đến năm, sáu thùng đạn đại liên để chứa
tiền. Xong còn nhờ đám tụi tôi hộ tống về trường Đồng Đế. Tôi bảo sao không cất
ở nhà ông bà già vợ mà đem vô chỗ lính tráng làm gì. Nó lắc đầu :
- Tao chẳng bao giờ muốn dính
dáng tới cái bà già Bắc kỳ giết giặc đó. Hơn nữa ở cư xá tao còn có lính tráng
canh gác.
Hôm sau, Trung Tâm Hành Quân được báo cáo là địch
quân đã chọc thủng phòng tuyến cuối cùng của Lữ Đoàn Dù ở Khánh Dương. Các
Trung Tâm Huấn Luyện ở Dục Mỹ đã di tản về Cam Ranh. Toà Lãnh Sự Mỹ cũng đã rời
khỏi Nha Trang, và ông Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng Khánh Hòa cũng đã biến
mất từ lúc nào, không có mặt trong buổi họp khẩn cấp sáng nay của Tiểu Khu. Tôi
liên lạc với người bạn thân trong TTHL Hải Quân, được biết chiến
hạm 401 HQ sẽ ủi bãi tối nay để di tản toàn bộ SVSQ /HQ vào Vũng Tàu hoặc
Cát Lở. Anh ta cũng có trách nhiệm phải đi theo. Tôi xin anh can thiệp dành cho
mười chỗ để gởi vợ con tôi và gia đình Long, còn tôi thì đi theo đơn vị vào
Phan Rang. Anh trả lời OK ngay.
Đồng hồ trên tay tôi chỉ 3 giờ 15 phút chiều. Tôi
gọi vô tuyến cho Long, bảo nó cùng vợ con chuẩn bị sẳn sàng tại cư xá. Tôi về
Ninh Hòa đón vợ con vào rồi ghé đón gia đình nó luôn. Chúng tôi hẹn gặp nhau
lúc 6 giờ chiều.
Khi xe vừa xuống đèo Rù Rì, tôi giật mình khi
thấy xe cộ, dân, lính đủ loại nối đuôi hối hả chạy ngược chiều về hướng Cam
Ranh. Chỉ cái xe của tôi là đơn độc hướng về phía Ninh Hoà. Tôi dành tay lái và
bảo anh tài xế ôm súng ngồi bên cạnh. Anh cũng là dân Ninh Hòa nên xin về với
gia đình luôn, không muốn đi theo tôi. Có một chi tiết nhỏ nhưng đã làm tôi cảm
động và không bao giờ quên: Khi tới ngả ba cải lộ tuyến Ninh Hòa, tôi thấy một
chiếc xe đám cưới, mà cô dâu là người láng giềng của bà xã tôi, và chú rể là
một sĩ quan pháo binh trẻ. Đôi tân hôn nhớn nhác hối hả chạy theo dòng xe định
mệnh. Trong những ngày trong tù, đôi khi tôi nghĩ tới cô dâu chú rể giờ thứ 25
này và không biết tình duyên của họ giờ đã ra sao.
Khi chở vợ con trở lại Nha Trang, từ quốc lộ rẽ vào
trường Đồng Đế để đón gia đình Long như lời hẹn, tôi chứng kiến một cảnh
tượng thật thê lương: quân phục, súng ống vất dọc đường, mấy ngôi nhà đang
cháy, có vài ba xác chết. Khó khăn lắm tôi mới lái xe tới được khu cư xá của
Long. Nhà mở toang cửa, trong nhà vật dụng ngổn ngang, không một bóng người.
Tôi gọi Long trên máy vô tuyến, nhưng không nghe lên tiếng. Tôi lo lắng cho nó
khi nghĩ tới số tiền lớn của nó mang về từ Ngân Hàng.
Vào Sài Gòn, sau khi sắp xếp nơi ăn chốn ở cho vợ
con xong, tôi ra Vũng Tàu trình diện lại đơn vị cũ. Tôi tìm Long khắp nơi,
nhưng không ai biết.
Rồi cái biến cố đau thương cũng đến hồi kết cuộc:
miền Nam thất thủ. Ngày 28 tháng 4, cả gia đình tôi có mặt tại bến Bạch Đằng
với mấy thằng bạn Hải Quân. Nhưng cuối cùng, tôi không bước xuống tàu mà quyết
định ở lại. Tôi không đành lòng bỏ quê hương, và nhất là cha tôi, đang còn kẹt
lại một mình ở quê nhà. Hơn nữa dù sao đất nước cũng sẽ thống nhất hòa bình.
Rồi Nam Bắc một nhà sẽ cùng nhau xây dựng lại quê hương. Và cái suy nghĩ ngây
thơ đó của tôi đã được “người anh em một nhà” đãi ngộ bằng tám năm đọa đày
trong các trại tù “cải tạo” tận vùng Việt bắc. Vợ con ở nhà thì nheo nhóc,
không được phép làm một thứ công dân, dù chỉ là hạng bét.
Ra tù, không còn đất sống, tôi phải liều thân dẫn
vợ con vượt biển ra đi. Sau sáu năm định cư ở Na Uy, cuộc sống gia đình tạm ổn
định. Hai cô con gái may mắn được một trường đại học bên Mỹ nhận, vợ
chồng tôi đưa hai cháu sang Cali tìm nơi ăn chốn ở, nhân tiện thăm đám bạn bè
cùng đơn vị ngày xưa. Gặp thằng bạn này thì nghe thêm tin tức của vài thằng bạn
khác, đứa còn đứa mất, mỗi thằng một cảnh long đong, và bất ngờ tôi biết được
tin Long. Một thằng bạn cùng đơn vị, khi mới chân ươt chân ráo từ trại tị
nạn Bidong sang Mỹ, được ông chủ gốc nhà binh ưu ái nhận vào làm trong một siêu
thị trên Michigan. Người chủ ấy chính là Long. Thằng bạn cho biết Long sang đây
từ năm 75, và có tài kinh doanh nên bây giờ đã là triệu phú. Anh ta rất tốt với
đám nhà binh lưu lạc sang đây. Biết ai là lính ngày xưa, Long cũng đến thăm,
giúp đỡ tận tình, nếu chưa có việc làm, anh sắp xếp vào làm tại các siêu thị,
nhà hàng của anh, đảm trách những công việc nhẹ nhàng, lương bỗng cũng khá. Anh
bạn lục lọi trong cuốn sổ tay tìm đuợc số phôn gọi lên tìm, nhưng siêu thị đã
bán cho chủ mới. Lần mò đến ba hôm sau, chúng tôi gọi được Long. Vợ chồng nó
làm chủ đến mấy cái siêu thị, cây xăng ở tiểu bang Washington và một
xưởng gỗ ở vùng Portland, tiểu bang Oregon. Nó đúng là thằng bạn chí tình. Giàu
nhưng không đổi bạn. Nhận ra giọng nói của tôi trong điện thoại, nó hét lên
mừng rỡ :
- Bây giờ mày đang ở đâu ? Mày đi
một mình hay có vợ con không ? Nghe tin mày vượt biên, tao tìm mày khắp nước Mỹ
mà không ra.
- Tao đang ở nhà người quen ở
Sacramento với bà xã và hai đứa con gái. Tao ở bên Âu châu qua, chứ có ở
Mỹ đâu mà mày tìm. Tôi trả lời
- Tao “búc” vé máy bay ngay bây
giờ, tụi mày lên tao ngay chiều nay nghe.
- Không được, chiều nay tao
đã có hẹn ở San Jose, hơn nữa đâu có biết là gặp mày, nên tao đã mua vé đi một
vòng qua nhiều tiểu bang lắm. Chiều mai tụi tao bay lên Houston rồi sang
Florida, North Carolina và một vài nơi nữa, làm sao gặp mày bây giờ.
Nó bảo tôi cho số phôn và nó sẽ gọi lại sau năm
phút. Nó hẹn gặp tôi tại phi trường San Jose. Nó bảo vợ chồng nó có nhà nghỉ
mát ở gần đó, rồi dặn tôi cứ ở nhà người quen đợi, nó sẽ thuê xe đến đón. Vợ
chồng nó sẽ đến San Jose bằng chuyến bay 5 giờ chiều nay.
Tôi đón nó ở phòng đợi phi trường cùng với vợ chồng
thằng bạn khác ở San Jose mà tôi đã hẹn. Long nhận ra tôi trước, còn nó thì
khác xưa nhiều lắm, mập ra nhiều và trông bệ vệ như một chính khách hơn là một
thương gia. Nó ôm chặt lấy tôi quay mấy vòng.
Sau khi ăn tối xong nó đưa bọn tôi về nhà nghỉ mát
của nó. Ngôi nhà nằm trên một ngọn đồi nhìn xuống cây cầu nổi tiếng Golden Gate
ở San Francisco. Ngôi nhà nhỏ, nhưng khá xinh và được trang bị toàn là những
thứ sang trọng, có đứa cháu và hai người Mễ trông coi.
Hôm ấy, chúng tôi thức suốt đêm, nhắc nhở bao nhiêu
kỷ niệm vui buồn, điểm danh lại đám bạn bè, tính xem đứa mất đứa còn, đang trôi
dạt nơi đâu. Hai đứa sụt sùi, Tôi kể cho nó nghe hơn tám năm tù đày khốn khổ,
vợ con nheo nhóc, và nhớ lại trước ngày mất Nha Trang, như lời hẹn, khó khăn và
nguy hiểm lắm tôi mới đến được cư xá của trường Đồng Đế, nhưng không tìm thấy
vơ chồng nó.
Nó rơm rớm nước mắt :
- Tao thường nhắc với vợ con tao
về mày, bảo tất cả phải nhớ ơn mày. Vì nhờ mày tao mới rút được tiền ở ngân
hàng Nam Việt hồi ấy. Và chính nhờ số tiền đó, khi đưa cả gia đình tao và gia
đình bà xã tao đến Cam Ranh, xe cộ chật cứng, cả đêm không nhúc nhích được, tao
trả giá cao mới mua được một chiếc tàu máy rồi cả nhà chạy ra đệ thất hạm đội.
Nếu không có tiền, chẳng hiểu bây giờ tụi tao ra sao nữa.
Nghe nó nhắc gia đình vợ, tôi hỏi bố mẹ vợ nó bây
giờ ở đâu và sức khỏe ra sao. Nó bảo ông cụ thì mất hơn năm năm rồi, bà già
“bắc kỳ giết giặc” thì vẫn còn sống và ở San Jose cũng gần đây thôi. Có
lẽ nó vừa nhớ tới cái chuyện ngày xưa nên câu chuyện trở nên sôi nổi :
- Lúc chạy bà cũng gần trắng tay.
Của chìm của nổi bỏ lại hết. Tao hận cái nghèo, hận chuyện ngày xưa, nên qua
đây tao đi làm đầu tắt mặt tối, kiếm một số vốn rồi ra kinh doanh. Tao nghĩ ở
cái xứ này chỉ có làm business thì mới sớm đổi đời. Không ngờ tao có lộc trời,
chỉ mấy năm sau tao có mấy cái nhà hàng, và một siêu thị. Tao mua cho ông bà
cái nhà cả triệu đô, nuôi đám con của bã, em của bà xã tao, thằng nào cũng xong
đại học, hai thằng ra bác sĩ, còn con út học luật. Tao làm cho bà
ấy thấy tiền bạc có nghĩa gì đâu, mà ngày xưa bà khinh rẽ gia đình tao, làm cho
ba tao buồn mà phát bệnh luôn. Cả đời này tao cũng còn hận bà. Lo đầy đủ cho
gia đình bà xong, vợ chồng tao “move” lên Texas, rồi Washington DC, Michigan,
Oregon và cuối cùng thì tới đóng đô ở Washington State. Từ đó tao không muốn
gặp bà ấy nữa, vì mỗi lần gặp bà tao lại nghĩ đến nỗi hận của Ba tao. Chỉ có vợ
tao lâu lâu về thăm bà mà thôi.
Còn mấy đứa con của mầy ra sao, không nghe
mầy nhắc tụi nó.
- Lúc tụi tao ra đi, chỉ có thằng
Đăng sáu tuổi và con Tâm mới lên bốn. Sang đây đổi tên thành Danny và
Tammy, Qua Mỹ, tuị tao chỉ có thêm thằng Kevin. Thằng Danny thì tốt nghiệp luật
ở Yale, đang làm cố vấn pháp luật cho hãng Boeing, con Tâm thì ra trường
Stanford ngay San Franciso này. Bây giờ làm SFO cho Bank of America.
Mắt tôi sáng lên, mừng cho sự thành công của vợ
chồng nó :
- Tao phục mày. Con cái mày giỏi
quá. Tụi mày vừa được vinh dự lại vừa tha hồ hưởng phước.
Nó trợn mắt :
- Dự với phước cái con khỉ. Tụi
nó lấy vợ Mỹ, chồng Mỹ hết. Bây giờ tụi nó thành Mỹ hết rồi, mà lại là thứ Mỹ
thượng lưu trí thức. Vợ chồng tao cũng có chút hãnh diện, và các cháu
cũng rất lễ phép và biết nghe lời, nhưng vợ chồng tao cũng buồn khi nghĩ là
càng lúc tụi nó càng xa cái nguồn cội của mình.
Tôi đùa để an ủi nó :
- Que sera sera ! mày cứ
khéo lo. Ở ngoài này đa số là vậy. Rồi đến khi lá rụng cũng sẽ về cội
thôi.
Nó thở dài :
- Có còn cội đâu mà về. Chính tao
cũng không còn có cội, chứ nói chi tới con cháu. Cội của tao là ở cái xứ nghèo
Chợ Lách, Vĩnh Long bên Việt Nam kìa. Tao cũng đã tính mai mốt về già, vợ chồng
tao mang tiền về Việt nam sống. Nhưng khốn nỗi chẳng còn chỗ để mà về
nữa. Bà già tao, như mày biết, qua đời hồi tao còn trung học. Ông già tao thì
mất từ năm 78. Ở cái làng nghèo mà có một thằng làm đến quan tư như tao là được
xếp loại ác ôn ghê lắm. Tao đi rồi, ở nhà ông già tao lãnh nợ cho tao. Bị bắt
lên bắt xuống, hành hạ đủ kiểu, nên phải chết sớm. Tao còn thằng em trai, lúc
nó theo ông già tao vào thăm tao trong Thủ Đức chắc mày còn nhớ. Hồi xưa nó
chịu khó học hành, hiền lành hiếu để lắm. Tao có mỗi nó là em, nên thương nó
hết mình, tiền bạc tao gởi về như nước. Không ngờ có nhiều tiền nó trở chứng,
bỏ vợ bỏ con xuống Sài gòn rượu chè bài bạc, sống hết với con này tới con khác.
Cuối cùng thì nó hút xì ke. Vợ nó bán cả nhà từ đường, thu tóm tiền bạc dẫn đứa
con trai đi biệt tích. Tao chưa về Việt nam, nhưng ở đây có nhiều người đã về
thăm, họ bảo là dường như bây giờ cái xã hội ” kinh tế thị trường” ở bên nhà đã
làm cho con người ta đổi thay nhiều lắm. Đồng tiền nó đã xói mòn tất cả mọi thứ
đạo đức ở quê nhà. Cái xứ Chợ Lách khỉ ho cò gáy của tao bây giờ cũng đầy dẫy
quán bia ôm. Cha mẹ còn đem con gái bán cho đám Đài Loan, hay mấy mụ tú bà. Bọn
cán bộ thì đua nhau tham nhũng, sống phè phở trên đầu trên cổ dân đen. Có thằng
tiền bạc thừa mứa không biết làm gì, mang đi mua tiết trinh cả những đứa con
nít. Khốn nạn thật. Chính quyền trong nước cứ bảo những người ở ngoài này là
“khúc ruột ngàn dặm”, là ” một bộ phận không thể tách rời” nhưng trong lòng thì
vẫn còn mang nặng ghen tị thù hằn. Mày có đọc luật nhà đất mơí nhất của chính
quyền Cộng sản rồi chứ. “Người Việt ở nước ngoài không được hưởng quyền thừa kế
bất động sản, mà chỉ được hưởng “giá trị” trên phần thừa kế đó mà thôi”. Tao
rất sợ cái loại chữ nghĩa này. Người chết nằm trong nghĩa trang Biên Hòa còn bị
đập bia, phá mộ, san bằng, huống hồ những thằng còn sống như tao
với mày. Chỉ có những thằng khùng mới tin được.
Ngưng vài phút, nốc cạn cốc Hennesy, nó ngẩng
đầu lên nhìn tôi :
- Mày thấy không. Ngày xưa nghèo
thì bị người ta khinh rẻ. Bây giờ giàu có, tiền bạc không biết để làm gì. Cuộc
đời này khốn nạn thật. Sắc sắc không không ! Có lẽ tụi tao sẽ đi tu.
Tôi ôm chặt vai nó :
- Thì mày còn bạn bè, mày còn tụi
tao đây. Có khi bạn già sống với nhau lại hay, vì mình dễ cảm thông, dễ chia sẻ
mọi nỗi niềm
Không ngờ lời nói chỉ cốt an ủi của tôi đã làm cho
đôi mắt nó sáng lên :
- Hay là mày cho hai đứa con mày
ở lại đây với vợ chồng tao. Tụi tao hứa là sẽ coi nó như con tao. Mấy
cháu còn nói tiếng Việt giỏi quá, mà cũng lễ phép dễ thương. Nói chuyện
với tụi nó tao thấy sao mà gần gũi quá, nhất là bà xã tao cứ ôm tụi nó mà
nói đủ thứ chuyện dưới đất trên trời. Tao sẽ lo cho tụi nó vô trường Stanford
hay ít nhất là Birkely, chứ học mấy cái trường State đó làm gì. Còn vợ chồng
mày cứ sang đây, tao nhường lại cây xăng, hay một cái nhà hàng. Mọi thứ
đều free. Khi nào tụi mày giàu rồi thì từ từ trả vốn cho tao cũng được. Để tụi
mày còn sớm được cấp thẻ xanh nữa.
Tôi cảm động vỗ vai nó,
- Cám ơn mày. Mày là thằng bạn
lính chí tình. Nhưng các con tao sang đây đã lớn, bên Việt nam thì cũng chẳng
được nhà nước bọn Cộng sản cho phép học hành gì. Tụi nó học không giỏi lắm, vào
được State là tao mừng rồi. Tao chỉ mong ra trường tụi nó kiếm việc gì đó làm,
đủ để tự lo cho mình. Còn tụi tao có biết buôn bán kinh doanh gì đâu. Tao
ở lại sau tháng 4/75 nên thấy mọi thứ sao mà phù du quá. Nhiều kẻ vong ơn, phản
trắc quá. Con người đối xử với nhau sao mà ác độc quá. May mà đám nhà binh tụi
mình còn giữ được cái tình. Cái này quý lắm, nên tụi mình cố mà giữ lấy, dừng
để giàu nghèo nó làm mai một. Thôi, để tụi tao về Na Uy làm tà tà cũng đủ sống.
Hơn nữa tao cũng thích ở cái xứ Bắc Âu hiền hòa yên tĩnh, hợp với những thằng
chậm chạp như tao. Và tao cũng còn tịnh dưỡng để chữa những vết thương khó mà
lành được trong lòng tao nữa.
Sáng hôm sau, khi mặt trời lên cao trên đỉnh đồi,
hai thằng mới chui vào phòng ngủ. Trước khi chợp mắt, hồi tưởng lại ngày xưa,
tôi thấy lòng lâng lâng tiếc nuối. Dù sống trong nghèo khó, hiểm nguy, nhưng
lòng lúc nào cũng vui, cũng thấy yêu đời. Hình như lúc ấy cả đất trời và ai nấy
cũng dễ thương, ở đâu con người cũng nặng tình nặng nghĩa với nhau. Còn bây giờ
quê hương tôi chỉ còn là một “dòng sông tật nguyền” hay ” cánh đồng bất tận ”
như hai nhà văn nào đó trong nước đã viết về quê hương nguồn cội của mình .
Cali, ngày thanks giving
Phạm Tín An Ninh