14 November 2015

BƯỚC CHÂN NON - Điệp Mỹ Linh

Sau cơn say ngầy ngật vì điếu thuốc hút chung, Trọng khệnh khạng đi vào nhà tắm. Trọng mở vòi nước lạnh và vòi nước ấm, đưa tay thử độ ấm của nước; xong, Trong ngồi thừ người trên bờ bồn tắm, hai tay bóp bóp hai bên thái dương. Trong tiếng nước chảy rào rào, Trọng nghe tiếng cằn nhằn của đám bạn và tiếng chửi thề của Chất:
– Đ.m. giờ này mà đứa nào mở nước làm gì thế?
Tiếng đứa nào nói gì Trọng nghe không rõ, rồi Chất xồng xộc mở cửa nhà tắm:

– Hey, Trọng! Khùng vừa thôi nha, mày! Không ngủ được thì để tụi tao ngủ chứ.

Trọng nhìn Chất rồi nhìn vòi nước đang tỏa hơi, không trả lời. Ít đứa nào dám chọc Chất giận, vì Chất thuộc loại người có máu lạnh. Chất là một tên du đãng rất “chì”, được đàn em và nhiều băng khác nễ sợ. Thấy Trọng im lặng, Chất nạt:

– Mày nghe tao không mà ngồi ỳ ra đó, thằng… “ông nội”!
Trọng vò chòm tóc bớm xờm:
– Tao nhớ nhà, buồn quá, ngủ không được, muốn tắm cho dễ dỗ giấc ngủ.
– Mấy hôm nay tao thấy mày “cà chớn” lắm rồi đó. Đ.m. hở cái là than nhớ nhà. Tụi mày có nhà để nhớ; còn tao lấy gì để nhớ? Rồi tao cũng sống được, sống ngon lành nữa, mày thấy không?
Không muốn Chất giận, Trọng nói trớ đi:
– Tao nhức đầu, muốn ngâm mình trong nước ấm một tý cho khỏe, có gì đâu mà mày chửi tao!
Chất bước tới, tắt vòi nước:
– Đ.m. bao nhiêu đó đủ cho mày ngâm mình rồi đó; để tụi tao ngủ, sáng còn “đi làm ăn” nữa chứ.
Sau khi Chất bước ra, Trọng bước tới trước gương, cởi bỏ bộ baggy rộng thùng thình. Nhìn vào gương, Trọng tự hài lòng với chính mình: 18 tuổi, cao 5’11, nặng 154 cân Anh. Đó là thân hình lý tưởng cho một thanh niên Á Đông; và đó cũng là nhân dáng của Ba mấy mươi năm về trước. Bây giờ Ba không còn tráng kiện như xưa, chỉ vì ngày đêm Ba lo trông coi tiệm tạp hóa để anh em Trọng có áo quần tươm tất đến trường. Trọng đứng thẳng người, ưởn ngực, thóp bụng, hai tay để thẳng, chỉ hơi “gồng” các bắp thịt lên một tý. Trọng bắt chước thế đứng nghiêm mà ngày trước Ba thường làm sau mỗi lần Ba mặc quân phục. Trong thế đứng nghiêm bắt chước Ba, Trọng thoáng giật mình, vì chỉ thiếu bộ đồ bay màu cà-rốt và chiếc khăn quàng thì Trọng là hình ảnh của Ba ngày trước – trừ mái tóc!
Trọng bước vào bồn tắm. Nước nóng từ chân dâng lên cảm giác dễ chịu. Trọng trầm người xuống nước, tựa đầu lên thành bồn tắm, mắt lim dim. Nỗi nhớ nhà lại trở về đầy ắp trong hồn Trọng. Lần nào cũng vậy, sau mỗi cơn say – dù say thuốc hay say rượu – Trọng đều buồn và muốn trở về nhà. Nhưng, sau mỗi chuyến “làm ăn”, Chất thu giữ tất cả tiền của, chỉ chia cho đàn em tí đỉnh đủ tiêu vặt. Không đứa nào trong “băng” dám phản đối hoặc tách rời; vì Chất luôn luôn thẳng tay trừng trị và Chất còn đe dọa sẽ hãm hại người thân trong gia đình của đứa phản bội. Trọng thở dài, biết mình nông nổi chứ không phải lỗi tại ai cả.
Sự nộng nổi của Trọng bắt nguồn từ khi Ba Mẹ để dành được tý tiền, vay thêm nơi ngân hàng rồi mua một tiệm tạp hóa. “Ca” đêm từ 12 giờ khuya đến sáng và những chuyện nặng nhọc, Ba làm hết; Mẹ làm buổi sáng cho đến tối. Sau khi làm home work xong, Trọng đến làm thế Mẹ để Mẹ về nấu cơm cho các em ăn và cũng để hôm sau Ba Mẹ đem theo ăn.
Trong thời gian làm thế Mẹ, thấy tiền nhiều quá, thỉnh thoảng Trọng lấy vài mươi đô-la để “bao” con nhỏ Monica học cùng lớp ăn vặt; vì Monica tỏ ra thích Trọng. Từ từ, thấy sự ăn cắp của mình dễ dàng quá, không bị ai phát hiện, Trọng lấy những số tiền lớn để cuối tuần theo mấy thằng bạn đến mấy tiệm cà-phê Việt Nam.
Tại mấy tiệm cà-phê Việt Nam, Trọng thấy mấy con nhỏ hầu bàn dễ thương, nói năng ngọt ngào, cử chỉ âu yếm, biết chìu chuộng. Làm quen với mấy con nhỏ này một thời gian ngắn, Trọng được mấy con nhỏ này đưa vào phía sau tiệm cà-phê để đánh bài. Mấy sòng bài này được gầy dựng từ bao lâu Trọng không biết; cũng như Trọng chưa hề biết đánh bài “kiểu Việt Nam”. Mấy con nhỏ này “tử tế hết sức”, dạy cho Trọng cách chơi bài. Trong khi tập cho Trọng đánh bài, mấy con nhỏ này cứ than nhà tụi nó nghèo lắm, không có tiền ăn học và cũng không đủ tiền mua áo quần cho nên mấy con nhỏ này chỉ mặc “đồ đeo dú” và xì líp thôi! Thời gian đầu Trọng tin tụi nói nói thật cho nên khi nào “ăn”, Trọng cho tụi nó nhiều tiền; khi thua, Trọng ăn cắp nhiều tiền hơn mỗi khi làm thế cho Mẹ.
Sau vài lần nghi ngờ, Ba Mẹ thuê công ty kiểm hàng để mỗi tháng họ kiểm hàng trong tiệm. Thế là sự ăn cắp của Trọng bị đổ bể! Ba chỉ im lặng, không cho Trọng đến tiệm nữa. Mẹ khóc hết nước mắt. Bé Ly – em kế của Trọng – chỉ nhìn Trọng với ánh mắt trách cứ và khuôn mặt rất buồn! Sự im lặng nặng nề, mang vẻ ghẻ lạnh của gia đình là một hình phạt Trọng không thể chịu được!
Trọng tâm sự với một trong mấy đứa “con gái nhà nghèo, chỉ mặc đồ đeo dú và xì líp” – người đã “phá trinh” của Trọng. Nhỏ này giới thiệu Trọng với Chất, một “tay” anh chị chuyên “bảo vệ an ninh” cho mấy tiệm cà-phê Việt Nam trá hình tại một tiểu bang khác.
Thời gian đầu Trọng rất vui vì được “tự do” chứ không bị gò bó như lúc sống với gia đình. Khi nhận thức được cuộc sống bấp bênh hiện tại, lúc nào cũng phải trực diện với những chuyến “ăn hàng” đầy hiểm nguy và một tên “đầu sỏ” rất hung dữ, Trọng chỉ muốn quay về gia đình. Nhưng Trọng không đủ tiền và cũng sợ Chất trả thù gia đình. Hồi đầu hôm, sau khi cả bọn về đến chỗ trọ, Trọng nhớ gia đình quá, chờ lúc Chất đi tắm và đúng thời điểm Mẹ ra tiệm đổi “ca” cho Ba, Trọng lén ra điện thoại công cộng chỗ tiệm tạp hóa gọi về nhà, gặp bé Ly còn thức. Nghe tiếng Trọng, bé Ly vui mừng:
– Anh Trọng! Em nhớ anh quá hà, sao anh không về? Ba Mẹ buồn lắm đó.
– Ba Mẹ mắng chửi anh nhiều không, Ly?
– Hỏng có, bữa giờ Ba Mẹ giận nhau.
– Sao vậy, Ly?
– Mẹ nhớ anh Mẹ khóc. Ba bảo: “Đừng lo! Con mình có hiếu lắm. Nó sẽ về. Đừng lo!” Mẹ bảo: “Cái gì ông cũng bảo đừng lo. Ông có xẻ thịt đẻ nó ra đâu mà ông lo. Tôi mang nặng, đẻ đau, bồng ẵm nó từ ngày nó bằng cổ tay; bây giờ nó dại dột nghe lời bạn đi bụi đời mà ông cũng biểu tôi đừng lo!” Ba nạt Mẹ: “Tại sao bà biết tôi không lo? Sao bà biết tôi không đau? Nhìn cặp mắt quầng thâm của tôi bà cũng không biết rằng sau khi bà đến làm thế tôi, về nhà tôi vẫn không ngủ được! Tôi đã khóc thầm và cầu nguyện cho con tôi trở về, bà biết không?”
Nghe đến đó Trọng cảm thấy như có vật gì chận ngang cổ, khó thở quá! Không đủ can đảm nghe tiếp, Trọng dụi mắt, cắt lời bé Ly:
– Bye, Ly! Hôm khác anh gọi.
Giọng bé Ly như muốn khóc:
– Anh đang ở đâu, anh Trọng? Ba Mẹ dăn tụi em, nếu anh gọi về thì hỏi anh số điện thoại và địa chỉ để Ba Mẹ đến đón anh về.
– Không được! Bye Ly!
Sau khi nói chuyện với bé Ly, Trọng mua một thùng bia, mang về; trước là để Chất khỏi nghi, sau là để Trọng say cho quên buồn! Không ngờ, khi về tới chỗ trọ, thấy Chất và đàn em đang chia nhau điếu thuốc, Trọng cũng hút luôn và cả nhóm đều say!
Trong cơn say ngầy ngật, trong sự thanh vắng của đêm trường và trong sự lắng đọng của một tâm hồn thơ dại, những kỷ niệm rời rạc với gia đình cứ lần lược hiện về. Kỷ niệm rõ nét nhất trong lòng Trọng lúc này là hình ảnh Ba trong bộ đồ bay. Sau những phi vụ biệt phái, trở về nhà, nếu thấy Trọng đang chơi trò dích hình, Ba cũng nằm dài trên nền gạch hoa, chơi dích hình với Trọng. Cuối tuần Ba thường đưa gia đình đi ăn tại nhà hàng Bồng Lai, trên đường Lê Lợi và Ba yêu cầu ca sĩ hát tình khúc Nha Trang hoặc Nhớ Nha Trang; vì Ba gặp Mẹ tại Nha Trang, khi Ba thụ huấn tại Trung Tâm Huấn Luyện Không Quân Nha Trang. Trong khi ca sĩ đứng trên bục gỗ, hát, Mẹ cũng “ngân nga” nho nhỏ: “…Từ ngày biệt ly Nha Trang, mỗi lần trông nắng vàng tới, xót xa hồn tôi nhờ ai ghé thăm miền ước mơ…” (1) Những lúc đó ánh mắt của Mẹ trông buồn buồn. Ba nhìn Mẹ với ánh nhìn dạt dào thương yêu.
Trước khi đi đâu với Ba, Mẹ thường cho Trọng mặc bộ đồ bay – do cô thợ may lấy kiểu từ bộ đồ bay của Ba – và cho Trọng mang đôi dày cao cổ. Trọng nhớ dường như Ba và Trọng có chụp chung một tấm hình tại Thảo Cầm viên. Trong ảnh hai Bố con mặc hai bộ đồ bay cùng màu. Ba âu yếm gọi Trọng là “phi công tý hon của Ba”. Nhớ đến đây Trọng tự hỏi: Tấm ảnh ấy đâu rồi nhỉ? Chỉ một thoáng sau, Trọng bàng hoàng nhớ lại một đêm nào xa lắm, Mẹ đem tất cả quân phục và hình ảnh của Ba đốt hết! Huy chương của Ba cũng bị Mẹ chôn dưới gốc cây chùm ruột sau nhà. Mẹ đã cẩn thận đến như vậy mà tụi “quàng khăn đỏ” và “cách mạng 30” cũng chỉ điểm cho Việt Cộng đến bắt Ba đi tù!
Thời gian Ba ở tù, Việt Cộng tịch thu nhà, đuổi Mẹ và anh em Trọng đi kinh tế mới. Tại kinh tế mới cơ cực quá, Mẹ dẫn anh em Trọng trốn về sống nhờ phía sau nhà của người bà con. Trọng và mấy đứa em lớn phải đi lượm lon. Mẹ nấu gánh đậu hủ, đi bán rong. Vậy mà Mẹ cũng để dành được tiền, khi Ba mãn tù, về nhà, cả gia đình vượt biên…
Dòng ý tưởng không mạch lạc của Trọng vừa đến đây bị cắt ngang, vì giọng nhừa nhựa vang lên:
– Hey! Ngủ trong đó sao, mày? Đi ra, tao cần dùng nhà cầu.
***
Chất giao cho Trọng phần vụ lái xe, chờ, trong khi cả nhóm “thi hành công tác”. Trước khi cả bọn kéo nhau đi, Chất căn dặn Trọng là phải quan sát thật kỹ, bất cứ điều gì khả nghi thì nhấn còi xe hai lần liên tiếp để ra hiệu. Trọng khẩn khoản:
– Cho tao gọi về nhà một lần thôi, Chất.
– Thằng này khó trị quá chứ! Mày muốn “ông bà bô” của mày nhờ sở điện thoại truy ra rồi đến đây bắt cả lũ hả? Tao nói không là không!
Mấy đứa kia thấy gương mặt nhà lành của Trọng buồn quá, vội can thiệp:
– Kệ, cho nó gọi một lần thôi, đại ca.
Chất nhìn Trọng:
– Just one. Ok?
Trọng xuống bếp, nhấc điện thoại, quay số. Chuông reng, reng hoài, không ai trả lời. Trọng đánh bạo gọi số ở tiệm. Chuông reng, reng hoài, vẫn không ai bắt điện thoại. Từ bao năm qua có bao giờ Ba Mẹ đóng cửa tiệm, dù chỉ một ngày Tết Nguyên Đán. Mới nói chuyện với bé Ly khuya hôm qua, nếu gia đình đi vacation tại sao bé Ly không cho Trọng biết? Hay là, sau khi bé Ly cho Ba Mẹ biết Trọng đã điện thoại về, Ba Mẹ nhờ hãng điện thoại truy ra vùng này rồi Ba Mẹ trên đường đi tìm Trọng? Ý nghĩ này đem niềm hy vọng đến cho Trọng. Trọng lập kế trì hoãn chuyến đi “làm ăn” xa với hy vọng gia đình sẽ đến kịp, đem Trọng về. Trọng giả vờ ôm bụng, thở mạnh, rên khe khẽ. Tiếng réo của Chất từ phòng khách:
– Trọng! Đi mày. Đ.m. trễ rồi đó.
Không nghe tiếng trả lời, Chất bước xuống bếp. Thấy Trọng ôm bụng, cong người, nét mặt nhăn nhó, Chất quát:
– Dở trò gì nữa đó, mày? Đi cho rồi.
Trọng nói dối:
– Tao chưa gọi về nhà được vì bị đau bụng quá, chắc trúng gió.
– Đ.m. tao chưa thấy thằng nào “ba búa” như mày! Tới giờ đi là đi. Chết cũng phải đi! Mày biết “luật” của “băng” này rồi mà.
– Tao đau làm sao tao help tụi này được! Cho tao ở nhà chuyến này đi, Chất.
– Đ.m…đi! Tao bảo đi!
Hơi khiếp trước đôi mắt long lên sòng sọc của Chất, nhưng vì hy vọng rằng gia đình sẽ đến cứu, Trọng đâm liều:
– Tao không đi nổi. Mày không thể ép buộc tao.
– Đ.m. ngon hả?
Dứt lời, Chất xấn tới, tống một đạp vào hông Trọng. Trọng không dám chống cự, chỉ cố né và nói lớn:
– Sao mày đánh tao?
Cả bọn nghe ồn áo, kéo nhau vào bếp, chứng kiến cảnh Chất trừng phạt đàn em. Trọng tuy cao, to, nhưng con nhà lành, không quen đấm đá; và Trọng cũng không dám chống cự vì sợ bị đòn “hội chợ” như Trọng đã chứng kiến nhiều lần. Cứ sau mỗi cú thoi, cú đá, cú đạp của Chất là Trọng cong người chịu trận. Kim – đứa con gái duy nhất trong “băng” của Chất – đã để ý và có cảm tình với Trọng, vội can Chất:
– Thôi, đại ca! Tha cho nó đi.
Muốn lấy lòng Kim, Chất dừng tay, nhìn cả bọn, thị oai:
– Còn đứa nào muốn giở giọng ương ngạnh nữa không?
Im lặng. Chất quay lại, đá ngược, gót giày trúng bên trái vùng ngực của Trọng. Kim thét lên:
– My God! You đá nó chỗ đó nó chết làm sao?
Chất cười ngạo mạn:
– Ha…ha…chết…chết thì thôi! Ai cũng chết, nghĩa lý gì một mạng người!
– Thôi, nó cũng hiền lành, nó “mới” quá, không biết “luật”, you tha nó làm phước.
Chất kéo ghế, ngồi xuống, mắt đỏ ngầu:
– Hùm, làm phước! Làm phước để chi vậy?
– Làm phước để Trời Phật phù hộ mình, you hỏng biết à?
– Ha…ha…ha… Trời Phật phù hộ! Ha…ha…Có Trời, Phật, có Chúa thiệt sao? Ha…ha…
Thấy Chất thay đổi thái độ, cả bọn sợ xanh mặt. Kim che miệng, nói nhỏ với thằng đứng cạnh:
– Chết mẹ rồi! Chả lại lên cơn rồi!
– Ai bảo mày chọc chả làm chi? Mỗi lần lên cơn, chả cứ đem câu chuyện đó ra nói rồi khóc lóc, kể lể, nghe rầu thúi ruột!
Bất ngờ Chất xoay sang Trọng:
– Hey, Trọng! Mày tin có Trời Phật không, mày?
Trọng thấm đòn, đổi giọng lễ phép:
– Dạ, dạ có Trời Phật chứ, đại ca.
– Trời Phật có phù hộ loài người không, mày?
– Dạ, Mẹ em nói có. Ông Bà, Trời Phật phù hộ mình.
– Bà Già mày tin có Ông Bà, Trời Phật vì bà Già mày sống sung sướng, hạnh phúc. Bà Già tao hồi đó cũng tin Trời Phật, nhưng Trời Phật đâu có che chở cho bà Già tao!…
Nói ngang đó Chất khóc ròng. Vì không biết tại sao một tay “cô hồn” như Chất lại có thể khóc, Trọng đưa mắt ngạc nhiên, nhìn cả bọn trong khi Chất vừa khóc vừa kể lể:
– Nếu có Ông Bà, Trời Phật, tai sao Ông Bà, Trời Phật không che chở cho Mẹ tao, để bọn cướp Thái Lan hãm hiếp Mẹ tao rồi giết, vất xác xuống biển? Nếu có Ông Bà, Trời Phật tại sao Ông Bà, Trời Phật không trừng phạt bọn cướp biển mà lại để tụi nó “bề” con em 12 tuổi của tao trước mặt Bố con tao rồi vất xác xuống biển? Bố tao cũng đi lễ, dâng hương, tại sao tụi Việt Cộng cướp đoạt mọi thứ rồi bắt Bố tao đi tù? Đến Thái Lan, sau khi chứng kiến thảm cảnh của vợ con, Bố tao trở nên điên loạn! Bố tao bị nhốt vô nhà thương điên; còn tao côi cút từ bao năm qua…
Nói xong, Chất gục đầu, khóc như trẻ thơ. Kim lấy ly nước từ tủ lạnh, đến cạnh Chất:
– Thôi, đại ca! Uống chút nước mát, you sẽ feel better.
Sau vài ngụm nước, hơi lạnh làm dịu cơn giận, Chất nhìn Trọng:
– Tao khùng quá! Mày chọc giận tao làm chi, hả Trọng?
Chất đưa ly nước về phía Trọng, tiếp:
– Nước mát nè, uống đi, Trọng. Mình là brothers, nghe Trọng.
– Dạ, brothers.
Chất đứng lên, ấn nhẹ Trọng vào ghế:
– Ngồi đi. Mày còn đau bụng không?
Bản chất thật thà, Trọng quên là Trọng đang “đóng kịch”:
– Dạ, đâu có đau gì đâu, đại ca.
Không để ý Trọng nói gì, Chất vói tay lấy ống điện thoại đưa cho Trọng, tiếp:
– Mày muốn gọi về nhà lần nữa trước khi chúng mình đi hay không?
Trọng cầm điện thoại, cảm ơn Chất. Trọng nhấn số điện thoại nhà trong khi cả bọn kéo nhau lên phòng khách. Kim đứng sát vào Trọng, nũng nịu:
You uống nước không, em lấy cho?
Trọng khoát tay ra hiệu cho Kim im, rồi lắng nghe tiếng chuông điện thoại reng từ đầu giây bên kia. Chuông reng, reng hoài. Chờ hoài sốt ruột, Trọng điện thoại đến tiệm của Ba Mẹ. Chuông điện thoại bên kia cũng reng hoài. Trọng gọi Tổng Đài, nhờ xem hai số điện thoại Trọng vừa gọi có gì trục trặc hay không. Chỉ một chốc sau, hãng điện thoại cho biết đường giây okay. Trọng bắt đầu lo. Trọng chớp nhanh mắt, môi mím lại như cố nén sự lo âu. Kim chạy lên phòng khách gọi Chất. Chất đến ngang cửa bếp:
– Có gì vậy Trọng?
– Không hiểu tại sao không ai trả lời cả, Chất ơi!
– Mày gọi số nhà hay số tiệm?
– Cả hai.
– Mày check với operator chưa?
– Rồi!
– Có thể gia đình mày đi vacation chăng?
– Thường thường, nếu Ba Mẹ tao đi vacation thì mướn người làm thế.
– Mày có người quen hay bà con ở cùng thành phố với Ba Mẹ mày không?
Trọng chợt nhớ:
– Ô! Bác tao.
– Gọi Bác mày xem.
– Ông bà Bác tao khó lắm! Ông bà ấy sẽ chửi tao “bể màng nhĩ” luôn!
– Kim! Gọi giùm nó!
Kim nhấn nút điện thoại theo lời Trọng. Giọng đàn bà từ đầu giây bên kia: “Allo.” Kim lễ phép:
– Xin lỗi bà, bà có phải là Bác của anh Trọng không ạ?
– …
– Dạ anh Trọng đang ở cạnh cháu đây.
– …
Cả Trọng và Chất đều giật mình vì tiếng thảng thốt của Kim:
– Ý, Trời! Thiệt sao, Bác?…My God!…
Chất chụp lấy ống nghe trước khi Trọng đủ bình tĩnh để biểu lộ phản ứng. Chất không nói gì, chỉ lắng nghe. Trọng vói tay giành ống nói, Chất hất tay Trọng ra, đáp lời bà Bác của Trọng: “Vâng! Nó về ngay!” Chất vội vàng gác ống điện thoại, quay nhìn Trọng, nghiêm giọng:
– Tao chở mày ra phi trường ngay bây giờ. Tao mua vé máy bay cho mày.
– Gia đình tao làm sao, hả, Chất?
– Mày về đi. Tao nghĩ bà Bác của mày chỉ dọa để mày về thôi. Về bên đó, nếu không có gì thì phone cho tao; tao mua vé máy bay cho mày trở lại đây. Mình là brothers mà, nhớ không?
Trọng gật đầu. Nghe được về, Trọng thầm mừng; nhưng có điều gì bất ổn đè nặng trong lòng, Trọng không cảm thấy vui. Chất tiếp:
– Ghi số điện thoại của bà Bác của mày cho tao. Đưa mày đến phi trường xong, tao gọi bà ấy để bà ấy đón mày.
***
Nhìn những áng mây lơ lững ngoài khung cửa sổ phi cơ, Trọng lại nhớ Ba và nhớ những phi vụ trên vòm trời lửa đạn mà Ba thường kể cho Mẹ – Trọng nghe “ké” – trong những bữa cơm chiều. Ba có lối kể chuyện rất hấp dẫn cho nên hình ảnh các bác, các chú phi công bạn của Ba và hình ảnh Ba in đậm nét trong hồn Trọng. Và Trọng chỉ ước mơ sau này lớn lên sẽ là phi công giống Ba.
Lúc còn bé, Trọng thường được Ba bế ngang bụng, để Trọng nằm sấp trên đôi tay rắn chắc của Ba. Sau khi bảo Trọng giăng thẳng hai tay ra, Ba nhẹ nhàng đưa thân người của Trọng qua lại, lên xuống, giả như phi cơ đang chao lượn rồi Ba hát: “…Ta là đàn chim bay trên cao xanh…Ðôi cánh tung hoành vượt trên mây xanh. Ta là tinh cầu bay trong đêm trăng. Ðây đó hồn nước ơi ! Không Quân Việt Nam lướt trên ngàn mây gió…Ù… u… u… u… u… ú… Ôi phi công danh tiếng muôn đời …”(2) Mẹ, Trọng và các em khoái chí, cười muốn… “bể bụng”!
Nhớ đến Ba là nhớ đến những kỷ niệm thời thơ dại và nhớ đến lời dạy dỗ rất nghiêm khắc của Ba: “Con phải gắng học để làm gương tốt cho các em. Con phải hiểu rằng: Mình không có sức mạnh như Mỹ đen, mình cũng không có sự nhẫn nhục của tụi Mễ để suốt đời làm cu- ly! Vậy thì, con phải học để tiến thân, để thoát ra khỏi sự dốt nát mà Việt Cộng cố tình áp đặt cho con cháu của ‘Ngụy’!” Không thể nào Ba hiểu được nỗi khổ tâm của Trọng! Trọng đã cố gắng hết sức, nhưng bao nhiêu chữ nghĩa Trọng học được từ trước tháng 04 – 1975 tại trường tiểu học Notre Dame des Missions đã bị hao mòn gần hết vì sự nghèo đói triền miên kể từ khi Ba vào tù! Suốt thời gian Ba ở tù Trọng phải đi lượm lon, bươi rác, kiếm đồ phế thải bán để giúp Mẹ nuôi em, có học được chữ nào đâu! Đến Mỹ, Mỹ lại sắp học sinh căn cứ vào số tuổi chứ không căn cứ vào căn bản học vấn thì làm thế nào Trọng học cho nổi! Trọng thương Ba vô cùng, nhưng khi cứ bị Ba la mắng nặng lời hoài thì sự bất mãn trong lòng Trọng cứ tăng lên, tăng lên mãi cho đến khi gặp mấy thằng bạn – cũng thuộc các gia đình từ Việt Nam qua Mỹ có hoàn cảnh khổ nạn tương tự như Trọng – rủ đến mấy quán cà-phê Việt Nam chơi để giải sầu!
Tại những quán cà-phê này, Trọng thấy thanh niên ăn mặc và có cử chỉ trông “ngầu” thật. Trọng bắt chước cách đi với hai tay hơi khuỳnh ra, đôi mắt lừ lừ, nhìn xéo, mặc quần áo loại baggy. Mẹ nhìn Trọng với ánh mắt khó chịu nhưng Ba chưa nói gì. Cho đến hôm Trọng về nhà với mái tóc punk, chỏm tóc phía trước và đuôi tóc phía sau nhuộm màu tím thì Ba cáu tiết lên!
Trọng không thể thấy được sự thay đổi quái dị của mình; cũng như Ba không nghĩ rằng những lời mắng nhiếc thậm tệ của Ba như mái chèo vô hình đưa chiếc thuyền con đến bên dòng thác lũ!
Sau khi đã ra đi, va chạm với đời, Trọng mới hiểu được rằng chỉ có đôi tay của Ba mới bảo bọc được cuộc đời của Trọng; chỉ có trái tim Bồ Tát của Mẹ mới đủ tình thương dành cho Trọng. Trọng tự hứa, từ nay sẽ làm “ca” đêm thay cho Ba; Trọng sẽ cắt xén sân vườn tươm tất cho Mẹ vui lòng; và Trọng sẽ học một nghề nào đó, như sửa xe hơi, sửa TV, tủ lạnh, radio, v.v…
***
Dù Trọng đã lễ phép cúi người, nói: “Dạ, chào Bác!” bà Bác cũng vẫn không nói gì. Trọng thấy rõ sự trách móc trong ánh nhìn của Bác.
Trong lúc Bác lái xe, Trọng nghe Bác thở dài! Những con đường quen thuộc hiện ra trong tầm mắt. Đường này chạy thẳng về nhà; rẽ tay trái sẽ tới tiệm của Ba Mẹ; nhưng tại sao Bác lại rẽ tay phải? Trọng muốn hỏi Bác nhưng mở lời không được! Thỉnh thoảng Bác liếc nhìn Trọng bằng đôi mắt nửa thương hại, nửa trách móc. Xe chạy càng xa Trọng càng cảm thấy hồi hộp, dường như tất cả máu trong cơ thể của Trọng đang dồn cả lên đầu khiến Trọng cảm thấy nhức đầu quá! Xe qua chiếc cầu nhỏ. Dòng sông cạn soi rõ những đụn cát vàng. Hai bên lề đường là vườn thông xanh ngát. Trong ánh nắng chiều, hai hàng thông kết thành những bóng mát êm đềm, lặng lẽ trên những thảm cỏ non. Nơi những thảm cỏ mượt mà ấy, Trọng thấy nhiều hàng Thánh Giá trắng, nằm cách nhau đều đặn. Bất ngờ Bác lên tiếng:
– Tại sao lúc sáng cháu không gọi Bác mà lại bảo bạn của cháu gọi?
– Thưa, cháu sợ hai Bác chửi mắng cháu.
– Cháu có hối hận việc làm của cháu không, Trọng?
Với tất cả lòng thành, Trọng đáp:
– Dạ thưa Bác, có ạ!
– Sự hối hận bao giờ cũng đến sau, đến quá muộn màng!
– Có gì xảy ra cho gia đình cháu không, thưa Bác?
Bác ngạc nhiên, nhìn Trọng:
– Ủa, thế bạn cháu không nói lại với cháu à?
– Dạ không. Chúng nó bảo cháu về nhà sẽ biết.
– Thế cũng hay. Chốc nữa cháu sẽ biết.
Trọng lại rơi vào trạng thái hoang mang, ngờ vực.
Xe quẹo vào vườn thông. Trọng run lên khi thấy hàng chữ “Forest Park Funeral Home”! Những mạch máu trong đầu Trọng căng cứng như muốn vỡ tung! Nhưng trong xa xăm cùng thẳm của sự chối bỏ, nghi ngờ mong manh, Trọng hy vọng rằng Bác chỉ muốn răn đe Trọng một bài học hiếu đạo!
Bước vào ngôi nhà lạ, Trọng nghe tiếng người lao xao hòa với tiếng niệm kinh. Trong sự mơ hồ, chao loạn của thị giác, Trọng thấy nhiều y phục đen và nhiều vành khăn trắng. Có cả hoa nữa! Hoa rực rỡ kết thành nhiều hình dáng khác nhau. Bước chân non dừng lại, nhìn chiếc quan tài màu nâu sậm. Nắp quan tài bên trái để mở. Trọng thấy Ba nằm trong quan tài, trông Ba hiền như Ba đang ngủ! Trọng muốn bước nhanh đến, ôm Ba như ngày Trọng còn bé và nói với Ba: “Ba ơi! Dậy đi, Ba! ‘Phi Công Tý Hon’ của Ba trở về nè!” nhưng Trọng nhấc bước không nổi và có vật gì chèn ngang cổ, Trọng cũng không thể thốt thành lời! Nhìn nửa bên phải của quan tài – được đóng lại – Trọng thấy khung ảnh của Ba để cạnh bình hoa hồng. Trong ảnh Ba hơi mỉm cười – nụ cười đầy tha thứ, bao dung và độ lượng!
Ba đã tha thứ, không la mắng, thế thì tại sao Trọng lại run quá, đứng không vững, mặt nhợt nhạt, tái dần, tái dần! Ai đó dìu Trọng về phía quan tài. Trọng cảm thấy người chàng nhẹ hẫng như đi trong khoảng không, như đi trong hoang vắng hãi hùng! Ba nằm đó, hiền từ ngủ yên, tại sao Mẹ lại vật vã kể lể, khóc than? Hả? Sao lại… thằng Mỹ đen… sáu lon bia… súng nổ? Trọng quỵ xuống, phủ phục cạnh quan tài! Bàn tay của Trọng run rẩy tìm tay Ba. Trọng nắm tay Ba và vịn vào thành quan tài, đứng lên. Trọng nhìn Ba một thoáng rồi gục xuống, ôm Ba…
Ai đó cố gỡ tay của Trọng ra khỏi thân xác của Ba; nhưng niềm hối hận đã dâng đầy, nặng chĩu trong tim, tràn lấp đôi mi khiến cho thân người của Trọng cứ gục xuống… gục xuống mãi… trong dòng suối ăn năn!…

Điệp Mỹ Linh


1. Nhớ Nha Trang của Minh Kỳ
2. Không Quân Việt Nam hành khúc của Văn Cao