Theo Sigmund
Freud, cha đẻ của môn phân tâm học, quên là một việc làm cần thiết. Không quên,
cứ nhớ đủ thứ thì sẽ đến một lúc, trí nhớ đầy kín, không còn nhồi nhét thêm
được nữa, những chuyện cần được giữ lại cứ bỏ chúng ta mà ra đi thì cũng rất
khốn khổ. Nhưng có những chuyện cần phải quên đi trong khi có những chuyện cần
phải nhớ. Do đó, chuyện nhớ hay quên cũng cần phải chọn lựa. Trí nhớ, do đó, có
khả năng lọc lựa, chuyện cần thì giữ lại, chuyện không cần nhớ thì quên đi.
Selective memory là những hồi ức có tuyển chọn. Chuyện này rất cần thiết, Trí
nhớ chọn ra những gì đáng nhớ thì giữ lại, những gì không đáng và không cần giữ
lại thì gửi gió cho mây ngàn bay. Chứ cứ ôm hết để nhớ hoài thì mệt quá.
Gần đây, cái
tính hay quên có vẻ càng ngày càng thấy ở khá nhiều người Việt. Thay vì quên có
thể giúp cho người ta đổ bớt những rác rến cho những bộ nhớ của những cuộn não
như Freud nói, thì có những trường hợp quên cũng gây vất vả không ít cho những
người mắc chứng hay quên.
Có những
chuyện quên gây rắc rối cho người hay quên như vụ mới đây, một phi công lái máy
bay chở khách của hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) vào một cửa tiệm có
thể là một department store ở Nhật và mua một số hàng hóa rồi quýnh quáng làm
sao bỗng bệnh quên vùng lên và chàng quên trả tiền cho những món chàng mua.
Chàng cứ tự nhiên như người Hà Nội đi thẳng ra cửa. An ninh của tiệm chạy theo
túm lấy công dân Việt Nam đãng trí quên trả tiền này thì chàng khai là đang bận
suy nghĩ về bác Hồ kính mến nên không nhớ trả tiền khi ra về cho mấy món chàng
bỏ quên trong các túi áo và túi quần. Thế là chàng bị giữ lại, không cho ra phi
trường lái máy bay về Việt Nam nữa. Vụ này xẩy ra hôm 8 tháng 10 năm 2015.
Không biết chuyện này được giải quyết xong chưa mặc dù có sự can thiệp của sứ
quán.
Như vậy là
người Nhật hay làm khó những người đãng trí. Người Nhật không hay quên như
người phi công nọ. Người Nhật có vẻ ghen ghét những người có tính hay quên.
Thấy những người hay quên, đầu óc thư thái vì quên đi được nhiều chuyện thì đâm
ra ghen ghét rồi… phạt người ta.
Chuyện người
phi công hay quên nọ là chuyện rất thường và càng ngày những vụ quên này càng
xẩy ra nhiều hơn. Theo cảnh sát Nhật, con số người Việt mua hàng quên trả tiền
tại các cửa hàng, siêu thị chiếm hơn 40% những vụ quên trả tiển của những người
nước ngoài. Nhiều nơi phải trưng bảng cảnh cáo viết bằng tiếng Việt để cảnh cáo
nhưữg vụ mua hang mà quên trả tiền của người Việt mà người Nhật gọi là ăn cắp.
Một đằng gọi
là quên trả tiền, là nóng tính cầm nhầm, là nhấc tiệm (chắc dịch từ chữ
shoplifting), là vồ, là thuổng, là xoáy, là bàn tay nhám, là … trong khi phía
Nhật thì gọi đó là ăn cắp và phạt đến nơi đến chốn.
Nhưng chẳng
phải chỉ có Nhật mới ngôn ngữ bất đồng (?) như thế mà ở cả các nước như Thái,
Hàn quốc, Đài Loan … cũng gọi những vụ quên trả tiền đó là ăn cắp rồi bắt giữ
và phạt nhiều người Việt chỉ vì họ vừa đi mua sắm vừa mải suy nghĩ làm sao phục
vụ đảng đắc lực hơn, kính yêu bác Hồ nhiều hơn… nên quên cha nó việc trả tiền
rồi bị người ta làm khó.
Chứ mấy cái
vụ quên trả tiền như vậy có đáng gì. Kìa như cô Vũ Kiều Trinh một khuôn mặt rất
nổi tiếng của truyền hình trong nước đã quên trả tiền khi đi mua sắm ở Thụy
Điển và Anh lại còn được sứ quán can thiệp nói là cô bị bệnh tâm thần, về nước,
vì gốc lớn, vẫn lên đài truyên hình nói chuyện văn hóa dân tộc cho đài VTV. Hay
là một cặp quên trả tiền mấy căp kính đắt tiền ở Thụy Sĩ rồi cũng có sao đâu.
Ngoài ra còn nhiều tiếp viên hàng không cũng hay mua sắm rồi quên trả tiên ở
Nhật đó thôi.
Vì đã xẩy ra
quá nhiều vụ mua hàng quên trả tiền nên các sứ quán của nước ta phải yêu cầu
cảnh sát ở các nước từng xẩy ra nhiều vụ người Việt đi mua sắm rồi quên trả
tiền viết lại những tấm bảng cảnh cáo bằng những câu khác hơn là những cảnh cáo
không nên ăn cắp để thành những lời cảnh cáo nên nhớ trả tiền, hay đừng quên
trả tiền.
Hai chữ “ăn
cắp” thì nặng quá. Ăn cắp thì chỉ có những thằng to đẩu ở Hà Nội chứ quên trả
tiền khi đi mua sắm ở siêu thị thì có gì đâu mà làm lớn chuyện như vậy. Cứ bắt
giữ, phạt thật nặng rồi đuổi về nước là đủ rồi.
Bùi Bảo Trúc