10 November 2015

NGÀY XƯA SĂN HEO RỪNG LÁCH - Nguyễn Đình Hoành

Sáng hôm ấy một ngày đầu tháng giêng âm lịch, mặt trời vừa ló ra khỏi đầu núi Hòn Đuốc, sương mù còn đổ dày đặc, trong xóm lưa thưa vài tiếng gà gáy muộn. Bỗng hồi còi sừng trâu ở bên nhà ông Phó Dương khàn khàn nổi lên: “Tù tù túc tục tục  tù…”, ông Phó thổi còi rủ bà con làng Bình An đi săn. Không bao lâu, mười hai người trai tráng hăm hở vác mác cầm rựa vội vàng đến sân nhà ông. Một nồi cơm không, đổ đầy suốt cái máng dài ở nhà ngang, chục con muông săn nhà ông Phó đua nhau ăn vội vả. Ở hiên nhà trên, ông và người con trai trưởng, ông Hương Tam, ngồi chồm hổm hút thuốc; thấy bà con đến đông, ông vui vẻ kể:
 - Chiều qua trời mưa to, sáng sớm ni cha con tôi vô thăm rẫy khoai, tới vạt sắn ở đầu nà ông Cận, hởi ôi, nhiều cây ngã ngang nằm la liệt; lại gần xem, té ra heo rừng tối vừa rồi tới ủi sắn trốc củ ăn phá. Lần theo dấu chân, biết heo từ Rừng Lách tới, ăn xong xuống sông uống nước rồi trở lên rừng, dấu chân heo đi còn mới rợi… Ông đang nói bỗng nhiên im bặt. Tiếng mấy con mang ở đâu phía rừng Lách kêu lên thảng thốt, ‘tốat tốat tốat…’. Ông Phó mặt mày rạng rỡ, liền nói, chắc chắn heo rừng đang ở trong Rừng Lách; bà con nghe không, chúng đuổi mấy con mang ở trong nớ, khiến mang sợ kêu hoảng hốt. Ta mau chuẩn bị đi hè hụi cho kịp. Trong lúc cha con ông Phó cùng vài người đứng tuổi ngồi bàn bạc cách thức buổi săn. Bà con còn lại, mấy người đem giàn lưới săn trải ra sân, nhanh chóng rà soát sửa sang vá lại những mặt võng lưới bị rách toạt, đem những khoen lưới dự phòng thay vào những chỗ bị đứt, rồi, họ kéo dây chiêng đánh xoăn bằng những sợi đay to như hai đầu ngón tay cái, luồn vào tất cả các khoen lưới, xong, cuốn lưới lại thành thớt, lấy cây đày bằng gỗ mun nhọn hai đầu, xỏ vào giữa thớt lưới, sẳn sàng cho hai người khỏe mạnh khiêng. Mấy người khác chẻ lạt tre, cột bốn cây cọc chống lưới, ít con rựa và mười hai con mác thành mấy bó. Sắm sửa xong xuôi, mọi người hăng hái lên đường.

Ông Phó Dương vai mang còi săn đi đầu, theo sau là Hương Tam dẫn bầy muông, và cuối cùng là mười hai bà con thợ săn. Họ, bầu đoàn đi dọc men theo bờ vườn ông Năm Huệ, vào thẳng Gò Vừng ông Bát, xuống nà ông Cận, rồi trực chỉ lên đuôi Rừng Lách. Ai nấy đi lặng lẽ, tránh nghe tiếng động. Họ dừng lại ở đuôi rừng, chỉ có ông Phó và hai người khiêng giàn lưới men theo mé rừng, phía giáp bờ sông Tiên, đi vòng lên đầu rừng gần con suối Hữu Lâm. Ba người xổ lưới rộng  hơn trăm rưởi thước, giăng ngang giữa đầu rừng, chận ngay con đường mòn heo rừng thường qua lại, họ lấy bốn cọc săn chống đều ở khoảng giữa giàn lưới, kéo mí trên hai đầu lưới chập sát mí dưới, dùng cọc tre đóng giữ chặt các mí lưới sát đất. Giăng lưới xong, họ chặt cây lá lau lách phủ che, dấu lưới, và làm cho mỗi người một uẩn núp, gần đường mòn trước hai khóe lưới. Giàn lưới được giăng xong, Hương Tam liền thả bầy muông cắt rừng lùng sục con mồi; bà con thợ săn tay cầm mác rãi rộng ra, theo sát muông.
Rừng Lách là khu rừng rộng thuộc xã Phước Kỳ, huyện Tiên Phước. Tên rừng Lách, cứ ngỡ rừng mọc toàn lau lách, nhưng thực ra ở đây là khu rừng rậm mọc nhiều loại cây cối, chen lấn đủ loại gai góc cỏ tranh, trong đó lau lách rất nhiều, mọc thành đám thành bụi thành bờ. Vài vùng giữa rừng mọc toàn cây ran, cây săn, cây lẹt bét, cây chùm ruột…, dân làng chia phần làm rẫy chặt củi. Ở triền đồi phía giáp với hai bàu Sấu Trên và Sấu Dưới là những đồi sim, đồi ổi, rẩy chà là, rẩy chằm tơi…Dọc theo bìa rừng ngõ giáp bờ sông Tiên, hàng hàng cây nánh cao to bề thế, chen lẫn những cây hoa gạo đỏ chót vót, đứng soi mình trên giòng nước sông trong vắt. Những mùa gió nổi, từ lưng chừng triền núi Hòn Đuốc nhìn xuống, Rừng Lách tựa như một biển hồ, sóng lá cuồn cuộn nhấp nhô bềnh bồng.
Từ sáng khi mặt trời mọc chừng đòn gánh đến nửa buổi mai, mở cày, đội săn cùng bầy muông lùng sục mãi mới tiến được non một phần khu rừng phía dưới, thế mà bầy muông le lưỡi, người mồ hôi ra ướt áo bết tóc. Rừng Lách vẫn vắng bặt tiếng heo kêu, tiếng heo chạy, chỉ có người và bầy muông luồn lách làm cây cỏ xao động, lá khô dưới đất lào xào. Người và chó đều thấm mệt nhưng vẫn hăng say săn tìm. Bầy muông càng lúc càng dang rộng ra, con nào con nấy lăng xăng chạy tới chạy lui chạy qua chạy lại, nhiều khi chúng lấy hai chân trước bươi vạch những bụi lách bụi lau bụi gai rậm rạp, cố chui vô trong, mắt mở thao láo, mũi hĩnh lên tóp lại nở ra liên hồi, cố tìm kiếm đánh hơi thú rừng. Người người luôn theo sát muông, dùng mác, dùng rựa chặt phát bụi bờ hổ trợ muông săn.                  
Ông Phó và hai người canh ở hai khóe lưới, ngồi trong ba cụm dù u, chờ lâu ê đít mỏi lưng, chẳng nghe tiếng chó sủa, tiếng người la hét hè hụi. Ở không, họ đâm ra thèm rít vài hơi thuốt rê, bèn len lén đi xuống bờ sông, đứng dựa vào hốc đá ghềnh, đốt thuốc, hút xong, đã thèm. Một người nhỏ nhẹ lên tiếng:                                     
- Răng bữa ni, ngó vắng tanh rứa ông Phó hè? Ông Phó thật ra trong lòng chẳng mấy vui, nhưng ông nói như để trấn an:
- Những buổi săn mà khởi đầu ngó hiu quạnh như ri, lại may mắn về hậu về sau, đâm được heo to. Hơn nữa, hôm ni đầu tháng giêng nhằm ngày tuất là ngày thọ tử, tốt cho ta săn bắt con rừng. Thôi, ta về lại giàn lưới cho mau.
Ở bờ bàu Sấu Trên, bên ni Rừng Lách, nhiều người, già có, trẻ có ngồi ngong ngóng dõi xem buổi săn heo. Chờ lâu thấy thợ săn, muông săn chẳng gặp được con mồi, nên có kẻ bàn ra người tán vào. Bọn con nít choi choi, có đứa thì thầm chê bai đội săn ông Phó:                                                                                                                      
-Bầu đoàn muông sói đông đảo, xí xăng xí xái, làm rùm beng, mà sáng giờ chẳng nghe tiếng muông đánh, chẳng được tiếng người hè hụi, coi bộ trất huớ, ngó buổi săn mất mùa. Trên bầu trời, ở khoản giữa rừng, chim ưng vài ba con bay lượn. Có cụ già ngước lên, nhìn thấy, chỉ tay, nói:                                                                                          
- Kìa, xem nào, mấy con chim vần vủ, chúng đã đánh hơi được mùi heo rừng. ông Phó hôm ni đâm được heo là cái chắc. Mọi người già trẻ lại một phen nán lại ngồi chờ, xem.
 Có tiếng chó đánh chỗ đám lách, hoắch hoắch… Bầy muông nhảy dựng đứng, bương bả chạy lại nơi con muông vừa sủa, bà con thợ săn ai nấy cầm chặc cán mác chạy theo sát bầy chó. Tới nơi cả người lẫn bầy muông đều ngơ ngác. Con muông sủa hoảng, chẳng có heo rừng nào quanh quất đâu đó. Hương Tam chủ chó tức cành hông, trở ngược cán mác nện mạnh vào hông con chó mất nết sủa bậy mấy phát, nó đau đớn lăn tròn trên đất nhưng không giám kêu rên. Bầy muông vội dạt ra, tiếp tục chạy xăng xái lùng sục đánh hơi con mồi. Thợ săn vội vàng theo chó.  
Mặt trời đứng đầu, giữa trưa. Đầu tháng giêng, mùa xuân hãy còn sớm, trời nắng hanh hanh mát mát dìu dịu. Đã lâu không gặp con mồi, bầy muông bớt hăng say, chúng chạy chạy, lúc nhanh lúc chậm, khi chửng chửng khi vội vội; toán thợ săn săn cầm lơi gọng mác lặng lẽ theo chó. Đột nhiên cả Rừng Lách im vắng. Cả người lẫn muông khựng lại, tất cả mắt chăm chăm nhìn về phía trước, chờ đợi. Con chó ngao mình tam thể, chân ba móng đeo, nó là con muông đầu đàn; đang nằm ép sát đất, mũi nó hít hít liên hồi, tai vễnh cao, mắt chăm chăm ngó về phía đám lách rậm rạp cao nghều ở phía trước xa. Thình lình nó vùng đứng dậy, ngoảnh đầu nhìn về phía sau, sủa mấy tiếng hoắch hoắch, rồi lập tức cắm đầu chạy vụt tới trước. Bầy muông chạy theo con ngao.
Tất cả, chúng nôn nã vây chặt đám lách cao rậm, chấu đầu vào bên trong đánh sủa dậy rừng. Bà con thợ săn, một số chạy theo sát bầy muông, số còn lại nhanh chóng tẻ ra hai mé hông rừng Lách, đứng chực sẳn, tay cầm chặt cán mác, mặt hướng về phía trong rừng, canh chừng. Như có luồng gió thổi qua thổi lại, đám lách lay động nghiêng ngữa, từ bên trong nổi lên tiếng: ‘ịt ịt…ẹt ẹt…’. Bầy muông vây sát nút, vừa chạy vòng quanh, vừa châu đầu vào trong sủa vang. Mọi người cầm mác phát đập. Tiếng người hè hụi, gọi chó, xít chó, la chói nhỏi vang dậy, khiến bầy muông thêm hăng say. Con muông đầu đàn cùng vài con nữa, lấy hai chân trước bươi vạch bụi lách lia lịa, có lối, cả bầy muông chạy thọt được vào trong.

Hai con heo rừng to hơn hai con gấu một, mình đen trui trủi, chạy vòng vòng sâu phía trong bụi lách. Bị bầy muông vây khốn, chúng liều mạng đánh chó tìm đường chạy thoát. Bầy chó khôn ngoan, dựa vào thế đông, chúng hăng tiết cùng xông vào vây kín hai con rừng. Bạn săn ở vòng ngoài cầm mác phát chặt bụi bờ, để tiến vào gần heo. Bầy muông tách ra làm hai nhóm vây chặt hai con mồi. Con heo đực cặp mắt đỏ ngầu trợn trừng bầy chó. Thình lình con chó ngao đầu đàn nhảy thót một phát, miệng cắn được tai con heo đực ghì cứng. Được thế, bầy muông hăng tiết xông vào, bám sát hai con rừng, con cắn được đuôi heo trì chắc, mấy con táp vào mông vào bụng chúng liên hồi. Cả hai con heo xoay trở cuống cuồng, miệng kêu hồ hộc. Tiếng chó đánh, tiếng người hè hụi phát đập vang dậy. Bốn bên tứ bề đều bị muông, người vây hãm; hai con rừng túng đường chạy thoát, chúng quyết đánh trả. Heo đực dữ dằn chồm lên, rùng mình lắc mạnh. Bầy muông cố bám riết kéo heo xuống. Thình lình con đực kêu lên hai tiếng, hộộc hộộc, điên tiết  nhảy dựng đứng lên, vùng mạnh. Mấy con muông đang bám cắn xé nó, liền rớt xuống đất. Nó lập tức đâm đầu vào lũ muông, nhe răng nanh trắng hướu, xầng tóc gáy, tai húc điên cuồng. Có con muông bị rách hông, gãy sườn, chảy máu, nằm vật vả, rên ư ử. Thấy có chó bị hại, hai con rừng say máu càng hung hăng tai húc cắn muông dữ dội. Bầy muông đành chịu dạt ra. Con heo đực lanh như cắt, phóng vụt ra khỏi đám lách, chạy dông; năm con muông vội tách bầy đuổi theo heo. Hương Tam cùng ba bạn săn cầm ngang cán mác, gấp rút chạy bám theo muông. Ở hai bìa rừng, mấy người cầm mác phát đập cây cối bụi bờ rầm rập, miệng la hét hè hụi inh tai. Con heo cái không chạy thoát được ra khỏi bụi lách, bị bốn con muông vây khốn. Yếu thế, nó đành chạy thụt lui, chui đít thọt được vào giữa bụi gai bàn lồ rậm rạp tiếp giáp với bụi lách, đưa đầu ra tai húc chống đỡ lũ muông. Thợ săn thấy heo cái chịu chó, ai nấy mừng rơn. Họ liền xúm lại, kẻ dùng rựa chặt, người cầm mác phát gai góc. Trống chỗ, bầy muông liền rúc vào vây hảm heo. Chúng phủ lại, con cắn tai, con cắn đuôi cắn mông cắn bụng…. Có mấy con nhảy thót lên được lưng, nhe răng cắn rứt mình mẩy heo, chỗ nào răng chó bấu được thấu da, chúng giữ chặt, lấy đầu lắc qua lắc lại, hai chân sau nhảy lên đạp xuống bưng bưng. Con heo đau đớn, xoay đỡ yếu ớt, miệng kêu hồ hộc. Bị gai đâm, bị chó cắn nát mình mẩy, con heo cái không còn sức, nó xoay đỡ yếu ớt, rồi xiêu xiêu ngã nghiêng, nằm chịu trận.
Một người tới sát heo, anh ta đưa cao cây mác, đâm một nhác ngay dưới nách heo, hai người còn lại lần lượt bồi thêm hai nhát nữa. Con heo cái kêu lên mấy tiếng, mắt trợn trừng nhìn bọn thợ săn, rồi rùng mình, nằm ngay đơ. Ở hai khoé mắt nó có mấy giọt nước mắt giọt ra. Bạn thợ săn dùng giây rừng trói chặc cẳng heo, để nằm tại chỗ, rồi liền dẫn bốn con muông chạy xuống đuôi rừng, cho chúng cắt rừng đuổi lên. Hai bên bìa rừng dậy lên tiếng người đập đuổi, trong rừng tiếng muông đánh sủa, tiếng người la hét hè hụi vang dậy, bầy muông nhanh như chớp, lúc ẩn lúc hiện vây đuổi ráo riết con mồi. Con heo đực cắm đầu chạy thục mạng tới giữa rừng, gặp đường lối, con đường quen thuộc. Chỉ có phía trên Rừng Lách vắng tiếng người tiếng chó. Nó theo đường mòn chạy nhanh lên phía đầu rừng; nhưng hai bên đường nơi nó vừa chạy tới, hai tiếng thét điếc tai dậy lên, con heo rừng giựt mình khiếp vía, phóng như mũi tên về phía trước. Hởi ôi, nó đụng nhằm lưới. Giây chiêng tuột khỏi cột chống, lưới chụp xuống phủ heo, nó cố sức vùng vẫy, chạy tới chạy lui, kiếm đường thoát ra, nhưng càng lúc nó bị giàn lưới càng quấn chặt như nằm trong rọ. Lập tức từ trong ụ núp, ông Phó Dương cùng hai người giữ khóe lưới nhảy xỗ ra, chạy nhanh tới chỗ con heo đực, ông Phó lẹ làng, rùn người xuống, đứng tấn, hai tay đưa cao ngọn mác, nhanh như cắt ông đâm một giáo trúng ngay sườn ba dưới nách heo. Hai người kia lần lượt bồi thêm hai giáo nữa. Con heo đực vùng dẫy một lúc, miệng hộc lên mấy tiếng, rùng mình, nằm ngay đơ, cặp mắt đứng tròng mở thao láo, hai bên khóe mắt mấy giọt nước mắt nhỏ ra.

Săn được hai con heo rừng đen trui trủi, mỗi con nặng cả trăm ký lô. Ông Phó hớn hở cầm còi, phồng mang trợn mắt, thổi hai hồi dài. Thợ săn và bầy muông, tất cả, ngưng săn đuổi, và cả làng Bình An ai nấy đều rõ bầu đoàn buổi săn trúng được hai con rừng. Tám người thợ săn thay phiên nhau khiêng hai con heo về sân nhà ông Phó. Hai người ra cây rơm ở vạt quế trước ngõ, rút hai bó rơm lớn, nhóm hai đống lữa, bốn người khiêng heo, thui cho cháy lông, xong đặt heo nằm trên hai cái nong, tưới nước sôi, dùng dao tre cạo hết lông còn sót, khi sạch lông họ dùng dao phay mỗ thịt chia phần: Bốn cái đùi, bốn cái vai, sau khi cắt ra hai miếng thịt vừa vừa cở bốn ngón tay để thưởng cho hai người đâm giáo ba, số còn lại đem chia cho chủ lưới, chủ chó và bà con thợ săn. Những người có công đặc biệt được hưởng thêm một phần heo nữa, như người đâm giáo nhứt ăn cái nọng heo, kẻ đâm giáo nhì hưởng cái thăn, ai đâm giáo ba ăn thêm miếng thịt, người khiêng giàn lưới ăn một cái xương vai, còn hai bộ xương heo kỉnh cho hai cha con ông Phó chủ bầy muông và giàn lưới. Mấy đứa con nít choi choi phụ họa buổi săn, chúng ráng gân cổ la hét hè hụi, đuổi hôi, cũng được hưởng phần, một miếng da bụng lơn lớn bằng ba ngón tay, lại được ăn cháo thịt lòng cùng chủ săn và bà con thợ săn.
Thịt heo rừng rất mau ươn, nên khi nhận phần xong, ai nấy nôn nã đem thịt về nhà, nấu một nồi canh với lá lốt. Hôm ấy nhà họ ăn cơm tối có canh thịt rừng ngon ngọt bùi bùi, mềm mát, thơm lừng. Đôi nhà khó khăn, họ trích ra một phần thịt rừng, xỏ xâu đùm lá chối, xách xuống chợ quận bán cho bà con bạn chợ, kiếm thêm chút tiền tiêu dùng.  Sau khi đem thịt về, bà con thợ săn trở lại ngay sân nhà ông Phó…. Họ xúm nhau nấu cháo lòng, luộc heo. Hai mâm cổ bàn dọn đầy đủ đầu đuôi gan lòng, một mâm cúng tổ săn, mâm kia cúng chúa sơn lâm tức cúng ông hổ, ông cọp.
Ông Phó mình mặc áo dài lương, đầu đội khăn đóng tam đoạn, thắp huơng cúng tạ; sau đó, thợ săn lần lượt đứng trước cổ bàn chắp tay vái lạy. Lễ tạ xong. Cháo lòng thịt heo dọn bày la liệt trên hai cái nong đặt giữa sân, mọi người ngồi chồm hổm vòng quanh, ăn uống cười nói rôm rả. Ăn xong họ thong thả ra về.
Ngày nay Rừng Lách không còn nữa. Đất rừng đã mấy lần  biến cải. Lần đầu người ta khai hoang rừng, lấy đất làm lâm trường, sau đó biến thành nông trường trồng tiêu và điều xuất khẩu, bây giờ trở thành khu dân cư có con đường tỉnh lộ xuyên qua. Những buổi săn heo Rừng Lách của đàn ông trai tráng làng Bình An ngày trước, cũng theo mệnh số  của rừng, mai một đã lâu rồi .


 Thành phố Nữu Ước,  ngày 1 tháng 9 năm 2015
 NGUYỄN ĐÌNH HOÀNH